Thông tin của báo chí đã công khai nhưng chưa minh bạch
2006.06.24
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Việt Nam ông Phan Văn Khải và vấn đề quyền được thông tin của người dân…. Quan điểm về tự do báo chí của Bộ Trưởng Văn Hoá Thông Tin Phạm Quang Nghị… Chính phủ bật mí về những lãnh vực mà ngừơi dân phải chịu thua thiệt khi Việt Nam gia nhập WTO Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đây là các đề đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng hôm nay.

Bảo vệ quyền được thông tin của báo chí
Nhân ngày Nhà Báo Việt Nam 21/6, các báo điện tử đưa lên mạng nhiều bài viết cổ vũ cho việc bảo vệ quyền được thông tin của báo chí. Trên Tuổi trẻ Online, ông Lê Quốc Trung phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam nhận định rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa có bảo đảm tốt đối với quyền được cung cấp thông tin của báo chí nói riêng, và của ngừơi dân nói chung.
Theo ông Trung, cần phát huy chế độ người phát ngôn, vì nhiều cơ quan chưa thực hiện điều này. Hơn nữa, ở nhiều nơi có người phát ngôn, song chưa làm được đầy đủ chức năng phát ngôn để cung cấp thông tin thường xuyên, chính xác cho phóng viên. Chưa kể tình trạng che giấu thông tin còn xảy ra ở nhiều nơi.
Cũng trên Tuổi trẻ Điện Tử ngày 21/6, luật sư tiến sĩ Phan Đăng Thanh có nhận xét dí dỏm rằng, thông tin của báo chí nay đã được công khai nhưng vẫn chưa minh bạch. Tác giả nói rằng, xã hội văn minh luôn lấy tính công khai minh bạch làm tiêu chí cao nhất trong mọi thứ giá trị. Tuy nhiên, có nhiều lúc báo chí chỉ thực hiện được một vế trong hai đặc tính công khai và minh bạch này.
Tiến sĩ Phan Đăng Thanh nêu ví dụ, báo chí thông tin công khai về chuyện vali tiền bỏ quên của ông Nguyễn Văn Lâm phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Nhưng theo ông Thanh, báo chí lại không thể làm rõ vế thứ hai của vấn đề, những phong bì tiền đó là của ai nhằm để hối lộ hay không, xử lý thế nào. Nghĩa là thông tin đã được công khai nhưng không minh bạch.
Chế định cụ thể, rõ ràng quyền được thông tin của dân và bảo đảm tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước.
Báo Tuổi Trẻ trích phát biểu trước quốc hội ngày 16/6 của Thủ tướng Phan Văn Khải liên quan tới vấn đề quyền được thông tin của người dân: “Chế định cụ thể, rõ ràng quyền được thông tin của dân và bảo đảm tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước”
Ông Phan Văn Khải nhấn mạnh rằng, những thông tin nào cần công bố công khai, theo kênh nào, ai có trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời báo chí, cơ quan và công chức vi phạm qui chế cung cấp thông tin cho dân bị chế tài như thế nào, người đưa tin sai sự thật, gây hại cho người khác bị xử lý ra sao..., hàng loạt những điều như thế cần được sớm xây dựng thành thể chế.
Mức độ tự do báo chí hiện nay
Cũng nhân Ngày Nhà Báo 21/6, Vietnam Net tường thuật khá dài cuộc trò chuyện của Bộ Trưởng Văn Hoá Thông Tin Phạm Quang Nghị với báo giới. Nhiều câu hỏi của báo chí khá thẳng thắn và mang tính nhậy cảm, tuy vậy câu trả lời của ông Phạm Quang Nghị khó làm hài lòng cả người viết báo lẫn độc giả của họ.
Khi được yêu cầu đánh giá về mức độ tự do báo chí của chế độ hiện nay, ông bộ trưởng đặt vấn đề tự do báo chí phải có ích lợi cho đất nước và nhân dân. Đồng thời ông bộ trưởng khẳng định là, không có tự do trong báo chí một cách tuyệt đối chừng nào xã hội còn giai cấp, còn có những lợi ích khác biệt nhau. Các nhà báo dấn tới với câu hỏi là xin bộ trưởng nói cụ thể, tự do báo chí thế nào là không có lợi. Ông Phạm Quang Nghị trả lời rằng, bản thân nhà báo cần phải biết chứ không ai nhắc cả.
