Tình trạng sản xuất lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long


2006.12.16

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Tình trạng sản xuất lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Những câu hỏi về chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam, vấn đề cân đối lương thực và phát triển bền vững. Mục đọc báo trên mạng tuần này, chúng tôi dành tổng hợp các bài báo liên quan tới các đề tài vừa nói.

FarmerRice150.jpg
Cô gái đang thu gặt lúa. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Năm 2007 Việt Nam có tiếp tục xuất khẩu gạo hay không, nếu xuất thì sẽ có thể xuất bao nhiêu, điều này chưa có câu trả lời. Một doanh nhân lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tiên liệu hoạt động năm tới:

“Sang năm 2007 nếu diện tích lúa Đông Xuân bị bệnh trên 30% thì chính phủ không cho xuất khẩu gạo để giữ an ninh lương thực.”

Do dịch bệnh hại lúa gây mất mùa, nên chính phủ Việt Nam đã ngừng xuất khẩu gạo kể từ ngày 12/11/2006. Những đợt giao hàng trong thời gian gần đây, chỉ là để thực hiện các hợp đồng ký kết trước thời điểm vừa nói, với khoảng trên dưới 170 ngàn tấn gạo.

Tổng cộng năm 2006 các doanh nghiệp Việt Nam bán ra nước ngoài 4 triệu 800 ngàn tấn gạo hoặc có thể ít hơn con số này. Trước đó chỉ tiêu được nói tới là 5 triệu tấn. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách nông nghiệp lúa gạo của Việt Nam bị bế tắc dằng co với yêu cầu xuất khẩu nhiều mang về nhiều đô la, muốn vậy nông dân phải làm ra nhiều lúa gạo sản xuất liên tục.

Ngược lại theo các nhà khoa học muốn phát triển bền vững đề phòng được dịch bệnh gây mất mùa thì phải sản xuất có kế hoạch, phải giảm đi ít nhất là một vụ lúa trong năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long người dân làm liên tục 3 tới 4 vụ một năm, đất đai không được nghỉ dưỡng tạo môi trường thuận tiện cho dịch bệnh hại lúa lan rộng.

Sang năm 2007 nếu diện tích lúa Đông Xuân bị bệnh trên 30% thì chính phủ không cho xuất khẩu gạo để giữ an ninh lương thực.

Cân đối lương thực

Đối với khuynh hướng gia tăng xuất khẩu mà các doanh nghiệp lúa gạo là đại diện thì bài toán cân đối lương thực còn nhiều ẩn số. Báo Lao Động điện tử ngày 4/12 cho rằng, những con số thống kê đầu vào sản xuất lúa cũng như đầu ra của lúa hàng hoá thường là có nhiều, nhưng lại không khẳng định được độ tin cậy của thông tin, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quản lý-điều hành xuất khẩu gạo hàng năm.

Bài báo khá dài đưa ra những số liệu để minh chứng là bộ ngành hữu quan của chính phủ đã bị lạc hậu trong các phương pháp tính toán cân đối lương thực. Vì thế không nắm rõ sản lượng lúa thu hoạch cũng như lượng gạo dành cho xuất khẩu.

Thí dụ năm 2005, sản lượng lúa không tăng so với năm 2004, nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng đột biến đạt 5 triệu 200 ngàn tấn, tăng tới gần một phần ba so với năm 2004, mức tăng này tương đương với 1 triệu 200 ngàn tấn gạo.

Theo tờ báo những phương pháp tính toán duy trì từ hàng thập niên đã qua, tỏ ra không còn thích hợp và cho ra những kết quả không đáng tin cậy.

Chẳng hạn như định mức hao hụt sau thu hoạch là 10% tổng sản lượng lúa gạo, theo tờ báo điều này gây sự nghi ngờ vì đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là vùng lúa có tỷ lệ cơ giới hoá cao nhất nước, với gần 1 ngàn máy gặt đập liên hợp, hơn 6.500 máy sấy, mà tờ báo cho là có thể đã làm giảm tỉ lệ hao hụt trong và sau thu hoạch. Một câu hỏi được đặt ra, thực sự tỷ lệ hao hụt là bao nhiêu.

Lại nữa cách tính toán truyền thống từ mấy chục năm qua thường dành 5% tổng sản lượng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thuỷ cầm. Theo báo Lao Động thì ngày nay hầu hết người dân đã có thói quen sử dụng thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi.

