Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Cuộc đàm phán 6 bên mới kết thúc hồi đầu tuần ở Bắc Kinh vấn đề được báo chí nước ngoài đặc biệt chú ý đến trong tuần này. Như thường lệ, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi thu thập để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.

Báo chí khắp nơi đã dành khá nhiều trang giấy để loan tin cuộc đàm phán tại Bắc Kinh nhằm giải quyết căng thẳng hạt nhân do Bắc Hàn gây nên đã đạt được kết quả. Bài bình luận của tờ Japan Times cho rằng:
Hứa hẹn sẽ đình chỉ các chương trình chế tạo vo khí mà chính phủ Bình Nhưỡng đưa ra là một lời hứa đầy khích lệ, có thể mở đường cho những quan hệ mới tốt hơn giữa Bắc Hàn với các nước trong vùng Thái Bình Dương cũng như với Hoa Kỳ, đồng thời chấm dứt một giai đoạn đầy cam go mà những quốc gia vùng Đông Á phải chịu đựng trong nhiều năm trời.
Bên cạnh ý kiến đầy lạc quan như chúng tôi vừa nói đến, báo chí khắp nơi, đặc biệt là báo chí Châu Á vẫn tỏ vẻ dè dặt, chưa vội gọi kết quả đàm phán là một thắng lợi cho cộng đồng thế giới, vì vẫn còn rất nhiều vấn đề phải quyết ổn thỏa trước khi hòa bình thật sự đến với bán đảo Triều Tiên. Chẳng hạn như bài bình luận của tờ The Strait Times xuất bản ở Singapore viết rằng vẫn còn những trở ngại:
Chỉ một ngày sau khi bản tuyên bố chung được ký kết ở Bắc Kinh, Bắc Hàn lên tiếng nói là phải giải quyết việc họ được quyền sử dụng các nhà máy điện nguyên tử chạy bằng nước nhẹ trước khi họ ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân. Đó là điều mà mọi người đều tiên đoán thế nào cũng xảy ra.
Ngay tức khắc, Bà Ngoại Trưởng Mỹ Condoleeza Rice đưa ra lời tuyên bố mà mọi người cũng đoán trước được, nói rằng Washington sẽ không thảo luận bất cứ vấn đề gì, cho đến khi Bắc Hàn được công nhận là nước phi nguyên tử. Điều đó xác nhận rằng cả hai phía, Hoa Kỳ và Bắc Hàn, vẫn chưa tin nhau, và nước nào cũng có những lý do chính đáng để bảo vệ lập luận của mình.
Báo chí Nam Hàn cũng vậy, cho là dù Bắc Hàn có cam kết, hứa hẹn như thế nào đi chăng nữa, thì vẫn khó có thể tin được. Tờ JoonAng Ilbo bán chạy nhất Hán Thành viết rằng:
Nếu bản thông cáo chung chưa ráo mực mà Bắc Hàn cứ tiếp tục đưa ra những đòi hỏi không thể nào chấp nhận được như vậy, thì làm sao cộng đồng quốc tế có thể tin được họ? Các đòi hỏi mà Bình Nhưỡng đưa ra đã làm tiêu tan những hy vọng mà cuộc thương thuyết đạt được chỉ một ngày trước đó.
Bình luận của tờ Chosun Ilbo có lập trường bảo thủ thì viết rằng kết quả của cuộc đàm phán sáu bên ở Bắc Kinh là kết quả “không thật”, và khuyến cáo chính quyền Nam Hàn phải thật thận trọng, đừng để bị lôi cuốn bởi những đợt sóng ngầm gây nên bởi những bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng:
Rõ ràng lập trường của Bắc Hàn và lập trường của Hoa Kỳ hoàn toàn khác biệt nhau về mọi mặt, vẫn chưa giải quyết xong và kết quả cuộc đàm phán ở Bắc Kinh chỉ nhằm che đậy những sự thật không thể chối cãi đó.
Bây giờ chính phủ Nam Hàn lại muốn tìm cách làm nhẹ vấn đề, tuyên bố rằng cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đã tìm cách giải bày quan điểm của họ trong những cuộc thảo luận cấp chuyên viên và hứa hẹn sẽ giải quyết các tồn đọng qua đường giây ngoại giao của Nam Hàn, tức Nam Hàn sẽ đóng vai trò của nhà hòa giải.
