Anh Đào Văn Thuỵ, một thành viên mới của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam (phần 1)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Hân hạnh được tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-trao đổi ý kiến của thanh niên Việt Nam sáng thứ tư hàng tuần.

DaoVanThuy150.jpg
Anh Đào Văn Thuỵ, người đã viết thư bày tỏ sự ủng hộ và xin gia nhập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, do các nhà đấu tranh dân chủ trong nước thành lập hôm 20/10. File Photo

Nhiều người cho rằng hầu như giới trẻ ngày nay thờ ơ với thời cuộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước, nhất là những lĩnh vực về chính trị, dân chủ, hay nhân quyền. Một phần do các đề tài này vốn được xem là “nhạy cảm” tại Việt Nam, khiến người ta e ngại khi đề cập đến chúng, một phần khác là do phần đông người trẻ không có điều kiện tiếp xúc với các luồng thông tin tự do, đa chiều.

Chính vì không có cơ hội tìm hiểu mở mang tầm nhìn về thế giới tự do bên ngoài, nên thanh niên ít người có điều kiện phát huy tư tưởng dân chủ cũng như tư duy phân tích chính trị độc lập của mình. Tuy là ít nhưng không phải là không có.

Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại cùng với sự xuất hiện của các phong trào đấu tranh dân chủ, nhiều người trẻ trong nước đã bắt đầu công khai mạnh dạn bày tỏ quan điểm độc lập của mình hầu góp ý xây dựng và ủng hộ dân chủ.

Tiếp tục giới thiệu đến quý vị và các bạn những tiếng nói yêu chuộng dân chủ của thanh niên, chương trình kỳ này trao đổi với một gương mặt trẻ thuộc thế hệ 8X, từ Bắc Ninh: anh Đào Văn Thuỵ, người đã viết thư bày tỏ sự ủng hộ và xin gia nhập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, do các nhà đấu tranh dân chủ trong nước thành lập hôm 20/10 vừa qua.

Trà Mi: Trước tiên xin anh vui lòng giới thiệu sơ lược về bản thân mình với quý thính giả của đài RFA?

Đào Văn Thụy: Tôi là kỹ sư điện, 23 tuổi. Tôi là người ở Bắc Ninh nhưng tôi công tác ở Hà Nội. Tôi đang làm cho công ty công nghiệp Dũ Phong của Đài Loan có trụ sở tại Hà Nội.

Trà Mi: Trà Mi được biết qua về lá thư của anh xin gia nhập tổ chức Công Đoàn Độc Lập VN, anh có thể cho biết là anh viết lá thư này hồi nào và làm thế nào mà anh biết được tổ chức Công Đoàn Độc Lập, tức là một tổ chức tranh đấu dân chủ ở Việt Nam chưa được nhà nước công nhận, làm thế nào anh biết đến nó?

Đào Văn Thụy: Trong nhiều năm tôi tiếp tục theo dõi tình hình phong trào dân chủ trong và ngoài nước. Đến tháng 6 khi tốt nghiệp đại học tôi đã xuống nhà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tìm hiểu tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhanh chóng hòa mình với phong trào.

Được sự giúp đỡ của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và chú Nguyễn Khắc Toàn, đến ngày hôm nay tôi đã công khai đấu tranh trên mạng. Tổ chức Công Đoàn ra đời thì tôi đã biết trước một tháng và tôi đã chờ đợi rất lâu.

Tôi đã viết đơn từ rất lâu rồi nhưng tổ chức Công Đoàn cũng bị ngăn trở rất nhiều, đến những ngày gần đây tôi mới có thể gởi được bài viết này cho nhà báo Nguyễn Khắc Toàn và nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã đăng đơn xin gia nhập của tôi. Tôi đã biết trước sự ra đời của Công Đoàn cách đó khoảng 1 tháng.

Trà Mi: Trong ánh mắt của một người trẻ thì anh thấy là vai trò của các tổ chức công đoàn nhà nước hiện nay ra sao, và vì sao lại phải tham gia vào tổ chức Công Đoàn Độc Lập?

Đào Văn Thụy: Thưa chị, tổ chức công đoàn của Việt Nam thì của đảng CS, không có tiếng nói. Và nhiều năm gần đây thì công đoàn đó không làm được việc gì cả để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân mặc dù nhân dân rất khổ.

