Những ngư phủ Việt Nam ở vùng New Orleans, Hoa Kỳ
2005.05.10
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào giữa năm 1975, những người Việt di tản đầu tiên được đưa đến Mỹ để chờ làm thủ tục định cư. Một cơ quan thiện nguyện thuộc tiểu bang New Mexicô đã đến tận trại tạm cư Fort Chaffee, thuộc bang Arkansas, Hoa Kỳ để giải thích về chương trình bảo trợ và ngỏ ý muốn bảo lãnh một số người về định cư tại thành phố Albuquerque.

Ngay lập tức, một người tị nạn giơ tay hỏi: "Ở đó có đánh cá được không?" Câu hỏi này làm cho các người bảo trợ và các nhân viên coi sóc trong trại phì cười, vì New Mexico là tiểu bang miền hoang sơn, núi đồi, làm sao có biển để cho dân đánh cá?
Những người Mỹ này làm sao có thể hiểu được nỗi lòng của những ngư phủ Việt Nam lúc bấy giờ! Từ đời ông đến đời cha, đời con, tháng này qua tháng khác, chỉ biết làm bạn với biển cả mênh mông, với những con sóng vỗ rì rào…
Bây giờ vì hoàn cảnh đất nước, trong cơn sa cơ lỡ vận, phải ngậm đắng nuốt cay, trôi dạt đến một phương trời xa lạ. Thế nhưng, có ai ngờ 30 năm sau, những người dân đánh cá ngờ nghệch thuở nào, theo chân những người Mỹ bảo trợ về sống tại vùng hoang dã, lại trở thành những chủ nhân ông của những chiếc tàu đáng giá hàng triệu bạc dọc theo vùng vịnh Mê hi cô. Hiện nay, cuộc sống của những ngư phủ này ra sao?
Thuở ban đầu...
Ngược dòng thời gian, vào giữa mùa hè năm 1976, tại vùng vịnh Mê hy cô, các cư dân địa phương thấy một số người Việt tị nạn, trên những chiếc thuyền khoảng 6 -7 mét, hồ hởi ra khơi đánh cá, đánh tôm. Tuy không am hiểu luật lệ, không biết lấy một chữ tiếng Anh, nhưng những ngư dân Việt này cứ thế mà cho thuyền xuống nước, vì họ cứ nghĩ như ở Việt Nam vậy: xuống biển rồi thì cần chi mà luật với lệ!
Thế là các ngư phủ Việt nam đã làm náo lọan cả một vùng biển,nào là cho tàu chạy không giảm tốc độ khi bắt đầu vào trong lạch để cập bến, hay cho tàu chạy tắt ngang vùng nuôi sò… Thế là chính quyền điạ phương vô cùng tức giận, có người còn đề nghị đuổi tất cả ngư phủ Việt Nam ra khỏi Vịnh Mê hy cô.
Còn dân địa phương thì lên tiếng cực lực phản đối ngư phủ Việt. Họ cho rằng càng ngày càng có thêm nhiều ngư phủ ngoại quốc đến xâm lấn vùng đánh cá, đánh tôm và gây khó khăn cho dân địa phương.
Với những khó khăn và trở ngại
Một trong những người có mặt vào thời gian đầu để giúp thông dịch, giải quyết những mâu thuẫn giữa ngư phủ Mỹ và ngư phủ Việt, cùng giúp họ liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương để trình bày những khó khăn của mình, ông Vương Kỳ Sơn, hiện cư ngụ tại New Orleans, bang Louisiana, kể lại:
Khó khăn đầu tiên vẫn là trở ngại về ngôn ngữ và lúc bấy giờ tôi có hai đứa con và vợ mình ở nhà cũng không rành về ngôn ngữ mới thành ra cũng rất là lo lắng cho ở nhà vì mình đi trên biển lênh đênh cả một tuần lễ hoặc hơn một tuần lễ …
"Tôi rời Kansas Missouri vào mùa hè năm 1977 và về News Orleans và khi về đến nơi đây thì chúng tôi có được nghe rất là nhiều các câu chuyện liên quan đến ngư phủ của chúng ta. Vì không thích hợp với những công việc hãng xưởng mà đã trở lại nghề cũ của mình tức là cái nghề đi biển thì các luật lệ mỗi xứ sở mỗi khác.
