WTO và Trợ cấp bông Mỹ
2004.06.22
Hôm Thứ Sáu 18, sau khi Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO tái phán quyết là việc Hoa Kỳ trợ cấp bông vải nội địa đã gây thiệt hại cho nông gia Brazil, giới chức Ngoại thương Hoa Kỳ lập tức cho biết họ sẽ kháng án. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định rằng đây là cơ hội thương thảo có lợi cho các nước nghèo, nếu họ biết kịp thời khai thác.


Thy Nga: Thưa ông, Thứ Sáu vừa qua, Tổ chức WTO cho biết họ giữ nguyên phán quyết ban đầu là việc Hoa Kỳ trợ cấp cho giới trồng bông vải tại Mỹ đã phương hại đến nông gia xứ Brazil. Hoa Kỳ lập tức phản bác quyết định này. Đầu đuôi câu chuyện ra sao, xin ông lược thuật cho thính giả cùng rõ, trước khi chúng ta nói về hậu quả của sự việc này...
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tổ chức Ngoại thương Thế giới, được gọi tắt theo Anh ngữ là WTO, là một câu lạc bộ các nước cùng thỏa thuận với nhau về nguyên tắc tự do mậu dịch, tự do ngoại thương, nghĩa là trao đổi buôn bán với nhau theo quy luật cung cầu, không có sự can thiệp của nhà nước để hạn chế xuất nhập khẩu. Tổ chức này cũng là định chế hòa giải tranh chấp về ngoại thương giữa các hội viên. Năm ngoái, Brazil đã khiếu nại với WTO là Hoa Kỳ có chính sách trợ cấp giới trồng bông và gây thiệt hại cho nông gia của họ.
Brazil cho biết là cụ thể trong hai năm 2001 và 2002, nông gia Mỹ nhận được bốn tỷ đô la trợ cấp, trong khi sản lượng bông vải Mỹ của hai năm đó chỉ lên tới ba tỷ. Vì được trợ cấp nên nông gia Mỹ bán bông ra thị trường thế giới dưới giá thành, làm nông gia Brazil cạnh tranh không nổi và bị thiệt khoảng 600 triệu đô la. Tháng Tư vừa rồi, WTO cho biết là Brazil có lý và họ vừa tái khẳng định phán quyết đó hôm 18 vừa qua. Ngay sau đó, phát ngôn viên của phía Hoa Kỳ cho biết rằng “quyết định trợ cấp nông sản Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật lệ của WTO.” Tuy nhiên, ông Richard Mills này nói tiếp: “giải pháp hay nhất để khắc phục mọi lệch lạc là qua đàm phán trong khuôn khổ WTO.” Câu nói đó mới là đáng chú ý.
Hỏi: Vì sao là một nước luôn luôn đề cao tự do mậu dịch, Hoa Kỳ vẫn còn có chính sách trợ cấp ấy để các nước khác phải khiếu nại?
Ðáp: Quốc gia nào cũng đề cao tự do mậu dịch, nhưng là tự do trong lãnh vực có lợi cho mình, và còn lại thì tìm cách can thiệp vào giá cả hoặc cản trở nhập khẩu, nhằm nâng đỡ một thành phần sản xuất nào đó trong xã hội. Hoa Kỳ không là trường hợp duy nhất. Các nước Âu châu hay Nhật Bản và nhiều nước nghèo khác cũng tìm ra lý do này nọ để kín đáo bảo hộ mậu dịch. Thay vì nói đến mậu dịch tự do, họ nói đến mậu dịch công bằng.
Vụ trợ cấp bông vải là tranh chấp lớn suýt gây tan vỡ cho vòng đàm phán Doha vào năm ngoái và ngay từ đầu năm nay phía Hoa Kỳ đã kín đáo bật tín hiệu cho biết là họ có thể sẽ thương thảo về vụ này. Do đó, ngược với phản ứng bi quan của dư luận nhiều nơi, câu nói của phát ngôn viên thương mại Mỹ hôm Thứ Sáu có thể báo hiệu một cơ hội mới.
Hỏi: Vì ông cho rằng Hoa Kỳ có thể sẽ bãi bỏ việc trợ cấp này trong tương lai?
