Nhận định của RSF về tự do báo chí tại Việt Nam và thế giới


2006.10.25
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

RSF tức Tổ chức các Nhà báo Không Biên Giới vừa phổ biến báo cáo thường niên về tự do báo chí trên toàn cầu năm 2006, có 168 quốc gia được liệt kê trong danh sách. Nước đứng đầu bản là Phần Lan, nước có tên cuối danh sách là Bắc Hàn, Việt Nam xếp hạng thứ 155.

2006PressFreedomIndex150.jpg
Bản báo cáo tự do báo chí trên toàn cầu năm 2006 của RSF.

Để tìm hiểu thêm về bảng xếp hạng của RSF, Ban Việt Ngữ chúng tôi liên lạc với ông Francois Bugingo, chủ tịch RSF tại Canada và được ông dành cho cuộc phỏng vấn với Đỗ Hiếu.

Đỗ Hiếu: Trước hết ông giới thiệu với quý thính giả của đài Á Châu Tự Do.

Ô. Francois Bugingo: Chúng tôi là Francois Bugingo, Chủ tịch RSF Canada, kiêm Phó chủ tịch RSF quốc tế. Ngoài ra tôi cũng là một nhà báo, một nhà văn, đã được dịp đi khắp các châu lục.

Quê hương chúng tôi là Rwanda ở Phi Châu, có nhiều điều tương tự như đất nước Việt Nam của các bạn, tức là chưa có dân chủ, nhân quyền, hiện vẫn do một chế dộ độc tài cai trị khắc nghiệt. Xin nói thêm là tôi đã có dịp đến thăm Việt Nam, 2 lần rồi.

Các quốc gia bị nhiều chỉ trích

Đỗ Hiếu: Qua báo cáo của RSF 2006 thì những quốc gia nào đối xử nghiệt ngã nhất đối với các nhà báo, thưa ông?

Ô. Francois Bugingo: So với báo cáo năm rồi thì những nước đứng cuối bảng xếp hạng, vẫn giữ nguyên vị trí có nghĩa là không có sự tiến bộ đáng kể nào về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Trước hết phải kể tới Bắc Hàn, hai năm liền đều bị xếp cuối cùng, không ai có thể lui tới xứ cộng sản khép kín này. Người ta vẫn nói đây là quốc gia lâu nay muốn tự mình cô lập với thế giới bên ngoài.

Xếp ngay sau cộng sản Bắc Hàn là Turmenistan, một nước được so sánh tương tự như chế độ Liên Xô trước đây, tức là tước đoạt mọi thứ quyền căn bản của con người. Xin đương cử một thí dụ điển hình đó là trường hợp của nữ ký giả nổi tiếng là bà Moradova, bà đã bị bắt giam, tra tấn, cưỡng bức và giết chết trong lúc bị giam giữ trong tù.

Tiếp theo là Erythree, một nhà tù lớn nhất tại Phi Châu vì đang cầm giữ số nhà báo đông nhất hiện giờ. Ngoài ra, RSF cũng xin nêu tên một số nước khác đang mạnh tay đàn áp và bắt giam các nhà báo như Cuba, Miến Điện, Ảrập Xêút và Trung Quốc.

Theo tôi thì việc chọn Trung Quốc để tổ chức thế vận hội 2008 là một điều không mấy xứng đáng, vì dư luận lâu nay luôn hy vọng sẽ có nhiều cải tiến về dân chủ và nhân quyền, một khi Bắc Kinh nhận lãnh trách nhiệm đó, nhưng bay giờ thì những giới chức thể thao quốc tế mới vở lẽ về sự thật và tình trạng xuống cấp về nhân quyền ở Hoa Lục.

Tưởng cũng xin được nhắc lại là đã có bao nhiêu đại công ty cung cấp dịch vụ internet như Yahoo, Google, Cisco cộng tác chặt chẽ với Bắc Kinh để truy tìm những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền.

Đứng đầu những nước bị tụt hạng, phải kể đến Hoa Kỳ. Thật là một điều đáng tiếc, vì trước đây Mỹ, Pháp và Nhật được thế giới công nhận là nơi mà tự do báo chí được triệt để tôn trọng.

Mỹ, Pháp, Nhật cũng bị tụt hạng

Đỗ Hiếu: Thưa ông, qua báo cáo năm nay thì có vài quốc gia văn minh, tiên tiến, trước đây được xem như mẫu mực về dân chủ, và tự do báo chí, nay lại bị tụt hạng, ông có thể giải thích lý do vì sao?

Ô. Francois Bugingo: Đứng đầu những nước bị tụt hạng, phải kể đến Hoa Kỳ, kể từ sau vụ khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì nhiều quyền tự do căn bản bị giới hạn, hoặc bị xóa bỏ vì cớ cần phải bảo vệ an ninh quốc gia, bằng mọi giá.

Trước đây công luận thế giới đều nhìn vào Hoa Kỳ như một nước tự do, dân chủ thật sự là bài học thực tiễn mà nhiều quốc gia khác cần noi theo.