Tiếp đến là các chuyên gia thường lấy định mức mỗi tháng người dân thành thị tiêu thụ bình quân 10kg gạo, và ở nông thôn thì 15kg gạo. Từ đó họ cân đối một lượng lương thực mà nhân dân cần có cho nhu cầu tiêu dùng. Nhưng tờ báo cho rằng, đời sống và điều kiện sống hiện nay đã có nhiều thay đổi, nên định mức trên không còn hợp lý.

Tiếp đến là Việt Nam từ lâu nay tính toán tỉ lệ thu hồi gạo thành phẩm qua xay sát lúa khoảng 50%. Tức là hai phần lúa thì thu được một phần gạo. Theo nhà báo mức tỉ lệ này chắc chắn là lạc hậu, không thích hợp. Và chỉ cần tỉ lệ vừa nói tăng giảm 1% thôi thì kết quả sẽ tăng giảm cả trăm ngàn tấn.

Cuối cùng Tờ Lao Động đặt vấn đề là cần phải tiến hành một cuộc điều tra khảo sát toàn diện về sản xuất lúa, nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh xuất khẩu gạo. Kết quả điều tra sẽ cho câu trả lời xác đáng hơn về những vấn đề còn gây lúng túng, sẽ giúp chính phủ, doanh nghiệp và nông dân chủ động trong sản xuất, đầu tư, chủ động trong kinh doanh xuất khẩu gạo.

Sốt giá lúa gạo

Có nguy cơ nhưng chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để hạn chế nguy cơ đó. Đang có bệnh ‘lùn vàng lùn xoắn lá’ gây ra thiệt hại trên diện tích tương đối khá rộng, đặc biệt vụ Đông Xuân này chúng tôi đang cố gắng làm sao giảm thiệt hại, tất nhiên sẽ phải thiệt hại nhưng sẽ giảm.

Do không chủ động trong quản lý điều hành xuất khẩu gạo nên chính phủ phải đột ngột ra lệnh ngừng xuất khẩu. Sự kiện này xảy ra sau khi giá lúa gạo tại thị trường trong nước mất ổn định, vì nguồn cung giảm mạnh sau khi Đồng Bằng Sông Cửu Long mất mùa liên tiếp hai vụ. Saigon Tiếp Thị đưa lên mạng bài ‘Sốt Giá Lúa Gạo Vì Đâu’, sốt giá lúa gạo đã lên tới mức kỷ lục từ chính vựa lúa lớn nhất của cường quốc xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới.

Tình trạng này do lúa bị bệnh hay còn nguyên nhân nào khác. Bài báo có đoạn, cùng với việc ban bố lệnh tạm ngừng xuất khẩu, chính phủ đã phải cho nhập khẩu lúa gạo từ Cambodia, đồng thời gạo từ miền bắc, miền trung, từ Thái lan cũng đã kìn kìn đổ về đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi xin minh hoạ tình hình này bằng thông tin của chính người nông dân miền An Giang:

“Đưa về lúa có gạo có, gạo ‘Kha đắp mê đi’, lúa mùa Sóc Miên họ cấy, chất lượng rất tốt.”

Tờ báo đưa ra những dẫn chứng cho thấy tình hình bị tác động bởi dịch bệnh làm hại lúa mất mùa và điều gọi là cơn say xuất khẩu, do giá lúa gạo thế giới tăng 45% trong vòng 3 năm.

Còn Tuổi Trẻ Online trong tuần lễ đầu tháng 12 có bài ‘ Tường trình đặc biệt từ vựa lúa miền Tây: Thiếu gạo là tất yếu’. Tờ báo đặt câu hỏi với tiến sĩ Lê Văn Bảnh phó viện trưởng Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long về dự báo của một số chuyên gia rằng, vùng ĐBSCL sẽ thiếu đói và thiếu gạo xuất khẩu.

TS Bảnh nói rằng ông chia sẻ ý kiến này, không chỉ các nhà khoa học lo, nông dân lo mà ngay cả chính phủ và lãnh đạo các tỉnh cũng rất lo chuyện này xảy ra.

“Có nguy cơ nhưng chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để hạn chế nguy cơ đó. Đang có bệnh ‘lùn vàng lùn xoắn lá’ gây ra thiệt hại trên diện tích tương đối khá rộng, đặc biệt vụ Đông Xuân này chúng tôi đang cố gắng làm sao giảm thiệt hại, tất nhiên sẽ phải thiệt hại nhưng sẽ giảm.”

Vẫn theo lời Phó viện trưởng Lê Văn Bảnh, đồng bằng sông Cửu Long có trên 18 triệu dân, hằng năm sản xuất ra khoảng 19 triệu tấn lúa, nghĩa là cứ một người dân làm ra khoảng trên một tấn lúa, đứng đầu cả nước và khu vực. Thế nhưng hiện nay miền Tây đang phải mua gạo từ miền Bắc miền Trung và gạo ngoại từ Thái lan, Cambodia.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh thêm rằng, thiếu ăn thì có lẽ mới là nguy cơ thôi, nhưng thiếu gạo xuất khẩu là rất rõ nếu không có biện pháp vào cuộc quyết liệt của các nhà khoa học, chính quyền và người dân tham gia không chế dịch. Tiến Sĩ Bảnh nhận định rằng, một khi nông dân miền Tây hết lúa, lúa gạo trong nước lại đang có giá thì gạo ngoại tràn qua là tất yếu.

Nhưng ông chạnh lòng vì nông dân miền tây khôgn đón được thời cơ. Từ chỗ lúa đang đứng ở mức từ 2.300 tới 2.400/ kg, bất ngờ vọt lên cao gần gấp đôi nhưng bà con không còn lúa để bán mà đành đứng nhìn gạo ngoại tung hoành trên quê hương mình.

Cách khắc phục

Về cách khắc chế rầy nâu và các loại dịch bệnh hại lúa, cũng như các nhà khoa học khác, viện phó viện lúa ĐBSCL cho biết chỉ có cách đi theo hướng phát triển bền vững:

Chúng tôi đã khuyến cáo phải cắt vụ, bỏ bớt vụ ba đi. Ở đây người dân làm liên hòan liên tục do đó gây cái mầm bệnh. Như vậy nên cắt vụ luân canh thí dụ làm hai lúa một màu, hay là lúa cá lúa tôm đại lọai vậy thì nó giảm bớt đi.

“Chúng tôi đã khuyến cáo phải cắt vụ, bỏ bớt vụ ba đi. Ở đây người dân làm liên hòan liên tục do đó gây cái mầm bệnh. Như vậy nên cắt vụ luân canh thí dụ làm hai lúa một màu, hay là lúa cá lúa tôm đại lọai vậy thì nó giảm bớt đi.

Cái này cũng có chỗ khó, tại vì hiện nay người dân người ta trồng hoa màu hay bất cứ cái gì, nếu trồng lúa thì bán rất dễ, bán không được thì để lại ăn không mất.

Vì khâu xử lý nông sản sau thu họach của Việt Nam hơi yếu, do đó nếu trồng rau màu, rau quả cây trái như dưa chẳng hạn thì khi nhiều người trồng sản lượng nhiều lên thì giá sẽ hạ xuống. Do đó người dân cho là cách nào thì có được lúa vụ ba cũng lợi hơn là trồng rau màu”

Nga cấm nhập khẩu

Cũng liên quan tới chuyện lúa gạo, mới đây nước Nga loan báo cấm nhập khẩu gạo từ gần một chục quốc gia trong đó Thái Lan và Việt Nam. Cơ quan hữu trách Nga cho rằng gạo Việt Nam có nhiễm dư lượng thuốc diệt cỏ.

Trên báo Tuổi trẻ ngày 14/12, ông Trương Thanh Phong chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam phủ nhận cáo buộc vừa nói, ông thêm rằng gạo Việt Nam xuất khẩu đi hàng trăm nước, trong đó có thị trường khó tính là Nhật Bản.

Gạo Việt Nam vào được Nhật là vì đáp ứng đầy đủ 267 tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phong cho biết Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam từng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên xuất khẩu gạo sang thị trường Nga vì đây là thị trường rất phức tạp nhiều rủi ro.

Các nhà nhập khẩu Nga không mở tín dụng thư mà thường là mua hàng trả chậm từ 90 tới 120 ngày rủi ro cho nhà xuất khẩu rất lớn. Ông Phong thêm rằng, hiện nay Việt Nam cũng không đủ gạo để bán cho thị trường Nga, hơn nữa hàng năm phiá Nga cũng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 100 ngàn tấn gạo. Một nguồn tin khác cho rằng câu chuyện Nga vừa nói chỉ là nước bạn dựng hàng rào kỹ thuật đ6ẻ bảo hộ ngành sản xuất lương thực trong nước mà thôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.