Châu Đình An ghi lại cuộc đời mình bằng âm nhạc


2005.08.29

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Nhìn lại quãng đời trôi nổi của mình từ thuở niên thiếu, Châu Đình An đã dùng âm nhạc để ghi lại, và khán thính giả đã đến nghe anh trải tâm tình qua các nhạc bản trình bày trong “Đêm tình ca Châu đình An” tổ chức tại Houston hôm 6 tháng này.

ChauDinhAn150.jpg
Nhạc sĩ Châu Đình An và ca sĩ Như Quỳnh trong "Đêm Tình ca Châu Đình An". Photo courtesy of Hoàng Huy Mạnh

Đây là dịp anh giới thiệu cuốn CD “Em ở lại, sóng trôi đời tôi” gồm 10 ca khúc do chính anh hòa âm và thâu thanh, cùng với tuyển tập nhạc “Tình ca Châu đình An: Tả tơi - vực thẳm - ánh sáng” gom lại khoảng 100 trong số hơn 200 nhạc bản đã viết.

“Em ở lại, sóng trôi đời tôi” ca khúc tựa đề cuốn CD, do chính tác giả Châu đình An trình bày …

“Tả tơi - vực thẳm - ánh sáng” đề tựa này nói lên khá rõ những giai đoạn trong đời Châu đình An trôi nổi theo vận mệnh nước nhà. Anh nhớ từng chi tiết, từng tên người trong câu chuyện kể lại cho nghệ sĩ Trường Kỳ. Câu chuyện mà người nào nghe cũng bị cuốn hút vì nó ly kỳ hết sức, hơn đứt các chuyện “xi-nê” !

Sinh tại Quảng Bình, côi cút từ năm lên 13, đi “bụi đời” kể từ năm 14 tuổi. Tình cờ gặp lại được người bạn của bố, ông này ở Cam Ranh nuôi ăn học, rồi cho lên Đà Lạt theo học Tú tài.

Chính tại “thành phố sương mù” này, anh bắt đầu sinh hoạt văn nghệ. Gia nhập trường Sĩ quan Thủ Đức, rồi với lon Chuẩn Úy Nhảy Dù đóng tại Biên Hòa. Trong lần về làng xưa thăm các em, anh đã gặp Tình yêu.

“Yêu em giới luật” Châu đình An hát …

Quá lưu luyến, chàng trai nấn ná ở lại, đâm ra trễ phép. Bị ghép vào tội “đào ngũ” Châu đình An bị đưa ra làm lao công chiến trường. Thế là, sau thời niên thiếu “tơi tả”, tưởng đâu đã khá nhưng rồi mối tình đầu lại khiến anh “tả tơi” tiếp.

9 tháng sau thì Nha Trang thất thủ, anh tìm về làng ấp xưa, được vài tháng thì bị đi tù cải tạo. Đó là thời kỳ, Châu đình An sa xuống đáy “vực thẳm” của đời người.

Đêm Giáng Sinh năm 1978, buổi văn nghệ là dịp để anh trốn trại cải tạo. Hành trình đầy gian nguy này, phải nghe chính giọng kể của Châu đình An mới hay. Năm sau đó, ngoài Phan Rang, anh chôn những can xăng dầu để vượt biển.

“Đêm chôn dầu vượt biển” …

Quý vị vừa nghe Như Quỳnh trình bày ca khúc “Đêm chôn dầu vượt biển”. Hoàn cảnh ấy, Châu đình An ghi lại trong nhạc bản viết vào năm 80. Bài này trở nên phổ biến trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, và mọi người biết đến tên tuổi Châu đình An từ đó.

Trong cuộc điện đàm với Thy Nga, anh nói về nhạc bản ấy: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Chuyến vượt biển đó không thành. Rồi Châu đình An quen một thiếu nữ giúp anh vượt thoát vào tháng 5 năm 79. Cô này thì tại vì chờ người nhà thành ra không đi được.

“Cay đắng bờ môi” một ca khúc nổi tiếng nữa của Châu đình An. Quang Lê vừa hát đến quý thính giả.

Ở trại tỵ nạn Hồng Kông hơn ba tháng thì Châu đình An được sang Hoa Kỳ. Thế nhưng, anh chẳng chịu định cư một chỗ mà chỉ sau một năm ở tiểu bang Wisconsin là lên đường phiêu bạt qua nhiều miền đất nước Mỹ.

Sống phần lớn nhờ vào bạn bè, trong 7 năm như vậy, Châu đình An sáng tác được một số nhạc bản.

Đến năm 87 thì bánh xe lãng tử dừng lại tại miền Nam Cali, gặp gỡ Duyên Hằng để cảm thấy “Trái tim không còn tù đày, yêu em” như lời ca trong bài “Trái tim mãn hạn” của anh. Châu đình An hát “Vì sao tôi ở lại”

“Vì sao tôi ở lại” …

Tại vùng thủ phủ người Việt tỵ nạn, Châu đình An vừa làm việc thâu thanh, vừa sáng tác, làm báo, và kinh doanh nữa.

Đến năm 92, sau khi lập gia đình với Duyên Hằng, đôi vợ chồng dời đi Orlando, tiểu bang Florida, để “hồn say nắng và lòng nở hoa” như lời trong bài “Mùa đông xanh” do anh sáng tác. Nơi đây, anh lại làm báo, đồng thời theo học trường Fullsail nổi tiếng về thâu thanh.

Năm 98, Châu đình An tốt nghiệp về hòa âm và kỹ thuật thâu thanh. Anh cho biết về sinh hoạt hiện nay: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Vợ chồng anh lại còn kinh doanh, và tổ chức nhiều show ca nhạc tại Florida. Tới năm 2002, anh gom các nhạc bản lại trong 4 cuốn CD “Tình ca Châu đình An” tung ra thị trường.

Từ mảnh đời tơi tả thuở nhỏ, vực thẳm tăm tối thời thanh niên, những gian khổ đó đã tôi luyện nghị lực để Châu đình An vươn lên ánh sáng.

“Cuộc tình tôi” Châu đình An hát …

Nay thành đạt trong cuộc sống, anh không quên những người kém may mắn ở bên quê hương. Châu đình An cho hay: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Đến đây, Thy Nga xin chào tạm biệt các bạn nghe đài trong âm thanh ca khúc “Em ở lại, sóng trôi đời tôi” …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.