Việt Nam sau gần 20 năm đổi mới (II)
2005.12.29
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Kỳ trước chúng tôi đã tổng hợp ba bài đầu loạt phóng sự nhiều kỳ Đêm Trước Đổi Mới của báo Tuổi Trẻ Online, đó là các bài Ký Ức Thời Sổ Gạo, Vòng Kim Cô và Khi Chợ Trời Bị Đánh Sập. Hôm nay chúng tôi trở lại với Các bài phóng sự tiếp theo. Đêm Trước Đổi Mới được phổ biến rộng rãi tới độc giả trong ngoài nước, các bài phóng sự mô tả giai đoạn 11 năm khốn khó từ 1975 đến 1986 ở Việt Nam dưới thời kinh tế bao cấp, sản phẩm của chủ nghĩa bảo thủ giáo điều. Và mọi sự đổi mới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 ở nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đều nhờ vào những sự xé rào phá cơ chế. Ông Nguyễn Quốc Thái một nhà báo từng sống và làm việc qua cả hai chế độ ở TP.HCM nhận định về sự kiện xé rào:
“Việt Nam đã đang và sẽ cần những người dám nói dám làm, xé rào trong hoàn cảnh xã hội nào đó là cần thiết, bởi vì không có những người dũng cảm đó thì Việt Nam không có được bầu khí trong sáng hơn.”
Thời kỳ hợp tác hoá
Đêm Trước Đổi Mới bài thứ tư trên Tuổi trẻ Online mang tựa đề Công Phá Luỹ Tre. Các tác giả Xuân Trung Quang Thiện mô tả lại cảnh bi hài những năm sau thống nhất. Hàng loạt chủ trương chính sách ở miền Bắc được áp dụng đồng loạt tại miền Nam, bị phá sản đưa tới hậu quả khôn lường. Toà soạn Tuổi Trẻ dẫn nhập rằng, Thành trì hợp tác xã nông nghiệp vừa siết lại ở miền Nam đã đưa đẩy người dân vào cảnh bát cơm độn với ngô khoai. Mọi người đều cảm thấy bức bách tìm đường thoát. Và cái chuyện ngăn sông cấm chợ rồi cũng bị công phá nốt.
Bài viết kể lại, cuối năm 1978 tỉnh An Giang quyết định thành lập Hợp Tác Xã Hoà-Bình-Thạnh, huyện Châu Thành làm nhân tố điển hình để mở rộng phong trào hợp tác hoá. Trên nguyên tắc linh hồn của hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất là công hữu hoá tư liệu sản xuất, bao gồm ruộng đất và nông cụ.
Các phóng viên báo Tuổi trẻ đã tìm gặp một nhân chứng sống, đó là ông Sáu Kiệt, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã Hoà-Bình-Thạnh. Ông Sáu Kiệt kể lại khi vận động bà con vào hợp tác xã, công an dứng bên bờ ruộng yêu cầu nông dân phá hết rau để giao đất cho hợp tác xã. Sau khi Hoà- Bình-Hạnh tiến hành hợp tác hoá, tờ báo kể rằng dù không gặp thiên tai nhưng năm nào cũng như mất mùa, cảnh cha chung không ai khóc.
Cuối vụ thóc thu hoạch chỉ bằng 1/4 thời chưa vào hợp tác. Ai dành dụm được chút lúa thì phải bán cho nhà nước, cấm mang ra chợ. Giá nhà nước mua chỉ bằng 1/10 giá chợ và không đủ hoàn vốn đầu tư. Trước giải phóng, bà con xã Hoà-Bình-Thạnh làm chủ rất nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Toàn xã 900 hộ gia đình có hơn 70 cỗ máy cày, máy bừa, máy bơm máy xới.
Sau giải phóng với chủ trương hợp tác hoá, chính quyền công hữu hoá toàn bộ số máy móc vừa nói. Chủ phương tiện miễn cưỡng giao máy móc, họ nói rằng đây là thứ tài sản lớn, nhiều năm chắt chiu mới có được. Nay đưa vào hợp tác, thu nhập tính bằng công lao động, máy giao người khác như vậy là mất không…
Phát súng đầu tiên
Theo báo Tuổi Trẻ, những người chủ phương tiện đã cố tình tháo bớt phụ tùng, có trường hợp chặt đứt cả xích, cưa cả trục máy rồi mới giao cho hợp tác xã. Số máy móc nông nghiệp còn hoạt động được thì cũng không chạy được do không được giao cho chủ cũ, chủ mới không hiểu kỹ thuật hoặc thiếu tâm huyết nên chẳng mấy chốc máy móc cũng đành đắp chiếu. Bài báo viết rằng, thế là sau một vụ, 100% đầu máy nông nghiệp của xã phải nằm kho, hàng trăm hécta đất không làm kịp vụ phải bỏ hoang.
