Duy trì nét chữ truyền thống của Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay vừa mới diễn ra hôm qua. Nhân dịp này, Mục Sáng Kiến & Đời sống do Gia Minh phụ trách giới thiệu đến quí thính giả và các bạn một người suốt nhiều năm qua luôn gắng duy trì nét chữ truyền thống của Việt Nam và mong muốn truyền bá kỹ năng đó lại cho thật nhiều người.

0:00 / 0:00
abc200.jpg

Nhân vật ấy là ông Phạm Thế Vinh, hiện ngụ tại Khâm Thiên, Hà Nội. Mời quí thính giả nghe câu chuyện trao đổi giữa Gia Minh và ông Phạm Thế Vinh về hoạt động đó.

Gia Minh: Cơ sở luyện viết chữ đẹp của ông hiện hoạt động ra sao?

Phạm Thế Vinh: Thành thật mà nói là phát triển vượt khỏi phạm vi nhà tôi, nên phải thuê thêm cơ sở tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội để dạy, và đào tạo thêm một số giáo viên.

Gia Minh: Ông đến với hoạt động này từ khi nào?

Phạm Thế Vinh: Tôi bắt đầu nghề này đã 43 năm nay rồi, từ năm tôi 17 tuổi. Lúc ấy chúng tôi được gọi là 'anh giáo' đến nhà vừa dạy toán, văn, tiếng Việt, vừa dạy chữ viết. Đến năm 81 nhà nuớc cải cách chữ viết, nên số người đến học rất ít, lúc đó dạy cả năm bằng nay dạy một ngày.

Sau đó còn cải cách chữ viết hai lần nữa, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì với chữ viết truyền thống này. Sau đó chúng tôi biết tin sẽ cải cách nữa, nên năm 98 chúng tôi mở lớp và nhiều người đến học rầm rộ. Nay số người học gồm người đến sửa chữ, rồi học sinh tiểu học, trung học và cả người lớn.

Gia Minh: Lúc đầu ông có được huấn luyện không?

Phạm Thế Vinh: Vào năm 63, tôi đang học lớp 9 trường Việt – Đức, người ta có chương trình viết bằng tổng kết 'Chống Pháp' thì chúng tôi được tuyển và đào tạo trong một tháng.

Khi vào nghề thì tôi say mê, và tìm hiểu về cách viết và cách dạy. Tôi có giáo trình hoàn chỉnh cho 10 buổi học để có thể luyện chữ đẹp. Đây là chữ phổ thông dạy cho học sinh vỡ lòng. Học thì phải có phương pháp và lòng kiên nhẫn, chứ không cần ‘hoa tay’.

Gia Minh: Giáo trình này có được cơ quan chức năng công nhận không?

Phạm Thế Vinh: Để giải thích thì tôi nói lại là Ban Khoa giáo Đài truyền hình có mời dạy và hỏi như anh; nhưng tôi trả lời đây là phương pháp dạy tiếng Việt nên không phải thông qua ai. Ngoài ra, Bộ thì nêu ra cách dạy là chữ 'e' truớc, mà phương pháp của tôi khác nên tôi tin rằng nếu đưa ra thì Bộ không công nhận. Nếu họ công nhận tôi tức họ phủ nhận họ.

Gia Minh: Còn có khó khăn gì khác nữa?

Phạm Thế Vinh: Học sinh của tôi đông nhưng khi về triển khai ở trường thì trắc trở. Giáo viên về thì hiệu truởng không đồng ý với lý do là một giáo viên không thể dạy cho tất cả các lớp được. Thứ hai học sinh về trường, đặc biệt là học sinh tiểu học, khi viết lại bị cô giáo cho là chữ của người lớn không cho viết.

Gia Minh: Khi luyện chữ ở chỗ anh cần có các trang thiết bị gì?

Phạm Thế Vinh: Ông cha ta nói là 'đồ mới đến nghề': đồ tốt thì nghề mới tốt được. Do đó tôi đặt nhà máy làm viết, giấy riêng cho học viên. Bút là bút 'nét thanh, nét đậm'. Ngòi bút là ngòi bút ta cắm vào bút máy. Giấy là giấy Indonesia, không dùng giấy Bãi Bằng, mực thì mực mau thấm. Tư thế viết cũng phải sửa cho học sinh.

Gia Minh: Sau khi học thì trong cuộc sống không dùng những trang bị đó vẫn có thể viết đẹp không?

Phạm Thế Vinh: Tôi dùng hình ảnh vận động viên bóng đá để so sánh, nếu chúng ta ra đá bóng mà gặp mưa thì ốm ngay, nhưng vận động viên thì không. Tuy nhiên nếu không dùng loại viết chuyên dụng thì sau khi luyện vẫn có thể đẹp khoảng 8- 9 phần 10 thôi.

Công cụ là quan trọng, như đi ô tô đâu phải xe nào cũng như xe nào. Nếu qua được những buớc tập luyện có kỹ năng, thì viết bằng bút bi cũng bình thường.

Thời tôi đi học tiểu học phải viết bằng bút ta, mực tím, sau 75 thì mới viết bút bi nhiều. Bút bi là phương tiện có cả ưu điểm và nhược điểm là viết nhanh, không bẩn tay, nhưng như ợc điểm nét chữ bị gãy.

Gia Minh: Làm sao để bút viết chữ đẹp thuận tiện hơn, đại trà hơn?

Phạm Thế Vinh: Sau này chúng tôi viết bút máy ngòi trơn.

Gia Minh: Việc phổ biến phương pháp này đến những vùng khác ra sao?

Phạm Thế Vinh: Tôi vừa vào Sài Gòn dạy ba tháng. Theo tôi chữ viết còn là nét văn hoá của một dân tộc. Quốc gia có những thứ tiêu biểu là Quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc ngữ. Chữ viết là nét văn hoá, nó không phải dừng lại ở mức độ chỉ là một công cụ, ngoài ra viết chữ còn rèn nết rèn tính, biểu hiện tính cách con người: cẩn thận, chu đáo, tôn trọng người khác hay không còn ở nét chữ.

Quí thính giả và các bạn vừa nghe cuộc nói chuyện về công việc luyện chữ đẹp mà ông Phạm Thế Vinh thực hiện bấy lâu nay.

Hẳn chúng ta ai cũng thừa nhận là hoạt động của ông giáo ngoài biên chế Nhà Nuớc Phạm Thế Vinh thật đáng trân trọng, vào lúc mà chữ viết của rất nhiều học sinh tại Việt Nam, có thể nói là không được đẹp như hiện nay.

Bên cạnh trung tâm luyện chữ đẹp của ông Phạm Thế Vinh, tại Hà Nội còn có một nơi cũng có hoạt động tương tự là Trung tâm Mai Động.

Mong sao cơ quan chủ quản là Bộ Giáo Dục sẽ chính thức và tiêu chuẩn hoá hoạt động đang được một số ít cá nhân thực hiện để thế hệ trẻ Việt Nam đến đây mỗi khi cầm bút sẽ có được những trang viết chuẩn và đẹp.

Mục Sáng Kiến & Đời sống kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.