Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Ngậm ngùi” quý vị đang nghe qua giọng hát Duy Quang. Nhạc bản này do Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Huy Cận. Ý thơ đẹp, mang mang nỗi buồn …

"Ngậm ngùi" Hồng Vân diễn ngâm… (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Huy Cận, tác giả bài thơ “Ngậm ngùi” đã từ trần vào ngày 19 tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, sau một thời gian bị bệnh cao huyết áp. Ông thọ 86 tuổi.
Huy Cận có bài thơ “Trình bày” viết như sau:
“Tôi sẽ đến trước mặt người, Thượng Đế để kêu than khi tôi đã lìa đời khi lá rụng và hồn tôi đã xế sang bên kia thế giới của loài người
Hỡi Thượng Đế! Tôi cúi đầu trả lại linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường
Trước Thượng Đế hiền từ, tôi sẽ đặt trái tim đau khô héo thủa trần gian tôi sẽ nói “Này đây là nước mắt ngọc đau buồn nguyên khối vẫn chưa tan …
và đoạn áp cuối viết:
“Hỡi Thượng Đế! Tôi cúi đầu trả lại linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường …”
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận sinh năm 1919 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là một nhà nho.
Huy Cận đậu Tú Tài Pháp, rồi lên Hà Nội học trường Cao Đẳng Canh Nông. Năm 1943, Huy Cận tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông.
Theo “Saigon Giải Phóng” là một trong các tờ báo mà ông cộng tác sau này cho tới khi qua đời, thì từ khi còn rất trẻ, Huy Cận đã thể hiện tài năng thơ ca.
Năm 1936 khi mới 17 tuổi, Huy Cận bắt đầu có thơ đăng. Đến năm 1940 thì xuất bản tập thơ đầu tay, tựa đề là “Lửa thiêng”.
Với tác phẩm này, sự nghiệp thi ca của Huy Cận khởi đầu, để rồi kéo dài trong suốt 65 năm với hàng trăm bài thơ, từ thơ mới, thơ trữ tình, thơ dành cho thiếu nhi, tới thơ Cách Mạng. Phong trào Thơ Mới đến với nền thi ca Việt Nam vào khoảng năm 1932. Với những ý tưởng mới lạ, táo bạo như trong các bài thơ “Nằm nghe người thở”, “Xuân ý”, … Huy Cận được xem là một trong các nhà thơ tiên phong của phong trào ấy.
Giới trẻ thời đó say mê truyền tay nhau những bài chan chứa tình cảm lãng mạn của các thi sĩ phong trào Thơ Mới.
Bát ngát lòng anh giữa trái đời Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi gió khuya nào biết xuân hè nữa? Em mộng điều chi, miệng thỏa cười
Đến đây, mời quý vị nghe mấy vần thơ của Huy Cận, do Bạch Mai, một giọng ngâm tài tử ở vùng thủ đô Hoa Kỳ, diễn ngâm. Ðoạn cuối “Anh viết bài thơ”
“… Bát ngát lòng anh giữa trái đời Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi gió khuya nào biết xuân hè nữa? Em mộng điều chi, miệng thỏa cười”
Bài “Buồn đêm mưa” thì nhiều người biết và thích cái ý thơ u sầu trải dài suốt bài. Bạch Mai diễn ngâm đoạn đầu như sau:
“Đêm mưa làm nhớ không gian, lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la …
Tai nương nước giọt mái nhà nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn …”
Ngoài các bài thơ trữ tình, Huy Cận cũng viết những câu đượm tình dân tộc, như
“Lòng quê dợn dợn vời con nước. không khói hoàng hôn, cũng nhớ nhà”
trong bài “Tràng giang” là một trong các bài thơ nổi tiếng của ông.
Ông từng là đại biểu Quốc Hội; thứ trưởng bộ Văn Hóa; rồi hàm bộ trưởng, đặc trách các công tác văn hóa thông tin; chủ tịch Liên Hiệp các hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.
Có mấy chi tiết này hay lắm. Điều khá ngạc nhiên về Huy Cận, một người mà dáng dấp không thanh nhã cho lắm, là kỹ sư Canh nông, thế mà lại viết nên những câu thơ tuyệt vời! hỏi ông thì ông nói đó là do thiên bẩm. Là nhà thơ nhưng đồng thời lại tham gia chính trường,
Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ cộng sản Việt Nam trong 42 năm. Kỷ lục về mặt này đó.
Hồi mà Huy Cận theo học ngành Canh nông tại Hà Nội, thì ở cùng phố với Xuân Diệu. Hai người đều yêu thơ nên kết nghĩa anh em.
Từ năm 1940, phong trào Thơ Mới phát triển mạnh là do Xuân Diệu và Huy Cận đấy.
Thy Nga cũng hỏi chuyện nhạc sĩ Phạm Duy, người phổ bài thơ “Ngậm ngùi” vào năm 1961. Ông cho biết là trước đó, khoảng năm 38 hay 40, nhạc sĩ Lê Thương đã phổ bài thơ này, và đặt tên là “Tiếng thùy dương”.
Nhạc sĩ Phạm Duy kể tiếp là trong chuyến về Việt Nam vào năm 2000, ông đến thăm Huy Cận và tặng nhà thơ cuốn CD đặc biệt, thâu âm 16 giọng hát khác nhau, trình bày bài “Ngậm ngùi” theo cách của mỗi người. Điều này làm Huy Cận rất cảm động.
Âm thanh ca khúc “Ngậm ngùi” do Khánh Hà hát, kết thúc chương trình tưởng nhớ nhà thơ Huy Cận … tạm biệt quý thính giả …