Kiểm soát cúm gia cầm: Nói vậy nhưng không phải vậy


2005.08.27

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm và lây nhiễm H5N1 sang người tại Việt Nam là rất cao theo đánh giá của Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn. Tuy vậy Báo Thanh Niên Điện Tử vừa có bài viết gây chấn động dư luận về công tác kiểm soát vận chuyển gà vịt, giết mổ và kiểm dịch tại TP.HCM.

birdflu6_150.jpg

Tờ báo cũng cho biết hai phóng viên tác giả bài báo mang tựa ‘Giấy kiểm dịch bán như… rau” đang bị hăm dọa. Chúng tôi sẽ đọc các bài báo liên quan hầu quý thính giả.

Thiên phóng sự điều tra

Đêm 16-8 Báo Thanh Niên Điện Tử đưa lên mạng thiên phóng sự điều tra của Đức Trung- Hoài Nam, đây là bài viết dựa vào các thông tin do phóng viên của báo thu thập trong thời gian gần hai tuần lễ, bắt đầu ngày 5 tháng 8.

Những gì mà báo Thanh Niên trình bày cho thấy người tiêu dùng thành phố đang đối diện với nguy cơ tiêu thụ gia cầm thủy cầm nhiễm vi rút mà không biết, do thực tế công tác kiểm dịch chỉ mang tính hình thức, giấy kiểm dịch khống có thể mua với giá 3 ngàn đồng một tờ rất dễ dàng. Ngoài bản điện tử, Thanh Niên cũng đăng bài phóng sự này trong ấn bản phát hành ngày 17-8-2005.

Theo Thanh Niên Online, gia cầm ở thị trường thành phố HCM đa phần có nguồn gốc từ các địa phương lân cận. Để đến tay người tiêu dùng, gia cầm hợp pháp buộc phải qua các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ thành phố, chịu sự kiểm dịch của cơ quan thú y ngay tại lò giết mổ cũng như sự kiểm soát của các chợ. Tờ Thanh Niên viết rằng đây là một qui trình tưởng là chặt chẽ nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Một người dân TP.HCM sau khi xem bài báo của tờ Thanh Niên nhận xét với chúng tôi: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

“Vừa ngủ vừa kiểm dịch”

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trở lại bài phóng sự điều tra của Thanh Niên Online, hai nhà báo Đức Trung và Hoài nam tường thuật rằng, theo đúng đường đi của gia cầm hợp pháp, họ có mặt tại trạm kiểm dịch An Lạc trên Quốc Lộ 1 A huyện Bình Chánh, một cửa ngõ quan trọng vào TP.HCM từ các tỉnh miền Tây.

Theo bài viết, lúc đó là 15 giờ 10 chiều 5-8-2005, bên trong trạm kiểm dịch trống không, cửa đóng. Chỉ có một nhân viên kiểm dịch ngồi ở băng ghế phía sau trạm, 15 phút sau một xe tải chở đầy vịt từ hướng miền tây dừng trước trạm, người nhân viên nhận giấy tờ và 5 phút sau là xe được qua trạm mà không có bất kỳ sự kiểm tra nào đối với hàng hoá trên xe.

6 ngày sau vào buổi tối ngày 11-8 Phóng viên báo Thanh Niên trở lại quan sát Trạm Kiểm Dịch Bình Chánh và chứng kiến trong vòng 30 phút khoảng gần một chục xe tải chở sản phẩm động vật sống như gà vịt heo đã qua trạm, mỗi xe chỉ mất từ 1 tới 2 phút để trình giấy, nhân viên thú y không hề ra xe xem, hay có bất kỳ sự kiểm tra dù là bằng mắt đối với lọai hàng hoá sống chở trên xe.

Phóng viên của Thanh Niên Online, vào lúc 21g 30 đã bám theo chiếc xe tải 54V-3456 chở đầy gà còn sống từ miền tây vào thành phố HCM. Xe này cũng chỉ mất 3 phút để qua trạm và không có sự kiểm soát hàng hoá. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở trạm Kiểm Dịch An Sương trên quốc lộ 22 ngang Hốc Môn.

Đặc biệt trạm kiểm dịch Thủ Đức Suối Tiên trên xa lộ Hà Nội, 9 giờ sáng mà vắng bóng người, xe tải chở heo phải đánh thức nhân viên thú y đang ngủ say tại nhà nghỉ, nhân viên này cũng chỉ xem giấy tờ rồi cho xe qua trạm, báo Thanh Niên viết rằng nhân viên thú y sau đó lại ngả lưng trên ghế bố tiếp tục giấc nồng. Trong phần vừa rồi báo Thanh Niên online đặt tựa nhỏ là ‘vừa ngủ vừa kiểm dịch’.

