Bùi Phương Phoenix và hội Foundation for the Children of Vietnam


2007.10.01

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều hội từ thiện độc lập, được thành lập bởi những người Mỹ gốc Việt, đang hết lòng giúp đỡ cho những người nghèo khổ ở Việt Nam, nhất là các trẻ em mồ côi. Đối với họ, Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo, cho dù có sự thay đổi về kinh tế, nhưng đa số dân chúng vẫn lầm than cơ cực, nhất là dân cư ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

HopeAdCanThoOrphanage200.jpg
Các trẻ em mồ côi ở Cần Thơ. Photo provided by Bui Phuong. >> Xem hình lớn hơn

Một trong những tổ chức được đánh giá là có uy tín và hàng năm, giúp cho cả ngàn trẻ em mồ côi cùng các em thuộc gia đình nghèo ở Việt Nam, là hội Foundation For The Children Of Vietnam, xin tạm dịch Hội Bảo Trợ Trẻ Em Việt Nam. Người đang điều hành hội từ thiện này là chị Bùi Thanh Phương, tên Mỹ là Bui Phoenix. Trang Phụ nữ kỳ này xin dành để nói về người phụ nữ đặc biệt này.

Chị Bùi Thanh Phương sinh ở Nha Trang. Biến cố 30-4 xảy đến, cả gia đình chị theo dòng người di tản sang Hoa Kỳ và định cự tại bang Tennessy. Lúc đó chị vừa tròn 9 tuổi. Vì hoàn cảnh, ít khi chị có dịp sinh hoạt với cộng đồng người Việt nên tiếng Việt cũng bị hạn chế. Sau khi tốt nghiệp bằng cao học về sinh vật tại North Carolina chị chuyển về sinh sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn và lấy bằng luật tại trường American University.

Do hoàn cảnh bất ngờ

Hiện nay, chị đang làm việc tại Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Theo lời chị cho biết, chị tham gia vào Hội Foundation For Children Vietnam và bây giờ trở thành người điều hành là do hoàn cảnh hết sức bất ngờ.

Số là vào năm 1998, khi thân mẫu của chị về thăm Việt Nam, bà Vương Ngọc Diệp, nhận thấy có quá nhiều trẻ em nghèo đói, lang thang đầu đường xó chợ, bà trở về Mỹ và muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em. Chúng ta hãy nghe ông James Hoursel, người đồng sáng lập Hội kể lại:

“Hội này được thành lập là do mẹ của một người bạn tôi. Đó là cô Bùi Phương, bây giờ là người đang điều hành Hội. Năm 1998, mẹ của cô về Việt Nam và chỉ cho tiền những đưá trẻ ăn xin. Sau đó, bà nhận thấy rằng cần phải giúp cho các trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em mồ côi.

Hội này được thành lập là do mẹ của một người bạn tôi. Đó là cô Bùi Phương, bây giờ là người đang điều hành Hội. Năm 1998, mẹ của cô về Việt Nam và chỉ cho tiền những đưá trẻ ăn xin. Sau đó, bà nhận thấy rằng cần phải giúp cho các trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em mồ côi.

Bà quyết định làm một việc gì đó và qua cô Bùi Phương, bà biết tôi đã có kinh nghiệm điều hành tổ chức giúp đỡ trẻ em người Trung Mỹ trên toàn thế giới. Vì thế, bà đã nhờ tôi giúp thành lập một Hội để giúp cho trẻ em Việt Nam.

Tôi cũng rất quan tâm đến việc giúp đỡ các trẻ em trên toàn thế giới nên tôi đã nhận lời. Tôi đã giúp họ lo thủ tục hành chính để những khoản tiền trao tặng được hoàn miễn phí. Và từ đó, tôi cũng giúp quyên tiền cho Hội luôn.”

