3 nhạc sĩ tí hon Việt Nam đoạt giải cuộc thi piano quốc tế "Bradshaw & Bruno"
2005.05.24
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là tiếng đàn của em Nguyễn Thế Cường Quốc, 12 tuổi, vừa có mặt tại New York để tham gia cuộc thi piano quốc tế. Cùng với em, còn có Nguyễn Đoàn Thu Thảo, 13 tuổi và Hoàng Ngọc Thiên Ý, 15 tuổi.
Cả 3 em cùng cô giáo Nguyễn Thiện Phương Hạnh đã được vinh hạnh đại diện cho Việt nam tham dự kỳ thi quốc tế có tên là Bradshaw and Bruno International Piano Competition năm 2005, được tổ chức tại thành phố New York, Hoa Kỳ.
Cả 3 em là học sinh của các trường phổ thông cơ sở: Nguyễn Du, Trần Văn Ơn và Ngô Sĩ Liên ở Sàigòn và là học sinh của khoa piano, nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh do cô Phương Hạnh trực tiếp giảng dậy.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong cuộc thi piano quốc tế lớn lao này. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe câu chuyện lí thú của 3 nhạc sĩ tí hon này.
Cuộc thi Bradshaw and Bruno
Bradshaw and Bruno là tên của một cuộc thi piano quốc tế hàng năm, được tổ chức thật qui mô và tầm cỡ. Cô Nguyễn Thiện Phương Hạnh, nguyên là phó chủ nhiệm khoa piano của nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn dạy trong nhạc viện, nói về tiến trình dự thi trong cuộc tiếp xúc với Phương Anh tại New York:
"Đầu tiên là gửi DVD hay là CD của mình sang cho giám khảo và sau đó nếu được chọn thì ban giám khaỏ sẽ gửi thư mời sang dự thi. Cuộc thi này nếu đoạt giải sẽ được trình diễn ở thính đường danh tiếng bậc nhất Carnegie Hall.
Cuộc thi này ở vòng một đã có hơn 250 thí sinh, tất cả các nước, từ nhiều nước trên thế giới đã gửi băng đến để thi. Vào vòng hai để được bằng khen danh dự thì lớp của chị đã có 7 em và vượt qua vòng hai, bước vào vòng chung kết thì lớp của chị có 3 em Nguyễn Thế Cường Quốc,sinh năm 1993, Nguyễn Đoàn Thu Thảo, sinh năm 1992 và em thứ ba là Hoàng Ngọc Thiên Ý, sinh năm 1990 được thư báo mời sang New York City để tham dự.
Đồng thời, mời chị là giảng viên, hướng dẫn về chuyên môn và phụ huynh học sinh tháp tùng 3 em sang New York để thi. Cả 3 em này chị đều dậy từ khi còn bé, lúc đó, chưa vào nhạc viện và khoảng 6, 7 tuồi.. và cả 3 đều được vào vòng chung kết. Đây là một niềm tự hào và chị vô cùng hãnh diện."
Cô giáo Phương Hạnh
Khi được hỏi vì sao cô giáo Phương Hạnh lại quyết định gửi các em đi tham dự trong kỳ thi lớn quốc tế này, cô cho biết:
"Năm 1997, chị đã từng luyện cho các em dự thi ở Ý, Napoli và năm đó đã được nhiều giải, trong đó có giải nhất. Đến năm 2000, thì chị dẫn học sinh thi ở Pháp, năm đó vào vòng hai thôi. Năm 2003, thì dẫn học sinh thi tiếp ở Italy và cũng nhận được 4 giải, trong đó có một giải nhất. Những kỳ thi đó đều nhỏ hơn kỳ thi Bradshaw and Bruno của Mỹ."
Với kinh nghiệm giảng dậy, luyện tập và hướng dẫn học sinh đi tham dự các cuộc thi quốc tế, đồng thời nhận thức được kỳ thi đầy giá trị và vô cùng quan trọng này, cô giáo Phương Hạnh tuy chuẩn bị thật chu đáo nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Cô nói:
Cuộc thi này ở vòng một đã có hơn 250 thí sinh, tất cả các nước, từ nhiều nước trên thế giới đã gửi băng đến để thi. Vào vòng hai để được bằng khen danh dự thì lớp của chị đã có 7 em và vượt qua vòng hai, bước vào vòng chung kết thì lớp của chị có 3 em Nguyễn Thế Cường Quốc,sinh năm 1993, Nguyễn Đoàn Thu Thảo, sinh năm 1992 và em thứ ba là Hoàng Ngọc Thiên Ý, sinh năm 1990 được thư báo mời sang New York City để tham dự.
"Kỳ thi này có 4 bảng, bảng thứ nhất dành cho sinh viên, phải trình diễn 25 phút liên tục, bảng thấp hơn dành cho học sinh cấp 3, phải trình diễn 20 phút liên tục. Bảng nhỏ hơn nửa, học sinh cấp 2, khoảng 15 phút và bảng cho các em học sinh cấp 1 thì 10 phút. Họ chỉ cho thời gian và không cho các bài bắt buộc.
