Bài phân tích đặc biệt của tạp chí Nature về dịch cúm gia cầm

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Về phương diện y tế công cộng, vùng Đông Á đang bị đe doạ bởi nguy cơ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào của dịch cúm gia cầm. Cho đến nay hàng triệu gà đã bị tiêu huỷ, nhưng hai nơi trú ẩn của virus H5N1 thì vẫn còn đó, là vịt và chim di cư.

0:00 / 0:00
birdflu_Duck200.jpg
Người nông dân đang đưa đàn vịt ra đồng. AFP PHOTO

Cho nên, dù bao nhiêu gà bị tiêu diệt, thì virus vẫn còn đó tiếp tục đe doạ con người, và mỗi khi nó xuất hiện, thì lại có người chết. Tạp chí Nature số mới ra với chủ đề là cúm gia cầm có bài phân tích về mối nguy cơ này.

Lần đầu xuất hiện

Virus H5N1 xuất hiện lần đầu tại Hồng Kông và Nam Trung Quốc vào năm 1997, khiến sáu người chết. Khi tái xuất hiện vào năm 2003 và tiếp tục cho đến nay, nó đã khiến gần 100 người nhiễm bệnh, trong đó 53 đã chết ở Việt Nam, Thái Lan và Campuchea.

Tình hình ấy khiến mọi người quan ngại một đợt dịch cúm toàn cầu có thể xẩy ra, nếu một loại virus mà con người chưa được miễn dịch, lại có khả năng lây lan từ người sang người. Điều may mắn là hiện virus H5N1 chưa có khả năng này, và hy vọng là nó sẽ không bao giờ có khả năng ấy.

Nhưng nếu điều không may ấy xẩy ra, thì chỉ trong vài tháng là virus có thể lan khắp thế giới. Hậu quả thật là khó lường.

Không nên lạc quan nghĩ là nhân loại sẽ gặp may như hồi năm 1968, khi một loại virus nhẹ là H3N2 xuất hiện và khiến khoảng 750 ngàn người chết, mà nên lo ngại chuyện xẩy ra vào năm 1918, khi virus H1N1 hoành hành, khiến 40 triệu người chết trên toàn thế giới.

Cho dù khoa học đã tiến những bước dài từ đó đến nay, nhưng nếu như tình hình tương tự xẩy ra với virus H5N1, thì hậu quả cũng sẽ không kém phần thảm khốc.

Con người đã chuẩn bị gì?

birdflu6_150.jpg

Vấn đề được đặt ra ở đây là con người đã chuẩn bị thế nào để đối phó với nguy cơ ấy một khi nó xẩy ra? Hiện nay con người có khả năng sản xuất được vaccine chống cúm gia cầm, nhưng do những tranh cãi về tài chính, khoa học hay chính trị mà công việc bị trì trệ.

Tại Hoa Kỳ, viện nghiên cứu y tế quốc gia, gọi tắt là NIH đang thử nghiệm vaccine chống virus H5N1 trên gần 500 người tình nguyện.

Diễn tiến tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam, còn Trung Quốc thì loan báo đã thử nghiệm thành công và bắt đầu đưa vào sử dụng ngay sau khi có tin về hàng ngàn chim di cư chết vì virus H5N1 ở tỉnh Thanh Hải.

Thật ra thì vaccine trừ cúm không phải là điều mới lạ gì. Trong năm 2003 chẳng hạn, các công ty dược phẩm đã đưa ra thị trường đến gần 300 triệu liều thuốc, nhưng đó chỉ là vaccine ngừa bệnh cúm thông thường thôi, còn đối với virus cúm lây lan từ các loài chim qua người, thì loại vaccine ấy không tác dụng, và việc điều chế loại vaccine đặc chủng ấy cho đến nay vẫn chưa tiến hành tốt.

Nguy cơ virus H5N1

Virus loại nguy hiểm như H5N1 có thể gây đại dịch bằng hai cách: thứ nhất là tự chúng đột biến để có khả năng lây lan từ người sang người. Thứ hai là chúng trao đổi gien với một loại virus có khả năng gây bệnh cho người, và qua quá trình trao đổi ấy, chúng có khả năng lây lan từ người sang người.