Người công nhân Việt Nam rất khổ. Tôi được thăm rất nhiều cuộc sống của công nhân, thí dụ như tôi đã từng đi lên tổng công ty Sông Đà là công trình kéo điện về xã, tôi thấy được cuộc sống cùng khổ của công nhân thế nhưng tổ chức công đoàn không làm được việc gì cả - công đoàn chỉ có ăn lương rồi vô tích sự, không bảo vệ được quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Tổ chức Công Đoàn tự do này là một tổ chức mà hoạt động phù hợp với pháp luật. Pháp luật Việt Nam sẽ không thể ngăn cấm được nghiệp đoàn tự do này. Nó sẽ bảo vệ quyền lợi của công nhân, của nông dân, của những người lao động nghèo khổ.

Và tôi thấy rằng tổ chức công đoàn tự do này sẽ có thể giúp tôi đi sâu vào phong trào, đi sâu vào quần chúng nhân dân để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rằng chỉ có đa nguyên đa đảng thì mới đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, khủng hoảng và tụt hậu. Tôi tin rằng công đoàn này sẽ có tác dụng đối với quần chúng nhân dân.

Trà Mi: Theo anh thì vì sao có những mặt hạn chế trong các tổ chức công đoàn của nhà nước như anh vừa kể ạ?

Đào Văn Thụy: Đó là chính là việc những người làm chủ tịch công đoàn, những người trong công đoàn thì toàn là những người ăn lương của chính tổ chức đó, chính là ê kíp của tổ chức đó.

Ví dụ như chủ tịch công đoàn có thể sẽ là ê kíp của chủ xưởng, của giám đốc cho nên không có sự độc lập. Và những người ở công đoàn thì thường không có trình độ về luật, chủ yếu được biết lên là nhờ sự ủng hộ của những chủ xưởng đơn vị đó.

Trà Mi: Thế thì liệu tổ chức Công Đoàn Độc Lập mà hiện bây giờ chưa được phép công nhận như vậy có điều kiện phát huy chức năng hoạt động của mình như mong muốn hay không?

Đào Văn Thụy: Tổ chức công đoàn này sẽ là một tổ chức lớn mạnh nhất trong các tổ chức đòi tự do dân chủ ở Việt Nam. Bởi vì người dân Việt Nam vốn cứ nghe thấy đặt dân chủ là sợ.

Nhưng khi nói đến tổ chức công đoàn thì nhân dân rất ủng hộ. Bởi vì trực tiếp giúp đỡ người dân cho nên tổ chức công đoàn này tôi tin rằng sẽ có khả năng phát triển mạnh hơn các tổ chức khác để đóng góp dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Trà Mi: Ở Việt Nam thì phần đông thanh niên thường e ngại hay tránh né khi có những ý kiến độc lập hoặc có những ý kiến về các chuyện nhạy cảm, chẳng hạn như về chính trị, dân chủ v.v... Cũng có những trường hợp can đảm hơn thì họ cũng đã viết thư ngõ gởi đến giới lãnh đạo hoặc báo đài các nơi với những lời lẽ ôn hòa, xây dựng. Thế nhưng ngược lại Trà Mi thấy hình như trong lá thư của anh chứa đựng những lời lẽ khá thẳng thắn và sắc bén. Anh không sợ là nó sẽ mang lại cho anh những khó khăn, anh không sợ sẽ "rước họa vào thân"?

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm với chương trình, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : Vietweb@rfa.org

Đào Văn Thụy: Tôi không sợ. Trong đơn xin gia nhập công đoàn thì tôi đã viết thẳng rằng tôi sẽ chấp nhận tất cả, kể cả sự khủng bố, kể cả hy sinh tính mạng của mình. Tôi không sợ bởi vì tôi là người có chính nghĩa, tôi là người được nhân dân ủng hộ, tôi là người hoạt động phù hợp với pháp luật. Nếu anh chống lại tôi thì anh chống lại chính pháp luật của anh và anh chống lại chính nhân dân anh. Cho nên tôi không sợ điều gì cả.

Trà Mi: Ở Việt Nam thì thường hay có quan niệm rằng những hoạt động hay tư tưởng nào mà đi ngược lại với đường lối của nhà nước chính là phản động, chính là chống lại nhân dân. Anh nhận xét về điều này như thế nào?

Đào Văn Thụy: Điều đó là điều thường xuyên xảy ra. Tổ chức công đoàn này không chỉ giúp về vật chất mà giúp đỡ về cả tinh thần cho người dân. Như vậy là tổ chức công đoàn này phải giải thích cho người dân rõ rằng chúng tôi là người bênh vực cho người dân chớ chúng tôi không phải là người phản động, là người chống lại nhân dân. Và nhân dân cũng phải hiểu rằng phản động không phải là chống lại một tập đoàn nào đó mà phản động chỉ có thể khẳng định khi anh chống lại quyền lợi của nhân dân mà thôi. Còn chống lại một tập đoàn hay một tổ chức đảng nào đó thì không phải là phản động.

