Thy Nga, phóng viên đài RFA
Nghe tin trang Web “Tiếng nói dân chủ” của “Phong trào dân chủ Việt Nam” bị phá hoại, thính giả RFA nhiều người đã phản ứng ngay, và phản ứng mạnh mẽ. Trong quá trình của mục “Thư tín” này, chưa bao giờ chúng tôi lại nhận được email gửi tới tấp đến đài để nói lên ý kiến về một tin tức, nhiều tới vậy.

Trang web “Phong trào dân chủ Việt Nam” bị phá hoại
Trong chồng thư tuần qua, có những email từ trong nước và các nơi ở hải ngoại, như của các thính giả Thuận Lê, Tạ Xuân Vinh, Nguyễn Tân, Nguyễn Hoàng, Trương Văn Võ, Thảo Trần, Tom Ngô, Luân Lưu, Hải Vũ, Francis Bé, Tom Nguyễn, Khánh Đức, Dương Thái Dũng, Trần An Lộc, Nancy Khưu, Anh Thư, Hội Nguyễn, thính giả họ Phan, … Một số thính giả muốn nghe thêm tin về vụ đó:
“Trang Web www.ptdcvn.org đã bị phá hoại. Kính mong quí đài theo dõi và thông báo cho thính giả. Tôi không dám ngồi lâu trên mạng vì lý do an ninh. Tôi phải lấy tên trong email là “Đảng Khùng” là đảng trong nước đó.”
Kẻ nào phá hoại trang “Tiếng nói dân chủ”? Theo thính giả Francis Bé :
“Chuyện này thì phải hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam là biết rõ nhất vì chỉ có các chế độ cai trị độc tài mới che kín và bóp méo sự thật, mới không thích những gì đối nghịch với nó, giống như ánh sáng đối với bóng tối, chí nhân đối với cường bạo vậy.”
Tôi là một độc giả thường xuyên của RFA và các trang trên mạng cổ vũ dân chủ cho người dân Việt Nam. Tôi rất phẫn nộ về cách nói và cách làm của đảng cầm quyền trong nước. Hiện nay, Cộng sản Việt Nam đang ở vào cái thế bị tấn công từ mọi phía của những người đòi hỏi một nền dân chủ đúng nghĩa.
Ai là kẻ nói láo? theo thính giả Nancy Khưu thì hãy để mọi người nhận xét lấy, trong khi thính giả Tài Nguyễn cho là :
“Đối với tôi, nhóm phá hoại trang “Tiếng nói Dân chủ” mới là những kẻ nói láo, những kẻ sợ sự thật.”
Thính giả Tom Nguyễn viết: "Có thể góp ý hoặc phản bác mà, sao lại đi phá?"
Nghe tin trang “Tiếng nói dân chủ” bị phá hoại, rất nhiều người bất bình, đặc biệt là thính giả họ Ngô:
“Tôi là một độc giả thường xuyên của RFA và các trang trên mạng cổ vũ dân chủ cho người dân Việt Nam. Tôi rất phẫn nộ về cách nói và cách làm của đảng cầm quyền trong nước. Hiện nay, Cộng sản Việt Nam đang ở vào cái thế bị tấn công từ mọi phía của những người đòi hỏi một nền dân chủ đúng nghĩa.
Việc phá hoại tiếng nói của “Phong trào Dân chủ Việt Nam” cho thấy nỗi hoảng sợ của giới cầm quyền trước cao trào đòi hỏi dân chủ trong và ngoài nước. Cá nhân tôi là một chuyên viên điện toán, tôi lấy làm hổ thẹn cho những người làm cái việc phá hoại đó.
Tôi khuyên họ hãy dùng sự hiểu biết của mình để làm những việc có ích và thiết thực hơn cho đồng bào. Đừng lao đầu vào làm công cụ cho cái chế độ tìm đủ cách ngăn chặn thông tin trung thực đến với người dân.”
Có các thính giả kêu gọi giúp đỡ kỹ thuật cho “Tiếng nói dân chủ” góp mặt trở lại, như bạn Luân Lưu:
“Trang Web của “Phong trào Dân Chủ Việt Nam” rất thích ứng trong giai đoạn đấu tranh cho tự do và dân chủ Việt Nam hiện nay. Rất mong các cao thủ về tin học ra tay phục hồi sự có mặt của trang Web này.”
Như thính giả Trần An Lộc: "Phải nói như thế nào để diễn tả sự xúc động của tôi khi thấy trang Web "Tiếng nói Dân Chủ" bị bóp chết sau khi ra mắt chưa được bao lâu. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất về các quyền tự do của con người, đặc biệt là tự do báo chí tại Việt Nam! Các chuyên gia điện toán người Việt trên thế giới hãy giúp cho trang ấy tái hồi."

Có bạn căn dặn: "Trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang bị dồn vào thế bị động trước phong trào dân chủ dấy lên khắp nơi. Để chuẩn bị cho Đại hội X, họ đã và đang gia tăng khủng bố đối lập dân chủ.
