Nhà văn Nguyễn Viên: giới cầm bút VN cần lên tiếng về vụ Hoàng Sa-Trường Sa

0:00 / 0:00

Việt Hùng, thông tín viên đài RFA

Lên tiếng về vấn đề biên giới lãnh hải Việt Nam – Trung Quốc hiện đang kéo theo một số cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên trước cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Viện từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hơn ai hết những người cầm bút tại Việt Nam cần thể hiện lòng yêu nước qua tiếng nói của trái tim. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Việt Hùng với nhà văn Nguyễn Viện.

NguyenVien150.jpg
Nhà văn Nguyễn Viên. Hình do ông cung cấp.

Việt Hùng: Thưa nhà văn, lý do nào mà nhà văn lại nhập cuộc phản đối việc Trung Quốc lấn lướt Việt Nam trong vấn đề biên giới lãnh hải…

Nhà văn Nguyễn Viện: Tại vì tôi nghĩ trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tôi nghĩ bất cứ một người Việt Nam yêu nước nào cũng cần phải lên tiếng. Tôi nghĩ sự lên tiếng này thực sự cần thiết không những đối với người Việt Nam mà ngay cả đối với chính phủ Việt Nam cũng thế.

Việt Hùng: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc lấn lướt Việt Nam trong vấn đề biên giới lãnh hải, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có thể nói văn nghệ sĩ tại Việt Nam đã vào cuộc. Với cái nhìn của nhà văn lý do nào mà giới văn nghệ sĩ lại đồng loạt lên tiếng như vậy?

Nhà văn Nguyễn Viện: Những lấn lướt về vấn đề biên giới lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam, tất cả những lần trước thông tin cũng không rõ ràng và cụ thể lắm, nhưng việc vừa qua Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa để quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, tôi nghĩ hành động này của Trung Quốc đã thách thức chính thức với nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở thực tế như vậy, những người dân ở Việt Nam và đặc biệt là văn nghệ sĩ, chúng tôi cảm thấy rằng hơn lúc nào hết mình phải lên tiếng. Hẳn lên tiếng thì hẳn cũng khó đòi lại trong lúc này, nhưng lên tiếng để cho phía Trung Quốc biết rằng hành động xâm lược như thế của Trung Quốc là không đúng.

Việt Hùng: Nhà văn đánh giá việc trong 2-3 tuần lễ vừa qua thanh niên sinh viên xuống đường biểu tình trước cơ quan ngoại giao của Trung Quốc như thế nào?

Những lấn lướt về vấn đề biên giới lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam, tất cả những lần trước thông tin cũng không rõ ràng và cụ thể lắm, nhưng việc vừa qua Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa để quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, tôi nghĩ hành động này của Trung Quốc đã thách thức chính thức với nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi cho đó là lòng yêu nước tự phát của thanh niên, sinh viên đối với tình hình Trung Quốc xâm lược Việt Nam như vậy, thể hiện lòng yêu nước trong sáng và cũng thể hiện rằng dân tộc Việt Nam còn sức phản kháng, nó không hoàn toàn bị tê liệt hay phải được một sự chỉ đạo thì người ta mới thể hiện lòng yêu nước của mình. Qua dịp này người ta thấy rằng lòng yêu nước thực sự không cần ai chỉ đạo mà đó là tiếng nói của trái tim của mỗi người.

Việt Hùng: Tiếng nói của trái tim thể hiện lòng yêu nước, thế tuy nhiên trong những cuộc biểu tình đó không ít người bị bắt , bị tra vấn. Với cái nhìn của nhà văn và bằng thực tế ở Sài Gòn nhà văn nhận định vấn đề này ra sao?

Nhà văn Nguyễn Viện: Nhà nước trong trường hợp vừa qua làm khó dễ một số người đi biểu tình tôi cho đó là "làm đẹp" cho vấn đề ngoại giao với Trung Quốc thôi. Chính phủ Việt Nam cũng có lý của họ, nhưng những người đi biểu tình còn có lý của họ còn mạnh mẽ hơn đó là lòng yêu nước.

Việt Hùng: Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc nói những cuộc biểu tình sẽ phương hại đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì về phía Việt Nam qua lời ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ ngoai giao Việt Nam, dường như dư luận thấy Việt Nam ở thế thụ động nhiều hơn…

Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, không những quá thụ động mà người ta cảm thấy thiếu một cái gì đó thể hiện ý chí của dân tộc trong trường hợp này. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này chính phủ có đường lối riêng của họ trong vấn đề đàm phán, nhưng chính phủ cũng phải để cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, nhưng rất tiếc chính phủ đã không thể hiện được việc đó mà ngược lại chính phủ Việt Nam lại có vẻ chiều theo những đòi hỏi của Trung Quốc một cách quá đáng.

