Phạm Ðiền, phóng viên đài RFA
Mới đây nhà văn Dương Thu Hương được xuất ngoại trở lại để qua Ý lãnh giải thưởng văn chương. Trong câu chuyện với ký giả Alan Riding của The New York Times tại Pháp, nhà văn Dương Thu Hương vẫn tiếp tục lên tiếng cho tự do, dân chủ cho người dân trong nước. Ðó là nội dung tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tuần này do Phạm Ðiền phụ trách.

Từ khi The New York Times đăng bài báo vào ngày 9-7 cho tin nhà văn Dương Thu Hương tác Thiên Ðường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng đang có mặt ở Châu Âu. Chúng tôi đã nhờ đến những người quen biết trong văn giới Việt Nam tại Châu Âu để có dịp phỏng vấn bà Dương Thu Hương rất tiếc cho đến ngày tạp chí lên sóng, chúng tôi không liên lạc được với bà để thực hiện cuộc phỏng vấn kể trên.
Tuy là nhà văn, Bà Dương Thu Hương suy nghĩ nhiều về đời sống của người dân cùng khổ, bà không chịu im lặng trước chế độ. Bà thường lên tiếng chỉ trích giới cầm quyền Việt Nam ngay trong các tác phẩm hoặc trong cuộc trao đổi qua đài phát thanh, các bài viết gửi riêng ra nước ngoài, cho dẫu biết rằng bị theo dõi, nghe ngóng và có biện pháp đối với những gì đã phát biểu.
Hiệp định thương mại Mỹ-Việt
5 năm trước đây ngày 18-7-2000, ký giả Phan Dũng của đài Á Châu Tự Do đặt một số câu hỏi với bà về hiệp định thương mại Mỹ-Việt, xem nhà văn nghĩ như thế nào và bà đã nói:
“Đối với tôi, đây là một sự kiện tốt đẹp cho dân chúng lầm than của chúng ta. Tức là nếu những người nào còn nghĩ là còn có một dân tộc Việt lầm than thì đây là sự kiện mà theo tôi thì nó có thể làm rạng rỡ cho tương lai của người Việt.
Tôi được biết là nước Việt bây giờ không phải là nước nghèo thứ ba trên thế giới, mà đã thực sự đội sổ trong danh sách các nước nghèo. Tất nhiên, những người nào còn gốc rễ với đất nước này thì không lấy gì làm sung sướng vì dân tộc mình còn thua những nước ở Trung Phi và những nước man rợ nhất.
Về mặt đời sống hiện tại, thì người nông dân ở miền Bắc rất khổ. Họ làm việc quần quật một năm mà chỉ được có vài tạ lúa, sau khi đóng thuế thì chỉ còn khoảng hơn một tạ lúa, mỗi một cân lúa họ chỉ bán được có một nghìn đồng, đến một nghìn ba, và giá bây giờ chỉ có một nghìn mốt.
Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng cái việc mà Hạ Nghị Viện Mỹ luôn luôn đề ra những yêu cầu về mặt dân chủ, nhân quyền, luật pháp .v.v... như một bản án thường trực, một sự đe dọa thường trực với Hà Nội là một biện pháp cần thiết đối với cái nhà nước hiện nay tại Việt Nam.
Thành ra nói về mức sống của người nông dân thì cực kỳ thê thảm. Tất cả những hội hè gần đây mà nhà nước Hà Nội tổ chức, thực ra chỉ là những lớp sơn bóng bẩy, phết lên một thảm trạng kinh tế không thể nào che dấu được.
Về mặt người Việt mà nói, thì tôi nghĩ người Việt nào còn thương sáu mươi mấy triệu nông dân ở đây thì cũng chắc phải mừng vì bản hiệp định Mỹ - Việt.
Về mặt khác, tôi cũng nói với một người bất đồng chính kiến thuộc thế hệ đàn anh rằng, nếu như chỉ vì chúng ta thôi thì tôi muốn Hoa Kỳ cấm vận cho đến tận lúc nào cái chính quyền này nó sụp đổ. Nhưng vì chúng ta nghĩ đến hơn 60 triệu nông dân nghèo khổ thì tôi nghĩ bản hiệp định sẽ có kết quả tốt cho dân tộc chúng ta.
Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng cái việc mà Hạ Nghị Viện Mỹ luôn luôn đề ra những yêu cầu về mặt dân chủ, nhân quyền, luật pháp .v.v... như một bản án thường trực, một sự đe dọa thường trực với Hà Nội là một biện pháp cần thiết đối với cái nhà nước hiện nay tại Việt Nam.
Quyền lợi của người dân Việt Nam
Nhận định của bà Dương Thu Hương cho thấy bà nhìn rõ được quyền lợi của người dân Việt Nam sau khi Mỹ-Việt có hiệp định thương mại đó. Trong khi trả lời Phan Dũng, bà Dương Thu Hương không quên sử dụng việc này để cảnh giác giới lãnh đạo Hà Nội về hiểm họa kết thân với Trung Quốc. Bà tuyên bố:
“Tôi có viết một bài tên là Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Quạ Đen, trong đó tôi có trình bầy một phần quan điểm của tôi rằng, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hình như họ rất thiếu khả năng nhậy cảm và thiếu kiến thức, và đồng thời cũng thiếu bản lãnh để tìm một con đường riêng, cho nên họ cứ nhằng nhằng bám lấy cái đuôi áo của bọn láng giềng phương Bắc, tức là bọn Trung Quốc.
Mà cái mối quan hệ môi rằng này thì môi và răng đã cắn nhau rất nhiều lần chẩy máu bầm dập rồi chứ không phải là lần thứ nhất. Đặc biệt là các vụ lấn chiếm biên giới phía Bắc.
Tôi không được rõ lắm về chi tiết, nhưng mà tôi nghĩ rằng trong hai thập kỷ vừa rồi, thì giới lãnh đạo Hà Nội mặc dù bị đau đớn và đã có những bài học, những kỷ niệm đau đớn từ năm 79 nhưng họ vẫn cố tình bám lấy cái thành trì chủ nghĩa xã hội. Và khi anh cả đã tan rã thì bám lấy anh hai, tức là Liên Xô đã đổ thì bám lấy Trung Quốc.
Điều đó đã chứng tỏ cái sự ngu xuẩn và hèn kém của họ. Riêng tôi, tôi không tin vào tình láng giềng với Trung Quốc, vì nó không có cơ sở nào vững chắc cả và đầy sự gian dối trong đó.”
(Xin theo dõi toàn bộ tiết mục trong phần âm thanh bên trên)