Hành vi mới nhất - phá hoại trang báo điện tử của Phong trào Dân Chủ - là một minh họa cho việc đó. Để bảo vệ những tiếng nói dân chủ, các trang báo điện tử cần phải cảnh giác bảo mật. Những chìa khoá bảo mật nên thay đổi thường xuyên để tránh nguy cơ bị lấy cắp. Các trang nhà cần được sao lưu (backup) để giữ làm tài liệu.” Và có thính giả chúc cho nhóm chủ trương trang “Tiếng nói dân chủ” ( email viết vào đêm 29 tháng 12 ) như sau:
“Tối nay, như từ hơn 2 tuần qua, tôi vào trang mạng của “Phong trào Dân Chủ Việt Nam” thì kinh ngạc khi thấy trang bị phá hoại. Tôi thở dài “Chúng nó hèn quá!”
Đồng bào ta chắc chắn biết rằng các chiến sĩ dân chủ, những người từng ra khám vào tù cộng sản, sẽ không đời nào bị khuất phục bởi hành vi hèn nhát nhỏ mọn đó.
Chúng tôi kính chúc các chiến sĩ dân chủ trong và ngoài nước luôn luôn dũng mãnh để tiếp tục công cuộc phục hưng đất nước mình đến thành công viên mãn, bà con rất biết ơn quí vị.”
Lá email từ trong nước của thính giả Anh Thư: "Tôi đề nghị "Phong trào Dân Chủ" lập ra trang Web khác càng sớm càng tốt. Độc giả đang cần đọc tin tức."
Danh sách các bài được truy cập nhiều trong Web RFA Việt ngữ tuần qua cho thấy là thính giả ở hải ngoại vào xem nhiều nhất các bài xoay quanh tin “Tiếng nói Dân Chủ” bị xóa trang.
Đối với thính giả trong nước thì bài phỏng vấn nhà cách mạng lão thành Lê Hồng Hà dẫn đầu (như từ mấy tuần nay), kế đến là bài về “Tiếng nói Dân Chủ” bị phá hoại, rồi tới tin Mục sư Trần đình Ái” bị từ chối nhập cảnh.
Sau khi đọc bài “Dùng Proxy Server vượt tường lửa” của Lý Nguyên, đặc biệt là bài “Proxy, giải pháp vượt tường lửa” của Nguyễn An mà các quý báo đã phổ biến, có hình minh họa, tôi đã làm theo. Tôi in luôn mấy trang Proxy lists để tìm cho tiện. Sau một số lần thử, tôi đã vượt qua được tường lửa. Nhờ đó, tôi có thể vào được những trang Web mà mình muốn đọc.
Proxy, giải pháp vượt tường lửa
Nói đến vụ xảy ra đối với trang “Tiếng nói Dân Chủ” thì thưa quý vị, các làn sóng và trang Web RFA Việt ngữ lâu nay cũng bị nhà cầm quyền trong nước “chiếu cố” nồng nhiệt đấy chứ. Do đó, ngoài việc thông tin, đài chúng tôi còn phải lo làm thế nào để tin tức và bài vở đến được với quý vị.
Và một trong các giải pháp vượt “tường lửa” là “Proxy” mà chúng tôi đọc trên làn sóng và đăng trong Web mấy tuần nay. Về việc này, một độc giả ở Hà Nội, mà chúng tôi xin gọi tắt là H.D. có viết đến các báo mạng như Dân chủ.net doi-thoai.com Ý kiến.net lá email trong đó, đề cập đến bài “Proxy” của RFA Việt ngữ. Thấy thư có ích cho quý vị nào vẫn chưa vượt được “tường lửa” nên chúng tôi xin trích đọc:
“Từ khi Nhà nước tăng cường kiểm soát Internet bằng tường lửa, những người ở Việt Nam muốn đọc tin tức quốc tế như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Trước kia, tôi đã dùng các giải pháp được hướng dẫn trong “Cẩm nang vượt tường lửa” (viết năm 2002). Tôi thường phải tìm kiếm và đọc tin bài qua Google.
Với các giải pháp này, phải biết chính xác một số thông tin như tên tác giả, tựa đề bài viết, hoặc một số từ trong tựa đề, trong bài … nhiều khi phải đoán mò, mất khá nhiều thì giờ. Một số trường hợp tìm được bài rồi lại bị chặn rất khó chịu.
Gần đây, tôi đã sử dụng tiện ích “Hide IP Platinum” download từ Internet nhưng hiệu quả cũng rất thấp. Chương trình tự tìm kiếm, thay thế một Proxy ngẫu nhiên của một nước nào đó thì dừng lại, nhưng chưa chắc đã phù hợp.
Sau khi đọc bài “Dùng Proxy Server vượt tường lửa” của Lý Nguyên, đặc biệt là bài “Proxy, giải pháp vượt tường lửa” của Nguyễn An mà các quý báo đã phổ biến, có hình minh họa, tôi đã làm theo. Tôi in luôn mấy trang Proxy lists để tìm cho tiện. Sau một số lần thử, tôi đã vượt qua được tường lửa. Nhờ đó, tôi có thể vào được những trang Web mà mình muốn đọc.
