Nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm trên con người


2005.10.23

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hôm 17-10, chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đề ra một kế hoạch hành động khẩn cấp để đối phó với một đại dịch cúm gia cầm, một đại dịch cúm thật sự lây lan trong cộng đồng dân sinh. Kế hoạch quốc gia vừa nói với những chi tiết được công bố đã làm giật mình nhiều người trong nước, vốn chưa quan tâm đúng mức tới sự hiểm nguy của bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là người chăn nuôi gà vịt và số đông người tiêu dùng.

BirdFluKid150.jpg
Nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm trên con người. AFP PHOTO

Điểm báo trên mạng hôm nay, chúng tôi tổng hợp các bài viết liên quan mà các báo điện tử đưa lên mạng trong mấy ngày vừa qua.

Chuyện Thường Ngày Ở Huyện

Câu chuyện cúm gà khởi sự từ cuối năm 2003 đến nay, ở Việt Nam nhiều người xem như là một thứ Chuyện Thường Ngày Ở Huyện, do thông tin nhiều quá hoá nhàm. Lại nữa các nhà khoa học đều trấn an là, ăn thịt gia cầm nấu chín virút H5N1 nếu có cũng bị tiêu diệt, nên người dân cho rằng ăn uống cẩn thận là đủ.

Cách nay vài tháng, có lúc chính phủ còn răn đe báo chí là không được thổi phồng các thông tin về cúm gà, phải thông tin trung thực tránh gây hoang mang.

Gần đây, với sự lo âu toàn thế giới khi vi rút H5N1 xuất hiện ở gia cầm một số nước châu Âu. Nay thì báo chí đưa tin chính phủ chính thức xác định là đất nước Việt Nam đang ở vào pha thứ ba trong hệ thống 6 pha của một đại dịch cúm gia cầm. Nói tới một đại dịch, có nghĩa là vi rút cúm H5N1 biến đổi với khả năng lây từ người sang người, thay vì chỉ từ gia cầm trực tiếp sang người như trước.

Ngày 15/10 vừa qua, thủ tướng Việt Nam ông Phan Văn Khải ra chỉ thị số 34, lần đầu tiên nói tới kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống, khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, mà chính phủ vừa phê duyệt. Theo báo Nhân Dân bản điện tử, ông Phan Văn Khải yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải xây dựng cho mình kế hoạch khẩn cấp, để chủ động đối phó và hạn chế thiệt hại khi đại dịch xẩy ra.

BirdFlu200.jpg
Một chợ bán gà vịt ở Hà Nội. AFP PHOTO

3 đợt dịch cúm gia cầm

Tuổi Trẻ Điện tử là tờ báo tường thuật rất nhiều khía cạnh liên quan tới kế hoạch khẩn cấp vừa nói. Theo đó trong hội nghị ngày 17/10 tại Hà Nội qui tụ đại diện các bộ, ngành và các tỉnh thành toàn quốc, phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra lời tuyên bố rằng, nguy cơ và khả năng xảy ra đại dịch rất cao và điều này hoàn toàn có cơ sở.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại sự kiện từ cuối năm 2003 tới nay Việt Nam xảy ra 3 đợt dịch, mỗi đợt cách nhau ba tháng. Tại Việt Nam đã xuất hiện cúm type A với phân type H5N1 trên cơ thể người; đã có 90 trường hợp mắc bệnh và 40 ca tử vong tại 31 tỉnh thành phố. So với các nước khác xuất hiện dịch cùng thời điểm, thì số người nhiễm bệnh và tỷ lệ người tử vong ở Việt Nam là cao nhất. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại trận dịch cúm gia cầm năm 1918 bùng phát tại Tây Ban Nha, lây lan ra nhiều quốc gia khác làm gần 40 triệu người chết.

Việt Nam hầu như chưa khi nào công bố ước tính tổn thất về một tai họa có nguy cơ xảy ra. Nhưng trong hội nghị 17 tháng 10, theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ước tính, nếu đại dịch xảy ra, Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu người mắc bệnh tỷ lệ 20% dân số. Trong đó sẽ có khoảng 1 triệu 600 ngàn người tử vong vì cúm. Chưa kể những tác động mạnh tới mọi mặt kinh tế xã hội, sức khoẻ nhân dân.