Đối với vấn đề báo chí đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng ông Phạm Quang Nghị tuy có tán dương, nhưng lại cảnh cáo báo giới là có nhiều thông tin không chính xác, một chiều. Theo ông Nghị, báo chí vì nôn nóng thông tin nhưng có khi nghiệp vụ kém bị các nguồn đưa tin lợi dụng, chẳng hạn như trong vụ PMU 18, theo ông Nghị báo chí vạch ra được một số nhân vật cán bộ thoái hoá biến chất gây thất thoát lớn tiền và tài sản Nhà nước.
Nhưng ông cho rằng, có nhiều thông tin của báo chí hoàn toàn không chính xác làm cho xã hội bức xúc và hoài nghi. Tuy vậy ông Phạm Quang Nghị đã không trình bày cụ thể những thông tin như vừa nói.
Trước thềm hội nhập WTO

Trên báo Người Lao Động bản điện tử, ngày 21/6 ông Trương Đình Tuyển, bộ trưởng thương mại trình bày những điều lo lắng của ông trước thời điểm Việt Nam chính thức bước vào sân chơi lớn WTO. Theo quan điểm của ông Tuyển thì nông nghiệp và phân phối là hai ngành đáng lo nhất. Cam kết về nông nghiệp của Việt Nam không quá thấp, theo lời ngừơi đứng đầu ngành thương mại, song đây là một ngành nhạy cảm vì nó tác động đến trên 70% dân số Việt Nam.
Bộ trưởng Tuyển nhận định là sẽ có rất nhiều khó khăn song Việt Nam không phát triển nông nghiệp bằng cách bảo hộ mà cần đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Ông Tuyển cho rằng cần giải quyết theo hai kênh khác nhau, thứ nhất là thu hút đầu tư để chuyển bớt nông dân sang làm công nghiệp. Thứ hai là cần làm ngay điều gọi là cuộc cách mạng về cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp mà nông dân chắc chắn chịu nhiều thua thiệt, ông Trương Đình Tuyển thêm rằng phân phối cũng là ngành phải cạnh tranh rất mạnh. Các nhà bán lẻ của Việt Nam sẽ thất bại ngay trên sân nhà nếu họ không vươn lên mạnh mẽ. Sau khi đưa ra những cảnh báo như vậy, nhưng bộ trưởng Tuyển nhận định rằng, hiện vẫn chưa quá muộn nếu doanh nghiệp Việt Nam có sự chuyển động mạnh.
Theo ông sự kiện Việt Nam chưa có một nền thương mại mạnh cũng là mặt dở, nhưng những thói quen tiêu dùng vẫn mang tính nông nghiệp cũng là yếu tố tạo thời gian cho Việt Nam vươn lên. Hơn nữa, theo ông Tuyển Việt Nam chấp nhận mở cửa ngành dịch vụ phân phối, nhưng nhà đầu tư nước ngoài không thể tự động mở một loạt các điểm bán lẻ, mà vẫn phải có sự đồng ý của chính phủ Việt Nam . Như thế dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đủ thời gian để thay đổi.
Chúng tôi xin trích lời chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh ở Hà Nội cùng về vấn đề này: “Dù mở cửa ra cũng tiến triển từ từ theo từng bước. Hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam, tôi nghĩ là cũng không tràn ngập một cách mau lẹ ào ạt. Bởi vì ở Việt Nam ngoài các thị trường ở thành thị, thị trường nông thôn rất rộng lớn múôn xâm nhập phải cần có thời gian.”
Bài học xuất khẩu gạo
Dù mở cửa ra cũng tiến triển từ từ theo từng bước. Hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam, tôi nghĩ là cũng không tràn ngập một cách mau lẹ ào ạt. Bởi vì ở Việt Nam ngoài các thị trường ở thành thị, thị trường nông thôn rất rộng lớn múôn xâm nhập phải cần có thời gian.
Cũng liên quan tới lãnh vực kinh tế nông nghiệp, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam có bài nhận định với tựa ‘ Bài học xuất khẩu gạo: không chỉ dừng ở chuyện lỗ lã’. Tác giả bài báo viết rằng, từ tháng 5/2006 đến nay giá gạo xuất khẩu đã bắt đầu tăng trở lại và dựa báo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8, giá gạo xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng mạnh. Thế nhưng, có một nghịch lý là trong khi giá càng tăng thì càng có nhiều người lo lắng.