Ðáp: Ta không quên năm nay là năm tranh cử lớn tại Mỹ, và phía Dân chủ luôn có xu hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn phía Cộng hòa. Chính quyền của Tổng thống Bush bị đả kích là vì chủ truơng tự do ngoại thương nên không bảo vệ công ăn việc làm cho công nhân thợ thuyền Mỹ. Lý luận đó sai về kinh tế nhưng hấp dẫn về chính trị, nên ông Bush không thể không chứng tỏ là mình cũng quan tâm đến quyền lợi của cử tri trong một số lãnh vực hay địa phương.
Tuy nhiên, nếu xét tới quan hệ giữa mậu dịch và tranh cử riêng về địa hạt bông vải thì năm tiểu bang có diện tích trồng bông lớn nhất đều có thể theo đảng Cộng hòa, tức là bỏ phiếu cho ông Bush vào tháng 11 này. Đó là Texas, Georgia, Mississippi, Arkansas và North Carolina. Trong hơn một chục tiêu bang nóng, tức là bất phân thắng bại, thì chỉ có Tennessee và Missouri là có trồng bông, nhưng không nhiều để việc trợ giá hay không sẽ ảnh hưởng tới lá phiếu cử tri.
Vì lý do đó, ta nên tin là sau khi khăng khăng bảo vệ quyền lợi nông gia trồng bông, cuối cùng Hoa Kỳ cũng sẽ nhượng bộ. Phán quyết của WTO cho chính quyền Bush một lý đo chính đáng để giải thích với cử tri trồng bông vải về việc chấm dứt trợ cấp. Ngoài ra, còn yếu tố nữa là chính quyền Bush cũng không muốn bị mang tiếng là làm tan vỡ vòng đàm phán Doha về mậu dịch.
Hỏi: Ông đã nhắc đến vòng đàm phán đó thì xin khai triển thêm cho thính giả cùng rõ.
Ðáp: Thưa vâng, tháng 11 năm 2001, tức là đúng hai tháng sau vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ, hơn 140 nước hội viên của WTO đã có phiên họp cấp Bộ trưởng tại Doha của xứ Qatar ở vùng Vịnh. Mục tiêu là để thúc đẩy tự do mậu dịch giữa các nước, với hạn kỳ là vào đầu năm 2005 này, cũng là khi Việt Nam có thể gia nhập WTO, vì vậy ta mới nên chú ý. Từ hội nghị Doha đó các nước mới thỏa thuận mở ra hàng loạt đàm phán để khai thông bế tắc, hạ thấp hàng rào quan thuế và hạn ngạch nhập cảng.
Vòng đàm phán đó lại gặp trở ngại lớn, gần đi tới tan vỡ tại hội nghị Cancun hồi tháng Chín năm ngoái. Nguyên do chính vẫn là phản ứng khá gay gắt của các nước nghèo đối với chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước giầu, trong đó có Hoa Kỳ, nhất là việc trợ giá nông phẩm. Sau vụ đó, các nước nghèo tưởng là thắng lớn nhưng thực ra đó chỉ là thắng lợi biểu kiến và lần này, nếu phía Mỹ đồng ý sẽ thương thảo về vụ bông vải, có lẽ các nước đã có cơ hội thuận tiện nhất để tìm thành quả thật. Hoa Kỳ hiện muốn có một số kết quả ở vòng Doha trước khi tới hạn kỳ 2005 nên có thể sẽ có nhượng bộ, nhưng không dễ dàng và toàn diện đâu.
Hỏi: Nghĩa là Mỹ đồng ý thương thảo về bông vải, nhưng không phải là vô điều kiện?
Ðáp: Tôi thiển nghĩ như vậy. Vừa rồi, ta nói đến bông vải và tranh cử tại Mỹ. Nhìn qua một bên ta thấy kỹ nghệ đường và một tiểu bang sinh tử cho cả hai đảng là Florida. Bỏ trợ cấp giá đường, ông Bush có khi sẽ thất cử vì Florida là nơi lần trước ông chỉ thắng với 537 lá phiếu. Nếu biết vậy thì các nước nên đòi những gì đòi được. Mở trận chiến bông vải thì có thể thắng, chứ tấn công vào việc trợ giá đường là đi vào bế tắc.