Sau khi thân mẫu qua đời, chị Bùi Phương lúc bấy giờ đang có 3 con nhỏ, lại còn đi làm toàn thời gian, và mới bắt đầu theo học chương trình về luật. Ở hoàn cảnh như thế, khó có ai có thể đứng ra gánh vác công việc của Hội, nhất là lo việc tìm tiền để tiếp tục giúp cho các em nghèo và mồ côi bên quê nhà. Nhưng, với lòng hiếu thảo, chị quyết tâm thực hiện mong ước của mẹ. Chị kể lại:

“Hội làm việc được hai năm thì má Phương mất, khi ông Jame House hỏi Phương muốn đóng cửa Hội hay tiếp tục, thì Phương muốn tiếp tục vì đó là tâm nguyện của má. Lúc đầu, khi má Phương muốn làm thì Phương nói rằng “con bận lắm, không có thì giờ để giúp vì vừa đi làm full time (toàn thời gian) vừa có 3 đưá con” nhưng sau khi má mất thì mình phải ráng để tiếp tục theo ý muốn của bà.

Lúc đó, Phương còn đi học luật nữa. Rất khó có thời gian để lo cho Hội. Khó khăn khác nữa là mình không quen biết nhiều người, đi tìm tiền rất khó. Sự cần thiết cho Việt Nam rất to lớn mà tiền thì kiếm rất ít. Phương phải đi xin bạn bè, những người làm chung…

Lúc đầu chỉ có một nhà mồ côi, nhưng rồi lại gặp viện mồ côi khác nữa, cần mình thêm nữa…mấy đưá bị tàn tập, rồi thêm các em đi học mà thiếu thốn, không đủ ăn..tiền thì vô không bao nhiêu mà sự cần thiết ở bên Việt Nam nhiều quá. Nhưng sau cùng mình cũng biết cách để làm sao kiếm tiền như fund raising, mở tiệc, bán đồ..”

Kinh phí hoạt động

Theo lời chị cho hay, vì để làm sao những đồng tiền của các ân nhân gửi tặng đến thẳng các trại mồ côi hay những gia đình nghèo được trọn vẹn, chị phải cố gắng giảm thiểu tối đa chi phí văn phòng của Hội. Chị kể tiếp:

“Hiện nay có 20 người tình nguyện. Những người bên Mỹ thì ai cũng đi làm toàn thời gian, khi nào Phương cần thì người này giúp, người kia giúp…rồi cũng xong. Ở bên Mỹ thì chỉ lo kiếm tiền thôi, còn ở Việt Nam thì họ làm cực hơn vì họ phải đi từ viện mồ côi này, đến viện mồ côi khác, hai ba tháng phải trở lại kiểm soát.

HopeAdTeacherOrphanage200.jpg
Em bé mồ côi và cô giáo. Photo provided by Bui Phuong. >> Xem hình lớn hơn

Ở Việt Nam có 3 người làm và đều volunteer hết. Không ai được trả tiền hết. 100% tiền vô là để giúp cho các em bên Việt Nam. Tiền tem gửi thư cũng phải tự bỏ ra nữa, không lấy tiền của Hội…”

Khởi đầu từ ngôi chùa mang tên Bửu Trí ở Cần Thơ với vài chục các em cô nhi, cho tới nay, mỗi năm, Hội đã giúp cho hàng ngàn trẻ em mồ côi hay các em thuộc gia đình nghèo. Bằng nhiều hình thức khác nhau, chị Bùi Phương đã nảy ra nhiều sáng kiến để công việc giúp đỡ các em có hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, bảo trợ lương thực cho các em đang điều trị tại bệnh viện, mua xe lăn cho các em mồ côi bị tàn tật, mua sữa cho các em bé, lắp đặt hệ thống nước cho các vùng ở gần sông rạch để trẻ em được dùng nước sạch. Ngoài ra, còn cộng tác với các tổ chức khác để xây trường học ở vùng sâu, vùng xa. Khi hỏi thăm chị về dự án cho năm tới, chị cho biết: “Dự án kế tiếp là giúp trẻ em ở vùng Sapa, có tuyết, trời lạnh, năm vừa qua, ở một làng trên đó có 35 trẻ em dưới 1 tuổi. Qua mùa đông vừa qua, có 17 đưá bị chết vì lạnh, vì không đủ ăn. Các em trên đó muà đông vẫn đi chân không, không có nón đội…

