Ðời sống của những người phụ nữ ở Quata
2006.12.17
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Một trong những hình ảnh mà tất cả du khách đến Trung Đông không thể quên là hình ảnh của những phụ nữ đeo mạng che kín mặt. Từ thủ đô DOHA của vương quốc nhỏ bé Quata, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi về bản tường trình nói về chuyện phụ nữ đeo mạng ở Trung Đông như sau.
Trung Đông, xứ sở của những nước nhiều tiền vì những mỏ dầu hầu như chẳng bao giờ cạn. Trung Đông, xứ sở của những nước Hồi Giáo từ bao năm qua luôn luôn mang nhiều bí ẩn. Trung Đông xứ sở của những người phụ nữ với mái tóc dài đen mượt, với cặp mắt tuyệt đẹp và u buồn được dấu dưới những tấm khăn choàng mầu đen che kín mặt. Trung Đông, vùng đất đầy bí ẩn đó cộng với chiếc mạng mầu đen che kín khuôn mặt và thân thể của người đàn bà lại trở thành bí ẩn hơn.
Tôi gặp Noor rất tình cờ. Cùng với anh bạn nhà báo Aung Thu người Myanmar từ Trung Tâm Báo Chí ASIAN 2006 DOHA đi ra, cả hai cùng đứng ngẩn người khi thấy cô bước vào. Chiếc mạng mầu đen rất truyền thống của người theo đạo Hồi vẫn không che dấu được đôi mắt thật đẹp và thật quyến rũ những anh nhà báo xa nhà và có tính hiếu kỳ như chúng tôi.
Aung Thu bảo tôi tìm cách làm quen, và không ngờ, cô rất vui tính, cho biết sẵn sàng trả lời tất cả mọi điều chúng tôi muốn biết về đời sống của những người phụ nữ ở vùng đất mà từ xưa đã được cả thế giới coi là đầy bí ẩn này.
Sinh trưởng và lớn lên ở Qatar, cô thiếu nữ 26 tuổi mà tôi vừa quen bảo cô "chỉ là một người phụ nữ bình thường như hàng triệu phụ nữ khác" mà chúng ta có thể gặp ở mọi nơi trong vùng đất đặc biệt này, bất kể đó là xứ Ba Tư của câu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, là Dubai với những toà nhà chọc trời ghi đậm văn hóa Mỹ, là Vương Quốc Jordan với vị vua thích đi xe gắn máy Harley Davidson hơn đi xe hơi, là thành phố Kuwait của quốc gia mang cùng tên, hay ở thủ đô DOHA của Qatar mà tôi đang có mặt.
Noor là cô con gái đầu lòng của ông Phụ Tá Bộ Trưởng Bộ Dầu Hỏa. Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, về nước được cha cho tiền mở một công ty chuyên thiết kế xây dựng. Rời nhà thì lên xe có tài xế riêng, bước xuống xe đã có cô người hầu chực sẵn. Nói tiếng Anh như một người Anh chính gốc, nhưng khi ra đường, cô vẫn không rời chiếc mạng mầu đen che kín mặt.
Em che mạng vì em muốn như thế, chứ đâu có luật lệ nào bắt buộc đâu. Tuần trước nếu anh gặp em, anh sẽ thấy em không đeo mạng, nhưng tuần này thì khác, vì DOHA có đông du khách quá, em lại không muốn người khác thấy mình. Anh thấy ở DOHA này có những phụ nữ che mạng như em, có người không, và chắc anh cũng thấy có những người mặc quần jean khi đi ra ngoài. Đâu phải cứ là phụ nữ Hồi Giáo là phải che kín cả mặt lại.
“Em che mạng vì em muốn như thế, chứ đâu có luật lệ nào bắt buộc đâu. Tuần trước nếu anh gặp em, anh sẽ thấy em không đeo mạng, nhưng tuần này thì khác, vì DOHA có đông du khách quá, em lại không muốn người khác thấy mình. Anh thấy ở DOHA này có những phụ nữ che mạng như em, có người không, và chắc anh cũng thấy có những người mặc quần jean khi đi ra ngoài. Đâu phải cứ là phụ nữ Hồi Giáo là phải che kín cả mặt lại.”
Noor nói tiếp: “Luật lệ Hồi Giáo quy định người phụ nữ phải che mái tóc, chứ không bắt buộc phải che cả mặt. Nếu đọc Qur'an anh sẽ thấy có những quy định về trang phục cho cả nam lẫn nữ, chứ không phải chỉ cho phái nữ như nhiều người thường nghĩ. Qur'an cũng dạy là mái tóc của phụ nữ là nét quyến rũ nhất, nên người phụ nữ Hồi Giáo cần phải che mái tóc của mình lại.”
Dưới chiếc mạng che mặt và chiếc áo dài màu đen truyền thống của người phụ nữ Hồi Giáo là gì? Noor bảo với tôi là đừng quên, phụ nữ nước nào cũng thế, thích chưng diện, thích làm đẹp và thích… mua sắm. Cô kể mỗi sáng trước khi ra đường, bao giờ cũng dành khoảng mười lăm phút đồng hồ để trang điểm. Cũng kẻ mắt, cũng đánh một lớp phấn mỏng trên má, một tí son trên môi, và cũng xức nước hoa.