Ngoài ra, hai nhân vật chủ chốt về ngoại thương của Mỹ và Âu châu là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick và Ủy viên Ngoại thương Âu châu Pascal Lamy đều sẽ sớm hết nhiệm vụ để có một vai trò chính trị lớn hơn nên cũng muốn hoàn thành một số việc tích cực trong vòng đàm phán Doha trước khi ra đi. Ngược lại, nếu việc thương thảo trở thành gay gắt và dẫn tới bế tắc trong vài tháng tới, thì cho ăn kẹo họ cũng không lùi, nhất là trong mùa bầu cử tại Mỹ: nông gia phản đối vì mất trợ cấp thì đảng Dân chủ có thể thắng, lúc đó, các nước nghèo sẽ còn mệt hơn vì gặp một chính quyền bảo hộ mậu dịch còn nặng hơn. Việt Nam nên đặt vấn đề dệt sợi hay cá da trơn của mình trong hoàn cảnh đó và không quên rằng áp lực bảo hộ đến từ các đại diện dân cử bên đảng Dân chủ hơn là bên đảng Cộng hòa.
Hỏi: Sau khi duyệt qua khung cảnh chung, theo ông nghĩ, các nước nghèo sẽ phải làm gì trong thời gian tới?
Ðáp: Chúng ta nói đến các nước nghèo là để so sánh với các nước công nghiệp, chủ yếu là Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản, chứ trong cộng đồng các nước đang phát triển, ta cũng thấy rất nhiều dị biệt về mức sống, về trình độ phát triển và về những mục tiêu ưu tiên. Mọi người đều biết là các nước giầu hiện vẫn chi ra cả trăm tỷ đô la để nâng đỡ nông gia của họ, nếu đòi hỏi bãi bỏ toàn bộ hệ thống trợ giá nông phẩm ấy thì mọi đàm phán đều tan vỡ và các nước sẽ mất nhiều năm nữa để tái thương thảo trong một vòng đàm phán khác.
Vấn đề vì vậy là các nước đang phát triển phải sớm phối hợp hành động, căn cứ trên những ưu tiên của mình và những gì mà phía Hoa Kỳ có thể nhượng bộ. Khi Đại sứ Robert Zoellick cho biết từ đầu năm là việc trợ cấp bông vải là đề tài có thể thảo luận thì đó là một chỉ dấu thuận tiện. Ông ta muốn có thành quả, ngành bông vải không nằm trong địa hạt sinh tử cho bầu cử, WTO lại cho Hoa Kỳ lý do giải thích với nông gia trồng bông Mỹ thì đấy là nơi mà các phe liên hệ có thể khai thông được vấn đề. Các nước có lợi thế nhất vì cạnh tranh mạnh về bông vải là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Phi.
Đây là thời cơ có lợi cho họ vì vậy mà người ta có thể lạc quan với cơ hội trước mắt. Trái lại, nếu muốn nhân đây đòi hỏi tối đa nhượng bộ thì vòng đàm phán Doha sẽ bế tắc và vài ba năm nữa, các nuớc vẫn tranh cãi về bông vải, trong khi nông gia các xứ nghèo tiếp tục bị thiệt hại. Nếu cứ đòi “được ăn cả, ngã về không” thì có khi sẽ ngã mất mấy năm nữa.
Thy Nga: Và ông cho rằng đấy cũng là điều mà Việt Nam nên quan tâm, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vừa rồi, ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là Raymond Burghardt nhận định rằng Việt Nam có hy vọng gia nhập tổ chức WTO theo đúng thời hạn là vào đầu năm tới. Tôi cũng mong vậy nhưng không được lạc quan như vậy vì Việt Nam còn phải khai thông quá nhiều ách tắc trong cơ chế kinh tế của mình trước khi đủ sức hội nhập vào trào lưu trao đổi trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khi đã thành hội viên WTO rồi, mình mới thấy còn rất nhiều vấn đề cụ thể và phức tạp phải giải quyết về mặt ngoại giao, luật lệ và kỹ thuật đồng thời việc hội nhập cũng tạo ra những thách đố mới, trước đây mình không gặp. Ăn thua là ở tốc độ cải cách và học hỏi. Việc các nước nghèo có thể liên kết với nhau để khai thác cơ hội đàm phán về bông vải có thể là một kinh nghiệm mà Việt Nam nên theo dõi và học hỏi.