Một nhân chứng sống khác được báo Tuổi Trẻ trích dẫn là ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư tỉnh uỷ An Giang thời ấy. Ông Hơn cho biết tỉnh An Giang hoàn thành chỉ tiêu hợp tác hoá nhưng đồng nghĩa với sự kiện lãng phí 20 ngàn hécta đất do không có máy cày. Tỉnh An Giang lúc đó, không có cách nào khác là tìm cách trả lại máy móc cho dân, tuy nhiên ý tưởng này đi ngược với ý chí công hữu hoá tư liệu sản xuất.
Tỉnh uỷ nghĩ cách báo cáo nhà nước là an ninh lương thực bị đe doạ, xin kinh phí để mua máy móc mới và sửa chữa máy cũ. Tuy nhiên trung ương lúc ấy không có ngân sách để cấp. Điều này đồng nghĩa với sự kiện hợp tác xã trả lại số máy móc đắp chiếu cho dân, bằng cách bán lại cho chủ cũ theo giá thu mua lúc trước, thực tế cũng là còn nợ trên giấy tờ.
Khi những đống sắt vụn ấy về tay người dân chủ sở hữu cũ, thì không bao lâu tiếng động cơ máy cầy lại vang lên trên ruộng đồng An Giang. Nhà báo Tuổi Trẻ gọi sự kiện An Giang là xé rào hợp pháp và ngoạn mục, họ mô tả đây là phát súng đầu tiên và mang tính quyết định trong chiến dịch giải thể các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mở ra một hướng đột phá mới.
Cuộc đấu tranh không phân thắng bại
Có thể nói toàn bộ chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản sau khi miền Bắc chiến thắng và thống nhất Việt Nam. Tuổi Trẻ Online cho rằng, một trong những yếu tố gây ức chế nhất cho nền kinh tế lúc đó là chính sách giá, đặc biệt là giá thu mua lương thực. Theo tờ báo, đã xảy ra cuộc đấu tranh không ngã ngũ giữa hai luồng ý kiến khác biệt.
Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong được báo Tuổi trẻ trích dẫn nói rằng, thời kỳ ấy một số cán bộ cốt cán của uỷ Ban Vật Giá bảo vệ cơ chế và mức giá cũ với lý lẽ chủ nghĩa xã hội là ổn định giá chỉ đạo, cách duy nhất có thể đảm bảo cơ chế kế hoạch hoá tập trung.
Theo tờ báo, vào thời kỳ còn bao cấp có lần tại diễn đàn Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ông Trần Phương viện trưởng Viện Kinh Tế Học phát biểu, cơ chế thu mua này là mua như cướp bán như cho. Cách tính giá của Uỷ Ban Vật Giá là sai vì đã không tính đến điều kiện thị trường, sự bất cập trong cơ chế cung ứng vật tư của nhà nước hay nhu cầu ngày càng tăng của nông dân.
Những cuộc xé rào đi ngược chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa đã diễn ra khá ngoạn mục. Theo Tuổi Trẻ Online năm 1980 ông Nguyễn Văn Hơn lúc ấy làm chủ tịch tỉnh An Giang được trung ương phân bổ cho một lượng hàng tiêu dùng là vỏ ruột xe đạp, đường sữa vải, xà phòng…tương ứng với nghĩa vụ An Giang phải thu mua và nộp về trung ương 100 ngàn tấn lúa.
Trên thực tế ở thời điểm đó giá lúa ngoài chợ cao gấp 10 lần giá nhà nước mua. Nông dân không muốn bán cho nhà nước. Ngược lại hàng phân bổ, tỉnh cũng phải bán cho dân với giá qui định thấp hơn nhiều lần so với giá chợ. An Giang đã xé rào, đem hàng hoá bán theo giá chợ và lấy tiền mua lúa theo giá chợ. Nhờ mạnh dạn xé rào năm 1980 An Giang mua được 160 ngàn tấn lúa, vượt chỉ tiêu 60 ngàn tấn mà vẫn còn thừa tiền.
