Những tiến triển trong mối quan hệ Việt-Mỹ sau 10 năm bang giao


2005.05.09
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Cuối tháng sau, Thủ tướng Phan Văn Khải có thể sẽ sang thăm Hoa Kỳ. Đó sẽ là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên kể từ khi cuộc chiến chấm dứt 30 năm trước của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Ông Ernest Bower, cựu chủ tịch điều hành hội đồng thương mại Hoa Kỳ-ASEAN phân tích những tiến triển trong mối quan hệ Việt Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoellick trong cuộc họp với các giới chức Việt Nam hôm 6-5-2005 tại Hà Nội. AFP PHOTO

Vào ngày 11 tháng 7 sắp tới, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 10 năm ngày hai nước chính thức thiết lập bang giao. Trong một thập kỷ quan hệ song phương ấy, lòng tin tưởng lẫn nhau đã tăng lên, lợi ích của mỗi bên gắn bó với nhau nhiều hơn, đồng thời trao đổi thương mại và đầu tư, cũng như hợp tác quân sự và an ninh đều tăng tiến.

Giai đoạn "hợp tác chặt chẽ"

Tháng tư vừa rồi đánh dấu 30 năm ngày chấm dứt cuộc chiến trong đó Washington và Hà Nội đối nghịch nhau. Cho nên, vào lúc này, dùng công thức 30/10 để diễn tả cái mốc quan trọng 2005 trong mối quan hệ Việt Mỹ. Đó là thời điểm kết thúc giai đoạn có thể gọi là “chương sử thiết lập bang giao” để hai nước tiến sang giai đoạn “hợp tác chặt chẽ”:

Và trong lần gặp nhau sắp tới, hai nhà lãnh đạo George W. Bush của Hoa Kỳ và Phan Văn Khải của Việt Nam có một cơ hội lịch sử để thực hiện bước đi lên ấy. Hai ông sẽ có thể nhân dịp này khép lại trang sử “hậu chiến”, để nhắm đến một tương lai phù hợp với lợi ích chung của cả hai nước.

Điều này thực hiện được vì bên dưới những nghi kỵ và ngờ vực lẫn nhau, là những giá trị và ước vọng mà hai nước cùng chia xẻ, và trong 10 năm chính thức bang giao, hai bên đã ngày càng hiểu biết và tôn trọng vị trí của nhau hơn. Thêm một yếu tố nữa, là tình hình mới trong địa dư chính trị toàn cầu, hay nói rõ hơn, là vai trò quốc tế đã được khẳng định của Trung Quốc.

Đó cũng là lý do cơ bản khiến Washington phải thay đổi chính sách đối với Á châu. Khi cuộc khủng hoảng tài chính Á châu nổ ra vào năm 1997, Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội để phát động một cuộc tiến công hai mũi ngoại giao và mậu dịch vào Đông Nam Á, và đem lại thành quả được tiếp tục phát huy cho đến nay.

Mối quan hệ với Trung Quốc

Về mậu dịch, thì Trung Quốc đã thương thảo việc thành lập khu mậu dịch tự do với các nước ASEAN, còn về ngoại giao thì Bắc Kinh luôn luôn đưa ra lời mời chào rằng, chúng tôi là người Trung Quốc đây, chúng tôi có thể giúp đỡ quý vị điều gì?

Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trung Quốc cũng mở rộng thị trường đón nhận hàng xuất khẩu từ các nước ASEAN, và phát động sự hợp nhất kinh tế của khối Đông Á, tức là ASEAN cộng Trung Quốc, Nhật bản và Nam Hàn. Sự tiếp cận năng động của Bắc Kinh về lâu về dài đòi hỏi những gì về sức cạnh tranh cũng như an ninh đối với Việt nam và Đông Nam Á?

Các nước ấy không còn lựa chọn nào khác hơn là cũng phải hết mình đáp ứng, nhưng với sự thận trọng tối đa, bởi như một câu ngạn ngữ Việt Nam từng nói, người ta có thể thay đổi bạn, chứ không thể thay đổi láng giềng.

