Các thử nghiệm về virút cúm gia cầm đã không tiến hành xác đáng


2005.03.09
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Giới truyền thông quốc tế mới đây cho rằng Việt Nam vốn là nước đang có dịch cúm gia cầm hoành hành, đang có hai vấn đề lớn trong việc đối phó với dịch bệnh. Một là thiếu minh bạch trong việc báo cáo các trường hợp mới, và thứ nhì là công tác thử nghiệm còn thiếu sót.

Người y tá chăm sóc anh Nguyễn Sỹ Tuấn đã bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và được đưa vào Viện Y Học Lâm Sàng Các Bệnh Nhiệt Ðới ở Hà Nội hôm 25 tháng 2 năm 2005. AFP PHOTO

Thông báo tất cả những diễn tiến của dịch bệnh không liên quan gì đến an ninh hay thể thống quốc gia, vì theo bác sĩ Klaus Stohr, giám đốc chương trình Cúm tòan cầu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thì tổ chức này yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải cung cấp sự lượng định về mối nguy của dịch bệnh, nhằm giúp những quốc gia thành viên khác đánh giá đúng mức những gì đang diễn ra tại Á châu để có thể trợ giúp. Nếu không có những thông tin đó thì không thể làm gì được.

Không phải là quốc gia duy nhất

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất báo cáo thiếu sót. Nhật báo Jakarta Post cho biết nông gia Indonesia trong hai tháng qua đã tiêu hủy trên 33 ngàn gà vịt để chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên chính phủ Indonesia từ mấy tháng qua không hề báo cáo về trường hợp dịch bệnh bùng phát mới nào cho tổ chức Thú y Thế giới biết. Thái Lan trước kia cũng từng hành xử như vậy.

Trên số báo ra ngày mùng 1 tháng Ba vừa qua, tờ Canada Press cho biết trên một tháng trước Việt Nam không báo cáo trường hợp cúm gà nào mới cho Tổ chức Y tế Thế giới, dù báo chí có loan tin về vài ca nhiễm mới xảy ra.

Lý do chủ yếu, theo ông Dick Thompson, giới chức giao tế của Vụ Bệnh Truyền nhiễm thuộc Tổ chức Y tế Thế giới ở Genève, cho biết nhiều quốc gia lo ngại không muốn báo cáo về những vụ dịch bệnh bùng phát vì không muốn ngành du lịch, thương mại của họ bị tác động. Hoặc có khi chỉ vì họ không muốn uy tín hay thế đứng của họ trên thế giới bị giảm sút.

Theo ông Thompson thì những cách nhìn như vậy hết sức sai lầm và tai hại. Nếu dịch bệnh bùng phát quá khả năng kiềm chế của một nước thì toàn thế giới sẽ bị đại dịch.

Nhân đây, ông cũng chỉ trích những quốc gia phát triển là đã không trợ giúp Việt Nam đúng mức. Hiện nay những quốc gia Á châu đang tốn kém rất nhiều để chống dịch, nếu họ thành công thì cả thế giới được nhờ. Do đó các nước giàu cần trợ giúp nhiều hơn nữa để chống cái họa chung.

Tại Hội nghị quốc tế về bệnh cúm gia cầm tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng Hai, bác sĩ Samuel Jutzi tuyên bố rằng hiểm họa của dịch bệnh quá lớn, nên không quốc gia nào có thể làm ngơ được.

Tìm ra những trường hợp nhầm lẫn

Khi trợ giúp thì mới khám phá ra những sai sót. Nhật Bản giúp Việt Nam khảo nghiệm lại các mẫu bệnh phẩm và tìm ra những trường hợp nhầm lẫn.

Bệnh phẩm thu từ 11 bệnh nhân cúm gà Việt Nam, cùng 90 bệnh nhân cúm khác nhưng cho kết quả âm tính, đã được Viện Bệnh Truyền nhiễm ở Tokyo xem xét lại. Cho tới nay đã hoàn tất được trên 30 trường hợp, trong số đó có 7 trường hợp âm tính cũ đã cho thấy đúng là dương tính với virút H5N1.

Tất cả 7 trường hợp này thông báo cho phía Việt Nam thử lại thì chỉ xác định được 4 trường hợp là nhiễm virút mà thôi. Theo ông Phan văn Tự của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thì một trong những lý do gây ra việc này là các mẫu bệnh phẩm và thuốc thử trong các kỳ khảo nghiệm ban đầu đã không được trộn lẫn chu đáo nên cho kết quả không rõ rệt.

Ông cho biết thêm là Viện Pasteur sẽ sử dụng phương thức khảo nghiệm nhạy cảm hơn đã được dùng ở Tokyo và tăng cường huấn luyện cho các kỹ thuật viên.

Đó cũng là mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới muốn giúp Việt Nam đạt được. Ông Peter Horby, đại diện của WHO tại Hà Nội.

Liên quan đến bệnh sưng màng óc?

Một điểm đáng quan ngại khác là các cuộc khảo nghiệm bệnh phẩm cho thấy một trường hợp sưng màng óc cũng có dấu vết virút H5N1. Từ trước đến nay, mọi người đều cho rằng virút này chỉ gây trở ngại về đường hô hấp mà thôi. Hiện chưa rõ là virút H5N1 làm sưng màng óc hay nó chỉ vô tình xuất hiện song song.

Nhà vi trùng học Menno de Jong, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này tại Bệnh viện Các Bệnh Nhiệt đới tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết là phải cần tìm hiểu cặn kẽ hơn về loại virút H5N1.

Theo ông thì cuộc khảo sát bệnh phẩm của 100 người bị sưng màng óc không có thêm trường hợp nào liên quan đến virút H5N1. Tuy nhiên có thể vài trường hợp bị bỏ qua do bệnh nhân chỉ có bệnh chứng nhẹ về đường hô hấp.

Do đó nhóm nghiên cứu của ông sẽ khởi sự tìm dấu vết virút H5N1 trong thời gian một năm qua 1,600 bệnh nhi Việt Nam chỉ có triệu chứng nhẹ để có kết luận rõ ràng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.