Những điều gì không được nói tới trong bản thông cáo chung Việt-Mỹ?
2005.06.22
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam đã diễn ra tại Washington hôm thứ Ba. Bản thông cáo chung được phổ biến sau đó có một số điểm được dư luận chú ý.
Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa phái viên Lê Dân của chúng tôi với giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên là cựu Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á SEARAC và là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins, Washington, D.C.
Ông là tác giả của nhiều bài viết về vấn đề tị nạn và về quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và Việt Nam.
Những điểm nổi bật
Lê Dân: Thưa giáo sư, bản thông cáo chung Việt-Mỹ vừa rồi có những điểm nào nổi bật?
GS. Lê Xuân Khoa: Bản thông cáo chung đó có vài điểm mà tôi cho là đáng chú ý nhất. Thứ nhất là hai nhà lãnh đạo của hai nước đã xác nhận chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về vấn đề hòa bình, phát triển và an ninh trong khu vực Đông Nam Á, cũng như là trong toàn vùng Á châu-Thái Bình Dương.
Từ những quan tâm chung đó, hai bên đã đồng ý nâng quan hệ song phương lên một tầm cao hơn, tức là qua những mối hợp tác trên nhiều lãnh vực khác nhau, chứ không chỉ hạn chế trong một số lãnh vực trước đây như là vấn đề thương mại hay phòng chống bệnh AIDS, mà bây giờ mở ra gần như là tất cả các lãnh vực khác, kể cả lãnh vực quốc phòng, dù chỉ nói một câu rất nhẹ chứ không nói sâu.
Đặc biệt là trong bản tuyên bố chung này thì chúng ta thấy là bên Hoa Kỳ đã chấp nhận dùng một ngôn ngữ của bên Việt Nam mà chúng ta thấy thường nhắc đến nhiều nhất. Tức là nói rằng hợp tác trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và hai bên đều có lợi. Đấy là cái "điệp khúc" mà bên Việt Nam thường nhắc đi, nhắc lại, mà bây giờ phía Mỹ cũng chấp nhận dùng cái "language" của Việt Nam.
Vấn đề trao đổi văn hóa và giáo dục
Bạn nghĩ gì về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Khải? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Lê Dân: Thưa giáo sư, ngoài hình thức và ngôn từ bên ngoài, bản thông cáo chung có chứa đựng điều gì đáng quan tâm khác hay không?
GS. Lê Xuân Khoa: Điểm đáng chú ý hơn nữa là có thêm một số lãnh vực, mà trước đây cũng có nhưng không nhấn mạnh. Đặc biệt là nhấn mạnh vào vai trò của một tổ chức, tức là vấn đề về trao đổi văn hóa và giáo dục, thông qua vai trò của tổ chức Vietnam Education Foundation, tức là Quỹ Giáo dục Việt-Mỹ do Quốc hội Mỹ thành lập cách đây khoảng 3 năm. Điều đó cho thấy sứ mệnh của VEF sắp thay đổi, nếu tôi không nhầm.
Bởi vì khi nói rằng là trao đổi văn hóa-giáo dục qua VEF, tức là những giới hạn trong mission của nó, cái nhiệm vụ của nó từ trước tới nay chỉ có kỹ thuật, khoa học-kỹ thuật mà thôi, không có đi đến vấn đề khoa học-nhân văn. Mà bây giờ nói là trao đổi văn hóa-giáo dục qua cái đó thì tôi thấy rằng nhiệm vụ của nó sẽ đi qua cả khoa học-nhân văn, tức là sẽ mở thêm rộng ra và nâng lên một tầng cao hơn như đã nói.
Những điều không được công khai nói tới...
Lê Dân: Thưa giáo sư, người Mỹ vẫn có ngạn ngữ là "read between the lines", tức đọc những điều không được công khai nói tới, vậy bản thông cáo chung này có chứa đựng điều gì khác, không được viết ra không?