Được tiếp nhận thông tin, mới chỉ là một phần nhỏ trong tự do thông tin thôi mà tôi đã thấy thật thú vị. Tôi sẽ chia sẻ kết quả này với người thân, bạn bè cùng quan tâm. Tôi chân thành cảm ơn quý vị. Kính mong quý báo tiếp tục phổ biến rộng rãi thêm để nhiều người được sử dụng.”
Xin cám ơn tòa soạn Đối thoại đã chuyển thư này đến RFA, và chúng tôi cũng cám ơn ông H.D. cho biết đã áp dụng được Proxy. Mong là quý vị nhiều người khác cũng tiến hành được như vậy, để còn xem tin và bài vở của chúng tôi nữa chứ.
Mời quý thính giả tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org
Bóng đá giúp giải toả những đè nén
* Về chuyện bóng đá thì tuần qua, RFA Việt ngữ nhận được lá thư dài của thính giả Đào Mai như sau: "Tôi là người đam mê bóng đá, nói theo giọng điệu báo chí trong nước thì "là một tín đồ cuồng tín" hò reo chạy ra đường mỗi khi đội bóng nhà chiến thắng.
Tại Việt Nam, cổ vũ bóng đá là vô tội vạ, công an, an ninh làm ngơ cho những cổ vũ vô trật tự, có khi náo loạn cả phố phường; thành ra Bóng đá đã trở nên phương thuốc giải tỏa những đè nén, bức xúc trong xã hội đầy rẫy kìm kẹp, trấn áp.
Người dân xem bóng đá để tìm quên, rồi thành thói quen, thành phong trào nên không lạ gì khi ở Việt Nam, bóng đá được gọi là môn “thể thao Vua”. Từ cơ quan đến những quán café vỉa hè, bác xích lô, anh xe ôm, chí đến các chị buôn thúng bán bưng cũng bàn bạc rành rõi về bóng đá …”
Bóng đá vốn là môn thể thao được người Việt Nam ưa chuộng, nay ông Mai nêu ra thêm yếu tố nữa là nó giúp cho người dân trong nước có thể giải tỏa những đè nén mà không bị tội. Hay đấy! cám ơn ông đã theo dõi chương trình, và thư cho chúng tôi.
Lời cảm ơn của thính giả
* Về bài vở trong chương trình, thì bài phỏng vấn các hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp bị chính quyền địa phương lấy đất mà không bồi thường thỏa đáng, đã có tiếng vang.
Tin cho hay là Thanh tra Mai Quốc Bình thuộc Văn phòng chính phủ đã liên lạc với 14 hộ gia đình đó với thái độ được mô tả là “lắng nghe, nhã nhặn” và hứa là ngày 5 tháng Giêng sẽ cử phái đoàn đến giải quyết.

Các gia đình ấy gửi ra âm thanh như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đây là tin rất khích lệ cho RFA Việt ngữ. Chúng tôi mừng là làn sóng của đài đã đem lại ít nhiều kết quả cho đồng bào trong nước. Vui mừng lắm, và hy vọng là chính quyền Việt Nam có đường hướng giải quyết cho vụ này cũng như cho những vụ khác nữa của người dân.
* Tuần qua, những lá email chúc Năm Mới vẫn tiếp tục bay đến đài, như của thính giả Kevin Nguyễn lần đầu viết đến chúng tôi:
“Cách nay mấy tháng, tôi mới được biết RFA, và bắt đầu nghe đài qua mạng Internet. Mỗi ngày, tôi phải vào nghe đài, và càng ngày tôi càng thấy ghiền. Cám ơn đài đã phát những tin đang xảy ra trong nước, nhiều tin tức rất hay và trung thực. Càng nghe, tôi càng thấy thương cho cuộc sống của người dân trong nước.
Tôi mong là ngày nào đó, đất nước chúng ta sẽ thấy được ánh sáng và cuộc sống dân chúng sẽ tốt hơn. Nhân dịp Năm Mới dương lịch, tôi xin chúc ban Biên tập RFA Việt ngữ sức khoẻ dồi dào, gia đình hạnh phúc, và mong sẽ được nghe nhiều tin sôi nổi hơn.”
Cuộc sống đồng bào trong nước được cải thiện, là điều mà người Việt nào ở hải ngoại cũng mong mỏi. Chúng tôi chia xẻ điều mong ước đó, và cũng xin chúc ông cùng gia quyến mọi sự như ý nguyện trong Năm Mới 2006.
* Từ Pháp, thính giả Lương; từ Đức, thính giả Xuân Vinh cũng email chúc Năm Mới; em “Mặt trời hồng” thì thêm câu nữa là “Chúc đài RFA phủ sóng ngày càng rộng khắp, và càng có nhiều thính giả tin yêu”.
Cám ơn các bạn cũng như tất cả quý vị đã đến với chương trình của chúng tôi. RFA Việt ngữ xin gửi theo đây những lời chúc tốt đẹp nhất cho Năm Mới tới toàn thể quý thính giả !