Điều lạc quan là một khi các ca bệnh đã xuất hiện, nghĩa là virus gây bệnh đã xuất đầu lộ diện, thì giới y khoa có thể chế tạo ra một vaccine hữu hiệu chống lại chúng. Có điều là để làm được điều đó thì phải mất vài tháng, và thời gian đó đủ để virus lây lan khắp địa cầu.

Chính vì thế mà hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu chế tạo vaccine chống hai loại virus nguy hiểm nhất là H5N1 và H9N2. Nếu thành công và nếu bất ngờ một đại dịch xẩy ra, thì dù hai loại virus ấy có biến thể chăng nữa, vaccine vẫn có tác dụng chẳng nhiều thì ít, đủ thì giờ để giới khoa học tìm ra và bào chế loại vaccine đúng.

Riêng đối với các thử nghiệm vaccine chống lại virus H9N2, thì trước đây, người ta thấy là phải sử dụng một tá dược để kích thích hệ thống miễn dịch của con người thì vaccine mới hoạt động được. Nhưng nhiều quốc gia lại không chấp nhận sử dụng tá dược, nên vấn đề ấy phải được giải quyết trước đã, rồi mới có thể tiếp tục nghiên cứu.

Vaccine ngừa cúm

Birdflu_victim200.jpg
Hôm 28-2-2005, Anh Nguyễn Sĩ Tuấn (trái), nằm bên cạnh giường bệnh của em gái, Nguyễn Thị Ngoan tại bệnh viện Hà Nội. Cả hai đều có xét nghiệm dương tính virus H5N1. AFP PHOTO

Để sản xuất vaccine ngừa cúm, cách thông thường nhất là chích virus vào một trứng gà đã có trống, cho virus tự nhân lên rồi dùng hoá chất giết chúng.

Để đạt được kết quả ấy, virus phải được biến thể, và người ta thực hiện điều này bằng cách cho hai loại virus vào cùng một quả trứng gà, trong đó một loại là virus gây bệnh, và loại kia là virus lành được sản xuất trong phòng thí nghiệm, có khả năng phát triển tốt trong môi trường trứng.

Nếu mọi sự diễn tiến tốt đẹp, thì gien của hai loại virus này sẽ tổng hợp với nhau trong vaccine ngừa bệnh. Nếu thuận buồm xuôi gió, thì quá trình này cũng mất thời gian, còn nếu không gặp may thì chậm trễ vài tháng là thường.

Hiện nay có một phương pháp khác nhanh hơn cũng như ít may rủi hơn để sản xuất vaccine, là phương pháp đảo nghịch di truyền.

Nguồn tài chính

Giả sử mọi sự đều tốt đẹp trong phòng thí nghiệm, thì vẫn còn một vấn đề chưa giải quyết được, là làm sao sản xuất đủ số lượng cho toàn thế giới một khi đại dịch xẩy ra. Hiện nay khả năng của tất cả các xí nghiệp dược phẩm trên toàn thế giới là khoảng 300 triệu liều thuốc một năm, nhưng nếu xẩy ra đại dịch, thì nhu cầu có thể lên đến hàng tỷ.

Giải đáp cho vấn nạn này trước hết là nguồn tài chính. Nhưng vì đại dịch chưa chắc đã xẩy ra, nên giới tư bản trong ngành dược ngần ngại khi đầu tư vào những sản phẩm rất có thể không bao giờ dùng tới. Đó cũng là nỗi băn khoăn của các quốc gia khi phân bổ ngân sách.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc đã sản xuất vaccine ngừa virút H5N1 rồi, thì Thái Lan và Việt Nam cũng đang thử nghiệm trên người và sẵn sàng sản xuất đại trà vào năm tới, với điều kiện là phải có ngân sách như lời tiến sĩ Nguyễn Thu Vân, giám đốc công ty Vaccine Sinh phẩm 1 ở Hà nội, trong một cuộc phỏng vấn dành cho BTV Nam Nguyên của ban Việt ngữ mới đây như sau:

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)