Và như thế họ sẽ chấm trong đó có cả nghệ thuật chọn bài. 3 em này đều phải biểu diễn 15 -20 phút. Và giảng viên là chị chọn cho các em và đã gửi sang bên này để thi rồi nhưng nếu mà mình cứ biểu diễn lần nào cũng như nhau thì giảng viên phải động não nhiều về chương trình để làm sao thể hiện 4 vấn đề:
Vấn đề thứ nhất là cách thể hiện, vấn đề thứ hai là nhạc cảm, vấn đề thứ ba là cá tính, đặc biệt vấn đề thứ tư mới là technique. Họ có nói rõ là chúng tôi sẽ chấm 4 mặt đó ngang nhau. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng vì kỳ thi này quan trọng vô cùng.
Bước vào kỳ thi này chị cảm thấy có một cái gì đó cam go đối với thầy trò chị, bởi vì kỳ này có tới 250 học sinh tham gia trên toàn thế giới và có nhiều thí sinh nằm ở các quốc gia mạnh về dương cầm, thí dụ như Nga, Pháp rất giỏi…Đức, giỏi lắm.
Mới đây nổi lên nữa là Hàn Quốc, nhiều lắm…rồi Nhật, đã từng đoạt giải Chopin…Đây là lần đầu tiên một đoàn học sinh piano đi thẳng từ Sàigòn đến Mỹ tham dự. Chị rất là tự hào, rất là vinh dự, nhưng ở Mỹ này nó quá lớn và nói thật là hơi sợ sợ…"
Nguyễn Đoàn Thu Thảo
Thưa quí vị và các bạn, đến đây mời quí vị nghe tiếng đàn của em Nguyễn Đoàn Thu Thảo trong bài dự thi. Khi hỏi về cảm tưởng của em trước giờ thi, em cho biết:
"Khi con nhận được thư của ông Bruno gửi cho con, con rất là vui, vì đây là lần đầu tiên con được tham gia giải quốc tế và con cũng rất hồi hộp vì con sẽ bước vào cuộc thi cùng với các bạn ở nhiều nước khác nhau. Khi con đến với cuộc thi này con sẽ được học hỏi với các bạn."
Hoàng Ngọc Thiên Ý
Em Hoàng Ngọc Thiên Ý cũng cho biết cảm tưởng của mình:
"Lúc đầu tiên con nhận được cái thư mời đó, con rất là vui. Con thấy mình thật là may mắn vì con biết có rất nhiều bạn tham dự. Con được chọn vào thi vòng chung kết. Con rất là mừng, mừng vì con là người may mắn và sau đó là con được tới được gặp các bạn trên thế giới gọi là giao lưu, học hỏi, trao đổi và được học hỏi thêm nhiều kiến thức."
Mời bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Đến đây, Phương Anh mời quí vị và các bạn nghe một đoạn trong bài mà Thiên Ý sẽ biểu diễn trong cuộc thi
Nguyễn Thế Cường Quốc
Trở lại với em Nguyễn Thế Cường Quốc, thí sinh đã đoạt giải nhất cuộc thi ở Ý vào năm 2003 cho biết
"Mới lúc đầu em cảm thấy rất là hồi hộp vì nghĩ 250 người cả thế giới thì cũng phải đến mấy chục nước, em nghĩ là mình rất khó có thể vào. Khi em nhận được thư của ông Bruno mời để vào thi final, em cũng rất là bất ngờ.
Trước đó em cũng đoạt được giải nhất Napoli của nước Ý năm 2003, nên em cũng cảm thấy bớt hồi hộp hơn ở cuộc thi Bradshaw and Bruno2005 của Mỹ. Vì vậy mà em và hai chị cũng đã thực hành tăng tốc."
Vừa rồi là một đoạn trong bài dự thi của em Nguyễn Thế Cường Quốc.
Cả 3 đều đoạt giải
Thưa quí vị, với lòng tự tin và cố gắng vượt bực của mình, vào tối ngày 18 tháng 5 vừa qua, sau khi bước vào cuộc thi chung kết đầy cam go tại thính đường Klaviesrhaus, ở New Yok, Hoa Kỳ, một tin thật vui đã đến: cả 3 em đều đoạt giải và vào ngày 25 tháng 5, các em sẽ được vinh dự biểu diễn tại hí viện danh tiếng vào bậc nhất thế giới Carnegie Weill Recital Hall, New York trước hàng ngàn người.
Thật là một niềm hãnh diện cho tất cả mọi người Việt nam ở trong cũng như ngoài nước. Câu chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Phương Anh thân ái kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn vào chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Walt Disney sẽ phát sóng trên đài truyền hình TP.HCM
- Ban nhạc trẻ người Mỹ gốc Việt, "Black April"
- Những ngư phủ Việt Nam ở vùng New Orleans, Hoa Kỳ
- Chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không PAN AM
- Đạo diễn trẻ Lê Văn Kiết và phim "Bụi Đời"
- Nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh, xưa và nay
- Câu chuyện của 53 thuyền nhân Việt Nam vượt biển đến Australia
- Nhận xét và phân tích về nền điện ảnh đương đại Việt Nam
- Câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt trở về tìm kiếm người mẹ ruột sau 30 năm xa cách (II)
- Câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt trở về tìm kiếm người mẹ ruột sau 30 năm xa cách
- Niềm tự hào của ngành Y học Cổ truyền Việt Nam
- Trẻ em Việt Nam bị buộc làm việc tại các ổ mãi dâm ở Campuchia
- Những người nhạc công
- Câu chuyện làng pháo
- Chương trình trao đổi văn hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (phần 1)