Tổng kết chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Minh Triết hướng dẫn


2007.06.25

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Sau 6 ngày có mặt ở Mỹ, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết và đoàn Việt Nam do ông hướng dẫn thăm Hoa Kỳ đã về nước. Trong chương trình phát thanh tối nay, Thy Nga và Nguyễn Khanh sẽ tổng kết về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của đoàn Việt Nam.

BushTrietWhiteHouse200.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tiếp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Washington DC hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Thy Nga: Đầu tiên, có lẽ nên nói đến những thành quả mà đoàn Việt Nam do ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã đạt được trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ.

Nguyễn Khanh: Nếu nói về thành quả thì phải công nhận ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đạt được nhiều thành công trong chuyến viếng thăm lần này. Thành công đầu tiên phải nói đến là về mặt ngoại giao, tôi không vội nói rằng ông Triết đã mở một chương sử mới cho mối quan hệ hai nước, nhưng rõ ràng, sự hiện diện của ông ở Washington đã giúp mở rộng quan hệ giữa hai nước.

Ðiều này được chính Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush công nhận qua lời phát biểu với báo chí sau buổi gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng, và các quan chức Nhà Trắng mà tôi có dịp tiếp xúc đều nói rằng giới lãnh đạo Washington đánh giá cao vai trò chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là trong khu vực Ðông Nam Á.

Về mặt ngoại giao

Cũng về mặt ngoại giao, ông Triết đến Washington vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN, và với tư cách người lãnh đạo một quốc gia trong tổ chức, ông đã được mời phát biểu trong buổi tiệc do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chiêu đãi, để thay mặt cho tổ chức nói lên chính sách của ASEAN đối với một trong những đối tác quan trọng nhất là nước Mỹ.

Ông cũng đã có buổi làm việc riêng với ông Tổng Thư Ký Ban Ki-Moon của Liên Hiệp Quốc, và buổi thảo luận này cũng được các nhà quan sát đánh giá cao vì chẳng bao lâu nữa với tư cách ứng viên duy nhất của Châu Á, Việt Nam sẽ ứng cử vị trí ứng viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An.

TrietRiceWhiteHouse200.jpg
Ngoại trưởng Condoleezza Rice (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (giữa) và Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (phảo) trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Ðây là một vấn đề quan trọng vì đừng quên trong suốt bao nhiêu thập kỷ qua khi nói đến Việt Nam thế giới vẫn còn ấn tượng của một nước chiến tranh, do đó trong cương vị một quốc gia thành viên của Hội Ðồng Bảo An, Việt Nam sẽ đi một bước hoàn toàn khác trong những nỗ lực góp phần xây dựng hòa bình toàn cầu.

Ngoài ra, các buổi gặp gỡ với Quỹ Ford, với Ban Giám Ðốc Ðại Học Harvard để trình bày những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải tiến xã hội, giáo dục, muốn dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế cũng đem lại những kết quả tốt.

Ðó là những điểm thành công về ngoại giao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể nói đến sự kiện đoàn Việt Nam cũng đã đạt được những thành công lớn về mặt thương mại. Không những sự hiện diện của ông Triết khiến giới đầu tư Mỹ chú ý đến Việt Nam nhiều hơn, mà phải nói là gần 2 tỷ đô la hợp đồng kinh tế được ký kết ở New York, 5 tỷ được ký kết ở Washington là những bằng chứng không thể chối bỏ.

Ðặc biệt nhất là tại Washington trong bài nói chuyện trước các nhà đầu tư Mỹ, ông Triết có nói đến quyết tâm đổi mới, quyết tâm xây dựng một thị trường đầu tư tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Triết có lẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam công khai nhìn nhận Việt Nam vẫn còn những điểm yếu về mặt kinh tế.

Và ngay sau bài nói chuyện của ông, tôi có dịp tiếp xúc với một số các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, họ đều nói rằng chính những điểm chân tình của Triết đã thúc đẩy họ phải suy nghĩ đến việc nên bỏ thêm vốn đầu tư vào Việt Nam.Tôi thấy đó là một điểm son của chuyến đi lần này.

