Việt Nam chuẩn bị gia nhập sân chơi lớn

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Cánh Cửa vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO đã rộng mở. Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của Mỹ trong khu vực. Đây là các thông tin nóng nhất bên cạnh chuyện Đảng Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị mở đối thoại trực tuyến với dân chúng, chúng tôi sẽ trình bày các thông tin này trong mục đọc báo trên mạng hôm nay.

0:00 / 0:00
WTOlogo150.jpg
AFP PHOTO

Kết thúc đàm phán về WTO

VNExpress là tờ báo mạng đưa tin sớm nhất, về sự kiện VN đã kết thúc thành công phiên đàm phán đa phương cuối cùng về vấn đề gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Bản tin của VNExpress được đưa lên mạng lúc 22g 44 phút ngày 26/10 theo giờ Hà Nội, sau đó khoảng hai giờ thì VietnamNet cũng có bài tường thuật về sự kiện trọng đại này.

Hai tờ báo điện tử cùng tường thuật rằng, đại sứ Eirik Glene, Trưởng Ban Công Tác WTO đã gõ búa thông qua toàn bộ hồ sơ về vấn đề gia nhập của Việt Nam.

Ngay sau đó, đại sứ Việt Nam tại WTO ông Ngô Quang Xuân đã mở tiệc chiêu đãi chào mừng thành công, kết thúc một thập kỷ đàm phán gay go. Nay Việt Nam xem như đã mở cánh cửa bứơc vào sân chơi thương mại toàn cầu. Lễ kết nạp chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 11 sắp tới.

Doanh nghiệp trong nứơc đón nhận thông tin này như thế nào. Ông Đỗ Gia Bính một doanh nhân trong ngành quảng cáo ở Hà Nội phát biểu: "Không có ai hy vọng hay ảo vọng điều gì cả, biết rằng cuộc chơi sẽ rất là căng thẳng nhưng đã chấp nhận đã sẵn sàng để tham gia."

Phiên họp chính thức lần thứ 14 được tổ chức vào lúc 16 giờ ngày 26/10 tức 21 giờ tối cùng ngày theo giờ Hà Nội. Tham dự có các đại sứ và đại diện đàm phán của 43 thành viên thuộc Ban Công Tác về đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

WTOShopping200.jpg

Chỉ còn các thủ tục cuối cùng

Toàn bộ hồ sơ của Việt Nam được thông qua gồm: Bảng biểu cam kết về hàng hoá, Bảng biểu cam kết về dịch vụ, Báo cáo về đàm phán và nội dung Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.

Qui trình kết nạp Việt Nam được VietnamNet đưa tin, theo đó vào ngày 7/11 Đại Hội Đồng WTO nhóm phiên đặc biệt tại trụ sở ở Geneve để chính thức kết nạp Việt Nam vào tổ chức này.

Sau đó, dự kiến ngày 28/11 Quốc Hội VN làm thủ tục phê chuẩn nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau 30 ngày kể từ khi Quốc Hội phê chuẩn, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Xin nhắc lại rằng, chính phủ Việt Nam loan báo sẽ công khai các cam kết của VN về mọi lãnh vực trong tháng 11 này để doanh nghiệp và người dân được biết.

Ðón nhận luồng đầu tư mới?

Nửa ngày trước khi có kết quả chính thức về việc Ban công tác WTO ở Geneve thông qua hồ sơ gia nhập của VN. Báo điện tử VietnamNet có bài phỏng vấn bà Charlene Barshefsky, cựu Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ thời tổng thống Bill Clinton.

Nhân vật từng thay mặt Washington ký hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ, nay là nhà tư vấn đưa nhiều dự án của doanh nhân Mỹ vào Việt Nam.

Trả lời VietnamNet bà Charlene Barshefsky nhận định rằng Việt Nam ngày càng có vai trò tích cực hơn, tiếng nói có ảnh hưởng hơn trong Asean. Theo bà, Mỹ luôn chú ý tới các quốc gia giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ và Việt Nam là một lựa chọn tất nhiên cho vị trí này.

Về vấn đề PNTR qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam, bà Barshefsky nhìn nhận là PNTR trở nên phức tạp bởi chính trị nội bộ Mỹ chứ không phải vì Việt Nam. Trong vấn đề PNTR của VN chứa đựng sự phức tạp chính trị Mỹ.

Tuy nhiên theo bà Barshefsky những phức tạp này là hoàn toàn bình thường, mỗi khi Mỹ ký kết hiệp định thương mại với bất kỳ quốc gia nào. Tuy vậy bà Charlene Barshefsky tin chắc rằng PNTR sẽ được trao cho VN cùng với chuyến thăm của Tổng thống George W Bush nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.

