Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Cuộc biểu tình của dân Tây Tạng đã bị dập tắt tại thủ phủ Lhasa mấy ngày nay. Tình hình Lhasa lắng dịu vì lệnh giới nghiêm, tuy nhiên các tình trạng loạn động vẫn còn xảy ra ở những vùng tập trung đông người Tây Tạng. Sự phản đối của người dân xứ này, ở cả trong lẫn ngoài nước, vẫn chưa ngừng sau khi lệnh kêu gọi đầu thú của Bắc Kinh chấm dứt lúc trưa thứ Hai. Kiều dân Tây Tạng quan tâm và có ý kiến thế nào về tình thế đất nước hiện tại?

Trước diễn biến mới, Lhasa tiếp tục bị đặt trong tình trạng giới nghiêm trong khi tại một số tỉnh, huyện đông người Tây Tạng vẫn xảy ra các cuộc xô xát. Dư luận người dân Tây Tạng ở nước ngoài nói chung chưa lắng dịu. Một nhà dân chủ Tây Tạng và cũng là nhà văn, ông Jamyang Norku, hiện ngụ tại bang Tennesse, Hoa Kỳ, cho biết tình hình theo thông tin ông thu thập được:
“Quân đội Trung Quốc đã bắt giữ nhiều người Tây Tạng trong nhóm biểu tình và đối xử tàn tệ với họ, và bắn gục nhiều người khi họ chỉ xuống đường một cách ôn hoà. Bây giờ thì xô xát diễn ra ở nhiều nơi, và tình trạng trở nên tệ hại hơn.” Ngừơi Tây Tạng hải ngoại vẫn quan tâm theo dõi sát tình hình rối động ở cố quốc vì những tin lọt ra ngoài cho thấy bạo động vẫn tiếp tục ở nhiều vùng. Trong ý dồ riêng Bắc Kinh loan tin là các nhóm biểu tình mang theo ảnh của đức Đạt Lai Lạt Ma. Hình ảnh và âm thanh từ một số vụ xuống đường cho thấy thương tích và chết chóc đã xảy ra người đi biểu tình bị mạnh tay trấn áp.
Hành động của cảnh sát Trung Quốc mạnh tay đàn áp những người biểu tình ôn hoà, đã gây phẫn nộ cho kiều dân Tây Tạng. Từ bang California của Mỹ, ông Tenzin Namgyal, cựu Bộ trưởng Chính phủ Lưu vong Tây Tạng ở Dharsma và cũng trong nhóm lãnh đạo của tổ chức Committee of 100 for Tibet, một tổ chức nhân quyền do ngừơi Tây Tạng hải ngoại thành lập, tuyên bố:
Họ biết rõ Bắc Kinh sẽ áp dụng những biện pháp khắc nghiệt đối với họ, có thể cả chuyện sống chết nữa. Nhưng họ vẫn thấy cần phải cất tiếng nói, đi biểu tình.
“Qua những cuộc biểu tình và các cách bày tỏ ý kiến khác của người Tây Tạng ở nhiều nơi trong nước và ở cả những địa phương bên trong Trung Quốc như Tứ Xuyên, Cam Túc và Thanh Hải người Tây Tạng đang lên tiếng. Họ biết rõ Bắc Kinh sẽ áp dụng mhững biện pháp khắc nghiệt đối với họ, có thể cả chuyện sống chết nữa. Nhưng họ vẫn thấy cần phải cất tiếng nói, đi biểu tình.”
Một thanh niên Tây Tạng sinh trưởng ở bang California, Hoa Kỳ, cũng phê phán: “Tôi là người Mỹ gốc Tây Tạng. Tôi nghĩ rằng hành động của Trung Quốc, trấn áp dã man cuộc biểu tình ôn hoà của ngừơi Tây Tạng, là sai. Những điều Trung Quốc đã và đang đối xử với dân tộc tôi là sai.”
Trung Quốc muốn nói với thế giới, muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ là một nước thống nhất, rằng họ là một cường quốc. Họ xâm phạm quyền con người của các nước khác, như của Đài Loan, Tây Tạng, và ngay chính dân nước họ. Phản ứng của người Tây Tạng là điều tất nhiên, sự vùng dậy lần này là điều tất nhiên, khi chủ quyền đất nước và nhân quyền người dân bị tước đoạt. Dân chúng bị giam giữ, tra tấn chỉ vì các hoạt động tôn giáo, bị đối xử phân biệt so với những người Trung Quốc tuy ngụ cư trên lãnh thổ Tây Tạng nhưng được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi.”
Theo Tân Hoa Xã, chỉ riêng hôm thứ Sáu tuần trước có khoảng hơn 15 ngừơi chết và trên 300 người bị thương trong cuộc loạn động ở thủ phủ Lhasa.