Ở Australia, nhật báo The Age xuất bản tại Melbourn cho rằng sau khi cuộc đàm phán kết thúc ở Bắc Kinh, vai trò của thế giới là phải cùng nhau buộc Bắc Hàn phải tuân theo những điều đã hứa. Bài bình luận viết rằng:
“Lãnh tụ của chế độ bị cả thế giới xa lánh là ông Kim jong-il trông thì có vẻ hùng hổ, nhưng ông ta không đánh lừa được ai cả. Tổng Thông Hoa Kỳ George W. Bush đã từng có lúc ví ông Kim như la một con yêu tinh, cuối cùng cũng chấp nhận không tiếp tục dùng những lời lẽ mang tính chỉ trích hay đe dọa nữa.
Kết quả cuộc đàm phán 6 bên nhắm vào mục đích đẩy Bắc Hàn đến chỗ phải cam kết đình chỉ các chương trình chế tạo võ khí để đánh đổi lấy viện trợ quôc tế và nhiên liêu. Lãnh đạo Bắc Hàn rất cần viện trợ và cần cả cơ hội để tuyên truyền với dân chúng. Điều đáng buồn là cuộc hành trình dẫn đến hòa bình và thịnh vượng cho những người dân Bắc Hàn đang bị đàn áp và đói khát vẫn còn dài, trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang đối diện với thử thách là làm sao để Bắc Hàn tuân thủ những gì họ đã cam kết.
Còn báo chí Hoa Kỳ thì sao? Hầu hết –nếu không muốn nói là rất cả- các bài bình luận được đăng tải trên báo chí xuất bản ở Mỹ dù ít nhiều mang tính hoài nghi, nhưng cũng chứa đựng hy vọng. Chẳng hạn như bài bình luận của nhật báo The New York Times mà chúng tôi xin trích dẫn gửi đến quý thính giả sau đây để kết thúc Tạp Chí Quan Điểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này:
Từ bao năm qua, ngay cả những người hoạch định chính sách cũng coi vấn đề Bắc Hàn là một cơn ác mộng, và đưa ra những dự đoán không mấy thuận lợi cho thế giới vì Bình Nhưỡng là một quốc gia khép kín, một chế độ vừa độc tài vừa ảo tưởng, lại nuôi mộng chế tạo võ khí hạt nhân. Hầu như chẳng có mấy người nghĩ rằng có thể giải quyết vấn đề đầy khó khăn này, chứ đừng nói đến việc Bình Nhưỡng đồng ý trên nguyên tắc sẽ hủy bỏ chương trình chế tạo võ khí, hứa sẽ tuân thủ trở lại bản Hiệp Ước Cấm Phổ Biến Võ Khí Hạt Nhân và cho thanh tra quốc tế đến giám sát.
Cuối cùng, giải quyết bằng đường lối ngoại giao, bằng cách thương thuyết đã đem lại kết quả.
Tờ New York Times viết tiếp:
Vẫn còn nhiều câu hỏi phải đặt ra về bản thông cáo chung mới đạt được, như liệu Bắc Hàn có được cung cấp nhà máy điện chạy bằng nước nhẹ hay không, và nếu có thì lúc nào? Và sau khi thông cáo vừa nói được ký kết, Bình Nhưỡng đã khiến cho mọi ngươi nghi ngờ khi tuyên bố rằng chỉ hủy bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân với điều kiện phải cung cấp cho họ nhà máy trước đã.
Nhưng nếu những vấn đề vừa kể và cả những vấn đề khác có thể sẽ được giải quyết ổn thỏa, bản cam kết ở Bắc Kinh là một thắng lợi lớn cho Hoa Kỳ và đồng thời cũng là một giải pháp công bằng cho Bắc Hàn.Thánh công xảy ra sau khi Washington không áp dụng chiến thuật cứng rắn đã từng áp dụng trước đây, khi thay đổi người hướng dẫn đoàn đàm để cho cuộc thương thuyết có cơ hội đem lại kết quả.
Bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice là người xứng đáng được ngợi khen vì đã làm điều đó, thay ông John Bolton bằng một nhà thương thuyết tài giỏi nhất của nước Mỹ là ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Christopher Hill.
Kết quả đạt được là thành quả của những người vẫn lên tiếng nói rằng Bắc Hàn muốn chấm dứt giai đoạn bị phong tỏa ngoại giao đầy bất lợi cho họ, muốn được đảm bảo chế độ đương thời sẽ tồn tại, và sử dụng lá bài hạt nhân làm võ khí để điều đình.
Và kết luận:
Bây giờ là lúc các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng phải thực hiện những gì đã cam kết, và nếu họ làm điều này, Bắc Hàn sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận như một thành viên có chủ quyền, cho dù thế giới sẽ tiếp tục nói đến chuyện nhân quyền bị chà đạp một cách đáng sợ ở Bắc Hàn.