Trà Mi: Kể từ ngày góp mặt vào các phong trào dân chủ ở trong nước thì anh có gặp những khó khăn, những trở ngại nào từ phía chính quyền hay không?

Đào Văn Thụy: Vâng, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn từ phía chính quyền, từ khi tôi viết đơn xin gia nhập thì rất nhiều lời dọa nạt và họ có những đe dọa và lợi dụng tình cảm gia đình của tôi để gây áp lực với tôi.

Họ đã khủng bố, họ đã làm cho gia đình tôi phải sợ hãi. Chính quyền này dám làm tất cả. Gia đình tôi rất thương tôi và đã khuyên can tôi. Mẹ tôi và chị tôi khóc lóc, van xin tôi quay trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng tôi đã không theo, gia đình tôi đã rất phản đối tôi.

Trà Mi: Động lực nào có thể giúp cho anh đứng vững trên lập trường, lý tưởng của mình và vững tâm đi theo con đường mà mình đã chọn?

Đào Văn Thụy: Động lực chính của tôi chính là nhân dân Việt Nam. Là một dân tộc anh hùng thế mà tại sao lại phải chịu một cuộc sống nghèo khổ thế này. Tôi đã sống trên vùng Tây Bắc và tôi thấy rằng nhân dân ở đó rất khổ. Có những người thường xuyên phải ăn cơm độn ngô sắn và thường xuyên có những người bị chết đói.

Như tôi đây cũng là người đã từng viết về chết đói. Ngày hôm qua đi qua những vùng miền Trung, gió Lào cát trắng tôi thấy là cuộc sống của người ta cực kỳ khổ. Đến ngay những vùng Quảng Bình, Quảng Trị, ngôi nhà thì bé như chuồng lợn thôi, những cây sắn thấp bè bè khoảng ngang người, đất đai cằn cỏi. Các em bé phải mò cua bắt ốc, mình trần da đen thùi thụi.... khổ lắm chị ạ. Rồi những bà con dân tộc vẫn cứ phải ăn cơm độn sắn ngô, cuộc sống khổ hạnh vô cùng. Tôi cảm thương cho họ.

Trà Mi: Tức là những sự thay đổi về mặt kinh tế chỉ nhìn thấy được ở những thành phố lớn, ở những mặt đô thị như Sài Gòn, Hà Nội hoặc những thành phố lớn thôi. Còn những vùng nông thôn, những vùng xa xôi hẻo lánh thì tình trạng không được mấy cải thiện, phải không ạ?

Đào Văn Thụy: Đời sống ở thành phố thì cũng không được cải thiện bao nhiêu, mà cải thiện chỉ có những người lắm tiền nắm chính quyền mà thôi - đó là những người của đảng CS. Còn người dân thì vẫn khổ mà thôi. Khi vào WTO, một cơ hội như thế nhưng người dân chả có thái độ gì cả, cuộc sống vẫn chả thay đổi gì cả.

Tôi đã từng đến ở Hà Nội - người dân vẫn nghèo khổ. Nhưng chung cư ổ chuột dưới những ngôi nhà cao tầng... tôi thấy cuộc sống của nhân dân khổ cực trăm đường. Đó chính là động lực nó thúc tôi hoạt động để đấu tranh cho tự do dân chủ vì tôi biết rằng chỉ có tự do dân chủ mới có thể cứu thoát cả dân tộc này ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu.

Trà Mi: Cũng như các bạn trẻ tại Việt Nam biết đến dân chủ, chính trị và tình hình đất nước qua sách vở nhà trường và báo-đài nội địa, thế nhưng vì sao anh Thuỵ có những suy nghĩ và hành động có thể gọi là "khác biệt" so với đại đa số người trẻ trong nước? Là người nhiều năm tham gia các phong trào học sinh-sinh viên trong nước, anh nhận xét như thế nào về sự hiểu biết, quan tâm của thanh niên Việt Nam đối với thời cuộc cũng như các lĩnh vực về dân chủ, nhân quyền?

Mời quý vị theo dõi phần trao đổi tiếp theo trong chương trình tuần tới. “Diễn đàn bạn trẻ” rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để chương trình ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm với chương trình, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.