Tờ báo đưa ra một số phân tích giá cả cho thấy thị trường lúa gạo 4 tháng đầu năm là một thực trạng đáng buồn, vì cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng bán lúa non. Chính vì thế mà trong thời gian vừa nói giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống thấp, thí dụ gạo 5% tấm chỉ còn 245 đô la một tấn, kém gạo cùng loại của Thái Lan tới 60 đô la một tấn. Trong khoảng thời gian đó Việt Nam đã xuất 2 triệu 240 ngàn tấn gạo các loại, nếu chỉ kém giá 20 đô một tấn thì con số thiệt hại cũng là đáng kể.
Theo Thời Báo Kinh Tế, từ giữa tháng 5 cho tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trở lại gạo 5% tấm được giá 270 đô la một tấn, gạo 25% tấm cũng leo lên 255 đô. Nhưng được giá xuất khẩu lại là mối lo lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian gạo xuống giá cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều sốt ruột, không ít nhà xuất khẩu ký hợp đồng với giá thấp để thực hiện quay vòng vốn, và nếu có hợp đồng thì mới đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Đối với các hợp đồng ký vội giá thấp, bây giờ tới hạn giao hàng doanh nghiệp phải chịu lỗ mua gạo theo thời giá để giao hàng. Thời Báo Kinh Tế cho rằng, dù khách quan hay chủ quan thì việc thiếu tầm nhìn xa đã không chỉ gây thua lỗ cho chính doanh nghiệp mà hàng triệu nông dân cũng gánh chịu hậu quả nặng nề. Số doanh nghiệp nhiều vốn trữ gạo từ trước được hưởng lợi khi gạo tăng giá cũng có nhưng lại không phải là số nhiều.
Thời Báo Kinh Tế nói rằng, bài học vừa nói không hề mới vì năm 2005 đã xảy ra, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng vì thiếu dự báo và không nắm vững thị trường thế giới. Thậm chí có doanh nghiệp lỗ 10 tỷ đồng. Tờ báo kết luận rằng, cơ hội để rút kinh nghiệm sẽ không còn nhiều khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Các doanh nghiệp vừa nói sẽ buộc phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, mà nếu không tính toán chính xác, hậu quả sẽ không chỉ dừng ở chuyện lỗ lã.
Những bài liên quan
- Ý kiến của người dân về hoạt động và ảnh hưởng của báo chí đối với xã hội
- Nghị định 56/2006 hạn chế thêm quyền tự do ngôn luận báo chí tại Việt Nam
- Thủ tướng Phan Văn Khải tạ lỗi nhân dân trước khi từ chức
- Giáo hội Tin Lành Mennonite Tây Nguyên thường xuyên gặp khó khăn
- Khi hội nhập nhà đầu tư dịch vụ vận tải sẽ không chấp nhận nạn mãi lộ chung chi
- Những vụ bê bối nghiêm trọng của Vietnam Airlines
- Việt Nam vẫn chưa công bố nội dung thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- Ngành nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long trước thềm hội nhập WTO
- Thảm hoạ bão Trân Châu và thỏa thuận Việt-Mỹ về WTO
- Doanh nghiệp nhà nước trước ngưỡng cửa hội nhập WTO
- Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về những thách thức khi Việt Nam hội nhập WTO
- Ngành dệt may Việt Nam được lợi từ thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- Ước vọng của một nữ doanh nhân trước việc Việt Nam gia nhập tổ chức WTO
- Ngành xuât bản và phát hành sách Việt Nam trước thềm gia nhập WTO
- Trang web của nhật báo Người Việt ở Nam California bị phá hoại
- Những chuẩn bị của công ty văn hoá Phương Nam tương lai hội nhập WTO
- Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày
- Những vấn đề của văn hoá Việt Nam ngày nay
- Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn
- Ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập WTO
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 18-5-2006)
- Giới luật sư Việt Nam thay đổi để đáp ứng với thử thách mới
- Những thuận lợi và thiệt hại của ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập WTO
- Phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về việc Việt Nam gia nhập WTO
- Phỏng vấn Đại sứ Karan Bhatia, về cuộc đàm phán Việt-Mỹ