Cô nói rõ nước hoa ở đây không phải là Channel, cũng chẳng phải là Lancome, mà là loại nước hoa đặc biệt mà phụ nữ Trung Đông rất yêu chuộng. Có thể đối với người khác thì loại nước hoa này khá "nồng", nhưng theo lời Noor nói với tôi thì nước hoa người phụ nữ Ả Rập xức có một mùi thơm rất đặc biệt, đặc biệt đến độ cả tiếng đồng hồ sau khi người phụ nữ đã rời phòng, khách vẫn còn ngửi thấy và biết ngay có người phụ nữ Trung Đông hiện diện ở đây trước mình.
Cô bạn trẻ người Qatar nói tiếp: “Không có luật lệ nào cấm đoán phụ nữ chúng em cả. Giả sử nếu em muốn mua áo tắm bikini, em cũng được quyền mua chưa không ai ngăn cấm em hết. Ở nước này, không có luật lệ giới hạn phụ nữ phải làm thế này, phải làm thế khác như thế giới Tây Phương thường nghĩ.”
Noor đã đính hôn với một thanh niên Ả Rập, và sang năm sẽ làm đám cưới. Tôi hỏi rằng hình như luật lệ Hồi Giáo cho phép người đàn ông được quyền lấy tới 4 người vợ, và như vậy, cô bạn trẻ nghĩ gì về chuyện phải san sẻ tình yêu của chồng cho người khác. Cô trả lời:
“Hôn phu của em không phải là người Qatar. Anh ấy rất cởi mở, cấp tiến. Chồng tương lai của em chẳng quan tâm đến chuyện em có đeo mạng che mặt hay không. Điều duy nhất anh ấy làm là đóng góp ý kiến với em, và không bao giờ chúng em làm một chuyện quan trọng mà không hỏi ý kiến của nhau.”
Cô giải thích thêm rằng trên nguyên tắc, quả thật đàn ông Hồi Giáo được quyền có tới 4 vợ, nhưng đừng quên rằng Qur'an có ghi rõ lời của Đấng Tiên Tri Muhammad về điều này.
Điều Đấng Mohammad đã nói có thể tóm tắt như sau: thông thường trong xã hội, phụ nũ góa bụa và thiếu nữ mồ côi là hai thành phần bị thiệt thòi nhiều nhất, và để giúp cho những ngyưoì không may cũng như để giúp làm nhẹ bớt trách nhiệm của xã hội, đàn ông được quyền lấy họ về làm vợ thứ nhưng phải đi kèm với lời cam kết yêu thương những người vợ của mình đồng đều, các bà vợ đều có quyền như nhau, chứ không phải bà vợ lẽ sẽ được chồng yêu nhiều hơn, bà vợ lớn nắm quyền quyết định mọi chuyện trong gia đình.
Hôn phu của em không phải là người Qatar. Anh ấy rất cởi mở, cấp tiến. Chồng tương lai của em chẳng quan tâm đến chuyện em có đeo mạng che mặt hay không. Điều duy nhất anh ấy làm là đóng góp ý kiến với em, và không bao giờ chúng em làm một chuyện quan trọng mà không hỏi ý kiến của nhau.
Cô cũng bảo với tôi là anh nên nhớ chính Đấng Mohammad chỉ có một bà vợ, và sống hạnh phúc trong 25 năm trời cho đến khi người vợ của Ngài chết. Cũng vì thế, đại đa số gia đình của người theo đạo Hồi đều chủ trương chỉ một vợ, một chồng.
Tôi xin được chụp một tấm hình chung với cô làm kỷ niệm. Cô nhận lời ngay, mời thêm cô thông dịch của tôi đứng chụp chung. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi không biết sang năm cô có mời tôi sang DOHA để ăn đám cưới hay không. Cô cười bảo:
“Nếu anh muốn thì tại sao không? Um' Shaila. Um' Shaila có nghĩa là nếu Thượng Đế xếp đặt, thế nào chúng ta cũng sẽ gặp lại.”
Tôi cúi đầu chào cô hẹn ngày gặp lại. Đưa ra tôi ra đến cửa, cô còn bảo: “Rất nhiều người nghĩ là phụ nữ Hồi Giáo đeo mạng che đầu, che mặt là che cả trí óc của mình. Điều đó không đúng đâu anh. Anh nên nhớ dù là một nước Hồi Giáo nhưng cởi mở như nước em, có phụ nữ làm tới chức bộ trưởng.”
Và cho tôi biết theo tiếng Ả Rập, Noor có nghĩa là "ánh sáng".
Tôi là Nguyễn Khanh, tường trình từ DOHA.
Thông tin trên mạng:
- The official website of the 15th Asian Games Doha 2006
Những bài liên quan
- Thể thao Việt Nam cần phải làm gì trong thời gian tới?
- Cuộc tranh tài thể thao của Châu Á đã kết thúc
- Việt Nam không đạt được chỉ tiêu mơ ước tại Á Vận hội Asiad Games kỳ thứ 15
- Kết thúc 14 ngày tranh tài của ASIAN GAMES 2006
- Đến ngày thứ 13, Việt Nam đã đạt được 3 huy chương vàng trong Asiad 15
- Việt Nam đoạt thêm 1 huy chương vàng Asiad
- Asiad 15: Nhiều khi chúng ta không thể chiến thắng tất cả
- Phỏng vấn trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh tại ASIAD 15
- Cô Nhi viện Thiên Bình – Long Thành – Đồng Nai