Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-9-2005) (I & II)

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Phần I

MrsHoangMinhChinh150.jpg
Vợ ông Hoàng Minh Chính. File Photo

Theo dõi thời sự, chắc quý vị đã nghe chúng tôi tường trình về việc nhà hoạt động dân chủ Hoàng Minh Chính tới Hoa Kỳ, và chỉ 4 hôm sau, mặc dù vừa mới mổ, ông đã gởi thông điệp đến cuộc họp của Mạng Lưới Nhân Quyền để chia xẻ với những vị tới tham gia.

Đồng bào hải ngoại vui vẻ đón tiếp ông, đúng như ước đoán của nhiều thính giả RFA:(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ông Hoàng Minh Chính tới Hoa Kỳ

Từ Úc, thính giả Phùng Mai nhờ làn sóng RFA chuyển lời nồng nhiệt chào mừng ông bà Hoàng Minh Chính đến Hoa Kỳ:

“… những đoá hoa của đông đảo người Việt hải ngoại trao cho bà Chính, những cái bắt tay nồng ấm đưa ra với ông, những tràng pháo tay dòn dã khi ông hội kiến với họ. Thật là khác với hồi dàn chào ông Phan Văn Khải! Khi đó, Việt kiều đã đón ông Khải bằng một rừng cờ vàng và những khẩu hiệu đòi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.”

Và cũng như bạn Phùng Mai, nhiều thính giả RFA tỏ ý cám ơn Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi cùng nhóm bác sĩ tại Hoa Kỳ đã mời nhà dân chủ lão thành Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh.

Bạn Lee Trần, một trong những thính giả trẻ thường trao đổi e-mail với RFA Việt ngữ, viết:

“Nghe được lời Cụ Hoàng Minh Chính nói qua phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, cháu thật mừng lắm. Dù sống xa đất Tổ nhưng cháu kính yêu các cụ, các chú bác, các anh chị có tư tưởng cởi mở, quan tâm đến tiến trình dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Cháu xin chúc Cụ Hoàng Minh Chính sớm bình phục.”

Hậu quả của trận bão Katrina

Hơn tuần nay, tin tức về trận bão Katrina và những hậu quả trầm trọng của nó khiến mọi người theo dõi. Bão ập xuống 3 tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ ở ven Vịnh Mê-hi-cô, nơi qui tụ một số đáng kể người Việt, nhất là những người sống bằng nghề đánh bắt tôm cá.

Theo tính toán sơ khởi thì có hơn 55 ngàn người Việt bị ảnh hưởng bởi bão Katrina. Đồng bào ở bang sát cạnh, là Texas, đang mở vòng tay cứu trợ những người chạy sang tránh lụt. Từ tiểu bang này, sinh viên du học Nguyễn Như viết:

“Tôi xin có lời chia buồn cùng các nạn nhân nói chung, và sau đó là người Việt mình bị nạn nói riêng ở các tiểu bang bị bão Katrina. Thường ngày, tôi vẫn nghe các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi mang tiền, mang chất xám về phục vụ, giúp đảng, giúp chính phủ. Do đó mới có cái gọi là “Nghị quyết 36” và người Việt hải ngoại được xem là “Khúc ruột ngàn dặm”.

Những người đã ra đi năm xưa, nay được nhà cầm quyền Việt Nam gọi một cách thân ái là “Khúc ruột ngàn dặm”, là “Cánh tay nối dài” gì gì đó … Hiện giờ, họ đang chịu cảnh bão lụt thì tôi không thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng gì cả!

Nay, “khúc ruột” này đang chảy máu. Đảng Cộng sản lãnh đạo Việt Nam không một lời thăm hỏi bà con mình gì cả, không cử người đại diện hỏi thăm bà con bị nạn chứ đừng nói gì giúp đỡ về mặt vật chất.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà. Đảng Cộng sản Việt Nam ơi, hãy thể hiện tinh thần đồng bào với “Khúc ruột ngàn dặm” bằng việc làm cụ thể nhé, đừng dùng lời nói suông nữa, chúng tôi không tin nữa đâu. Hay chỉ gọi là “Khúc ruột” khi nó có tiền mà thôi?”

Thính giả Lê Tuấn cũng có nhận xét tương tự:

“Những người đã ra đi năm xưa, nay được nhà cầm quyền Việt Nam gọi một cách thân ái là “Khúc ruột ngàn dặm”, là “Cánh tay nối dài” gì gì đó … Hiện giờ, họ đang chịu cảnh bão lụt thì tôi không thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng gì cả!”

Trong khi đó, từ trong nước, thính giả Văn Vũ gởi e-mail như sau đến RFA Việt ngữ:

“Mấy ngày nay, nghe tin tức trên đài, tôi được biết có nhiều người dân Mỹ và Việt Nam bị nạn trong trận bão Katrina. Qua đài, tôi muốn chia xẻ nỗi đau đớn này với người dân nước Mỹ, với những người Việt định cư tại Mỹ và gặp nạn, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho họ.”

