Việt Nam thận trọng trong quan hệ tay 3 với Mỹ và Trung Quốc


2005.07.06

Trần Sơn Nam

Sau chuyến viếng thăm nước Mỹ tuần vừa qua, Thủ Tướng Việt Nam, ông Phan Văn Khải, đã có mặt ở Canada đầu tuần này và sẽ còn viếng thăm Nhật Bản trên đường về nước. Cách đây vài tuần, Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh cũng viếng thăm nước Pháp.

BushKhaiWhitehouse200.jpg
Tổng thống Bush tiếp đón Thủ tướng Khải tại Toà Bạch Ốc hôm 21-6-2005. AFP PHOTO

Nay lại có tin đến trung tuần tháng tới Chủ Tịch Nước, ông Trần Đức Lương sẽ qua Bắc Kinh để hội đàm với giới lãnh đạo Trung Quốc. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về sự kiện đáng ghi nhận này.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, theo tin của hãng thông tấn AFP thì vào trung tuần tháng tới, Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam, ông Trần Đức Lương, sẽ lên đường đi thăm Trung Quốc.

Theo sau chuyến viếng thăm nước Pháp của ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và chuyến công du kéo dài từ Mỹ qua Canada và Nhật Bản trên đường về của Thủ Tướng Phan Văn Khải, phải chăng đây là dấu hiệu của một chương trình vận động ngoại giao để mở rộng chủ trương đối ngoại của Việt Nam ?

Đáp: Thưa, nếu chỉ căn cứ vào ba chuyến công du ra ngoại quốc của ba nhân vật cao cấp nhất của Việt Nam mới chỉ trong vòng có hơn hai tháng thì đây cũng là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nếu nói đến chủ trương đối ngoại của Việt Nam thì cũng không nên quên là nhà cầm quyền Việt Nam lúc này đang sửa soạn cho Đại Hội X của Đảng Cộng Sản Việt Nam được dự trù vào mùa Xuân năm tới.

Trong khuôn khổ những sự sửa soạn đó, những sáng kiến mới để vận động ngoại giao có thể là một bộ phận quan trọng của những cố gắng nhằm tăng uy tín cho Đảng.

Đã tiên liệu sẽ có nhiều chống đối

Trước khi lên đường, ông Phan Văn Khải thừa hiểu là sẽ có nhiều chống đối về mặt này. Nhưng ở Việt Nam chỉ có một thiểu số rất nhỏ được biết tin tức đầy đủ từ nước ngoài nên đại đa số dân chúng khó lòng biết được mức độ chống đối ở nước ngoài ra sao và có lẽ chỉ biết qua giới truyền thông trong nước do nhà cầm quyền kiểm soát là chuyến công du ở đâu cũng mang lại những thành quả to lớn, tốt đẹp.

Hỏi: Thủ Tướng Phan Văn Khải trong chuyến công du ở Mỹ và ngay cả ở Canada trong những ngày vừa qua đã gặp phải nhiều sự chống đối từ mọi phía về vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng, phải chăng giới lãnh đạo Việt Nam không tiên liệu điều đó ?

Đáp: Tôi không nghĩ như vậy. Trước khi lên đường, ông Phan Văn Khải thừa hiểu là sẽ có nhiều chống đối về mặt này.

Nhưng ở Việt Nam chỉ có một thiểu số rất nhỏ được biết tin tức đầy đủ từ nước ngoài nên đại đa số dân chúng khó lòng biết được mức độ chống đối ở nước ngoài ra sao và có lẽ chỉ biết qua giới truyền thông trong nước do nhà cầm quyền kiểm soát là chuyến công du ở đâu cũng mang lại những thành quả to lớn, tốt đẹp.

Không nói gì đến những gì đã xẩy ra không thuận lợi trong thời gian ông PhanVăn Khải ở Mỹ, ngay ở Canada đầu tuần này, những lời tuyên bố của Thủ Tướng Martin về vấn đề nhân quyền khi tiếp đón ông cũng chưa thấy báo chí ở Việt Nam nhắc tới.

Không như Tổng Thống Bush đã chỉ đề cập đến nhân quyền trong lúc hội đàm riêng với ông Khải, Thủ Tướng Martin đã công khai nói lên là: “những người Canada gốc Việt rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền và tự do. Tôi cũng nghĩ như họ và tất cả những người dân Canada cũng chia sẻ những quan tâm đó”.

Ngoài ra cũng như ở Mỹ, những tổ chức nhân quyền quốc tế có đại diện ở Canada như tổ chức “Ký giả không biên giới” cũng yêu cầu Việt Nam trả lại tự do cho B.S. Phạm Hồng Sơn, điều mà nhiều người nói là chính Thủ Tướng Phan Văn Khải đồng ý nhưng không được các cơ quan an ninh ưng thuận.

Làm cân bằng mối quan hệ tay ba

Hỏi: Thưa ông, nhân quyền là vấn đề được nhắc nhở đến nhiều, nhưng thực ra trong bối cảnh những biến chuyển nhanh chóng trên chính trường quốc tế, đặc biệt ở miền Đông Á, vấn đề vị trí của Việt Nam có tầm quan trọng về mặt chiến lược.

