Quan điểm của giới trẻ về các cuộc biểu tình khiếu kiện ở Việt Nam (phần 2)


2007.09.10
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trên Diễn đàn kỳ trước, chúng ta đã gặp gỡ và nghe 4 bạn thanh niên tại Việt Nam tranh luận những quan điểm khác biệt xung quanh chủ đề “Cảm nhận của người trẻ về hoạt động biểu tình” .

DanoanTuyenquang200.jpg
Dân Oan Tỉnh Tuyên Quang. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Khi nhắc đến cuộc biểu tình trước văn phòng quốc hội 2 ở Sài Gòn của bà con dân oan kéo dài suốt 26 ngày trước khi bị chính quyền cưỡng chế giải tán vào tối ngày 18/7, bạn Tuấn và Huy bày tỏ sự bất bình trước việc nhà nước đàn áp những người đi khiếu kiện, bạn Trường phản ứng gay gắt rằng:

“Anh có biết hình thức, có biểu hiện đàn áp gì không? Anh có dẫn chứng gì không? Vấn đề chúng ta đang nói ở đây rất nhiều người nghe, đôi khi chúng ta nói mà không có một sự kiểm chứng thì rất dễ gây hại cho quốc gia.”

Phản hồi của các bạn Tuấn và Huy như thế nào? Họ có đưa ra được dẫn chứng nào cụ thể thuýêt phục được bạn Trường hay không? Và cuộc hội luận diễn tiến ra sao?

Mời quý vị và các bạn theo dõi trong chương trình hôm nay. Một lần nữa Trà Mi xin giới thiệu sự tham gia của các bạn trẻ trong nước là Thanh và Trường, sinh viên ngành Lịch sử đảng vừa tốt nghiệp cùng với Huy và Tuấn, hai thanh niên thuộc thế hệ 7X đang làm việc tại Sài Gòn:

Huy: Một dẫn chứng cụ thể là như vầy, tôi hỏi anh, đêm hôm ấy anh có mặt tại đó không? Trường: Tất nhiên anh không thể hỏi em được như thế vì cái vấn đề này….

Huy: Tôi nói thật đêm hôm đó chính tôi có mặt trên đó. Đường Hồ Văn Huê đâm ra có con hẻm, tôi đứng ngay trong con hẻm đó.

Trà Mi: Và anh đã chứng kiến được những gì, thưa anh?

Huy: Lúc đó đúng 11h đêm, đèn đường bắt đầu bị cúp. Có một cái xe pha thẳng dàn đèn vào những người dân oan, rồi bắt đầu dàn xe từ 50 chỗ ngồi trở lên được huy động đến đậu dàn ngang bít kín hết, những người bên ngoài không thể nhìn vô thấy được bên trong, vì cúp điện lại pha đèn ra, rồi loa phóng thanh kêu lớn tất cả người dân ở các con đường xung quanh đều bị cấm đến gần. Mình đặt câu hỏi tại sao…

Trường: Mình nói rõ ràng là trong câu chuyện của chúng ta chỉ nên nói những vấn đề mang tính nhìn nhận.

Huy: Đúng, tôi nói một cách rất khách quan.

Trường: Nhưng em nói trong câu chuyện của chúng ta, chúng ta chỉ nên nói những cái gì vì lợi ích chung của xã hội thôi. Trong một diễn đàn như thế này mà anh nói điều gì không diễn ra trong thực tế thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lợi ích quốc gia, thì cái đó không nên nhá. Bạn Thanh còn đó không, Thanh?

