Công trái Giáo dục Việt Nam, liệu có hiệu quả hay không?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vào ngày 19 tháng Năm tới, Nhà nước Việt Nam sẽ phát hành rộng rãi Công trái Giáo dục năm 2005 với tổng mức huy động dự trù khoảng 1,500 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp ích gì cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

0:00 / 0:00
aodaischool200.jpg
Nữ sinh trung học ở Hội An. AFP PHOTO

Lê Dân trình bày một số nhận định của những người liên quan và tha thiết đến tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay như sau.

Theo ông Phạm Sỹ Danh, tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, thì Công trái Giáo dục đợt 2 này sẽ được phát hành rộng rãi tại các đơn vị kho bạc nhà nước trên toàn quốc từ ngày 19 tháng Năm sắp tới với tổng mức huy động là 1,500 tỷ đồng.

Gọi là đợt 2 vì trước đây, vào năm 2003 nhà nước đã phát hành một đợt công trái giáo dục với tổng mức huy động nhiều hơn, là 2,580 tỷ đồng với lãi suất 8% một năm.

Tính đến ngày 31 tháng Ba vừa qua, thì số vốn công trái Giáo dục đợt 1 đã giải ngân được trên 2,371 tỷ đồng, bằng 92% tổng số vốn dự kiến huy động. Nhờ nguồn vốn này, trong tổng số gần 60 ngàn lớp học cần phải đầu tư, sau 2 năm đã có gần 29 ngàn lớp học kiên cố được xây dựng.

Huy động vốn...

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Một nhà giáo vùng xa cho biết: "... Ở những vùng miền núi, những trường học của các em học sinh người dân tộc, vùng nông thôn, thì bây giờ hầu như đã kiên cố hóa, tức là xây, chứ không còn làm bằng tranh nứa hay là gỗ nữa..."

Đợt công trái giáo dục thứ nhì này chỉ dự trù huy động 1,500 tỷ đồng, tức chỉ hơn phân nửa kỳ truớc, mà cũng còn dè dặt. Lý do là theo nhận định của Kho bạc Nhà nước, thì thị trường tài chánh tiền tệ có nhiều biến động nên mục tiêu năm nay dù ít nhưng cũng rất khó khăn huy động. Do đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương và phải ấn định lãi suất cao hơn kỳ trước là 8,2% so với 8% một năm.

Hôm họp bàn kế hoạch tổ chức phát hành tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Danh cho biết trong số 1,500 tỷ, sẽ huy động từ Bảo hiểm Xã hội 300 tỷ, từ các tổ chức tín dụng 500 tỷ, các công ty bảo hiểm 100 tỷ, các doanh nghiệp 100 tỷ và huy động từ công chúng 500 tỷ đồng.

... để xây dựng trường lớp

Việc xây dựng trường lớp trước kia vẫn do các địa phương chỉ đạo tùy tiện, có nơi buộc cha mẹ học sinh đóng góp. Kỳ này đích thân Thủ tướng Phan văn Khải ra chỉ thị cho bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện ra soát, kiểm tra, bãi bỏ các khoản thu, các khoản đóng góp xây dựng trường học trái quy định của nhà nước. Đồng thời bộ Giáo dục phải chỉ đạo đôn đốc việc xây dựng các công trình sử dụng nguồn tài trợ từ công trái theo đúng kế hoạch.

Dù vậy cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu, theo nhận xét của ông Phạm Minh Hạc, người từng giữ chức bộ trưởng Giáo dục Việt Nam và vẫn còn công tác trong ngành.

"...Việc này cũng chỉ mới được một phần nhỏ thôi. Ở các vùng xa xôi, vùng núi, còn đòi hỏi rất là nhiều. Xây dựng trường sở vẫn còn thiếu..."

Những nỗ lực kiên cố hóa lớp học qua nguồn tài trợ từ công trái giáo dục được nhiều người đánh giá cao, nếu tránh được nạn rút ruột công trình từng xảy ra nhiều nơi ở các dự án đầu tư công cộng. Đã có nhiều trường hợp trường lớp, ký túc xá sinh viên ở một số địa phương xây xong rồi không sử dụng được, hoặc có khi phải phá bỏ để xây lại.

Chất lượng giảng dạy

Công trình vật chất đã được nhà nước chú ý, nhưng còn một mặt quan trọng hơn, và vẫn thường bị nhà giáo kêu ca, là chất lượng của đội ngũ giảng dạy, từ cấp 1 lên tới đại học, đều cần quan tâm.

"...hiện nay giải pháp có lẽ được mọi người mong đợi là cho tự do, cho tư nhân hóa, cho có cạnh tranh. Hiện nay chỉ có một bộ, chỉ đạo rất là chặt chẽ, rất là hành chính, coi giáo dục giống như quản lý hành chính vậy. Nó bóp nghẹt tự do của thầy cô giáo, của cả học sinh, sinh viên luôn. Mọi người mong cái gọi là, người ta dùng chữ cởi trói đấy..

Giáo sư Phạm Minh Hạc nhận xét về thành phần giảng dạy đại học:

"...Bây giờ ở đại học có 4 vạn người giảng dạy thì không biết có được mấy trăm người có trình độ cao, còn hầu hết trình độ chưa xứng đáng với yêu cầu của nền giáo dục của đầu thế kỷ 21..."

Một cô giáo cấp 1 ngoài những cơ sở trường lớp tiện nghi ra, cũng tha thiết yêu cầu làm sao đào tạo được những người thầy có nhiệt tâm.

"...nếu mà người thầy dạy có nhiệt huyết với ngành. Đó, đào tạo làm sao để mà thầy ra thầy..."

Những bức xúc đó của các thầy cô giáo, có lẽ công trái giáo dục Việt Nam dù có nhiều đến đâu cũng không làm nổi. Thủ tướng chính phủ ra bao nhiêu chỉ thị cũng không làm nổi. Nhưng chỉ có phẩm chất của đội ngũ giáo viên mới có khả năng nâng cao phẩm chất của học trò.

Giải pháp được một nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh nhắc tới và cho là được nhiều người đồng tình.

"...hiện nay giải pháp có lẽ được mọi người mong đợi là cho tự do, cho tư nhân hóa, cho có cạnh tranh. Hiện nay chỉ có một bộ, chỉ đạo rất là chặt chẽ, rất là hành chính, coi giáo dục giống như quản lý hành chính vậy. Nó bóp nghẹt tự do của thầy cô giáo, của cả học sinh, sinh viên luôn. Mọi người mong cái gọi là, người ta dùng chữ cởi trói đấy..."