Ở Việt nam thì theo như chúng tôi được biết, được hiểu là chúng ta có tàu là chúng ta cứ việc ra đánh và chúng ta không cần phải license, không phải giấy phép…
Tuy nhiên ở đây thì đánh cái gì thì phải xin giấy phép cái đó, đánh cá chẳng hạn thì phải có giấy phép của đánh cá, đánh tôm thì phải có giấy phép của đánh tôm, bắt ghẹ thì phải có giấy phép của bắt ghẹ và bắt sò chẳng hạn thì cũng phải có giấy phép của cái vấn đề bắt sò..
Ví dụ như chúng ta đi đánh tôm mà chúng ta bắt được cá thì chúng ta chỉ có thể lấy một số con về ăn hay là cho bà con thôi chứ không được đem bán cá.. hay là vấn đề đậu tầu, hay là vệ sinh chẳng hạn.. nó rất là quan trọng.
Chúng ta tuồn hết xuống sông, xuống biển, nhưng mà đây thì họ không có chập nhận như vậy vì cái vấn đề môi trường nó rất là quan trọng đối với xứ sở này. Do đó mà người Việt nam của chúng ta một phần vì cái tập quán ở quê hương của chúng ta, một phần vì ngôn ngữ do đó mà đã có một số những cái chuyện không hay lắm xảy ra thì lúc đó chúng tôi cùng với cơ quan thiện nguyện cùng với quí vị làm cho cơ quan công quyền đã cố gắng giải quyết tất cả những khó khăn đó.
Tôi cũng đã nhiều lần đi đến những chỗ mà tàu có thể đậu được và liên lạc với những chủ của các lạch, những cái hồ để thương lượng với chủ để cho người Việt nam chúng ta đậu tầu và thuê một cái chỗ nào đó để đậu chứ không thể đậu ngang đậu ngửa, hay là đậu cản lối những cái tàu khác thì họ rất là khó chịu về chuyện đó và dần dần thì người Việt mình cũng quen đi.."
Ông Nguyễn Văn Kha, một ngư phủ đánh tôm đã có mặt từ những ngày đầu tiên kể lại tình cảnh của mình:
"Vào năm 1976, nơi đầu tiên tôi đến là vùng Beamon, Texas, Hoa kỳ, sau một thời gian ngắn, có vẻ không thích hợp với tôi. Và sau đó, bà bảo trợ đưa tôi về vùng biển thì thích hơn và sau đó cuối năm 1976, vào tháng 9 hay tháng 10 thì bà bảo trợ giới thiệu tôi đánh tôm, thì tôi là một trong những ngư phủ có mặt đầu tiên đi làm tôm trên chiếc tàu Poter đó. Lúc bấy giờ ít có người nghĩ tới cái nghề đó. Lợi tức lúc bấy giờ, tôi làm khoảng 10 ngày thì được 1200 đô.
Khó khăn đầu tiên vẫn là trở ngại về ngôn ngữ và lúc bấy giờ tôi có hai đứa con và vợ mình ở nhà cũng không rành về ngôn ngữ mới thành ra cũng rất là lo lắng cho ở nhà vì mình đi trên biển lênh đênh cả một tuần lễ hoặc hơn một tuần lễ …
Một thời gian ngắn thì bạn bè tôi rủ về vùng News Orleans, lúc đầu cũng chưa có vốn để làm tàu ngay…Năm 78 thì tôi mua được tàu ở News Orlean, chung với người bạn, chiếc tàu trị giá 9000 dollars,35 feet, tàu sắt, tàu cũng cũ lắm rồi.
Thời gian lúc bấy giờ không có đủ tiền để mua các lọai tàu lớn như bây giờ, chỉ mua các lọai nhỏ thôi, 35 chiều dài, khoảng 9 feet ngang.. nhưng làm cũng vất vả lắm…nhưng bù lại thì có lợi tức đáng kể...."
Thành công trong nghề
Thưa quí vị và các bạn, nhìn lại thời gian qua, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, những người dân đánh cá năm xưa ở vùng biển Việt nam, lưu lạc đến xứ người với bao bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu, nay đã trở thành chủ nhân của những chiếc tàu trị giá 6, 7 trăm ngàn đô la Mỹ, có cái lên tới hàng triệu.
Mời bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Có những người trước đây ở Việt nam, cả 3 đời hành nghề đi biển, quanh năm suốt tháng ở trên sông nước, chả bao giờ biết đến chữ nghĩa, luật lệ, nhưng nay, đã là chủ nhân của những chiếc tàu lớn, đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển ngành ngư nghiệp của Hoa Kỳ.