Bài học lịch sử

Việt Nam cũng không thể quên được những bài học lịch sử rút ra từ cả ngàn năm qua của quá khứ, nên có lý do chính đáng để mưu tìm một sự cân bằng trên trường quốc tế. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã xác định rất đúng sức mạnh của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, nên chủ trương phải dấn thân tích cực hơn vào Đông Nam Á.

Cho nên trong một thập kỷ quan hệ chính thức vừa qua, hai nước đã có những bước khởi đầu rất quan trọng. Những chương trình ban đầu ấy nếu được Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải bồi dưỡng, sẽ trở thành cơ sở vững chắc cho quỳên lợi chung của hai nước.

Mối quan hệ mậu dịch và đầu tư Việt-Mỹ có thể coi như một thành công vượt bậc, khi trị giá tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm kể từ năm 1995, theo số liệu của Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hà Nội, và hiện nay, Hoa Kỳ là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Cách đầu tư của Hoa Kỳ cũng được đánh giá cao ở Việt Nam, vốn là nước có nền văn hoá coi trọng sự học. Nếu so sánh với các nhà đầu tư khác, thì doanh gia Mỹ thường chấp thuận chi tiêu nhiều hơn cho huấn luyện cũng như các công tác tập thể.

Trong lãnh vực quân sự, thập niên vừa qua cũng chứng kiến nhiều hợp tác đáng lưu tâm, chẳng hạn như chuyến thăm Lầu năm góc của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và cuối năm 2003 và chiến hạm Hoa Kỳ cũng đã hai lần ghé bến Sài gòn. Hiện hai nước đang thảo luận để thực hiện các chương trình huấn luyện quân sự hỗn hợp.

Sự hợp tác về an ninh cũng đưa nâng lên một mức cao chưa từng thấy: Sau sự kiện 11 tháng chín năm 2001, Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi sự hợp tác rộng rãi của các đồng minh. Hai nước Việt Mỹ đã thực hiện ngày càng nhiều hơn các cuộc trao đổi và hợp tác song phương.

Những vấn đề nhạy cảm

Trong mối quan hệ bền vững và lâu dài, hai nước phải thảo luận được với nhau những vấn đề nhạy cảm. Đối với Hoa Kỳ và Việt Nam, thì đó là nhân quyền và tự do tôn giáo, vốn là những điểm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Washington.

Nhưng Hà Nội lại muốn coi đó là những chuyện nội bộ mà nước ngoài can thiệp vào càng ít càng tốt. Tuy nhiên các cố gắng ngoại giao dường như đã có hiệu lực trong việc san bằng cách biệt, mà bằng cớ là càng ngày càng có nhiều các cuộc thảo luận mang tính tích cực hơn.

Sau cùng, phải nói đến lãnh vực văn hoá mà hai nước đang ở trong giai đoạn mến mộ nhau: Nhiều thanh niên thiếu nữ Hoa Kỳ sang du lịch Việt Nam trong khi nghệ thuật Việt Nam đang được mến chuộng, và nhiều thị dân Mỹ đã coi Phở như món tuyệt hảo dành cho bữa trưa.

Hai nhà lãnh đạo George W. Bush và Phan Văn Khải sẽ có nhiều chuyện để bàn với nhau khi gặp gỡ vào cuối tháng sáu sắp tới. Đó là cơ hội lịch sử để tăng cường mối quan hệ song phương, vì lợi ích của cả hai dân tộc.

Tác giả bài phân tích, ông Ernest Bower kết luận là từ khi cuộc chiến kết thúc thì đó là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam sang thăm Mỹ, và điều đó phù hợp với công thức 30-10 mà ông đưa ra, kỷ niệm 30 năm ngày cuộc chiến kết thúc và đánh dấu giai đoạn 10 năm quan hệ giữa hai nước.

Ông hy vọng Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ bắt lấy cơ hội để mở một chương sử hợp tác mới cho cả hai quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.