Việt Hùng: Người ta vẫn thường nói, nhà văn bao giờ cũng có cái cảm trước thời cuộc, đứng trước hiện trạng như hiện nay nhà văn cảm được điều gì?

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi nghĩ nỗi đau của một con người khi mất mát một điều gì đấy sẽ đau đớn ghê lắm…

Khi một đất nước, Tổ quốc mất đi môt phần thân thể của mình thì cũng giống như con người mất đi một phân thân thể. Cái mất đó như là khi mình mất đi một phần thân thể, tôi nghĩ nó vô cùng đau đớn.

Hơn nữa chúng ta đều biết dân tộc Việt Nam tồn tại được là chúng ta đã biết gìn giữ những gì cha ông đã gây dựng lên, thế nhưng bây giờ khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa thì dường như chúng ta phải đối diện với sự im lặng quá lớn và không còn cách nào khác ngươì nghệ sĩ là người ngoài cái nhạy cảm của mình người nghệ sĩ còn có may mắn là còn có tiếng nói của mình, bởi vậy không những ngoài nhiệt huyết vì quê hương đất nước qua điều kiện của một nhà văn hay của một văn nghệ sĩ, người ta cần nói tiếng nói không những cho mình và cho cả dân tộc mình nữa…

VnStudentProtestChinaTruongSa200.jpg
Sinh viên, Thanh niên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc hôm Chủ nhât 9-12 tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Việt Hùng: Nhưng thưa nhà văn Nguyễn Viện, cho đến nay, cá nhân nhà văn cũng những bạn văn khác của nhà văn như nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Trần Tiến Dũng, nhà thơ Bùi Minh Quốc và một số văn nghệ sĩ khác tại Việt Nam, những sự lên tiếng này phản ứng của Hội nhà văn Việt Nam như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi nghĩ rằng trong mỗi cá nhân của mỗi con người Việt Nam tôi nghĩ tất cả mọi người đều có cái bức xúc đó, nhưng đứng trên quan điểm đoàn thể thì như anh biết các đoàn thể ở Việt Nam đều phải chịu sự chi phối của đảng cộng sản và chuyện đó nằm ngoài sự hiểu biết của tôi hiện nay…

Việt Hùng: Nhưng nhà văn có nghĩ rằng việc xuống đường của thanh niên sinh viên được sự hậu thuẫn của không ít văn nghệ sĩ tại Việt Nam như ngọn đuốc được châm thêm…

Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng cái này thì tôi hoàn toàn đồng ý, lòng yêu nước sôi nổi của thanh niên sinh viên không những với một số anh em văn nghệ sĩ chúng tôi đã tham gia cụ thể và một số người khác thì dùng những sáng tác của mình để cùng đốt lên một ngọn lửa và để cho ngọn lửa đó cháy lên rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn.

Việt Hùng: Cá nhân nhà văn trong những cuộc biểu tình vừa rồi ở Sài Gòn nhà văn có tham dự hay không?

Nhà văn Nguyễn Viện: Hôm đầu tiên thì lúc đó tôi đang ở Thái Lan, lần thứ hai thì chúng tôi cũng có mặt tham gia ở Sài Gòn, tuy nhiên tôi được công an giám sát từ hôm thứ Bảy (15-12) thế thành ra hôm Chủ Nhật (16-12) cũng chỉ ra đó để theo dõi tình hình thôi.

Việt Hùng: Nhà văn nói là nhà văn được sự quan tâm giám sát của công an thì tức là sao thưa nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Viện: Có sự khuyến cáo, nhưng tôi vẫn ra để tôi chụp hình và được an ninh kéo ra để hỏi … Ngày hôm qua Chủ Nhật (23-12) thì tôi cũng ra để xem tình hình thế nào và chính tôi cũng chứng kiến cảnh công an bắt nhà báo Điếu Cày.

Việt Hùng: Một câu hỏi cuối cùng thưa nhà văn Nguyễn Viện, với những bạn văn, với những văn nghệ sĩ hiện chưa có cơ hội lên tiếng bày tỏ chính kiến của mình trong vấn đề này, qua làn sóng điện của đài nhà văn có muốn nói điều gì hay không?

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi nghĩ đối với tất cả mọi người thì nhà văn hay không phải nhà văn thì nên bày tỏ chính kiến của mình một cách minh bạch và đàng hoàng nếu như mình có điều kiện để làm việc đó. Tôi nghĩ hơn ai hết nhà văn là những người có điều kiện nhất trước tình trạng mà chúng ta bị mất đất như vậy thì không có lý do gì mà chúng ta có thể giữ im lặng được. Tất cả mọi sự im lặng thì có thể hiểu đó là sự khiếp nhược.

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của đài cám ơn nhà văn Nguyễn Viện.