Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS hôm nay 1-12, chương trình “ Sức khỏe và đời sống” kỳ này xin mời quý vị cùng Trà Mi điểm qua tình hình chung của dịch bệnh nguy hiểm này hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam.

0:00 / 0:00
HivAid200.jpg
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần phải cải tiến công tác điều trị cho các bệnh nhân AIDS. AFP PHOTO.

Thế giới trong nỗ lực ngăn chặn HIV/AIDS

Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS do Liên hiệp quốc đề xướng với mục tiêu khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng thế giới trước những thách thức và hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh truyền nhiễm chết người, nhằm đẩy lùi tầm lây lan nhanh chóng của virus HIV trên toàn cầu.

Chủ đề hành động của năm nay là “Giữ vững cam kết quyết tâm ngăn chặn AIDS”, kêu gọi giới lãnh đạo các nước có hành động cụ thể biến cam kết thành hiện thực, đề ra những mục tiêu cần thiết để khắc phục hậu quả tai hại của đại dịch AIDS.

Cả thế giới trong năm nay có thêm hơn 4 triệu trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên, nâng tổng số nạn nhân của virus giết người này trên toàn cầu lên gần 40 triệu người.

Đông Nam Á vẫn là khu vực có có mức độ lây nhiễm cao nhất, bởi các hành vi nguy cơ cao như quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích ma tuý, và đặc biệt là tình trạng quan hệ đồng tính ở nam giới gia tăng.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV giữa nam giới có quan hệ đồng tính ngày càng tăng cao ở các nước theo quan niệm truyền thống Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, đáng quan ngại là chương trình phòng chống AIDS của các quốc gia lại ít đề cập đến vai trò của tệ trạng này đối với sự lây lan của đại dịch.

Ðại dịch AIDS tại Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, đại dịch AIDS đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Giới phân tích cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ, thế nhưng đối với mục tiêu đẩy lùi hiểm hoạ AIDS thì hầu như vẫn khó có thể hoàn thành, khi mà số các ca lây nhiễm mới vẫn mỗi năm một cao hơn.

Theo thống kê của UNAIDS, kể từ năm 2000 đến nay, số người sống chung với HIV tại Việt Nam đã nhân đôi, ước tính gần 250 ngàn người, tức cao hơn cả tổng số cư dân của cả 16 phường ở quận 11 cộng lại.

Bệnh nhân AIDS tại VN đa số rất nghèo, không có điều kiện tiếp cận đựơc với các loại thuốc điều trị. Về việc chăm sóc điều trị, thường các bệnh nhân giai đoạn cuối, bản thân họ và gia đình họ rất sợ cho người khác biết là họ mắc phải căn bệnh này. Nhiều gia đình bỏ mặc con cháu của họ đến cuối đời luôn, bởi vì họ sợ lây nhiễm.

Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm hàng chục ngàn ca lây nhiễm mới, và tại mọi tỉnh thành đều có ghi nhận về HIV/AIDS, mà nạn nhân chủ yếu là nam giới, đa số trong độ tuổi thanh niên.

Một bác sĩ điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm thông tin và giáo dục sức khoẻ ở Sài Gòn nhận xét về lứa tuổi nhiễm AIDS nhiều nhất tại Việt Nam:

“Tập trung ở độ tuổi 17, 18, 19. Đỉnh cao tính chung cả nước là từ 18-49 nhưng nếu chia ra theo từng nhóm tuổi từng 10 năm thì lứa tuổi từ 19-29 là cao nhất.”

Giới trẻ thiếu kiến thức về AIDS

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là công tác giáo dục từ trong học đường hầu phổ biến kiến thức giúp thanh thiếu niên phòng tránh HIV/AIDS vẫn còn khá mờ nhạt:

“Các tài liệu về HIV trong nhà trừơng có nhưng sơ sài, cách giáo dục thì dưới dạng nói chuyện chuyên đề, không rõ ràng, không được quan tâm nhiều vì ngừơi ta coi đối tượng này là tạm ổn, không thuộc nhóm nguy cơ cao thành ra không chú ý lắm.”