Phương châm “3 tại chỗ”

Theo Vietnam Net, phó thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ phòng chống đối phó với đại dịch bằng phương châm gọi là 3 tại chỗ, gồm lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ. Ông Dũng cho biết Việt Nam sẽ chủ động nâng cấp các bệnh viện, đảm bảo lượng thuốc dự phòng khi bệnh dịch xảy ra.

Theo Vietnam Net, tổng kinh phí triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch ở người khoảng 7 ngàn tỷ đồng. Trước mắt, chính phủ sẽ chi 455 tỷ đồng để bộ y tế mua dự trữ 1 ngàn máy thở, 1 triệu viên thuốc chống cúm Tamiflu, và nhanh chóng đầu tư ngay các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 để phục vụ xét nghiệm.

Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn mua dự trữ 500 tấn thuốc sát trùng, 1 triệu bộ quần áo bảo hộ. Thời gian sau, khi kinh phí được cấp đủ sẽ gia tăng số lượng trang thiết bị, như mua tổng cộng 20 triệu bộ trang phục bảo hộ, mỗi xã phường được cấp 5 ngàn bộ.

Ngoài ra sẽ có các đợt diễn tập phòng chống dịch ở người theo ba cấp độ dịch, với tổng kinh phí 20 tỷ đồng.

Tình trạng chậm trễ vắc xin vừa qua, phải nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành thú y Việt Nam tổ chức 1 chiến dịch tiêm phòng lớn như vậy, cho nên không tránh khỏi sai sót, về mặt thủ tục chẳng qua ở khâu chi tiền thôi..

Thủ tục hành chánh chậm chạp

Thủ tục hành chánh chậm chạp thường là một trở ngại cho nhiều lãnh vực hoạt động ở Việt Nam. Mới đây việc mua vắc xin ngừa cúm chậm trễ đã làm chậm kế hoạch tiêm chủng hơn 160 triệu gia cầm ở các tỉnh có nguy cơ nhiễm dịch. Đáp câu hỏi của chúng tôi rằng, liệu thủ tục hành chánh có là một trở ngại khi thực hiện kế hoạch khẩn cấp chống đại dịch ở mức độ quốc gia, tiến sĩ Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam từ Hà Nội đưa ra nhận định :

“ Tình trạng chậm trễ vắc xin vừa qua, phải nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành thú y Việt Nam tổ chức 1 chiến dịch tiêm phòng lớn như vậy, cho nên không tránh khỏi sai sót, về mặt thủ tục chẳng qua ở khâu chi tiền thôi..

Còn kế hoạch chống đại dịch lần này chính phủ đã phê duyệt và bây giờ tiến hành làm, chuẩn bị mua sắm máy thở, quần áo bảo hộ thuống kháng vi rút, thuốc sát trùng v…v…Tôi cho rằng đã rút được kinh nghiệm lần vừa rồi nên kế hoạch khẩn cấp sẽ được làm tốt hơn.”

Trở lại với Tuổi Trẻ Điện Tử, tờ báo liệt kê ba giai đoạn của kế hoạch hành động khẩn cấp mà chính phủ vừa phê duyệt, tương ứng với 6 pha qui định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Theo đó Việt Nam đang ở pha thứ 3 thuộc giai đoạn 1, tức là đã có người nhiễm bệnh nhưng không có sự lây truyền giữa người với người. Giai đoạn 2 sẽ tương ứng với pha thứ 4 và thứ 5.

Tức là đã xuất hiện bệnh lây lan từ người sang người trong phạm vi hẹp, chưa có khả năng lây truyền thành đại dịch. Còn pha thứ 6, giai đoạn 3 khi xảy ra đại dịch, vi rút có khả năng lây lan trên diện rộng. Ở mỗi giai đoạn, kế hoạch hành động khẩn cấp đều nêu rõ những mục tiêu biện pháp ứng phó với dịch.

Kịch bản về một đại dịch cúm gia cầm

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ Điện Tử, nếu dịch chuyển sang giai đoạn 2, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống Đại Dịch Cúm sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp từng phần. Lúc này nghiêm cấm toàn bộ việc buôn bán gia súc, gia cầm ở vùng đang có dịch, tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm. Thành lập các chốt kiểm dịch xung quanh vùng dịch. Cách ly toàn bộ khu vực có dịch trong 21 ngày.

