Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Những ngày tháng này dư luận Việt Nam nặng trĩu những âu lo, trước mắt lo thiên tai bão lụt chống bão số 3 thổi vào các tỉnh ven biển bắc bộ.

Mối lo dài lâu sự nghiệp trăm năm trồng người, thì nền giáo dục lâm cơn trọng bệnh chưa tìm ra lối thoát. Nhưng có lẽ sự âu lo hệ trọng nhất đối với chính phủ trong lúc này, là nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát trong bối cảnh người dân đã mất cảnh giác.
"Chúng tôi nhận định rằng nguy cơ tái bùng phát dịch ở Việt Nam là rất cao."Đó là phát biểu của tiến sĩ Hoàng Văn Năm, phó cục trưởng cục thú y với chúng tôi chiều ngày 2/8, sau khi ông tham dự phiên họp của Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm tại Hà Nội.
Thông tin về chuyện Việt Nam chuẩn bị đối phó với đợt dịch H5N1 có khả năng bùng phát và lây cho người, là đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng hôm nay.
Có thể nguy hiểm nhiều hơn trước
Tất cả các giới chức có trách nhiệm của Việt Nam từ ngày 2/8 tới nay đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự trở lại của dịch cúm H5N1 với mức độ có thể nguy hiểm nhiều hơn trước.
Trên mạng VN Express, thứ trưởng bộ y tế Trịnh Quân Huấn tuyên bố rằng, dịch cúm gia cầm đang bao vây Việt Nam. Và theo ông thứ trưởng, nếu dịch lan sang từ các nước trong khu vực, vi rút cúm A H5N1 có thể kết hợp với virút cúm B hiện đang tăng mạnh tại Việt Nam để gây bùng phát đại dịch ở người.
Thứ trưởng Huấn bày tỏ sự lo ngại do tình trạng tỷ lệ cúm B ở người tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2006. Giám sát dịch tễ 5 điểm ở Thái Bình, Hà Nội, TPHCM, Khánh Hoà, thì một phần năm trong số 290 ngàn người tới khám bệnh thể hiện hội chứng cúm.
Thứ trưởng Huấn có lý do để cảnh báo mạnh mẽ như vậy, vì ở Lào, Cambodia, Trung Quốc đều bùng phát dịch trên gà vịt, đặc biệt ở Thái Lan đã có 3 người chết vì H5N1. Tại 24 tỉnh thành của Thái Lan có tới 144 bệnh nhân bị nghi nhiễm H5N1 và đang được theo dõi.
Thứ trưởng Huấn bày tỏ sự lo ngại do tình trạng tỷ lệ cúm B ở người tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2006. Giám sát dịch tễ 5 điểm ở Thái Bình, Hà Nội, TPHCM, Khánh Hoà, thì một phần năm trong số 290 ngàn người tới khám bệnh thể hiện hội chứng cúm. Các chuyên viên xét nghiệm 1.400 mẫu bệnh phẩm thì có tới 26% dương tính với cúm B, tỷ lệ cúm B tăng 5 lần so với cùng thời gian năm ngoái.
Vẫn theo VN Express, Ông Trịnh Quân Huấn giả thiết là 6 tháng cuối năm 2006 tình trạng nhiễm cúm B cũng như vậy, kèm theo dịch cúm A H5N1 trên gia cầm tái xuất hiện thì nguy cơ cúm B kết hợp với H5N1 để gây ra đại dịch cho con người có khả năng hết sức lớn.
Vừa rồi là sự cảnh báo của ngành y tế, trong khi đó ông Bùi Bá Bổng thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn được Tiền Phong Online trích thuật nói rằng, thành công khống chế dịch cúm H5N1 của Việt Nam trong 8 tháng vừa qua là không vững chắc, mặc dù được quốc tế đánh giá cao.
Công tác phòng chống dịch
Thứ trưởng Bổng thêm rằng, những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo điều kiện thú y nghiêm ngặt nhất để phòng bệnh, thì Việt Nam vẫn làm chưa tốt, chẳng hạn như việc tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên, thực hiện tổ chức chăn nuôi và giết mổ tập trung, không vận chuyển, buôn bán gia cầm, thuỷ cầm chưa qua kiểm dịch.
Tất cả những yếu tố quan trọng đó, theo lời thứ trưởng Bổng thì Việt Nam làm chưa tới nơi tới chốn. Ông Bổng nhấn mạnh, theo dõi diễn biến dịch các năm 2004, 2005 thấy được rằng, trong 10 nước có dịch cúm gia cầm thì cứ sau khi Thái Lan bùng phát dịch là đến lượt Việt Nam. Thứ trưởng Bổng cho rằng, năm nay tình hình cũng tương tự, Việt Nam khó tránh khỏi dịch cúm gia cầm H5N1.
Trên Người Lao Động Điện tử ngày 4/8, ông Bùi Quang Anh cục trưởng thú y cho biết đã nhắc nhở các địa phương thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là kiểm soát các hoạt động vận chuyển buôn bán gia cầm qua biên giới. Đồng thời khẩn trương hoàn thành các đợt tiêm vắc xin ngừa bệnh cho gà vịt. Phó cục trưởng thú y Hoàng Văn Năm khi trả lời Nam Nguyên cho biết:
Việt Nam không kiểm soát được tình trạng ấp nở nuôi mới thuỷ cầm. Theo đó trước tết 2005 đàn thuỷ cầm cả nước có khoảng 7 triệu con, tiêu thụ dịp tết xong còn khoảng 4 triệu con, và dù cấm ấp nở nuôi mới nhưng nay đàn thuỷ cầm đã vượt ngưỡng 8 triệu con.
“Chỉ đạo làm tốt hơn trong đợt hai 2006, bắt đầu từ trung tuần tháng 8 chúng tôi sẽ triển khai tiêm phòng. Chúng tôi mới nhập 150 triệu liều, số dự trữ còn lại khoảng 70 triệu liều, như vậy chúng tôi hiện có trong tay 220 triệu liều đủ sử dụng cho kế hoạch tiêm phòng đợt hai 2006.”
Ông Nguyễn Đăng Vang Cục trưởng Cục Chăn Nuôi tuyên bố trên Tiền Phong Online ngày 3/8 là Việt Nam không kiểm soát được tình trạng ấp nở nuôi mới thuỷ cầm. Theo đó trước tết 2005 đàn thuỷ cầm cả nước có khoảng 7 triệu con, tiêu thụ dịp tết xong còn khoảng 4 triệu con, và dù cấm ấp nở nuôi mới nhưng nay đàn thuỷ cầm đã vượt ngưỡng 8 triệu con.
Theo cục trưởng Vang, Việt Nam gần như không kiểm soát được đàn thuỷ cầm. bên cạnh đó mùa chim di cư, ngỗng trời, bồ nông, vịt trời mang mầm bệnh từ phương bắc đang đến gần. Ông Vang cho rằng đó là những điều kiện thuận lợi cho vi rút H5N1 bùng phát trở lại.
Trước đó ông Nguyễn Đăng Vang cũng có phát biểu tương tự với Trường Văn của Đài chúng tôi: "Đàn thuỷ cầm như vịt ngan có thể vẫn khoẻ mạnh mà bên trong lại mang mầm bệnh H5N1. Ở Việt Nam chúng tôi hết sức quan tâm vấn đề này."
Bệnh nhân nghi nhiễm cúm H5N1
Cho tới sáng 3/8 thì các báo mới chỉ đưa tin một trường hợp nghi nhiễm H5N1. Theo Tuổi trẻ Online, bệnh viện đa khoa Kiên Giang đang theo dõi 1 bệnh nhân nghi nhiễm cúm H5N1. Chiều 2/8 giới chức bệnh viện bác sĩ Nguyễn Văn Hùng cho biết, người bệnh là nam giới 35 tuổi ngụ ở Huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang nhập viện ngày 30/7 với các triệu chứng sốt cao, lơ mơ và suy hô hấp.
Qua kết quả phim X Quang, hai lá phổi bệnh nhân bị tổn thương rất nặng. Vẫn theo Tuổi trẻ Online, người nhà bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện khoảng 1 tuần, bệnh nhân đã ăn thịt vịt chết do hàng xóm cho. Điểm đáng chú ý là bệnh nhân đã tự mình nhổ lông làm thịt con vịt chết vừa nói. Mẫu bệnh phẩm của người bị nghi nhiễm cúm gia cầm được gởi đi Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.
Người Lao Động online ngày 4/8 đưa lên mạng tin đàn cò tại khu du lịch Suối tiên TP.HCM có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1. Ngoài ra 2 đàn vịt hàng ngàn con ở Tây Ninh bị chết gần hết đàn, thú y xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cũng có kết quả dương tính với H5N1.
Vẫn theo tờ báo, xét nghiệm bất kỳ từ lượng gia cầm từ các tỉnh đưa về Saigon để giết mổ cho thấy miễn dịch qua tiêm phòng không có kết quả đáng tin cậy. Theo đó hàm lượng kháng thể đủ khả năng chống vi rút H5N1 với gà chỉ đạt 19,6% và vịt là 18,8%. Đây là một tỷ lệ quá thấp chứng tỏ việc tiêm phòng ở các địa phương quá sơ sài.
Với tất cả những thông tin mà chúng tôi vừa gởi tới quí vị và các bạn, thì có thể thấy chuyện tái bùng phát dịch cúm gia cầm tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.