Báo Tuổi Trẻ cho rằng năm đó 1980, ở An Giang Nông Dân, Nhà nước đều có lợi…đồng hành với những mũi tấn công vào cơ chế giá, ở TP.HCM công ty lương thực thành phố cho xe tràn xúông đồng bằng sông Cửu Long mua lúa giá chợ về bán cho 3 triệu dân thành phố, lúc ấy tuy có tiền nhưng đang phải ăn độn.
Những cuộc xé rào ngoạn mục
Đêm Trước Đổi Mới, bài Từ Chạy Gạo Đến Phá Cơ Chế Giá. Toà soạn Tuổi trẻ dẫn nhập, từ năm 1978 sau chiến dịch cải tạo thương nghiệp tư sản tư doanh, lập tức Saigon thiếu gạo, điều chưa từng có trong lịch sử miền Nam. Hòn Ngọc Viễn Đông phải ăn độn bo bo là điều không thể tưởng tượng nổi.
Bài báo có đoạn, những người chịu trách nhiệm ở TP.HCM vào năm 1978 đứng trước một bài toán nan giải là, phải chấp hành chủ trương của trung ương tiến hành cải tạo xoá bỏ thị trường tự do, nắm gọn khâu bán buôn. Nhưng lương thực không có vì không huy động được. Chưa bao giờ người dân Saigon không có gạo để ăn, vậy mà những năm sau giải phóng lại không đủ gạo ăn, lương thực thay thế chỉ trông vào khoai mì, khoai lang, thậm chí là hạt bo bo.
Từ năm 1978 đến đầu những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt là uỷ viên dự khuyết Bộ Chính Trị, Bí Thư thành Uỷ TP.HCM. Chính ông Kiệt đã ủng hộ chủ trương xé rào cho bà Ba Thi đi mua lúa gạo miền tây theo giá chợ cao gấp 5 lần giá nhà nước, để có gạo bán cho dân. Những việc làm vừa nói là vi phạm chính sách chủ trương của đảng và nhà nước.
Theo báo Tuổi trẻ vào cuối thập niên 1970 sang đầu những năm 1980, thị trường còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế tập trung và chế độ bao cấp hoang phí. Ông Võ Văn Kiệt lúc ấy là uỷ viên dự khuyết bộ chính trị, bí thư thành uỷ TP.HCM, theo Tuổi Trẻ ông Kiệt mạnh dạn tiến hành những cuộc thể nghiệm không có tiền lệ và ngoài vòng pháp luật thời đó. Báo Tuổi Trẻ mô tả ông Võ Văn Kiệt có sự bứt phá trong suy nghĩ và hành động nhằm vượt qua thực trạng kinh tế tiêu điều lúc ấy.
Đọc báo trong nước trên mạng Internet tạm dừng ở đây. Nam Nguyên thân chào quí thính giả và các bạn nghe đài. Kỳ tới chúng tôi còn bài cuối nhân đọc loạt bài Đêm Trước Đổi Mới trên báo Tuổi Trẻ Online.
Những bài liên quan
- Việt Nam, sau gần 20 năm đổi mới
- Cải cách chính trị đòi hỏi quyết tâm và sự mẫu mực của người lãnh đạo
- Ban Nội Chính Trung Ương Đảng: Không quá ngạc nhiên về những con số tham nhũng giật mình
- Dự án đưa Học Liệu Mở của Viện Kỹ Thuật Massachussets vào Việt Nam
- Việt Nam khuyến cáo tạm ngừng sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng, liệu người dân có nghe theo?
- Dửng dưng trước hiểm họa
- Nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm trên con người
- Những dự án làm nghèo đất nước
- Tiếng kêu giữa rừng U Minh Hạ: không điện không đường, không trường học trạm xá, không hộ khẩu không đất…
- Tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Việt Nam
- Cảnh sát giao thông và nạn Mãi lộ tại Việt Nam
- Vụ án trọng tài Lương Trung Việt và ông Vũ Tiến Thành
- Kiểm soát cúm gia cầm: Nói vậy nhưng không phải vậy
- Điểm báo trong nứơc trên mạng Internet (ngày 20-8-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 13-8-2005)
- Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 23-7-2005)
- Tiến sĩ lê Đăng Doanh: “Chúng Ta Nhất Trí Với Nhau Dễ Dàng Quá”
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 9-7-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 2-7-205)