Trường hợp xấu nhất tức ở vào giai đoạn 3, giả định đại dịch xảy ra, hàng trăm đến hàng ngàn người mắc bệnh, thì lúc đó cùng với các biện pháp ứng phó như giai đoạn 2, theo báo Tuổi Trẻ chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Biện pháp ứng phó cho các giai đoạn này đều được thực hiện theo phương châm gọi là 3 tại chỗ, lực lượng tại chỗ vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ.

Do vắc xin về chậm nên chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch tiêm phòng đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất. Chúng tôi đã nhận được 120 triệu liều xong rồi…Ngày 20/10 bắt đầu nhập đợt thứ hai này 260 triệu liều nữa từ TQ. Thống kê là 160 triệu con gia cầm nhưng có mở rộng thêm và tiêm nhiều hơ

Vừa rồi là kịch bản về một đại dịch cúm gia cầm ở người và cách thức mà chính phủ Việt Nam đối phó. Cũng trên báo Tuổi trẻ điện tử ngày 18/10, thứ trưởng Bộ NN &PTNT Bùi Bá Bổng phát biểu về các biện pháp phòng chống dịch cúm đang triển khai. Ông Bổng nói rằng, nguy cơ rất cao về một trận đại dịch cúm trên người có thể xảy ra nếu các địa phương không cảnh giác và tập trung phòng chống tái dịch.

Ông Bổng nhắc tới chương trình tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm toàn quốc, được chuyên gia dịch tễ của thế giới tư vấn và đánh giá cao. Theo ông Bổng chưa có nước nào tổ chức tiêm phòng vắc xin với qui mô lớn, lại trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi xin trích lời ông Hoàng Văn Năm phó cục trưởng thú y về hoạt động tiêm phòng cho gia cầm: “Do vắc xin về chậm nên chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch tiêm phòng đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất. Chúng tôi đã nhận được 120 triệu liều xong rồi…Ngày 20/10 bắt đầu nhập đợt thứ hai này 260 triệu liều nữa từ TQ. Thống kê là 160 triệu con gia cầm nhưng có mở rộng thêm và tiêm nhiều hơn”.

Nuôi gà vịt vô tư

Sau bài viết về kế hoạch khẩn cấp chống đại dịch cúm gia cầm, qua ngày 19/10 báo Tuổi Trẻ đưa lên mạng một bài khác nói về tình trạng nguy cơ bùng phát dịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tờ báo viết rằng, trong khi nhiều hộ dân đưa gia cầm đi trốn chích ngừa, ngành thú y lại thiếu vắc xin, thì thịt gà thịt vịt không có dấu thú y vẫn bày bán nhiều tại các chợ.

Tờ báo dẫn chứng là đi đâu cũng thấy bà con nuôi gà vịt vô tư, trong khi ngành thú y phát hiện đàn vịt 500 con ở Ninh Quới A huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu bị chết nhiều với kết quả dương tính cúm gia cầm. Khi thú y đến tiến hành tiêu huỷ thì 400 con đã chết chỉ còn lại 100 con.

Theo phóng viên của Tuổi trẻ, từ huyện Châu Thành qua Tri Tôn An Giang, nhà báo thấy nhiều đàn vịt được chủ thả trên các gò đất, trên đoạn bờ kênh heo hút chơ vơ giữa bốn bề nước lũ. Lịch tiêm ngừa ở mỗi xã được thông báo rộng rãi từ nhiều hôm trước để người nuôi tập trung gia cầm, nhưng ngược lại cũng giúp nhiều hộ biết trước để cho đàn vị cao chạy xa bay . Người nuôi đưa vịt đi trốn vì sợ tiêm phòng sẽ làm giảm sản lượng trứng, giảm thu nhập nên trốn chích ngừa gia cầm.

Hiện nay Việt Nam đang ở pha thứ 3 tức là nửa đoạn đường gồm 6 pha của đại dịch cúm gia cầm, theo qui định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Những điều ghi nhận của báo Tuổi trẻ về ý thức của một bộ phận người chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long tật là đáng báo động.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.