Ngòai việc cung cấp các hải sản tôm cá, cua ghẹ, sò, hến, rong biển, trứng cá đối… Kỹ nghệ đóng tàu cũng phát triển mạnh, nhất là tại tiểu bang Louisiana. Thế nhưng, trong những năm gần đây, vì tôm nhập cảng vào Hoa Kỳ ngày càng nhiều, giá dầu lại tăng cao, đời sống của các ngư phủ tại Mỹ bắt đầu lao đao, và dĩ nhiên, các ngư phủ Việt nam cũng cùng chung số phận.
Ông Nguyễn Văn Khoa, hiện đang có cửa tiệm bán lưới tại New Orleans và hành nghề đánh cá 16 năm qua cho biết tình cảnh của các ngư phủ Việt cũng như Mỹ hiện nay
"Theo tôi đựơc biết thì vì tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ rất nhiều, như là của Việt Nam chẳng hạn, nên giá tôm xuống, trong khi đó thì giá dầu lại tăng cao, cho nên họ làm ăn bây giờ cũng khó khăn lắm, có người đã bỏ nghề rồi…"
Ông Trần Văn Tề, có tàu dài khoảng 21 thước, chuyên đánh tôm ở cảng Empire, vùng News Orleans kể về tình cảnh của mình:
"Hiện nay bị ảnh hưởng về hai cái, giá dầu thô bây giờ quá cao, giá tôm bây giờ xuống thấp, xuống khoảng phân nửa so với hồi cách đây hai năm…Cho nên ảnh hưởng rất nặng nề về giá tôm. Cứ cái đà này thì sẽ có nhiều bỏ nghề, mà thực tế thì cũng có người đã bỏ nghề rồi.
Chúng tôi cũng có nghiệp đoàn ngư nghiệp Việt Nam, đã làm đơn thỉnh nguyện, đình chỉ không cho tôm nhập cảng vào. Tôi cũng nghe nói là tôm không nhập vào nữa nhưng giá tôm vẫn cứ xuống thấp..tôi cũng chả hiểu tại sao…"
Đóng góp to lớn cho địa phương
Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là câu chuyện của những người đánh cá tại News Orleans, bang Louisana. Trước đây do những điểm khác biệt về luật lệ và ngôn ngữ bất đồng, nên đã gây ra nhiều tranh chấp kịch liệt giữa người bản xứ và các ngư phủ Việt nam trong quá khứ.
Thậm chí có lúc vấn đề này làm cho chính quyền địa phương phải nổi giận và đòi trục xuất tất cả ngư phủ Việt Nam khỏi vịnh Mê hi cô, không cho hành nghề. Thế nhưng, với đức tính kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, chịu khổ của người Việt ta, sau khi các cơn sóng gió đã qua, hôm nay đây, các ngư phủ Việt đã hùng cứ một khu vực hành nghề đáng kể.
Mặc dù trong số con cháu của họ có những người không còn theo nghề đánh cá, đánh tôm của cha ông mình, và một số ngư phủ Việt Nam cũng bỏ nghề, nhưng chắc chắn trong lịch sử về ngành ngư nghiệp của Hoa Kỳ, sẽ không thể nào bỏ quên những đóng góp to lớn của ngư phủ Việt Nam tại vịnh Mê Hi Cô, Hoa Kỳ.
Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào tuần sau.
Những bài liên quan
- Chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không PAN AM
- Cô Madison Nguyễn được đề cử tranh chức nghị viên thành phố San Jose
- Câu chuyện của những cô gái Việt Nam sang Đài Loan làm nghề giúp việc nhà
- Những thành công của cộng đồng người Việt tại Úc sau 30 năm hình thành
- Nguyên nhân và hậu quả của nạn buôn người từ Việt Nam sang Đài Loan
- 98 trong số 2,000 thuyền nhân Việt ở Philippines được tái định cư tại Na Uy
- Đạo diễn trẻ Lê Văn Kiết và phim "Bụi Đời"
- Cộng đồng người Việt tại Mỹ giúp đỡ nạn nhân sóng thần người Miến ở Thái Lan
- Nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh, xưa và nay
- Nghề cấy trầm hương tự tạo ở Việt Nam
- Ðà Lạt và kế hoạch giải tỏa khu dân cư
- Câu chuyện của 53 thuyền nhân Việt Nam vượt biển đến Australia
- Thuyền nhân Việt Nam trở lại thăm đảo Galang, Indonesia
- Thuyền nhân Việt Nam trở về thăm lại đảo Bidong
- Câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt trở về tìm kiếm người mẹ ruột sau 30 năm xa cách (II)