GS. Lê Xuân Khoa: Chúng ta phải chú ý hơn nữa, tức là ngoài những điều đã được phát biểu ra trong bản tuyên bố chung, thì tôi thấy có những điều không được phát biểu ra mà chúng ta cũng nên chú ý đến.
Không phát biểu ra, hay chỉ rất ít, như vấn đề nhân quyền, vấn đề dân chủ, vấn đề quốc phòng. Tôi đã đọc kỹ bản thông cáo chung, không thấy chỗ nào nói đến vấn đề dân chủ, mà chỉ có nói đến vấn đề nhân quyền, vấn đề tôn giáo, nhưng cũng lại nói một cách rất nhẹ thôi, chứ không nói gì nhiều. Thế nhưng cái đáng chú ý là "hai bên đồng ý là sẽ tăng cường việc thảo luận tiếp những vấn đề tồn tại, những nỗ lực để giải quyết các tồn đọng.
...chỉ thảo luận ở bên trong và riêng biệt
Lê Dân: Thưa giáo sư, nói một cách cụ thể thì đó là những vấn đề gì?
GS. Lê Xuân Khoa: Tôi cho là hai bên có thảo luận về vấn đề dân chủ, có thảo luận về vấn đề nhân quyền, có thảo luận về vấn đề quốc phòng, vấn đề quân sự, nhưng không nói ra vì những điểm hết sức tế nhị, nên chỉ nói phớt đi thôi.
Tôi thấy rằng vấn đề dân chủ với nhân quyền có lẽ là...tôi nghĩ là, nếu đặt mình vào phía Việt Nam thì cũng chắc là phải vận động với phía bên Mỹ rằng chúng tôi đồng ý thảo luận những cái đó, nhưng xin đừng nói ra. Đấy là cái chuyện Việt Nam có lẽ cảm thấy bị mất mặt nếu nói nhiều đến những vấn đề đó, cho nên thảo luận bên trong nhiều hơn. Cho nên nói tới những vấn đề tồn đọng, chúng ta phải hiểu như vậy.
Cũng như quốc phòng, không chỉ là vấn đề giữa hai bên, mà còn bên thứ ba, như Trung Quốc, cho nên nó cũng rất tế nhị cho hai bên nếu đề cập tới vấn đề quốc phòng mà không muốn đụng chạm đến ông Trung Quốc, nên tôi nghĩ là cũng chỉ thảo luận bên trong và riêng biệt với nhau thôi, chứ không nói ra.
Tôi cho đấy mới là cái quan trọng, bởi vì trong bản tuyên bố có đề cập, có nhắc đến chữ đó, nhưng không nói đến nội dung. Đấy là những cảm nghĩ của tôi về bản tuyên bố đó.
Lê Dân: Xin cám ơn giáo sư Lê Xuân Khoa đã giành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.
Những bài liên quan
- Kết quả ngày làm việc đầu tiên của Thủ tướng Khải tại Washington
- Trên 300 người thuộc 4 nhóm sắc tộc biểu tình nhân dịp Thủ tướng Khải có mặt tại Washington
- Tường trình diễn đàn dành cho doanh nghiệp Việt Nam ở toà nhà Ronald Reagan
- Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
- Nguyên văn cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải tại Nhà Trắng
- Chính sách mới ưu đãi Việt Kiều về nước làm ăn
- Tường trình cuộc biểu tình trước Toà Bạch Ốc trong ngày Tổng thống Bush gặp gỡ Thủ tướng Khải
- Nhân quyền phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải
- Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải
- Cộng đồng người Việt ở Seattle mạnh mẽ phản đối chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải
- Ý kiến của một nữ kỹ sư trẻ về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Khải
- Cuộc họp báo của Thủ tướng Khải tại Seattle đã phải chấm dứt sau khi ông bị cáo buộc là người nói dối
- Những suy nghĩ của người dân trong nước về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Khải
- Nội dung chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải
- Phỏng vấn ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc tiếp thị của Microsoft tại Việt Nam