Và người Việt hải ngoại, nhất là cộng đồng tại Houston, đang tận tình giúp đỡ đồng hương trong cảnh hoạn nạn. Bạn Thu Hằng ở thành phố này, viết đến đài

“Em gởi lời cám ơn chị Thanh Trúc đã ghi những mẩu chuyện của đồng bào chạy lánh bão lụt kể lại, và cho mọi người biết rõ chuyện hơn. Em có ghé nhà Dòng Đa Minh để giúp đỡ một tí, thấy trong hội trường (có lẽ là Nhà nguyện) được trải ra cho ở tạm.”

Cách phát âm các chữ cái tiếng Việt

Thưa quý thính giả, trong một buổi phát thanh tuần trước, chúng tôi có đề cập đến việc phát âm các chữ cái tiếng Việt sao cho thống nhất, và mong quý vị đóng góp ý kiến.

Bạn Hồ Thanh, một trong những thính giả trao đổi thư với chúng tôi đã từ lâu, kỳ này để lời nhắn trong "Hộp thư thoại" RFA Việt ngữ như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thính giả họ Khúc thì viết một bức e-mail dài về vấn đề này:

“Trước tiên, tôi xin nói tôi không phải là nhà mô phạm. Tôi không biết ý kiến của tôi là đúng hay sai. Tôi chỉ đóng góp những gì tôi đã học được, nghe được, và đọc từ sách báo mà thôi. Nếu có gì không đúng, tôi sẵn sàng nhận ý kiến đóng góp của các thính giả khác. Tôi được đi học dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Cách tôi học phát âm các chữ cái từ nhà trường và từ cha, mẹ tôi dạy là A, (B) Bê, (C) Xê, (D) Dê, v.v… Như vậy thì từ thế hệ Cha, Ông tôi, đến thế hệ của tôi (thời Việt Nam Cộng Hòa) đều học cách phát âm như trên. Không ai đọc là A, Bờ, Cờ cả. Vài năm sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, họ mới đổi sang cách đọc là A, Bờ, Cờ,…

Có người còn lấy làm lạ khi nghe tôi đọc cho họ như thế. Tôi nói với họ là cách đọc A, Bờ, Cờ tôi biết được là do các em tôi kể là học như vậy dưới chế độ cộng sản. Từ các yếu tố nói trên, tôi cho rằng chính người cộng sản đã đổi cách phát âm của tiếng Việt.

Tôi cũng có hỏi một số người lớn tuổi hơn tôi, tức là thế hệ cha ông của tôi, về cách phát âm chữ cái mà họ học được. Hầu hết họ đọc là A, Bê, Xê. Chẳng một ai đọc là A, Bờ, Cờ.

Có người còn lấy làm lạ khi nghe tôi đọc cho họ như thế. Tôi nói với họ là cách đọc A, Bờ, Cờ tôi biết được là do các em tôi kể là học như vậy dưới chế độ cộng sản. Từ các yếu tố nói trên, tôi cho rằng chính người cộng sản đã đổi cách phát âm của tiếng Việt.

Nguồn gốc của tiếng Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay, theo như tôi hiểu thì không xuất phát từ tiếng Pháp như nhiều người nói, mà nó xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha, vì cuốn tự điển đầu tiên của Việt Nam không phải là tự điển Pháp-Việt mà là Việt-Bồ Đào. Nếu phát âm theo lối tôi học trước kia thì chữ C đọc là “Xê”, chữ K đọc là “Ca”, chữ I đọc là “i”, chữ Y đọc là “i cà-rét”.

Theo cách đọc của người cộng sản thì chữ C đọc là “Cờ”, chữ K theo như tôi được một số người cho biết cũng đọc là “Cờ”, chữ I đọc là “i ngắn”, chữ Y đọc là “i dài”.

Từ cách đọc như vậy, có một số người, nhất là các em nhỏ, khi nghe “Cờ” thì không nhận ra được là chữ C hay K.

Do đó, có người từ miền Bắc gởi thư cho tôi, “Cậu” thì họ viết thành ra “Kậu” và “ngày” thành ra “ngài” vì họ hiểu nhầm chữ I và Y đều đọc là “i” chỉ khác nhau là dài hay ngắn thôi.

