Mùa Tạ Ơn


2005.11.28

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Chương trình kỳ này đến với quý thính giả là vào dịp lễ Tạ Ơn, dân chúng trên đất Mỹ còn đang quây quần với đại gia đình. Trong bầu không khí đầm ấm ấy, Thy Nga mời quý vị và các bạn cùng nghe các ca khúc tạ ơn, tạ tình nhé ...

ThanksgivingKids200.jpg
Bé Julizza Diaz, 6 tuổi, chuẩn bị trình diễn điệu múa cổ truyền Mexico tại shopping mall Citadel ở Los Angeles hôm 27-11-2005. AFP PHOTO

“Ơn em” … nhạc bản của Từ Công Phụng, qua giọng hát Anh Khoa

Như Thy Nga đã từng trình bày với quý vị, Thanksgiving (lễ Tạ Ơn) khởi thủy là buổi họp mặt của nhóm di dân sang châu Mỹ. Vào cuối Thu năm 1621, được vụ mùa đầu tiên, họ làm lễ cảm tạ Thượng Đế đã cho họ sống còn, và cám ơn thổ dân đã giúp họ trồng trọt, săn bắt thú. Rồi cùng nhau ăn mừng. Cuộc vui hòa hợp tình người ấy, về sau trở thành dịp sum họp gia đình của dân Mỹ hằng năm.

Đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới làm lễ mừng được mùa; và Thanksgiving là ngày lễ chính thức tại Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Brazil, Thụy Sĩ, Liberia, Nhật Bản và Nam Hàn.

Tại Bắc Ireland, một phụ nữ tên là Myrtle Smyth tin rằng thông điệp của Thanksgiving có thể hàn gắn những tang thương do xung đột gây ra trên vùng đất này, và bà đã vận động được một khu đất tại Belfast để xây dựng công trường với tên “Thanksgiving”.

“Tạ ơn đời” music …

Vừa rồi, đọc bài “Mừng lễ Tạ Ơn” của Tâm Diệu, Thy Nga thấy hay nên xin trích để chia sẻ cùng quý thính giả.

“Truyền thống lễ Tạ Ơn của người Hoa Kỳ rất đẹp, không mang tính chất chính trị, không dành riêng cho một tôn giáo, hay để tưởng niệm một cá nhân nào. Nó là ngày lễ cho tất cả các dân tộc có mặt trên nước Mỹ, vốn là những người di dân, để họ bày tỏ lòng biết ơn với đất nước, dân tộc, văn hoá và nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ…

Ý nghĩa lễ này gắn liền với lòng biết ơn của con người nên rất đáng được chúng ta, những người di cư đến sau, trân quý và áp dụng. Trong giai đoạn đầu tiên định cư nơi xứ sở này, chúng ta cũng gặp vô vàn khó khăn nhưng cuối cùng, dân tộc Hoa Kỳ và đất nước này đã giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại, và chúng ta đã thành công, không có mùa màng nhưng được công ăn việc làm tốt, buôn bán thịnh vượng phát đạt. Vì thế, chúng ta rất nên tổ chức lễ Tạ Ơn, sum họp gia đình…

Con người sinh ra và sống ở đời là đã chịu rất nhiều những ơn huệ của nhau. Ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn mưa, ơn nắng, ơn cỏ cây hoa lá, và ơn xã hội trong đó bao gồm ơn dân tộc và quốc gia đã cưu mang chúng ta, đã cho chúng ta thừa hưởng những di sản tinh thần quý báu như dân chủ và tự do …”

Mời bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần do Thy Nga phụ trách. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Đọc đến đây, Thy Nga nhớ lại dịp 30-4 năm nay. Để đánh dấu 30 năm biến cố lịch sử đó, hai trung tâm ca nhạc của người Việt hải ngoại đều soạn chương trình với nội dung khác hơn những năm trước, và nhấn mạnh đến sự biết ơn của người tỵ nạn với đất nước và dân tộc đã mở vòng tay đón nhận mình trong cơn hoạn nạn.

“Lời cám ơn” toàn thể nghệ sĩ hợp ca để kết thúc chương trình “30 năm viễn xứ” của Trung tâm Thuý Nga …

Trải qua nhiều đau thương nhưng rồi, có được ngày hôm nay, chúng ta dâng lời cảm tạ Thượng Đế. Và ơn phước đó, chúng ta nên chia sớt lại cho xã hội. Theo tinh thần của người Mỹ thì khi đã đầy đủ vật chất, hãy giúp cho kẻ thiếu kém hơn mình. “Thanksgiving” mang ý nghĩa thế, nên từ thời điểm này đến lễ Giáng Sinh hằng năm, dân chúng Âu Mỹ hoan hỉ cho quà và mở hầu bao, giúp người nghèo khó.

Tác giả bài “Mừng lễ Tạ Ơn” viết tiếp:

“Với đạo Phật thì lễ Tạ Ơn cũng không ngoài tinh thần lễ Tứ Ân mà người con Phật phải luôn luôn nhớ tưởng và báo đền. Bốn ơn đó là: ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc gia xã hội, và ơn Tam Bảo. Đứng đầu là ơn Cha Mẹ, lớn lao sâu rộng tựa như trời biển …"

“Tạ ơn Cha Mẹ” hợp ca …

ThanksgivingParade200.jpg
Buổi diễn hành của Macy nhân ngày Thanksgiving tại New York. AFP PHOTO

Vẫn bài viết của Tâm Diệu: “Ngày lễ Tạ Ơn là cơ hội cho chúng ta bày tỏ lòng biết ơn nhau, không chỉ với đấng thiêng liêng tôn giáo, mà với mọi người thân như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, tình nhân, và những người gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày.

Nếu được, hãy trao nhau một món quà nho nhỏ, hay chỉ một câu nói cám ơn chân tình qua tấm thiệp, hay email để biểu lộ tấm lòng nhớ nhau và biết ơn nhau.”

Vài nhạc sĩ ghi lại ân tình vợ chồng qua dòng nhạc, rõ nét nhất là Phạm Mạnh Đạt với “Bài ca cho người vợ hiền”

“Bài ca cho người vợ hiền” …

Trong khi ấy, nhạc sĩ Vũ đức Nghiêm ghi ơn vợ với “Đóa hồng cho người yêu dấu”; tình nghĩa vợ chồng cũng được nhạc sĩ Châu đình An thể hiện trong “Cuộc tình tôi”; nhạc sĩ Nghiêu Minh thì nguyện rằng “Bởi có em, tôi ở lại đây”.

Trong văn thơ, trong âm nhạc, tình yêu lứa đôi được nói đến nhiều hơn cả. Anh lính trẻ “xin cảm ơn thành phố có em” chỉ vì cái thị trấn đất đỏ ấy là nơi Nàng cư ngụ.

“Bóng mát cuộc tình” …

“Bóng mát cuộc tình” Lệ Hằng hát … Cứ nghe tựa đề các ca khúc như “Khi có chàng”, “Cơn mưa hạ”, “Và em đến”, vân vân … là đủ hiểu “đương sự” ghi nhận bao nhiêu là hạnh phúc do “người ấy” đem lại. “Cám ơn tình yêu” …

Với ca khúc “Cám ơn tình yêu” do Nguyễn Phi Hùng hát, Thy Nga xin kết thúc chương trình kỳ này … chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.