Tuấn: Cuộc tranh luận như thế này tôi có ý kiến như vậy. Tôi đề nghị anh Trường nên nhìn vào sự thật một chút và anh nên tự kiểm chứng những gì chúng tôi nói. Ở đây là một phương tiện truyền thông, bản thân chúng tôi đưa ra thông tin thì chúng tôi cũng chịu một phần trách nhiệm về những gì mình nói. Còn anh cảm thấy nghi ngờ hay như thế nào đó thì anh cứ nên tìm hiểu, anh không nên quy chụp là chúng tôi nói không đúng sự thật. Anh nên tự tìm hiểu thêm anh sẽ thấy cuộc sống hàng ngày diễn ra như thế nào. Anh nên bỏ thời gian tìm hiểu thêm những vấn đề này.

Trường: Tôi xin lỗi anh, tôi nói thật mình lúc nào cũng cần tích luỹ kiến thức để giúp ích cho xã hội. Và hơn nữa, các anh có 2 con mắt, cái đầu và ở dưới cái đầu là trái tim. Và nếu mà tất cả chúng ta đều vì lợi ích chung thì chúng ta nên nói những cái gì, hành động những cái gì có lợi cho quốc gia. Đối với mình, buổi nói chuyện hôm nay là đủ rồi. Mình và bạn Thanh xin cúp máy.

Trà Mi: Có thể bạn không thuận tiện để tham gia tiếp cuộc thảo luận, nhưng ở đây là một diễn đàn mình tôn trọng tất cả mọi ý kiến khác biệt, thì cũng mong rằng các bạn tôn trọng lẫn nhau và trao đổi tiếp một cách thẳng thắn để có thể học hỏi thêm những gì mình chưa biết. Ý kiến của Trường như thế nào?

Trường: Dạ xin lỗi chị, trong cuộc nói chuyện này em chưa biết có mục đích cuối cùng là như thế nào và hơn nữa, em nghĩ những ý kiến mà chúng ta đưa ra không khách quan. Nếu chúng ta nói không đúng thì….

Trà Mi: Vâng, bạn có thể cho là những ý kiến của các bạn khác không đúng, nhưng mỗi người có sự hiểu biết riêng của mình, chúng tôi không nói là ai đúng, ai sai…

Trường: Vâng, ngay cả em cũng vậy, vì vấn đề là do mình chưa kiểm soát hết, mình chưa làm chủ được những cái vấn đề đó, nế mình làm chủ được thông tin thì chắc chắn mình có quyền mình nói.

Trà Mi: Bạn chưa kiểm soát được những thông tin mà người khác nói, chúng tôi vẫn tôn trọng ý kiến của bạn, và vẫn mong là bạn có thể góp tiếng vào các khiá cạnh thảo luận tiếp theo.

Trường: Em sẵn sàng tham gia tất cả các chương trình về sau, nhưng hôm nay do…em bận, em xin phép.

Huy: Anh Trường cho tôi nói một câu thôi.

Trường: À, anh nói đi.

Huy: Có thể tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi luôn bảo vệ quyền được nói của anh, có nghĩa là...

Trường: Vâng vâng, cái đó là quyền của anh, và em cũng không đại diện cho một cái quyền gì khác có thể trấn áp được cái đó. Em xin phép nhé.

Trà Mi: Nếu như bạn không thuận tiện tham gia thì xin cảm ơn bạn và hẹn gặp lại trong một chương trình khác.

Thanh: Chị Mi em có ý kiến.

Trà Mi: Xin mời Thanh.

Thanh: Em sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm thực tế thì chưa có, nhưng qua tranh cãi của bạn Trường và các anh, em muốn có ý kiến. Em nghĩ thông tin của bạn Trường và các anh là do bản thân mỗi người tiếp nhận, còn thực ra em cũng có nghe về biểu tình ở Việt Nam, nhưng chỉ mới nghe thôi, chứ còn hiểu sâu sắc về vấn đề này thì chưa.

Em muốn nói là các thông tin của các anh và bạn Trường đều là rời rạc, tức là từ chủ quan của bản thân, chứ thực ra biểu tình là một hoạt động mang tính chính trị cho nên hầu như các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước thì ít đề cập đến.

Các anh có nói đến việc có đàn áp võ lực gì đó đối với biểu tình, thì em nghĩ rằng hoạt động biểu tình mang tính chất chính trị nên bất cứ giai cấp cầm quyền nào thì cũng phải bảo vệ vị trí cầm quyền của mình như thế.

Em nghĩ ở Việt Nam cũng như thế. Gỉa sử như hoạt động biểu tình đúng thật sự là đòi quyền lợi của người dân, thì khi người dân biểu tình đòi hỏi yêu cầu thì chắc chắn nhà nước sẽ phải giải quýêt ở một mức độ nào đó, nhưng dạng thứ hai là biểu tình do một tổ chức nào đó lợi dụng để gây ra sự rối loạn về chính trị, xã hội trong nước, hoặc do một tổ chức nào cầm đầu thì sẽ gây ảnh hưởng đến sự cầm quyền của đảng lãnh đạo, thì tất nhiên người ta phải dập tắt biểu tình ở nhiều hình thức khác nhau trong một thời gian nhanh nhất, hoặc sẽ phải giải quýêt yêu cầu của người dân ở một mức độ nào đó.

Vì thế em nghĩ rằng không thể nào chỉ đưa ra thông tin nói là nhà nước đàn áp biểu tình thôi, tức là phải có chứ không phải là không có, nhưng đó không phải là tất cả, tại vì cái gì cũng có mặt trái và mặt phải của nó.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Thanh.

Huy: Nãy giờ anh chưa nói câu nào là nhà nước đàn áp biểu tình.

Thanh: Em biết, nhưng anh có nói là hành động mà chính quyền ban đêm đến chiếu đèn pha gì đó, có thể là anh nhìn thấy những hành động đó, nhưng có thể là anh chưa nhìn thấy được thật sự cuộc biểu tình đó nó mang bản chất là gì. Có thể nó núp dưới danh nghĩa là biểu tình của người dân, nhưng thật ra do tổ chức nào đó muốn gây náo loạn xã hội, chính trị của nước mình thì sao? Buộc lòng nhà nước phải ra tay bằng bạo lực thì sao? Anh có nghĩ đến điều đó chưa?

Huy: Đúng, anh có nghĩ đến điều đó, nhưng anh hỏi em điều này. Có thể là em mới ra trường, em chưa được đi nhiều nơi. Sau này em đi làm, đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, thì em mới thấy được bộ máy làm việc của quan chức chính quyền ở dưới vùng sâu, vùng xa như thế nào, rồi lúc đó em mới có thể nhận xét đúng về những người dân oan đi khiếu kiện.

Thanh: Không, anh nói điều đó em hiểu. Thật ra em hiểu chứ. Chính ở địa phương em ở Bình Thuận, mà đúng hơn là cả bộ máy mà đảng lãnh đạo đang cố gắng cải chính, có những điểm trì trệ và ảnh hưởng đến tình hình chính trị, xã hội của nước mình. Em ở địa phương em cũng nhìn thấy được điều đó mà.

Huy: Em hãy thử nhận xét xem một người độc quyền, ví dụ ở xóm em có 1 bà bán tạp hoá thôi, ngoài ra không ai bán gì hết, có phải bà ấy bán thứ gì mình phải mua thứ đó không, vì mình xa chợ, xa thành thị mà, phải không? Anh luôn thông cảm với những người bảo vệ luật pháp, bảo vệ thể chế chính trị này vì đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng chính quyền Việt Nam mình luôn có câu dân làm chủ, ý dân là ý trời, đúng không?

Thanh: Dạ.

Huy: Anh không hoan nghênh việc những người đi khiếu kiện, đi biểu tình mà gây bạo động. Đó là việc làm sai trái hoàn toàn, gây mất ổn định an ninh quốc gia. Anh chỉ nói đến những trường hợp đơn cử như các bà con dân oan. Có những người đi khiếu kiện qua 3 đời rồi.

