Gia Minh, phóng viên đài RFA
Tại Việt Nam lâu nay thuốc men cũng như dụng cụ y khoa để khám chữa bệnh đa phần đều phải nhập từ nước ngoài về. Đối với các bệnh nhân tại khu vực thành thị, họ còn có cơ hội tiếp cận những phương tiện y khoa mới cũng như các loại tân dược, chứ dân quê ở các vùng xa xôi hẻo lánh thì may mắn lắm mới nhận được những viên thuốc nội và việc khám chữa bệnh của các y tá miệt vườn thôi.

Trong vô vàn khó khăn thiếu thốn về y khoa đó, một bác sĩ tại Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu tận dụng các phương tiện sẵn có để làm ra loại máy nội soi giúp chẩn đoán và chữa trị trước hết cho bệnh nhân tại quê ông.
Chỉ nghe nói chứ không được sử dụng
Đó là bác sĩ Nguyễn Phước Huy, người hiện công tác tại Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Hồng Ngự.
Trong chương trình Sáng kiến & Đời sống kỳ này, mời quí thính giả và các bạn cùng nghe bác sĩ Huy nói về công việc làm ra chiếc máy nội soi phục vụ công tác của chính bản thân và của những đồng nghiệp khác.
Nếu quí vị chưa một lần nghe đến loại thiết bị này trong điều trị khám chữa bệnh thì bác sĩ Nguyễn Phước Huy có đôi lời giải thích về công dụng của một chiếc máy nội soi đó:
"Nói nôm na máy nội soi là dụng cụ giúp thấy rõ được các nơi bên trong thân thể con người. Máy đưa hình ảnh của cơ quan nội tạng muốn xem lên màn hình. Người bác sĩ xem hìnhh đó để chẩn đoán bệnh và cả sử dụng cho phẫu thuật nữa."
Cá nhân không đủ vốn liếng, cần phải có nhà đầu tư. Phía nhà nước và cơ quan chức năng cũng chưa có kế hoạch hỗ trợ gì ngoài việc cấp cho bằng khen.
Một chiếc máy thuận tiện như thế nhưng sau khi tốt nghiệp trường y, và được cử lên Cần Thơ học khoá phẫu thuật nội soi, bác sĩ Nguyễn Phước Huy chỉ nghe thầy nói thôi chứ không có máy để thực tập. Thực tế đó là động cơ khiến bác sĩ Huy nghiên cứu làm ra máy để sử dụng.
Ông kể lại: "Theo học khoá phẫu thuật nội soi vào năm 1999, trong hai năm 99- 2000 do nhu cầu nên phải mày mò tận dụng các loại phương tiện có sẵn để làm ra máy."
Không được chính quyền hổ trợ
Điểm đáng nói về chiếc máy nội soi do bác sĩ Nguyễn Phước Huy làm ra là vừa đạt được yêu cầu của người sử dụng, mà giá thành không cao như các sản phẩm nhập ngoại. Về điều này, bác sĩ Huy cho biết: "Máy làm ra sẽ rẻ hơn máy nhập của Pháp, Đức, Mỹ và hàng Trung Quốc."
Nhờ phương pháp chẩn đoán bệnh bằng máy nội soi mà Bệnh viện Đa Khoa khu vực Hồng Ngự trở nên có tiếng ngay cả với những người dân nước láng giềng Cambodia.
Dù máy nội soi do bác sĩ Nguyễn Phước Huy sáng kiến ra có những ưu điểm như vừa nêu, thế nhưng cho đến nay bản thân ông mới làm ra bảy máy mà thôi.
Khi được hỏi về khả năng sản xuất đại trà phục vụ ngành y trong nước, thì bác sĩ Nguyễn Phước Huy nêu ra những khó khăn gặp phải như sau: "Cá nhân không đủ vốn liếng, cần phải có nhà đầu tư. Phía nhà nước và cơ quan chức năng cũng chưa có kế hoạch hỗ trợ gì ngoài việc cấp cho bằng khen."
Quí thính giả và các bạn vừa nghe câu chuyện bác sĩ Nguyễn Phước Huy sáng kiến làm ra chiếc máy nội soi để sử dụng cho công tác chẩn đoán tại một bệnh viện huyện.
Mời các bạn tham gia mục Sáng kiến & Đời sống do Gia Minh phụ trách. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Qua câu chuyện, hẳn quí vị đều đồng ý với câu nói dân gian ‘Cái khó ló cái khôn’ áp dụng thật đúng cho tình hình của nhiều vùng miền tại Việt Nam. Và mong sao những sáng chế như máy nội soi của bác sĩ Nguyễn Phước Huy được cơ quan chức năng quan tâm đầu tư để sản xuất phục vụ những nơi còn thiếu thốn phương tiện trong nước.
Mục Sáng kiến & Đời sống kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.