Vấn đề nhân quyền

Nhưng bên cạnh những thành quả đó, phải nhìn nhận vẫn còn nhiều chuyện ông Triết vẫn chưa giải quyết được. Ðiểm rõ rệt nhất là vấn đề nhân quyền. Tôi không dám nói đây là vấn đề gai góc cho quan hệ hai bên, nhưng khi rời Washington, tôi tin rằng ông Triết biết rất rõ đây là điều mà hành pháp và lập pháp Mỹ rất quan tâm…

Thy Nga: Quan tâm ở mức độ nào?

NewYorkNguyenMinhTrietProtest200.jpg
Cộng đồng người Việt biểu tình tại New York hôm 20-6-2007. PHOTO RFA/ Do Hieu.

Nguyễn Khanh: Quan tâm ở mức cao nhất, đó là điều tôi thấy. Thứ Năm tuần trước, ông Triết gặp Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và các vị dân cử liên bang Mỹ. Sau đó chính những người có mặt trong buổi thảo luận cho biết suốt 1 giờ đồng hồ, tình trạng nhân quyền lá điểm then chốt được nói tới, và theo sự dọ hỏi của tôi tất cả các vị Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Mỹ đều đòi hỏi phía Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.

Ngay chính trong buổi thảo luận với ông Nguyễn Minh Triết diễn ra ngày hôm sau, tức là ngày thứ Sáu, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng nói đến vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam.

Chúng ta cùng nhau nghe lại phát biểu của Tổng Thống Mỹ với báo chí. Và phát biểu của ông Chủ Tịch Nước Việt Nam về vấn đề này. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Qua hai phát biểu mà quý thính giả và chị Thy Nga vừa nghe, chúng ta thấy rõ là vẫn còn những khác biệt giữa hai bên.

Sau đó, trong những cuộc phỏng vấn dành cho một đài truyền hình và một hãng thông tấn ngoại quốc, ông Triết có nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có lịch sự khác nhau, hệ thống tư pháp khác nhau cho nên đã có những sự khác biệt về quan điểm và lập luận trên nhiều vấn đề trước mắt.

Ông cũng khẳng định là chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị xử lý, chứ không hề có nhân vật bất đồng chính kiến hay tù chính trị tại Việt Nam.

Lời giải thích của ông Triết

Thy Nga: Lời giải thích của ông Triết có được các viên chức hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ lắng nghe không?

Nguyễn Khanh: Lắng nghe thì đương nhiên có, nhưng đồng ý hay chấp nhận thì không. Ngay sau khi cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ kết thúc thì một quan chức Hoa Kỳ có nói với báo chí rằng ông Triết vẫn giữ thái độ cứng rắn, nhưng phía Hoa Kỳ cũng đưa ra quan điểm cứng rắn không kém.

Thành thử ra ở vấn đề này, theo quan điểm của Hoa Kỳ, dường như phía Việt Nam vẫn chưa nhận thấy được rằng quyền làm người căn bản của con người là điều mọi quốc gia đều phải tôn trọng hay có thể Việt Nam biết điều này, nhưng vẫn đưa ra những lập luận để giải thích, và những lập luận đó không thể chấp nhận được.

CaliforniaTrietProtest200.jpg
Cộng đồng người Việt ở California biểu tình phản đối phái đoàn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 23-6-2007. PHOTO RFA/ Viet Long.

Ðó là điều tôi được nghe từ phía hành pháp và lập pháp. Hay nhẹ nhàng hơn nữa thì chính một nhà ngoại giao đang làm việc ở Hà Nội cũng nói với tôi là hy vọng sau chuyến viếng thăm Mỹ, ông Triết hiểu rõ vấn đề hơn, và muốn cho quan hệ hai nước không gặp thêm khó khăn thì chuyện bắt bớ, giam giữ những người lên tiếng đòi hỏi cho dân chủ, tự do, nhân quyền sẽ không xảy ra như đã từng xảy ra trong 6 tháng trước đây.