Trong khi nhà cầm quyền khu tự trị Tây Tạng công bố dữ liệu này, dư luận kiều dân nước này cho rằng số nạn nhân người Tây Tạng chắc chắn nhiều hơn. Cô Tenzin, nữ sinh viên trường đại học Ottawa thuộc bang Ontario, Canada khẳng định:
“Phía Trung Quốc nói chỉ có khoảng 10 người chết, và những người này là dân Trung Quốc. Điều đó không đúng, mà có đến khoảng 150 người chết. Chúng tôi nhận được một số hình ảnh từ Tây Tạng, cho thấy xác ngừơi Tây Tạng đầy dẫy.”

Trước đau thương của đồng bào trong nước, một số cộng đồng Tây Tạng hải ngoại bày tỏ sự ủng hộ. Tại thủ đô Vương Quốc Bỉ, cộng đồng Tây Tạng biểu tình hồi cuối tuần trước. Ở thủ đô của Canada, Hội Ái hữu Tây Tạng cũng tổ chức một đêm thắp nến cầu nguyện vào hôm thứ Ba tuần này. Cô sinh viên ở Canada cho biết:
“Người Tây Tạng ở thành phố này bao gồm các sinh viên và người dân bản xứ thuộc một số sắc tộc khác nhau, trong đó có cả người Việt Nam, đã tụ họp tại đài tưởng niệm Nhân quyền ở Ottawa. Mọi người đốt nến cầu nguyện và tưởng niệm đồng bào đã thiệt mạng trong các vụ xô xát vừa rồi. Chúng tôi cũng trao đổi suy nghĩ và cầu nguyện cho quê hương.”
Những kiều dân Tây Tạng đài RFA tiếp chuyện đều nhận rõ là Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Tây Tạng, áp đặt ách thống trị trên đất này, ngược đãi người bản xứ và âm mưu xoá dần văn hoá, bản sắc của họ để đồng hóa. Các kiều dân này đều mong mỏi một giải pháp thay đổi tình trạng bị trị đã kéo dài gần nửa thế kỷ nay.
Tuy vậy, người Tây Tạng nước ngoài không đồng nhất về giải pháp chính trị cho cố quốc.
Tiêu biểu cho quan điểm của nhiều người trẻ Tây Tạng hôm nay, người thanh niên ở bang California cho rằng sự độc lập và tự do là điều mà quê hương của anh cần, thay vì quyền tự trị mà thôi, theo như chủ trương của chính phủ lưu vong Tây Tạng lâu nay:
“Tôi muốn Tây Tạng được độc lập và tự do. Tôi mong điều này thành sự thật, sẽ xảy ra trong cuộc đời tôi, tuy tôi không chắc làm cách nào để điều đó trở nên hiện thực, vì tình hình hiện tại rất phức tạp.”
Đồng quan điểm này, nhà dân chủ lưu vong ở Tennesse nhấn mạnh:
“Tây Tạng vốn là một nước độc lập trước khi Trung Quốc xâm lấn và đặt ách thống trị. Tôi mong Tây Tạng được độc lập, được tự do. Tất cả dân Tây Tạng đều muốn độc lập và tự do cho xứ sở của họ.”
Tôi muốn Tây Tạng được độc lập và tự do. Tôi mong điều này thành sự thật, sẽ xảy ra trong cuộc đời tôi...
Ngược lại với chủ trương rằng Tây Tạng nên tranh đấu cho một nền độc lập tuyệt đối, nhiều kiều dân quan niệm là quyền tự trị, điều mà lâu nay đức Đạt Lai Lạt Ma hằng theo đuổi, cũng là một sự lựa chọn thích đáng.
Cô sinh viên Tây Tạng ở Canada nói:
“Đối với tôi, tự trị hay độc lập đều chấp nhận được, miễn là ngừơi dân Tây Tạng được tôn trọng. Tôi đồng ý với chủ trương chính đáng của đức Đạt Lai Lạt Ma đòi quyền tự trị cho Tây Tạng.”
Vị cựu Bộ trưởng lưu vong cũng cho rằng cả hai chủ trương, tranh đấu cho một Tây Tạng tự trị hay một Tây Tạng độc lập, đều có cơ sở, và sự lựa chọn của đại đa số người dân sẽ là quyết định sau cùng:
“Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tìm cách giải quyết mối xung đột giữa Tây Tạng và Trung Quốc. Ngài cũng hướng đến một triển vọng xa hơn là một giải pháp chính trị. Ngài cho là người Tây Tạng vẫn có thể hiện hữu trong khuôn khổ một nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, và họ phải có đầy đủ quyền lợi cá thể và cộng đồng Tây Tạng.”
Dù sinh trưởng ở nước ngoài hay đã rời quê hương hàng chục năm, người Tây Tạng vẫn nặng lòng với cố quốc. Cuộc nổi dậy của người dân xứ Tuyết tại quê nhà lần này một lần nữa khơi động lòng yêu nước của những người tha hương nhưng tâm hồn luôn hướng về đất tổ.