Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Câu chuyện về kết quả điều tra dự án Nghiên Cứu Đấu Tranh Chống Tham Nhũng do Ban Nội Chính Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì với sự tài trợ của Thuỵ Điển …Cúm gia cầm trong tình hình mới… Đây là hai đề tài được hầu hết các báo điện tử của Việt Nam tường thuật nhiều trong tuần qua.

Nhờ sự giúp đỡ về tài chánh cũng như nhân lực của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Thuỵ Điển, Ban Nội Chính Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực hiện dự án Nghiên Cứu Đấu Tranh Chống Tham Nhũng. Kết quả điều tra được báo cáo tại cuộc hội thảo tổ chức vào ngày 30/11 tại Hà Nội, bên cạnh những giới chức Việt Nam còn có sự hiện diện của bà Anna Lindstedt, đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Thuỵ Điển.
Tham nhũng do tham không do nghèo
Qua kết quả điều tra, Ban Nội Chính Trung Ương nhìn nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng tại Việt Nam, nhưng phó trưởng ban nội chính trung ương tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền nói rằng ông không quá bất ngờ với những con số tham nhũng gọi là giật mình được bản báo cáo đưa ra.
Một điểm quan trọng được báo cáo ghi nhận đó là tham nhũng do tham không do nghèo, cán bộ công chức tham nhũng vì muốn giàu hơn chứ không vì lý do có thu nhập thấp. Theo Thanh Niên online, bà đại sứ Thuỵ Điển Anna Lindstedt nhận định rằng, tham nhũng là hiện tượng không công bằng khiến người dân nghèo lại nghèo thêm và ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tiền Phong Điện Tử cho biết, nhóm nghiên cứu đã xây dựng khoảng 200 câu hỏi, tập hợp ý kiến của hơn 5.400 cán bộ, công chức, cán bộ doanh nghiệp và người dân, cũng như thực hiện 105 cuộc hội thảo. Cuộc điều tra theo dạng hỏi đáp đã được thực hiện ở 7 tỉnh thành phố gồm Sơn la, Hà Nội, hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Đồng Tháp cũng như ba bộ trong chính phủ là Công Nghiệp, Xây Dựng và Giao Thông Vận Tải.
Vietnam Net cho biết kết quả điều tra cho thấy 1001 kiểu tham nhũng, và 10 cơ quan bị bầu chọn là tham nhũng tột bậc được xếp theo thứ tự là, nhà đất, hải quan, công an giao thông, cán bộ tài chính, thuế, cơ quan quản lý hoặc các đơn vị trong ngành xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng, y tế, cơ quan kế hoạch đầu tư, cơ quan quản lý hoặc đơn vị trong ngành giao thông, công an kinh tế. Trong số người được phỏng vấn, hơn 32% cán bộ công chức trả lời sẽ nhận hoặc có thể nhận hối lộ nếu có người đưa, tức là có cơ hội.
Phần nổi của tảng băng chìm
Bạn nghĩ gì về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Theo Vietnam Net, bên lề cuộc Hội Thảo ngày 30/11 ở Hà Nội công bố kết quả điều tra về tham nhũng, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử Trường Đại Học kinh Tế Quốc Dân trưởng nhóm điều tra, tuyên bố rằng kết quả cuộc điều tra đã làm cho tảng băng tham nhũng nổi lên gần hết.
Ông Cử nói như vậy để trả lời câu hỏi phải chăng kết quả điều tra về tham nhũng, cũng vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đối với những ngành lọt vào danh sách 10 ngành tham nhũng nhiều nhất, phó giáo sư Cử nhận định là chưa thể lường được phản ứng. Nhưng ông nghĩ rằng đây là một chuyện tốt cho những ngành đó, cho họ biết xã hội nhìn nhận và đánh giá như vậy.
Đối với những câu hỏi về tính chân thực của kết quả điều tra về tình hình tham nhũng, phó giáo sư Cử nói ông tin kết quả điều tra là chân thực vì nhóm điều tra tạo điều kiện tối đa cho người được hỏi có thể trả lời. Hỏi đáp nặc danh không tên tuổi địa chỉ, cán bộ được hỏi đã trả lời thật đủ mức độ tin cậy.
Người Lao Động Online khi đưa tin cùng đề tài, viết rằng muốn có bàn tay sắt phải có bàn tay sạch. Tờ báo viết, một phần ba cán bộ công chức cho biết sẵn sàng nhận hối lộ vì họ nhất trí rằng tình trạng bè cánh là phổ biến, nếu ai không tham nhũng sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ. Theo tờ báo, một phần ba số người dân được hỏi cũng đồng tình với quan niệm ai có cơ hội mà không tham nhũng là dại.