“Giấy kiểm dịch bán như…rau”

Bài phóng sự gây chấn động của báo Thanh Niên tiếp tục với tựa nhỏ ‘3 ngàn đồng một giấy kiểm dịch nếu cần có cả rổ’. Phóng viên của báo viết tiếp, ngoài cửa ngõ thờ ơ là vậy, công tác kiểm soát trong nội thành nhiều chỗ xem ra chỉ là hình thức.

Nhà báo đã đóng vai một lái gà mới đi buôn và được chỉ dẫn cách đi mua giấy kiểm dịch tại các lò giết mổ. Địa chỉ đến là cơ sở Mạnh Thắng phường Trung Mỹ Tây quận 12. Theo báo Thanh Niên cơ sở này từng bị xử phạt tạm dừng sản xuất hồi đầu tháng 1-2005 vì làm luôn cả những gia cầm đã chết và giết mổ không có kiểm dịch.

Phóng viên báo Thanh Niên đến lò này và thấy họat động rất nhộn nhịp, lò giết mổ nằm ngay trong khu dân cư. Điều đáng sợ là ở cơ sở Mạnh Thắng ngay khi có mặt nhân viên thú y thì nhân viên này cũng chỉ cần thu 3 ngàn đồng là phát giấy kiểm dịch, không cần biết thực tế người mua mang đi bao nhiêu con gà con vịt.

Phóng viên báo Thanh Niên trở lại cơ sở Mạnh Thắng nhiều lần đều chứng kiến tình trạng tương tự, đặc biệt vào ngày 12-8 không có mặt nhân viên thú y, nhưng giấy kiểm dịch được để sẵn trong hai rổ nhựa người mua gà có thể tự lấy, nhà báo không mua gà mà vẫn lấy được giấy kiểm dịch.

Khi sự thực được phơi bày, ngừoi dân TPHCM cho rằng cần có sự cải tổ gấp rút họat động thú y để người tiêu dùng được yên tâm.

Tờ Thanh Niên Online viết tiếp trong bài phóng sự rằng, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, cơ quan chức năng của thành phố đông dân nhất cả nước này lẽ ra phải như ngồi trên lửa. Nhưng với cách tổ chức phối hợp kiểm tra và phòng chống dịch kiểu như trên thì nguy cơ bùng phát dịch là khó tránh khỏi, Thanh Niên online đã kết luận như vậy.

Các tác giả bài phóng sự bị hăm dọa

Sau bài báo ‘giấy kiểm dịch bán như…rau’ tối 19-8-2005 Thanh Niên online cho biết các tác giả bài phóng sự đang gặp sự hăm dọa. Theo tờ báo, tiểu thương các chợ trên địa bàn quận 12 cho biết có người đi dò la tung tích các nhà báo đã viết bài, với mục đích trả thù.

Cũng trong bài báo ngày 19-8, Thanh Niên Online có đăng tiếp một bài ghi nhận cuộc trao đổi giữa nhà báo và hai lãnh đạo thú y TP.HCM là phó chi cục trưởng Phan Xuân Thảo và ông Hoàng Phương Nam chánh thanh tra chi cục. Các cán bộ vừa nói trả lời rằng, kiểm dịch ở cửa ngỏ vào thành phố chủ yếu chỉ xem giấy tờ vì không thể xả hàng tại trạm.

Ông Phan Xuân Thảo cho biết, cả nước chỉ có một trạm kiểm dịch tại ngả ba Ông Đồn tỉnh Đồng Nai là có khu vực để xả hàng xúông kiểm tra đối chiếu khớp số lượng. Về việc nhân viên thú y ngủ trong phiên làm việc, ông chánh thanh tra Hoàng Phương Nam biện bạch là có thể anh em nằm nghỉ một chút chờ chuyến xe tới, chứ không ngủ. Tuy nhiên cả hai ông Thảo và Nam đều im lặng sau khi được nhà báo cho xem băng ghi hình.

Đối với khâu kiểm dịch ở lò giết mổ, hai vị lãnh đạo thú y thành phố cũng cho là khá tốt dù là trường hợp ở cơ sở Mạnh Thắng mà nhà báo nêu ra. Tuy vậy ông Thảo và ông Nam cũng lại thừ người, khi nhà báo cho xem đọan băng ghi hình ở cơ sở Mạnh Thắng. Các phóng viên đã chứng minh rằng họ lấy được giấy kiểm dịch 4 ngày liên tiếp, mặc dù họ không mua con gà nào cả.

Thưa quí thính giả, TP.HCM được chính phủ xem là làm tốt qui hoạch tổ chức giết mổ gia cầm tập trung, cấm bán gia cầm sống ở chợ, cấm nuôi gà vịt trong nội thành, kiên quyết tiêu hủy gà vịt khi có dịch.

Thế nhưng những gì báo Thanh Niên ghi nhận trong bài phóng sự, khiến cho người đọc bị sốc, các nỗ lực sẽ kể như vô nghĩa nếu công tác kiểm dịch kiểm soát vận chuyển sản phẩm gia cầm từ nơi khác về bị buông lỏng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.