Do đó chuyến viếng thăm nước Mỹ của ông Phan Văn Khải và chuyến viếng thăm sắp tới của ông Trần Đức Lương sang Trung Quốc là một tính toán của giới lãnh đạo Việt Nam để làm cân bằng mối quan hệ tay ba giữa Việt Nam và hai cường quốc lớn có nhiều ảnh hưởng trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Ông nghĩ sao ?

Tuy nhiên ai cũng rõ là những người Cộng Sản Việt Nam luôn luôn đặt nặng vấn đề nhận định tình thế, đánh giá bạn và thù, cán cân lực lương v.v… Và ngay trong nội bộ Bộ Chính Trị, cơ quan có quyền cao nhất nước, trong quá khứ đã có rất nhiều tranh luận gay go về vấn đề đối xử với Trung Quốc hay đối với Mỹ.

Đáp: Dĩ nhiên, tôi không biết được trong thâm tâm, giới lãnh đạo nghĩ gì , muốn gì và tính toán ra sao. Tuy nhiên ai cũng rõ là những người Cộng Sản Việt Nam luôn luôn đặt nặng vấn đề nhận định tình thế, đánh giá bạn và thù, cán cân lực lương v.v…

Và ngay trong nội bộ Bộ Chính Trị, cơ quan có quyền cao nhất nước, trong quá khứ đã có rất nhiều tranh luận gay go về vấn đề đối xử với Trung Quốc hay đối với Mỹ. Tôi còn nhớ, trong một tập được gọi là “Hồi ức và suy nghĩ” được bổ sung và hoàn chỉnh năm 2003, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ có đề cập đến vấn đề này.

Về Trung Quốc thì người ta đặt câu hỏi: “Thực chất của Trung Quốc là bành trướng, bá quyền hay xã hội chủ nghĩa” rồi có người ngả về lập luận phải hợp tác với Trung Quốc để cùng chung sức chống đế quốc, trong khi đó lại có người ngả về nhận định dầu có là nước anh em cùng một ý thức hệ với Việt Nam thì lúc nào Trung Quốc cũng có chủ trương bành trướng và bá quyền và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Còn về trường hợp đối xử với Mỹ thì mối lo mà những thành phần bảo thủ vẫn thường nhắc tới là “diễn biến hòa bình”.

Mối quan hệ phức tạp

Hỏi: Không trở lại lịch sử xa xôi, chúng ta thấy sau vụ đụng độ đẫm máu năm 1979 vì vấn đề Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam đã trở lại mối quan hệ bình thường năm 1991 và đồng thời Việt Nam cũng lại có mối quan hệ bình thường với Mỹ năm 1995. Như vậy thì Việt Nam còn phải lo gì nữa ?

Thực ra vấn đề quan hệ tay ba rất phức tạp. Trước hết, do lịch sử và địa dư định đoạt, Việt Nam bị đặt vào một vị trí chiến lược nằm giữa một khu vực có thể một ngày nào đó trở thành địa bàn tranh chấp hay đụng độ của những ảnh hưởng đối nghịch, rất có thể là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đáp: Về bề mặt thì quả thực có như vậy, nhưng thực ra vấn đề quan hệ tay ba rất phức tạp. Trước hết, do lịch sử và địa dư định đoạt, Việt Nam bị đặt vào một vị trí chiến lược nằm giữa một khu vực có thể một ngày nào đó trở thành địa bàn tranh chấp hay đụng độ của những ảnh hưởng đối nghịch, rất có thể là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bổn phận của nhà cầm quyền là bảo vệ quyền lợi của dân tộc cũng như sự vẹn toàn của lãnh thổ. Trong quá khứ mấy năm vừa qua, Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép, buộc phải ký những Hiệp Ước về biên giới đường bộ và Hiệp Định về lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ bất lợi cho Việt Nam, ngoài ra lại còn phải đối đấu với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, ấy là chưa kể đến áp lực về mặt kinh tế mỗi ngày một lớn.

Với chừng ấy vấn đề thì dầu quan hệ có được gọi là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” chăng nữa thì làm sao Việt Nam không lo ngại về Trung Quốc được! Trong bối cảnh ấy, chắc nhiều người ở Việt Nam, tuy không nói ra, nhưng cũng nghĩ đến chuyện có mối giao hảo với Mỹ để có điểm tựa.

Ông Phan Văn Khải lên đường viếng thăm nước Mỹ có lẽ cũng nằm trong những ý nghĩ thầm kín đó. Chưa nói đến vấn đề trong tương lai có thể trông cậy được vào Mỹ không, hay trông cậy được tới mức nào, chỉ riêng một sự kiện làm thân với Mỹ cũng có thể làm nước bạn láng giềng sát nách miền Bắc nghi ngờ.

Chuyến đi sang Tầu vào tháng tới của ông Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương vì vậy mà phải được coi như có mục đích trấn an nước bạn đàn anh.

Để sửa soạn cho Đại Hội X, giới lãnh đạo của Việt Nam mong đạt được những thắng lợi ngoạn mục ở bên ngoài để trấn áp những sự chống đối ở trong nước. Chủ trương đối ngoại theo chiều hướng đó không phải là điều mới lạ nhưng với hoàn cảnh tế nhị của Việt Nam đứng trước những biến chuyển ở Đông Á đang làm cho thế chiến lược giữa các cường quốc chuyển biến theo, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải thận trọng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.