Người Lao Động online trích dẫn kết quả cuộc điều tra của Ban Nội Chính Trung Ương , theo đó đáng báo động ở chỗ đa số người được phỏng vấn đồng tình với nhận xét rằng, việc đưa quà hay tiền khi cần giải quyết công việc đã trở thành thói quen của người dân. Người dân sẵn sàng đưa tiền, còn can bộ công chức sẵn sàng nhận tiền trong không ít các giao dịch, cơ chế xin-cho.
Hành vi bình thường
Ban Quản Lý Dự Án Nghiên Cứu Đấu tranh Chống Tham Nhũng nhận xét trong báo cáo rằng, trình độ dân trí thấp và thói quen đưa tiền quà khi cần giải quyết công việc là nguyên nhân làm cho người dân thờ ơ với tệ tham nhũng.
Thậm chí người có hành vi tham nhũng vẫn được số đông đánh giá có đạo đức bình thường, thậm chí còn xem là đạo đức tốt và rất tốt. Bản báo cáo kết quả điều tra ghi rằng, rõ ràng đang tồn tại nghịch lý, theo đó ai cũng lên án tệ tham nhũng, nhưng không phải mọi người đều đánh giá kẻ tham nhũng là xấu.
Phó giáo sư Nguyễn Đình Cử nói rằng, kết quả điều tra sẽ giúp ích nhiều cho quốc hội và chính phủ triển khai luật phòng chống tham nhũng. Nhưng ông thêm rằng, trứơc tiên phải đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục, và sau đó với giải pháp số một là nâng cao quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng.
Thị trường gia cầm đóng băng

Ngoài chuyện lần đầu tiên ở Việt Nam có chuyện điều tra thăm dò dư luận về tình hình tham nhũng, trong những ngày qua thông tin dịch cúm gia cầm vẫn là đề tài nóng cho các báo. Việt Nam Express ngày 1/12 có bài với tựa đề Hàng Triệu Gia Đình lay lắt vì gia cầm. Thực tế là ở Việt Nam cả một thị trường tiêu thụ gia cầm rộng lớn hơn 200 triệu con hiện nay gần như đóng băng, bế tắc không có đầu ra.
Hàng triệu người chăn nuôi phá sản, vỡ nợ ngồi nhìn đàn gia cầm không bị bệnh, không bán được, không có tiền mua thức ăn cho đàn gia cầm. Một chủ doanh nghiệp phía nam đưa ra nhận định: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Theo Vietnam Net, bí đầu ra cho sản phẩm gia cầm, nông dân và doanh nghiệp cùng kêu cứu. Theo đó, bài toán khó được đặt ra tại hội nghị bàn kế hoạch tổ chức giết mổ và tiêu thụ gia cầm, diễn ra hôm 29/11 ở Tiền Giang, cũng vẫn chỉ là ghi nhận mà chưa có lời giải đáp. Thứ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị với sự tham dự của chính quyền, đại diện người chăn nuôi và doanh nghiệp các tỉnh phía nam.
Nông dân yêu cầu chính quyền hỗ trợ để duy trì đàn gia cầm ở những nơi chưa có dịch, họ cho rằng chủ trương tiêu huỷ gây thiệt hại và lãng phí. Ông Bổng cho biết, chủ trương chung của chính phủ là giảm đàn tối đa để an toàn phòng dịch. Ông khẳng định rằng trong ba năm sắp tới, Việt Nam chưa thể phục hồi ngành chăn nuôi gia cầm.
Trong tình hình hiện nay chính phủ xem việc phòng chống dịch là nhiệm vụ chính. Ông Bổng yêu cầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải chấm dứt nuôi vịt chạy đồng, trên thực tế hiện nay vẫn còn hàng triệu con vịt nuôi thả.
Với ý kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để giết mổ và trữ đông tránh lãng phí, ông Bổng đưa ra ý kiến cá nhân rằng, việc hỗ trợ là cần thiết, tuy nhiên phải ngăn chặn dịch triệt để thò mới khởi động lại được thị trường. Ông Bổng cho rằng nếu dịch còn bùng phát dù chỉ lẻ tẻ vài nơi, thì gia cầm sạch bệnh cũng chẳng thể tiêu thụ được.