Sức khỏe là gì?
2005.07.31
Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Mục đích của chương trình sẽ là cung cấp các kiến thức thường thức về sức khoẻ, thiết thực, dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Không nhằm mục đích trị bệnh cho từng cá nhân, vì muốn làm điều này cần phải thăm khám trực tiếp.
Hình thức của chương trình sẽ gồm ba phần chính. Điểm tin sức khoẻ thiết thực trong tuần. Trả lời thắc mắc cuả thính giả về chủ đề đang trình bày. Chủ đề hàng tuần. Trò chuyện như giữa những người bạn một cách tự nhiên.
Định nghĩa sức khoẻ
Sức khỏe là gì? Theo định nghĩa về sức khoẻ cuả Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới –WHO- “Sức khoẻ là một tình trạng hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh”
Hoàn toàn thoải mái về mặt thể chất là như thế nào? Hoạt động thể lực, hình dáng, ăn được, ngủ được, tình dục, tiêu tiểu…
Hoàn toàn thoải mái về mặt tâm thần là như thế nào? Bình an trong tâm hồn. Biết cách chấp nhận và đương đầu với các căng thẳng trong cuộc sống.
Hoàn toàn thoải mái về mặt xã hội là như thế nào? Nghề nghiệp với thu nhập đủ sống. An sinh xã hội
Không chỉ là không có bệnh. Bệnh thể chất. Bệnh tâm thần. Bệnh liên quan đến xã hội và sự không an toàn về mặt xã hội.
Mời bạn tham gia mục Sức khỏe và Đời sống. Mọi câu hỏi thắc mắc về sức khoẻ, xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Bệnh nhân hay thân chủ đi khám bệnh hay đi khám sức khoẻ hay đi thăm bác sĩ, bệnh viện và trung tâm sức khoẻ.
Vai trò của mỗi người đối với sức khỏe của mình, liên hệ giữa thầy thuốc và thân chủ. Ai là người chịu trách nhiệm về sức khoẻ cuả chính mình, mình hay bác sĩ? Nhiệm vụ cuả bác sĩ là gì? (chữa bệnh, giúp bệnh nhân chữa bệnh, hay giúp khách hàng tự chăm sóc sức khoẻ cuả mình?)
Bài tham khảo
Đầu năm, một chút lan man về sức khoẻ
Tết đến, câu chúc đầu môi của mọi người hầu như không bao giờ thiếu chữ sức khoẻ. “Sức khoẻ là vàng”, ông bà ta đã nói như vậy. Và có lẽ ít ai không đồng ý rằng sức khoẻ là một trong những điều quí và cần thiết nhất trên đời. Quí hơn vàng rất nhiều.
Ai cũng cầu mong mạnh khoẻ. Thế nhưng, trong ba ngày tết, ít ai muốn đi thăm bác sĩ, vì sợ “huông cả năm”. Điều này cho thấy một phần nào quan niệm rất cũ về sức khoẻ đã ăn rất sâu vào tâm thức của nhiều người trong chúng ta. Cũ tới hơn nữa… thế kỹ, khi mà khoẻ chỉ là không có bệnh, khi mà “đi khám bác sĩ” tức là “đi khám bệnh”, khi mà các thân chủ của các bác sĩ “đương nhiên” phải là các người bệnh (“bệnh nhân”).
Thật kỳ lạ. Ai cũng muốn sức khoẻ. Ai cũng tìm hiểu không ít thì nhiều làm sao để giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của mình. Thế nhưng, không ít người, ngay cả những người theo dõi rất sát, rất cập nhật những phát minh y khoa mới nhất, cũng rất lúng túng khi trả lời câu hỏi căn bản nhất và cũng quan trọng nhất trong việc góp phần duy trì và nâng cao sức khoẻ của mình. Câu hỏi đó là: sức khoẻ là gì?
Từ năm 1947, Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới đã định nghĩa rằng “sức khoẻ là một tình trạng hoàn toàn thoải mái kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh.
Theo định nghĩa đó, sức khoẻ không chỉ là mạnh về thể chất, mà còn là hạnh phúc, là vui vẻ, là công việc ổn định…, là tất cả.
Theo định nghĩa đó, thì công việc của các bác sĩ y khoa, người chăm lo sức khoẻ của thân chủ, không chỉ là chữa bệnh. Vì không có bệnh chỉ là một phần rất nhỏ của sức khoẻ. Vì đợi cho có bệnh rồi mới đi khám bệnh là một việc rất thụ động, và rất nguy hiểm, các bệnh thường gặp nhất như cao huyết áp, tiểu đường và nhất là các loại ung thư, khi đã có triệu chứng, thường là đã vào giai đoạn trể.
Bệnh bao giờ cũng dễ chữa hơn rất nhiều khi phát hiện được ở giai đoạn sớm, khi mà triệu chứng chứng chưa xuất hiện. Đối với rất nhiều bệnh, sự khác nhau giữa phát hiện sớm và trể, không những chỉ là chất lượng cuộc sống của mình, mà có thể là cái sống và cái chết.
Như vậy thì, chúng ta nên đi thăm bác sĩ để được khám sức khoẻ hơn là đi khám bệnh.
Như vậy thì, chúng ta nên là những thân chủ hơn là bệnh nhân. (Thân hiểu theo nghĩa là người thân của bác sĩ –vì ít có ai mà chúng ta có thể, nên, và cần phải tâm sự những điều riêng tư nhất để giúp cho bác sĩ có thể giúp mình một cách hiệu quả.
Chủ hiểu theo nghĩa mình phải nhận trách nhiệm chủ chốt trong việc duy trì và nâng cao sức khoẻ của mình, bác sĩ chỉ là người lắng nghe, khám, thu thập các dữ liệu để cho mình các lời khuyên, các chọn lựa –options- tốt nhất có thể được. Bác sĩ không thể uống thuốc dùm, tập thể dục dùm, bỏ hút thuốc dùm, (hoặc mang bao cao su) … dùm mình được.
Như vậy thì, đi thăm bác sĩ, bên cạnh những việc khác như thể dục hàng ngày, cân bằng cuộc sống để giữ sự bình an trong tâm hồn và xã hội, nên được làm một cách đều đặn và chủ động (proactive) chứ không phải là những phản ứng thụ động (reactive) với những điều không may mà lẽ ra mình có thể tránh được.
Mong rằng, ngày càng nhiều và nhiều người trong chúng ta đạt được sức khoẻ theo nghĩa toàn diện và tích cực này.
Xin chúc quí độc giả luôn mạnh khoẻ kể cả về thể chất, tâm thần, và xã hội.
Thân mến.
Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Những bài liên quan
- Tình hình vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam còn rất kém
- Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tăng cường cung cấp thuốc điều trị sốt rét
- Thuốc giảm đau Paracetamol có thể gây bệnh về đường hô hấp
- Một số nét đại cương về bệnh giun (Bài 2)
- Một số nét đại cương về bệnh giun (Bài 1)
- Bệnh viêm gan
- Việt Nam cải tổ chương trình bảo hiểm y tế