Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trong tuần qua, báo chí Việt Nam tải lên mạng một lượng thông tin khổng lồ, để tường thuật sự kiện Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương với Hoa Kỳ, về đơn xin vào tổ chức thương mại thế giới WTO. Các báo cũng có nhiều bài liên quan tới cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, một khi hội nhập đầy đủ với thế giới. Chúng tôi tổng hợp các bài báo về đề tài vừa nói hầu quí thính giả.

0:00 / 0:00
WTOlogo150.jpg
WTO

Nhượng bộ

Các báo Việt Nam mỗi tờ một mảng đưa ra một vài nội dung về các thoả thuận mà hai bên Việt Mỹ đồng ý trên nguyên tắc. Báo Việt Nam xem việc kết thúc đàm phán là một thắng lợi to lớn, họ cho rằng bộ trưởng Trương Đình Tuyển có vai trò lớn khi dành được một vài sự nhượng bộ từ phía Hoa Kỳ.

Trong khi đó hôm thứ hai 15/5/2006 trang web của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ ở Washington đã loan báo một cách có hệ thống về những thoả thuận của hai bên. Công chúng Mỹ được chính phủ họ thông báo đầy đủ về việc kết thúc đàm phán cùng các thoả thuận giữa hai bên.

Chúng tôi không đi vào chi tiết nhưng tài liệu của Mỹ nói rằng, thoả thuận vừa rồi sẽ cải thiện khả năng tiếp cận của Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Theo thoả thuận 94% hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ sẽ chịu thuế suất 15% hoặc ít hơn.

Thậm chí nhiều mặt hàng chủ yếu có mức thuế từ 0% tới 5% . Việt Nam sẽ huỷ bỏ những trợ cấp cho ngành công nghiệp, về dệt và may, việc huỷ bỏ sẽ có hiệu lực ngay khi Việt nam gia nhập WTO.

Trả lời đài ACTD, ông Diệp Thành Kiệt tổng thư ký Hội dệt may thêu đan TP.HCM nhận định về chương trình tăng tốc ngành dệt may, mà phía Hoa Kỳ xem là trợ cấp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nền kinh tế-không-thị trường

WTOBusinessVN150.jpg

Trong nội dung thông báo của văn phòng Đại Diện thương Mại Mỹ, có điểm được nhấn mạnh là, Mỹ đồng ý cho Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại bảo đảm rằng Việt Nam tuân thủ nguyên tắc pháp trị. Ngoài ra Việt Nam sẽ vẫn là nền kinh tế-không-thị trường trong các quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Thời kỳ quá độ này kéo dài 12 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Đối với những điểm vừa nói, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội phát biểu với đài ACTD: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trong khi đó Trên Vietnam Net, Phó Thủ Tướng Vũ Khoan nhận định rằng thoả thuận vừa qua với Hoa Kỳ là khá cân bằng. Có sự nhân nhượng của cả hai bên, ông Vũ Khoan gọi đó là điểm cùng thắng trong đàm phán. Đáp câu hỏi là bây giờ Việt Nam đã có bao nhiều phần trăm về việc vào WTO, Phó Thủ Tướng Vũ Khoan nói rằng ánh sáng cuối đường hầm đã tương đối rõ.

Đáp câu hỏi là lãnh vực nào sẽ chịu nhiều thách thức, ảnh hưởng nhiều nhất khi Việt Nam mở cửa thị trường hội nhập thế giới. Ông Vũ Khoan cho rằng mỗi ngành đều có cái khó riêng, nhưng khó nhất sẽ là ngành dịch vụ. Theo ông Khoan ngành dịch vụ của Việt Nam còn quá mới mẻ, thậm chí nhiều lãnh vực còn bỏ trống chưa có kiến thức hiểu biết. Với hàng hoá thì ông Vũ Khoan cho là tùy từng mặt hàng, riêng nông sản thì có sự cân bằng. Ngoài ra Việt Nam có lợi thế lao động rẻ.

Cùng về vấn đề thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam một khi hội nhập WTO. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từ Hà Nội nhận định: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trên báo Tuổi Trẻ Điện Tử, tiến sĩ Lê Đăng Doanh dẫn tục ngữ Trung Quốc rằng, Ngựa đi 100 dặm, đi 95 dặm mới chỉ được nửa đường. Việt Nam đã đi được 95 dặm rồi, còn lại 5 đặm ngắn ngủi nhưng hoàn toàn không nhẹ nhàng một chút nào.

Theo đó Việt Nam phải tiếp tục đàm phán đa phương ở Geneve để tổ công tác WTO chấp nhận rằng Việt Nam đã thực hiện đúng mọi cam kết. Theo ông Doanh mọi việc phải tiến hành nhanh chóng và cấp bách để chuẩn bị tháng sáu này có thể ký kết với phía Hoa Kỳ nhân Hội Nghị bộ trưởng thương mại APEC tổ chức tại TP.HCM.

Quy chế PNTR

EconomicWTO150.jpg
AFP PHOTO

Ngoài ra, còn vấn đề quy chế PNTR quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, mà Việt Nam cần tranh thủ quốc hội Mỹ thông qua. Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng, gia nhập WTO theo thông lệ, thì ký kết đàm phán song phương và đàm phán đa phương hoàn tất thì được kết nạp.

Việc Hoa Kỳ có dành cho Việt Nam qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn hay không, đó là một hoạt động song hành, Ông Vũ Khoan cho biết với Hoa Kỳ, Việt Nam đang làm việc theo hướng hai chuyện vừa nói cùng xảy ra một lúc.

Cùng vấn đề, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại quốc hội Việt Nam giải thích trên báo Tuổi trẻ rằng, qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn chỉ tác động hiệu lực thành viên WTO của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.

Bà Ninh nhận định là khả năng quốc hội Mỹ thông qua PNTR cho Việt Nam sớm là chuyện có thể chứ không phải chắc chắn 100%. Giả sử chưa đạt được PNTR trước tháng 8, thì Việt Nam phải cố hoàn tất đàm phán đa phương tại Geneve với Ban Thư Ký của WTO.

Trên báo Thanh Niên, thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng cho biết sắp tới ông có mặt ở Washington, để làm công tác vận động hành lang cho vấn đề PNTR. Mục tiêu của vị cựu đại sứ Việt Nam ở Mỹ là tranh thủ các thành viên quốc hội Mỹ ủng hộ Việt Nam, tranh thủ dư luận báo chí và các nhóm lội ích trong quốc hội ủng hộ quan hệ Việt Mỹ.

Ông Lê Văn Bàng nhấn mạnh rằng quốc hội Mỹ sẽ chỉ quan tâm thảo luận đến quan hệ song phương với Việt Nam chứ không quan tâm đến các khía cạnh khác của việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng đây lại là một điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO. Ông Lê Văn Bàng cho rằng, tại quốc hội Mỹ vẫn còn một loạt vấn đề do các nhóm phản đối Việt Nam đưa ra như dân chủ nhân quyền tôn gíao. Chúng tôi trích phát biểu của tiến sĩ Lê Đăng Doanh với đài ACTD: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thưa quí thính giả, báo Thanh Niên Online trong mục Chào Buổi sáng có bài nhận định nói rằng, việc gia nhập WTO thời cơ chưa đến ngay nhưng thách thức thì nhãn tiền. Theo đó vào được WTO là khó, nhưng vào mà tận dụng được thời cơ, đẩy lùi được thách thức còn khó hơn nhiều.