Rồi có người viết chữ S trong “Suối” thành “Xuối” vì S đọc là “Sờ” và X cũng đọc là “Xờ” khó mà phân biệt. Trước kia thì chữ S được đọc là “ét xì” và chữ X đọc là “ích xì” giống như cách phát âm của giống dân Bồ-đào-Nha hoặc Tây-ban-Nha. Qua sự nhận xét của tôi thì cách phát âm mà tôi coi là của chế độ trước đúng hơn là cách của chế độ hiện hành …”

Văn hóa phẩm của người Việt ở Úc được nhập vào Việt Nam

Thính giả Nguyễn Văn Thiên (hay Thiện) góp ý về tin “Văn hóa phẩm của người Việt ở Úc được nhập vào Việt Nam”:

“Đây là một tin đáng lưu ý vì vấn đề nguyên tắc đã được giải quyết. Tuy nhiên, từ nguyên tắc đến áp dụng cụ thể sẽ trải qua rất nhiều gay go. Vấn đề “văn hoá phẩm hải ngoại” đối với Cộng sản Việt Nam là điều cấm kỵ vì sỡ dĩ họ tồn tại được cho đến ngày hôm nay là nhờ tuyên truyền với người dân trong nước, và ngăn chặn quốc tế tìm hiểu sự thật.

Việc cấm Dân biểu Lars Rise vào Việt Nam là một thí dụ điển hình. Họ sẽ có trăm phương ngàn kế để vô hiệu hóa sự thỏa thuận này mà có thể chính quyền Úc vẫn tin tưởng ở sự thành thật của họ … Thí dụ như họ sẽ tịch thu các băng đĩa nào mà họ không thích, với lý cớ vu vơ như là vi phạm quy định về xuất bản của Việt Nam hoặc trái với thuần phong mỹ tục (?).

Liệu nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tôn trọng thỏa thuận đó hay không? Chúng ta hãy chờ xem!”

Mời bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Thư từ khác của các thính giả

Thính giả Nguyễn Đức lần đầu tiên vào mạng nghe RFA Việt ngữ, đã e-mail ngay vì "muốn bày tỏ sự quan tâm với đài. Tôi rất muốn được biết nhiều hơn nữa về tình hình Việt Nam, một đất nước mà thông tin rất hạn chế." Hoan nghênh ông đến với chương trình đài Á Châu Tự Do! Chúng tôi chỉ muốn đem đến cho đồng bào trong nước những thông tin mà họ không được biết, hoặc là không được đầy đủ. Rất mong sự đóng góp xây dựng của ông. * Bạn Nguyễn Phàm Trần thì sau mấy tháng vắng thư, Thy Nga tưởng là bạn bị cô nào bắt cóc rồi chứ. Giờ nhận được thư, mới biết là bạn chuyển chỗ làm.

Bạn hay kể cho chúng tôi biết về cuộc sống ở Việt Nam, về những gì diễn ra chung quanh. Xin cám ơn cảm tình mà bạn dành cho ban Việt ngữ RFA. Về câu hỏi của bạn, những gì chúng tôi biết và có thể loan tải thì đã được phát trên làn sóng rồi. Mong bạn hiểu cho nhé.

* Thính giả Hoàng Thắng yêu cầu chuyên gia phụ trách tạp chí Khoa Học & Môi Trường hướng dẫn về công nghệ sản xuất Chitin và Chitosan từ vỏ động vật giáp xác, theo hướng dùng công nghệ vi sinh:

(trả lời) Thư ông, chúng tôi đã chuyển đến người phụ trách tạp chí đó. Ông chờ phúc đáp nhé.

* Và trả lời thư của bạn Văn Vũ đề nghị mở mục “Thể thao”:

Như hiện tại thì khi nào có chuyện thể thao nóng hổi là RFA Việt ngữ tường trình ngay. Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của bạn để tìm cách sắp xếp thời giờ. Cám ơn sự quan tâm đóng góp của bạn cho chương trình ngày càng phong phú.

Đến đây thì đã hết giờ, Thy Nga xin tạm ngưng. Phần sau với những lời nhắn, mời quý vị nghe tiếp vào buổi phát thanh tối nay.

Phần II

Thưa quý thính giả và các bạn, ngoài những e-mail mà trong buổi phát thanh sáng nay, chúng tôi đã trình đọc, trong tuần qua, RFA Việt ngữ còn nhận được một số lời nhắn trong “Hộp thư thoại”.

Do thời gian dành cho mục này có hạn, chúng tôi rất tiếc không thể phát toàn bộ các lời nhắn, mong quý vị thông cảm. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nhắc lại để quý vị giới hạn lời nhắn (một phút rưỡi là tối đa) cho nhiều vị khác còn tham gia.

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Những ý kiến và đề nghị của quý vị, chúng tôi xin ghi nhận và cám ơn quý vị đã quan tâm theo dõi cho chương trình ngày càng tốt đẹp hơn.

Đến đây thì Thy Nga phải trả lại phòng vi âm cho mục chuyên đề rồi. Xin hẹn lại quý vị và các bạn trong mục này vào kỳ tới.