Hội của Phương cùng với một Hội nữa sẽ giúp cho các em trên đó. Năm nay sẽ làm sao không có một em nào chết nữa. Hội sẽ mua giầy, vớ, găng tay, sữa, mền.. cho các em ở Sapa. Tính ra khoảng 6000 dollars để mua hết đồ cho các em. “

Tấm lòng quảng đại

Mỗi ngày, mặc dù tất bật với công việc tại sở làm, rồi lo chăm sóc cho 3 con nhỏ, nhưng chi vẫn dành thời gian còn lại hết cho Hội. Vì thế, những người sinh hoạt chung trong Hội rất khâm phục chị, ông James Hoursel nói:

“Cô ấy là một người thật tuyệt vời. Cô ấy đã dành hết thời gian của mình, ngoài giờ làm việc, để hoàn thành các dự án giúp cho các trẻ em mồ côi ở Việt Nam. Nói tóm lại, cô ấy đã bỏ tất cả công sức của mình để lo cho Hội mà mẹ cô đã thành lập.

Cô có nhiều sáng kiến để làm sao 100 % số tiền nhận được từ các nhà hảo tâm sẽ đến tận tay các em mồ côi. Chính vì thế, tất cả chúng tôi đều làm việc thiện nguyện để giúp cho cô, không lãnh đồng lương nào cả.”

Riêng cô Michelle Horning, một người bạn của chị Bùi Thanh Phương, cũng là người hay giúp chị Phương tổ chức gây quỹ thì nhận xét về chị:

Khi Phương và tôi trở thành bạn thân , tôi bắt đầu nhận ra nơi cô ầy lòng quảng đại, sự hy sinh cho trẻ em, và tôi tham gia vào Hội của cô ấy được một năm rồi. Tôi đã tham gia rất nhiều sinh hoạt của Hội và học hỏi rất nhiều điều tốt đẹp nơi cô ấy.

“Khi Phương và tôi trở thành bạn thân , tôi bắt đầu nhận ra nơi cô ầy lòng quảng đại, sự hy sinh cho trẻ em, và tôi tham gia vào Hội của cô ấy được một năm rồi. Tôi đã tham gia rất nhiều sinh hoạt của Hội và học hỏi rất nhiều điều tốt đẹp nơi cô ấy.

Chẳng hạn như sự cho đi mà không đòi hỏi điều kiện gì. Cô ấy là một người thật tốt lành mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Cô ấy chỉ biết cho đi, cho đi và không đòi hỏi gì cả. Cô ấy thật là tuyệt vời.”

Trở lại với chị Bùi Thanh Phương, chị cho biết rằng sau hai lần về thăm Việt Nam vào tháng giêng năm 2006 và 2007, chị nhận thấy rằng ở Việt Nam khoảng cách giữa giầu và nghèo càng ngày càng sâu rộng.

Nhiều sự bất công đối với người nghèo chưa được giải quyết thoả đáng, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, nên thậm chí, có gia đình ở nông thôn bế con lên bệnh viện thành phố để chữa bệnh, nhưng cuối cùng, chỉ vì không có tiền, và không được trợ cấp của nhà nước nên rồi đành ôm xác con trở vể quê nhà. Chị nói:

“Việt Nam sao mà nghèo quá. Có một lần, Phương đang ngồi ăn phở ở vỉa hè, có một em khoảng 8 tuổi tới hỏi “cô ơi cho con đánh giầy” Em nghe mà muốn khóc vì mình cũng có đưá con cùng tuổi như thế, sao mà đời sống con mình và đưá bé đó nó khác xa quá…

Bên Việt Nam thì có những người giàu thì rất giàu, người nghèo thì quá nghèo. Phương chỉ mong sao tất cả trẻ em Việt Nam mồ côi và các em ngheò mai đây sẽ được sống hạnh phúc, đầu đủ và được đến trường như những em khác, bởi vì đối với Phương và Hội Foundation For Children of Vietnam thì tất cả các trẻ em đều phải nên có một tương lai tốt đẹp.”

Quí vị và các bạn vừa nghe câu chuyện của chị Bùi Thanh Phương, người phụ nữ đang điều hành tổ chức Foundation For Children Việt Nam. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây và hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.