Cần tuân thủ các cam kết quốc tế

Trả lời một câu hỏi của VetnamNet, bà Charlene Barshefsky cho biết lời khuyên của bà dành cho Thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng là Việt Nam sẽ tiếp tục cam kết và thực hiện chương trình cải cách của mình, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nứơc ngoài, bao gồm cả phát triển quan hệ với các nhà lãnh đạo cấp cao các nứơc để từ đó thu hút đầu tư.

Bà Barshefsky nhấn mạnh, Việc tăng cường các cam kết mạnh mẽ và tạo điều kiện đầu tư thuận lợi, bao gồm hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng thu hút các nhà đầu tư nứơc ngoài và giữ chân họ tại Việt Nam.

WtoEconomy200.jpg
Một cửa hàng bán đồ điện tử ở Hà Nội hôm 18-1-2006. AFP PHOTO

Tuy vậy vị nguyên Đại Diện Thương Mại Mỹ thời kỳ tổng thống Clinton cũng trấn an rằng, đối với bất cứ chính phủ nào, việc cải cách phải được làm dựa trên khả năng của một quốc gia về hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo bà Barshefsky, sẽ không thể cải cách nếu cải cách đó đe doạ nền kinh tế quốc gia và các lĩnh vực nhạy cảm. Cải cách phải được làm từng bứơc, từ những vấn đề đơn giản.

Đảng CSVN đối thoại với dân chúng

Ba ngày trứơc khi có tin cánh cửa vào WTO của VN đã rộng mở, hôm 23/10 Vietnam net đưa tin Đảng cộng sản VN sắp mở đối thoại trực tuyến để các nhà lãnh đạo trực tiếp nghe dân chất vấn góp ý. Kênh đối thoại này sẽ sử dụng mạng điện tử của tờ báo chính thức của đảng mang tên Cộng Sản.

Phó ban tư tưởng văn hoá trung ương Đào Duy Quát, đồng thời là tổng biên tập Báo Cộng Sản cho biết sẽ khai trương đối thoại trực tuyến vào cuối kỳ họp quốc hội hiện nay. Chủ đề đối thoại trực tuyến đầu tiên sẽ là chống tham nhũng, cải cách hành chánh và khách mời có thể là chủ tịch nứơc ông Nguyễn Minh Triết.

Trả lời Nam Nguyên, Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Đức Hùng, Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế phát triển, trường đại học kinh tế TP.HCM nhận định rằng: "Vâng vấn đề quan trọng là ở chỗ có lắng nghe, và vấn đề điều chỉnh được những chính sách cho phù hợp với nguyện vọng ứơc muốn của người dân, tôi nghĩ đó là ý nghĩa thiết thực nhất. tất nhiên từ thông tin thu thập qua phản biện cho đến khi có điều chỉnh, đòi hỏi phải có một thời gian nhất định. Nhưng mà tôi cho rằng thế này đã là có tiến bộ nhiều."

Trong khi đó luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội lại có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề đối thoại: "Nếu nói đối thoại chống tham nhũng, khi ngừơi dân đưa ra được bằng chứng là ngay cả những nhà lãnh đạo cũng tham nhũng thì có đưa lên online hay không có trả lời hay không, đó lại là một vấn đề cũng khá phức tạp, chúng tôi phải chờ xem là những vị lãnh đạo ấy có chấp nhận hay không."

Dư luận dè dặt chờ đợi

Thưa quí thính giả các nhân vật mà chúng tôi hỏi ý kiến, đều có nhận xét chung là hãy để thực tế đánh giá vấn đề đối thoại của đảng và ngừơi dân. Như nhận định của ông Nguyễn Quốc Thái, một người hoạt động lâu năm trong ngành báo chí và xuất bản:

“Trong hoàn cảnh đất nứơc hiện nay, VN sắp vào WTO, khi ấy ngoài thương mại còn có những nguồn thông tin khác nữa cùng với hàng hoá đi vào. Lúc ấy ngừơi dân được lắng nghe và tiếp thu rất nhiều ý kiến khác nhau từ nhiều phía, họ có thể đối chiếu với những thông tin từ báo chí ở trong nứơc.

Việc Đảng Cộng Sản tổ chức đối thoại trực tuyến với ngừơi dân hiện nay chưa bắt đầu, tôi nghĩ rằng hãy để cho sự việc bắt đầu và mọi người có thể đánh giá mức độ thiện chí như thế nào.”

Đúng là hãy chờ xem hay nói như một tựa phim hoạt hình nổi tiếng ở VN là ‘Hãy đợi đấy’. Dẫu sao thì đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, Đảng cộng sản Việt Nam qua lời ông Đào Duy Quát phải nhìn nhận rằng: đã đến lúc không thể thông tin một chiều được nữa, phải đổi mới nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng.