Nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát và lan rộng


2006.12.23

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau một năm bị khống chế, cúm gia cầm H5N1 đã thực sự quay lại Việt Nam với nguy cơ lan rộng. Báo chí Việt Nam ghi nhận gì về tình hình đáng lo ngại hiện nay.

BirdFluDuck200.jpg
Nguy cơ lớn tìm ẩn nơi đàn thủy cầm, nhất là vịt, bởi lẽ chúng có thể mang mầm virus mà không biểu hiện ra ngoài. AFP PHOTO

Vịt chạy đồng, vịt ấp nở tạo đàn mới, bất chấp lệnh cấm tiếp tục chết hàng loạt ở một số địa phương thuộc hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Sự kiện xảy ra từ ngày 6 và ngày 7/12 vừa qua, nhưng phải đến ngày 19/12 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm mới chính thức công bố, cũng như xác định gà vịt chết là nhiễm vi rút H5N1.

Theo bài viết của Vienam Net tổng số gia cầm chết dịch gồm gần 6 ngàn con vịt thả đồng và 500 con gà, nhưng điều đáng lo ngại là bà con đã vứt xác gia cầm bệnh xúông kênh rạch trong thời gian kéo dài 5 ngày.

Khả năng phát tán rộng

Khả năng mầm bệnh đã phát tán rộng là rất lớn. Số gà vịt nằm trong vùng ảnh hưởng phải tiêu huỷ lên tới nhiều chục ngàn. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm nhận định nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cao. Trả lời Nam Nguyên, sáng 20/12 tiến sĩ Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam xác định:

“Chúng tôi đang lo chuyện dịch có thể phát ra ở các tỉnh khác. Khả năng lan từ hai tỉnh này đi tỉnh khác chỉ là một phần thôi. Bởi vì sau khi phát hiện thì áp dụng qui định không được bán gà vịt đi ra khỏi tỉnh v..v..

Thế nhưng điều chúng tôi lo là mầm bệnh vẫn tiềm ẩn ở những tỉnh khác và vi rút lưu hành trong đàn thuỷ cầm, sau nữa là vấn đề chim di trú đưa mầm bệnh đến. Hơn nữa với sự kiện ở miền bắc trời lạnh, miền nam nhiệt độ gỉam ban ngày ban đêm lạnh , đây là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm nhân lên và phát tán. Chính vì vậy nguy cơ phát ra ở các tỉnh khác chúng tôi cho là rất cao.”

Chúng tôi đang lo chuyện dịch có thể phát ra ở các tỉnh khác. Khả năng lan từ hai tỉnh này đi tỉnh khác chỉ là một phần thôi. Bởi vì sau khi phát hiện thì áp dụng qui định không được bán gà vịt đi ra khỏi tỉnh v..v..

Lén lút hoạt động

Ngày 22/12 Người Lao Động online đưa tin thêm nhiều địa phương ở Bạc Liêu có gia cầm chết. Ngoài huyện Hoà Bình là nơi bùng nổ ổ dịch đầu tiên, nay huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai cũng xảy ra tình trạng gia cầm chết hàng loạt.

Theo số liệu điều tra thì tại ổ dịch xã Vĩnh Bình huyện Hoà Bình, có đàn vịt gần 170 ngàn con phần lớn nuôi chạy đồng, và gần 8 ngàn con gà. Theo tình hình hiện nay, có khả năng toàn bộ gà vịt ở xã Vĩnh Bình sẽ phải tiêu huỷ để tránh dịch lây lan.

Chi Cục Thú Y Tỉnh Bạc Liêu cho biết số vịt nuôi mới sau ngày 1/9/2006 lên đến 60 ngàn con, vi phạm lệnh cấm ấp nở nuôi mới thuỷ cầm của chính phủ hiệu lực tới hết tháng 2/2007. Qua phát biểu của một nông dân địa phương, chúng tôi xin minh hoạ tình trạng nông dân nghèo Bạc Liêu cũng như các nơi khác ở miền Tây, vẫn phải lén lút tạo đàn vịt mới và nuôi thả đồng:

“Vịt đẻ thì người ta ấp người ta nuôi, trứng rẻ quá. Bạc Liêu Cần Thơ nuôi vịt dữ lắm, vịt nó ăn rầy hết trơn hết trọi luôn…rầy đeo lúa nó rỉa nó ăn hết trơn luôn vì thế họ mần đấy chứ. Bạc Liêu bây giờ người ta lỗ khóc luôn, người nào người nấy khóc múôn chết. Cúm gà cúm vịt nên nhà nứơc cấm, chờ đem vô bao chôn đốt, đàn nào còn thì thú y xịt thuốc dữ lắm.” Theo Người Lao Động Online, ở Bạc Liêu có tình trạng các lò ấp vịt vẫn lén lút hoạt động và bán vịt con ra thị trường. Điển hình lò ấp vịt Tân Tấn Phát ấp 15 xã Vĩnh Mỹ B là nơi người dân mua vịt về nuôi và vịt bị chết. Thú Y địa phương đã ba lần trực tiếp đến lò này tiêu huỷ tổng cộng 41 ngàn vịt con.

Cơ quan chức năng cũng rút giấy phép đóng cửa lò ấp Tân Tấn Phát, nhưng điều đáng ngạc nhiên là cơ sở này vẫn có vịt con bán ra thị trường. Ngoài ra tình trạng vịt chạy đồng vẫn tràn làn tại Bạc Liêu, ngành chức năng không sao kiểm soát nổi.

Lý do không hợp tác

Theo Tuổi Trẻ Online, Tỉnh Cà Mau thì Huyện Trần Văn Thời phải tiêu huỷ 17 ngàn con gia cầm ở xã Khánh Hưng. Nhưng trong hai ngày 20 và 21/12 người dân không hợp tác, vịt lại thả đồng, nên cán bộ chỉ thu gom được có 27 con vịt trên tổng số 17 ngàn con cần phải tiêu huỷ theo lệnh. Lý do để người dân không hợp tác vì họ rất nghèo, vịt nuôi mới và thả đồng là trái lệnh chính phủ, nên chính quyền tỉnh cũng lúng túng chưa nói gì tới chuyện đền bù tiêu huỷ. Một vấn đề nữa là vịt nuôi trái qui định cũng không được chích ngừa theo quan điểm của nhiều địa phương. Cục Phó Cục Thú Y Hoàng Văn Năm giải thích vấn đề này với chúng tôi:

Vịt đẻ thì người ta ấp người ta nuôi, trứng rẻ quá. Bạc Liêu Cần Thơ nuôi vịt dữ lắm, vịt nó ăn rầy hết trơn hết trọi luôn…rầy đeo lúa nó rỉa nó ăn hết trơn luôn vì thế họ mần đấy chứ. Bạc Liêu bây giờ người ta lỗ khóc luôn, người nào người nấy khóc múôn chết. Cúm gà cúm vịt nên nhà nứơc cấm, chờ đem vô bao chôn đốt, đàn nào còn thì thú y xịt thuốc dữ lắm.

“Có một cái khó, là gà tiêu huỷ theo qui định thì không có vấn đề gì và đã thực hiện. Nhưng đối với vịt thì đây là vịt hơn 1 tháng tuổi được ấp trái phép, và đã ấp nở trái phép thì có đền bù hay không? Còn vấn đề tiêu huỷ thì chúng tôi chỉ đạo tiêu huỷ toàn đàn và lập biên bản.

Chuyện đền bù thuộc thẩm quyền uỷ ban nhân dân tỉnh. Chính vì ấp nở trái phép nên họ cũng không tiêm phòng, trong khi chính quyền địa phương một số nơi xác định rằng vịt ấp nở trái phép thì phải tiêu huỷ không tiêm phòng, vì tiêm phòng là hợp thức hoá đàn vịt ấp trái phép. Chính vì ý kiến này mà một số đàn chưa được tiêm phòng và dẫn đến xảy ra dịch.” Tuổi Trẻ Online ngày 22/12/2006 có bài nhận định về nguy cơ dịch lan rộng đăng trong mục Thời sự suy nghĩ. Bài báo dẫn nhập, vì sao dịch cúm gia cầm tái phát tại hai tỉnh cực nam Cà Mau và Bạc Liêu, nơi cách đây chưa lâu người chăn nuôi từng lao đao bởi dịch cúm. Dù hiện chưa có cơ quan, địa phương nào đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Nhưng những gì đang diễn ra có thể thấy nguyên nhân tái phát dịch chính là do quá chủ quan trong phòng chống dịch.

Người dân chủ quan

Trước khi trở lại với mục Thời sự suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ Online, mời quí thính giả nghe nhận định của giới chức có thẩm quyền là Cục Phó Cục Thú Y Hoàng Văn Năm về chuyện đã cảnh báo trứơc mà vẫn xảy ra bùng phát ổ dịch:

“Việc xảy ra dịch tái bùng phát ở 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là một điều đáng tiếc, nhưng cũng nằm trong dự báo của chúng tôi. Bởi lẽ hiện nay nguy cơ rất là cao, và công tác phòng chống cụ thể ở các nơi, có một số địa phương làm chưa được tốt.

Do người dân chủ quan và thậm chí cán bộ cơ sở cũng chủ quan cho rằng một năm qua dịch cúm gia cầm không xảy ra nên chăn nuôi bình thường. Phải nói rằng nhận thức của người dân cũng chưa được đồng đều, một số nơi dịch xảy ra mà dân cũng chưa nắm được hết. Cái này một phần cũng do công tác truyền thông công tác của cán bộ ở các cấp cơ sở từ chính quyền cho đến chuyên môn thú y làm chưa tốt.

Cho nên người dân chưa tự giác tham gia phòng chống dịch, chưa khai báo kịp thời chưa thực hiện các qui định đặt ra. Ví dụ khi có gia cầm chết phải khai báo, rồi phải tiêu huỷ chôn hoặc đốt chứ không được vất xác bừa bãi chứ không như thời gian vừa qua. Ở đây có sự hợp tác chưa được tốt của một bộ phận nhân dân người chăn nuôi trong phòng chống dịch cúm gia cầm.”

Ý kiến của Cục Thú Y như vậy, còn Nhà Báo Tuổi Trẻ cho rằng, Tỉnh nào cũng lập ra ban bệ từ tỉnh đến xã, ấp hẳn hoi, nhưng dường như bộ máy các ban bệ ấy suốt một thời gian dài sau khi dịch bệnh được khống chế đã ngừng chạy. Và trong phần lớn các cuộc họp của ngành nông nghiệp các địa phương hiếm khi nghe nhắc đến chuyện phòng chống dịch cúm gia cầm, đơn giản là vì tư tưởng cho rằng đã khống chế được dịch rồi nên việc tái phát dịch cúm gia cầm là tất yếu.

Chính quyền chậm chạp

Do người dân chủ quan và thậm chí cán bộ cơ sở cũng chủ quan cho rằng một năm qua dịch cúm gia cầm không xảy ra nên chăn nuôi bình thường. Phải nói rằng nhận thức của người dân cũng chưa được đồng đều, một số nơi dịch xảy ra mà dân cũng chưa nắm được hết. Cái này một phần cũng do công tác truyền thông công tác của cán bộ ở các cấp cơ sở từ chính quyền cho đến chuyên môn thú y làm chưa tốt.

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, tình hình không chỉ vậy, sự chỉ đạo không quyết liệt, nếu không múôn nói là ngập ngừng, của chính quyền các tỉnh còn thể hiện rõ ngay cả thời điểm dầu sôi lủa bỏng dịch tái phát trở lại. Tại Bạc Liêu, dịch đã xuất hiện ở năm điểm khác nhau làm gia cầm chết hàng loạt từ ngày 7/12 nhưng mãi cả tuần sau chính quyền và ngành thú y mới biết và cho tổ chức lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Tại Cà Mau gà vịt chết được được người dân vứt bùa ra sông rạch từ những ngày đầu tháng này nhưng chính quyền và ngành thú y vẫn im hơi lặng tiếng. Vào khi Sở NN &PTNT Cà Mau yêu cầu địa phương và ngành chức năng tiêu huỷ số gà vịt chết ở Rạch Lùm A và Rạch Lùm B , theo tờ Tuổi Trẻ cho đến sáng 20/12 người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thông tin tiêu huỷ nên cứ thản nhiên vứt xác gà vịt chết ra sông.

Theo nhà báo nguyên do của sự chậm trễ được xác định là do chính quyền và ngành thú y lúng túng trong việc triển khai các biện pháp tiêu huỷ, dập dịch. Một cán bộ có trách nhiệm ở thú y vùng sau khi kiểm tra tại vùng dịch xã Khánh Hưng tỉnh Cà Mau trở về đã tỏ ra sốt ruột với nhận xét mà báo Tuổi Trẻ trích thuật. Cán bộ này nói rằng nếu chính quyền các tỉnh trở bộ chậm chạp kiểu này thì nguy hiểm quá.

Cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều quận huyện ở TP.HCM vẫn còn thờ ơ trứơc dịch cúm gia cầm tái phát. Báo SGGP Online ngày 22/12 báo động gà vịt sống nguyên lông mua bao nhiêu cũng có. Theo tờ báo đến thời điểm này hầu hết các chợ ở các khu vực quận huyện vùng ven, tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra tấp nập, công khai.

Ở chợ Ngã Tư Bốn Xã cũng như Bình Hưng Hoà, Vĩnh Lộc, các chợ tự phát ở Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp, dọc tuyến đường Lê Văn Quới, có 6 điểm buôn bán, cung cấp gà vịt mỗi ngày hàng trăm con.

Nhà báo còn ghi nhận tình trạng lén lút cung cấp gà còn sống ngay tại các chợ trong thành phố như chợ Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình, Cợ Cầu, đường Quang Trung Gò Vấp, thoả thuận giá cả rồi người bán về nhà làm thịt rồi mang ra. Khu vực các chợ 6,8,11 Tân Phú thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán công khai.

Thưa quí thính giả qua những gì các báo điện tử loan tải, mối nguy bùng phát cúm gia cầm trên diện rộng và sẽ có người nhiễm bệnh như những năm 2004-2005 có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.