Chắc anh cũng biết rõ vì hiện đang sinh sống ở Mỹ, là luật an ninh vừa được Washington ban hành, cho phép áp dụng những hình thức tra khảo mạnh tay để thu thập những tin tức cần thiết, với lý do là truy tìm khủng bố có thể gây tác hại đến an ninh chung, theo dõi các nhà báo, theo tôi đó là điều không thể chấp nhận được.

Hiện còn một số nhà báo bị giam cầm, không có lý do chính đáng ở Abugref hay Quantanamo, chỉ vì họ muốn trình bày tất cả sự thật. Tại các mặt trận Afghanistan và Iraq, binh lính Mỹ nhiều lần gây khó dễ các nhà báo, mạnh tay với các phóng viên quốc tế, vì những người cầm bút đó không tuân theo lệnh của họ.

Pháp cũng là một nước bị sụt hạng trong báo cáo thường niên của RSF vì chánh phủ Paris đã gây khó dễ các nhà báo, tịch thu đồ nghề khi họ tường thuật những vụ đình công liên tục của nghiệp đoàn vận chuyễn hàng hải, trong thủy lộ nối liền cảng Marseilles với đảo Corse. Đợt đình công này cho thấy khuyết điểm của Pháp trong luật lệ về lao động.

Trong khi đó, tại Nhật Bản hiện đang có khuynh hướng giới hạn sinh hoạt báo chí, qua chủ trương đề cao tinh thần quốc gia, dân tộc, lòng ái quốc, nên Tokyo không muốn làng báo tự do làm chức năng thông tin, nghị luận của mình để phục vụ cộng đồng.

Thật là một điều đáng tiếc cho 3 quốc gia vừa kể, vì trước đây Mỹ, Pháp và Nhật đều được thế giới công nhận là nơi mà tự do báo chí được triệt để tôn trọng .

Có tiến bộ ở Phi Châu và Mỹ Latin

Đỗ Hiếu: Vậy qua báo cáo của RSF năm nay thì những nước nào có sự cải tiến rõ rệt về tự do báo chí, tự do ngôn luận, thưa ông?

Ô. Francois Bugingo: Đây là một tin vui, phấn khởi, vì trái với quan niệm mà người ta thường có vào thập niên 70 là nơi nào nghèo khó thì ở đó quyền tự do báo chí không thể hiện hữu được.

Thực tế ngày nay cho thấy là nhiều quốc gia Phi Châu, tuy vẫn nằm trong danh sách các nước nghèo khó, nhưng quyền tự do báo chí luôn được tôn trọng và duy trì. Chúng tôi xin kể đến Ghana, Benin, Namibie, đảo Maurice, Haiti đây là những nước nhỏ, lợi tức quốc gia còn rất khiêm nhường.

Mới đây, 2 tờ báo ở Việt Nam đã bị đình bản vì đưa tin về chất lượng và nội dung in ấn trên giấy bạc rất kém. Thật là một chuyện khó tin nhưng có thật, những đồng nghiệp đó, có thể ngồi tù chỉ vì họ phê bình là tiền in có lắm khuyết điểm về kỹ thuật.

Tại Châu Mỹ La Tinh, những nước được đánh giá khá cao về tự do báo chí gồm có Bolivia, Panama. RSF nhìn nhận là tại các nước vừa kể tên, tuy cuộc sống vật chất chưa thoải mái, nhưng điều đáng được công luận khen ngợi là báo chí có quyền tự do hoạt động.

Việt Nam vẫn giới hạn tự do báo chí

Đỗ Hiếu: Thưa ông, trong bản xếp hạng của RSF năm nay, Việt Nam đứng hàng thứ 155 trên tổng số 168 nước được đánh giá, vì sao Việt Nam lại ở một vị trí kém như thế?

Ô. Francois Bugingo: Thật là một điều đáng buồn cho Việt Nam, vì chánh quyền Hà Nội vẫn gây nhiều khó khăn cho nghề làm báo, nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, nhiều người cầm bút còn bị cầm tù lâu dài, đây là những người chỉ muốn nói lên sự thật, một cách ôn hòa.

Hà Nội tìm đủ mọi cách để kiểm soát, giới hạn, cấm đoàn việc truy cập, phát biểu ý kiến, vận động dân chủ trên internet, theo như bài học và kinh nghịêm mà Bắc Kinh từng áp dụng trong việc theo dõi để xử lý những ai muốn cất cao tiếng nói tự do, dân chủ và nhân quyền.

Như các bạn đồng nghiệp khác, chúng tôi đã có dịp đi hành nghề khắp nơi trên thế giới. Khi đến Việt Nam, chúng tôi được nhắc nhở là phải hết sức thận trọng.

Chắc anh cũng hay tin là mới đây, 2 tờ báo ở Việt Nam đã bị đình bản vì đưa tin về chất lượng và nội dung in ấn trên giấy bạc rất kém.

Thật là một chuyện khó tin nhưng có thật, những đồng nghiệp đó, có thể ngồi tù chỉ vì họ phê bình là tiền in có lắm khuyết điểm về kỹ thuật.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Francois Bugingo, chủ tịch RSF Canada đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

Thông tin trên mạng:

- Seven Asian countries among the bottom 20

- Worldwide Press Freedom Index 2006

- Vietnam: Two newspapers closed for reporting about new banknotes

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.