Hơn 70% vịt và gần 22% gà bị nhiễm H5 dương tính
2005.04.17
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Việt Nam dự kiến tiêu huỷ 10 triệu gia cầm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, do kết quả xét nghiệm cho thấy hơn 70% vịt và gần 22% gà bị nhiễm H5 dương tính. Từ Cần Thơ, ông Nguyễn Bá Thành giám đốc trung tâm thú y vùng quản lý địa 11 tỉnh thành miền Tây cho biết rằng, các chuyên viên dịch tễ vẫn chưa biết chắc được rằng, độc lực của vi rút H5 trong vùng ở mức độ nào, cũng như độc lực đó đủ để giết chết đàn gia cầm hay không.

Nhưng theo ông Thành, rõ ràng là vi rút cúm H5 đang phát triển trong vùng đồng bằng sông Củu Long.
Phải tiêu hủy 50% tổng đàn
Người đứng đầu ngành thú y miền tây xác nhận rằng, trong 3 tháng đầu năm đã lấy 10 ngàn mẫu huyết thanh từ các trại hộ chăn nuôi tại 10 tỉnh đồng bằng Cửu Long để xét nghiệm. Kết quả cho thấy 71% mẫu bệnh phẩm của vịt ngan ngỗng bị nhiễm vi rút cúm dương tính.
Ở đàn gà tỷ lệ nhiễm là 21, 4%. Với một tỷ lệ nhiễm cúm quan trọng như vậy, đưa tới kết luận là phải tiêu huỷ 50% tổng đàn, tức là phải tiêu huỷ 10 triệu gà vịt trong tổng số 20 triệu con đang được nông dân chăn nuôi.
Đây là một khó khăn rất lớn, Giám đốc trung tâm thú y vùng Cần Thơ Nguyễn Bá Thành nói với chúng tôi rằng, sẽ tổ chức một phiên họp trong ít ngày nữa để tìm giải pháp. Ông Thành nhận định là chính phủ cần ban hành những biện pháp mạnh mẽ và thống nhất.
Cho tới nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chính quyền hỗ trợ người dân từ 5 ngàn đồng tới tối đa 10 ngàn đồng cho mỗi con gia cầm tiêu huỷ. Trong khi giá thị trường phải từ 20 ngàn đồng tới 30 ngàn đồng một con gà hoặc vịt.
Một giới chúc khác, ông Lưu Phước Hậu chi cục phó chi cục thú y Cần Thơ nói trên báo chí trong nước rằng, chỉ riêng địa bàn của ông đã có tới 400 ngàn con vịt ngan ngỗng và hầu hết là nuôi thả theo kiểu chạy đồng. Đây là nguy cơ lây lan vi rút và ngànhg chức năng không thể kiểm soát các đàn thuỷ cầm luôn luôn di chuyển. Kể cả gà thì Cần Thơ hiện có tổng đàn 1 triệu 500 ngàn con.
Ðền bù cho người chăn nuôi
Tại Hà Nội tiến sĩ Bùi Quang Anh giải thích rằng, các mẫu huyết thanh xét nghiệm có xuất hiện kháng thể H5N1 dương tính với tỷ lệ cao, nhưng điều này chưa thể khẳng định được là tất cả đã nhiễm H5N1, mà cần có kết quả xét nghiệm lần thứ hai. Ông Bùi Quang Anh nhìn nhận rằng cần tiêu huỷ gia cầm mang mầm bệnh, nhưng kinh phí tài trợ cho nông dân là một trở ngại lớn lao.
Trong khi đó ông Anton Rychener Đại diện cơ quan lương nông LHQ ở Hà Nội nói với hãng AP rằng, không thể chỉ tiêu huỷ 50% mà phải mạnh dạn tiêu huỷ 80% tổng đàn trong vùng nhiễm dịch. Ông Rychener nhận định là cộng đồng quốc tế bắt đầu thấu hiểu là tình hình nghiêm trọng, Lương Nông Quốc Tế và các nhà tài trợ khác đang làm việc với chính phủ Việt Nam, để giúp thêm nguồn ngân sách đền bù cho người chăn nuôi.
Người lãnh đạo văn phòng Lương Nông Quốc tế ở Hà Nội cho rằng, chính vì vấn đề tiền trợ cấp quá ít, nên nông dân không chấp hành lệnh tiêu huỷ gà vịt, nhất là khi họ chưa nhìn thấy đàn gia cầm có triệu chứng bệnh tật.
Theo nguồn tin địa phương, tình hình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay yên tĩnh, sự lo ngại chỉ thể hiện ở các giới chức chuyên môn hoặc chính quyền. Miền Tây đang trong mùa nắng nóng, nhưng khi tới mùa mưa có gió lạnh thổi về thì nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Năm ngoái dịch đã bộc phát trong thời điểm tháng 6 và tháng 7.
Những bài liên quan
- 5 người trong một gia đình ở Hải Phòng bị nghi nhiễm cúm gia cầm
- 7 bệnh nhân nghi nhiễm H5N1 trốn khỏi các bệnh viện
- Gia đình 5 người ở Hải Phòng bị nhiễm cúm H5N1 sẽ sớm hồi phục
- Giới y tế đặt nhiều nghi vấn trước tình trạng dịch cúm lan tràn ở Quảng Bình
- Nhiều cư dân Quảng Bình bị cúm, 2 trường hợp nghi nhiễm virus H5N1
- Việt Nam có thể đã bỏ sót nhiều ca bệnh cúm gia cầm quan trọng
- Một bệnh nhi mới tình nghi nhiễm cúm gia cầm
- Dịch cúm gia cầm tại Việt Nam khiến thế giới lo lắng
- Các thử nghiệm về virút cúm gia cầm đã không tiến hành xác đáng
- GS Hoàng Thủy Nguyên cho biết về thuốc chủng ngừa H5N1
- Tình hình thực tế về dịch cúm gia cầm ở trong nước
- CDC quan ngại virut H5N1 biến thể và gây đại dịch cho nhân loại
- Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ của đại dịch cúm gia cầm
- Có quá sớm để tuyên bố sẽ khống chế dịch cúm gia cầm vào cuối tháng này?
- Quan ngại về khả năng virus cúm gia cầm có thể truyền từ người sang người