Việc những người khiếu kiện phải kéo nhau lên tới trên này, nếu em nhìn thấy cảnh tượng của họ, cách họ ăn uống, sinh sống tại đó như thế nào giữa trời Sài Gòn nắng chang chang, và có cả những ngày trời mưa bão nữa, mà họ chỉ có 1 tấm bạt che thân thôi.

Sức trẻ như em và anh mà sống ngoài đó như vậy bao nhiêu ngày mà không đổ bệnh, huống hồ. Rồi có những thông tin là họ nhận của hải ngoại 1,2 triệu để đi biểu tình. Anh thử hỏi nếu là em, có người cho em 50 triệu luôn kêu em đi biểu tình, em dám không? Đương nhiên là không dám. Thế thì tại sao những người dân oan này lại tập trung đông như vậy?

Tuấn: Vì đó là nỗi oan của họ, họ phải tự đúng ra giải quýêt cho họ.

Huy: Bây giờ mình đừng bàn tới vụ 194 Hoàng Văn Thụ nữa mà hãy nói đến…

Thanh: Dạ, ý của các anh và bạn Trường nói thì em hiểu như vầy. Anh nói đến biểu tình dưới góc độ là người dân thật sự thống khổ, thật sự đứng lên đòi lại quyền lợi. Còn bạn Trường nhìn biểu tình dưới góc độ chính trị. Thật ra em hiểu cả 2 . Bằng nhận thức của người sinh viên, em quan sát cuộc sống ngoài đời, em hiểu được ý của anh nói.

Huy: Ý của Trường cũng đúng là vì Trường sợ biểu tình ảnh hưởng đến thể chế cầm quyền.

Thanh: Dạ đúng rồi.

Huy: Nhưng một thể chế cầm quyền phải biết lắng nghe người dân. Đến nay anh 30 tuổi, anh nghe rất nhiều những cuộc “trưng cầu dân ý” , nhưng thực chất anh chưa bao giờ được người nào trong tổ, trong phường mời tham gia. Anh cũng thấy báo đăng địa phương mình được điều tra ý kiến người dân, lòng tin của người dân nhưng anh sống tại địa phương này 30 năm trời mà chẳng thấy ai mời hay được mời để hỏi ý kiến, vậy mà trên báo lại đăng.

Những cuộc thăm dò ý kiến người dân đó anh cũng không biết từ đâu ra. Ngay bản thân em có bao giờ thấy địa phương tới hỏi thăm ý kiến về vấn đề này, vấn đề kia không? Những việc này em thấy sao?

Thanh: Em nghĩ nói chung là vấn đề về hành chính còn nhiều cái lủng củng lắm, nhiều khi đi xác nhận giấy tờ chờ dài cổ. Em thấy thực sự cần sự đổi mới, và đất nước mình cũng đang tìm cách đổi mới, nhưng những chuyển biến về chính trị, xã hội thì anh cũng biết rồi, những gì thuộc “kiến trúc thượng tầng” thì rất khó thay đổi.

Huy: Thật ra hồi nãy cuộc tranh luận nóng lên là do bạn Trường cứ khăng khăng rằng biểu tình là liên quan đến chính trị, nhà nước phải dập tắt. Nhưng thực chất biểu tình là gì? Anh không nói đến khía cạnh bạo động. Biểu tình là tập hợp của một nhóm người, yêu cầu nhà nước giải quýêt vấn đề họ cần, hoặc bày tỏ chính kiến với nhà nước. Đương nhiên, bất kỳ nhà nước nào không bao giờ có sự đúng đắn toàn vẹn.

Thanh: Dạ đúng..

Trà Mi: Như vậy, Trà Mi xin phép hỏi thăm các bạn ở đây, đối với các bạn, hoạt động biểu tình mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống xã hội?

Chúng ta sẽ có câu trả lời trong chương trình Diễn đàn bạn trẻ vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Mong quý vị và các bạn nhớ đón theo dõi.

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.