Phản ứng gì từ phía người Mỹ gốc Việt

Thy Nga: Khi xuất hiện cùng Tổng Thống George W. Bush ở Nhà Trắng, ông Chủ Tịch Nước của Việt Nam đã có lời nhắn gửi riêng đến những người Việt đang sinh sống ở Mỹ. Xin mời quý thính giả cùng nghe phát biểu của ông Triết.

Muốn hỏi anh Khanh là anh ghi nhận được phản ứng gì từ phía người Việt –hay nói đúng hơn là người Mỹ gốc Việt- về lời nhắn gửi, kêu gọi của ông Triết?

Nguyễn Khanh: Trước hết, phải công nhận là ông Triết đã rất khéo léo khi ngồi bên cạnh Tổng Thống George W. Bush ở ngay Nhà Trắng để đưa ra lời kêu gọi. Nếu coi đó là một điểm nổi bật, thì quả thật ông Triết đã thành công vì tạo được sự nổi bật. Nhưng tôi e rằng lời kêu gọi của ông Chủ Tịch Nước Việt Nam vẫn chưa được cộng đồng Người Mỹ gốc Việt đáp ứng…

Thy Nga: Xin lỗi phải ngắt lời anh ở đây. Tại sao anh lại nói như thế?

Nguyễn Khanh: Tôi có dịp nói chuyện với khá nhiều người sau khi nghe lời phát biểu ông Chủ Tịch Nước Việt Nam đưa ra từ Nhà Trắng, và đây là những điều tôi ghi nhận được.

Trước hết, ông Triết nói rằng người Việt ở nước ngoài là một tập thể không thể tách rời của dân tộc. Những người tôi có dip tiếp xúc đều nói rằng chính họ cũng không hề nghĩ là họ tách rời khỏi dân tộc, thành ra họ theo dõi rất sát những gì Chính Phủ Việt Nam đang làm và họ thấy có trách nhiệm phải có phản ứng.

Việt Nam bây giờ có đời sống tốt đẹp hơn về kinh tế là điều những người tôi có dịp tiếp xúc đều công nhận, nhưng đổi mới chính trị thì chưa, và đó chính là mục tiêu mà những người Việt ở hải ngoại đang đòi hỏi, chứ không riêng gì những người ở Hoa Kỳ.

Có người còn bảo với tôi là đừng quên khi kêu gọi thì cũng nên biết lắng nghe sự đóng góp. Ở điểm này thì phía Việt Nam chưa làm, hoặc nếu đã làm thì chưa đủ. Tôi xin nhấn mạnh đó là những gì tôi nghe được từ phía cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Chuyện bên lề

Thy Nga: Trong thời gian anh được cử đi săn tin về đoàn của ông Triết, chắc có những chuyện thú vị mà anh muốn chia sẻ với quý thính giả?

Nguyễn Khanh: Có hai chuyện mà tôi muốn được kể lại. Chuyện thứ nhất liên quan đên những cuộc biểu tình chống đối của người Việt ở những nơi đoàn ông Triết đi qua. Có một thành viên trong đoàn nói rằng người Việt ở Mỹ biểu tình chống đối Việt Nam, câu trả lời của tôi là không ai chống đối Việt Nam cả, họ chống đối những việc làm của Chính Phủ Việt Nam.

Viên chức này lại bảo với tôi là ở Mỹ có một, hai triệu người Việt nhưng chỉ có dăm ba ngàn người đi biểu tình. Câu trả lời của tôi là đúng, con số người đi biểu tình chỉ có vài ba ngàn chứ không phải là cả một hai triệu người, nhưng đừng quên là những người không đi biểu tình không có nghĩa là họ ủng hộ việc làm của chính quyền Việt Nam đâu.

Chuyện thứ nhì thì tôi có nói đến trong bản tường trình trước đây, liên hệ đến món ăn mà Tổng Thống George W. Bush đãi ông bà Triết và đoàn Việt Nam hồi trưa thứ Sáu. Món đó là món cá sea-bass mà Việt Nam gọi là cá vược. Hôm đó, tôi tình cờ đứng bên cạnh một nhà báo nước ngoài, và anh ta bảo với tôi là khi nào ông bà Bush trở lại Việt Nam, chắc sẽ được mời ăn cá basa.

Thy Nga: Cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.