Ngoài mặt hạn chế trong việc giáo dục kiến thức phòng tránh AIDS chung cho giới trẻ, việc điều trị và tiếp cận đối với chính những nạn nhân AIDS cũng gặp không ít trở ngại. Chị Ánh, một cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Hà Nội chia sẻ thêm:

“Khó khăn là những ngừơi bệnh nhân AIDS thường đa số rất nghèo, không có điều kiện tiếp cận đựơc với các loại thuốc điều trị. Hiểu tình trạng của họ, tụi em vận động họ đến những cơ sở miễn phí để đựơc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí , thậm chí tụi em đến chăm sóc cho họ cũng miễn phí luôn.

Về việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS thì thấy thường các bệnh nhân giai đoạn cuối, bản thân họ và gia đình họ rất sợ cho người khác biết là họ mắc phải căn bệnh này. Thế nên việc tiếp cận họ đã khó khăn rồi. Khi tiếp cận được thì lại cũng có những gia đình bỏ mặc tụi em tự chăm sóc cho con cháu của họ đến cuối đời luôn, bởi vì họ sợ lây nhiễm.”

Bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Không chỉ bị chính ngừơi thân của mình giữ khoảng cách, các bệnh nhân AIDS ở Việt Nam lâu nay luôn phải gánh chịu ánh mắt kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử từ xã hội vì quan niệm cho rằng những người mắc bệnh AIDS là “thành phần xấu”.

Thực tế hiện nay ra sao? Trao đổi với chúng tôi, một cô gái trẻ sống chung với AIDS đã 2 năm nay bộc bạch:

“Ở Việt Nam, sự kỳ thị phân biệt đối xử còn ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, hiện nay ở những thành phố lớn như Hà Nội thì tình hình đã cải thiện rất nhiều.

Bản thân em khi công khai tình trạng của mình thì không bị kỳ thị phân biệt đối xử, mà ngược lại em đựơc rất nhiều tổ chức quốc tế giúp đỡ như tổ chức Policy hay Smartwork chẳng hạn.

Họ giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ em đã đựơc hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng, có thể đi giúp đỡ lại cho cộng đồng cũng như giúp những người đồng cảnh ngộ nhiễm HIV ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng.”

Như lời bạn gái này tâm sự, mặc dù thái độ nhìn nhận của người dân thành thị đối với nạn nhân AIDS có phần nào đựơc cải thiện, thế nhưng tình hình chung ở nhiều nơi trong cả nước, do thiếu hiểu biết, các bệnh nhân AIDS vẫn bị kỳ thị và xa lánh, khiến họ e dè, không dám tìm đến sự giúp đỡ của xã hội.

Bây giờ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam những khoản tiền rất lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Tại nhiều trung tâm y tế hay bệnh viện có khoa khám chữa bệnh cho những nạn nhân HIV. Nếu mọi người tự tin đến tiếp cận với những nơi này, thì sẽ được điều trị miễn phí tuỳ theo dự án của từng bệnh viện.

Người bạn gái trẻ không may đưa ra lời khuyên đối với những người đồng cảnh ngộ:

“Bây giờ ở Việt Nam có các tổ chức quốc tế hỗ trợ dành những khoản tiền rất lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Hầu như ở các trung tâm y tế hay ở các bệnh viện lâm sàng nhiệt đới đều có những khoa khám chữa bệnh cho những nạn nhân HIV.

Nếu mọi người tự tin đến tiếp cận với những nơi này, thì sẽ được điều trị miễn phí tuỳ theo dự án của từng bệnh viện. Các phòng tư vấn miễn phí bây giờ cũng đã đựơc đưa về tuyến huyện rồi.”

Vai trò của chính quyền?

Theo số liệu mới đăng tải trên Tạp chí hoạt động Khoa học thuộc Bộ Khoa học-Công nghệ, ngân sách dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay ở Việt Nam là 82 tỷ đồng.

Giới chuyên môn cho rằng muốn kiềm chế sự lây lan của virus HIV, nhà nước cần phải ưu tiên quan tâm hơn nữa đến vai trò giáo dục ý thức, giúp thanh niên có đựơc sự hiểu biết đúng đắn để tự bảo vệ mình và giảm nhẹ các tác hại của virus HIV từ tinh thần đến vật chất không những cho cá nhân, gia đình, cộng đồng mà cho cả xã hội nữa.

Thông tin trên mạng:

- Một số địa chỉ tư vấn miễn phí về phòng chống HIV/Aids tại Việt Nam

- WORLD AIDS DAY EVENT - Vietnamese Youth and HIV/AIDS

- Viet Nam’s Leaders Mobilize against HIV/AIDS Discrimination