Giá cả thị trường tăng cao gây khó khăn cho đời sống người dân
2004.07.01
Nam Nguyên Tình hình giá cả tiêu dùng ở Việt Nam tiếp tục gia tăng gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân, liệu chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện những biện pháp nào để giải quyết tình trạng nguy hiểm hiện nay.


Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2004 ở Việt Nam có thể leo thang từ 10 tới 12%, đây là dự báo cao nhất trong số các dự báo được đưa ra trong vòng 10 ngày vừa qua, theo các nguồn tin từ trong nước mà chúng tôi ghi nhận được.
Đối với dân chúng đặc biệt là những người làm việc ăn lương thì thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngân sách gia đình không còn đủ chi phí cho sinh họat thường ngày. Chính phủ thì chưa loan báo một biện pháp nào rõ rệt nhằm bình ổn giá, nghĩa là giữ cho khỏi tăng nhanh thêm nữa, chứ một khi giá cả đã lên ít khi nào giảm được trở lại.
Cho tới lúc này, đại bộ phận công chức nhà nứơc đều được biết rằng tới tháng 10 sẽ có một đợt tăng lương, nằm trong khuôn khổ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, qua việc khóan quĩ lương, biên chế lại lực lượng lao động và áp dụng thang bậc lương mới. Tuy vậy với các đợt tăng giá liên tiếp trong 6 tháng vừa qua, khiến ông Mai Quốc Bình trưởng đòan đại biểu quốc hội đơn vị TP.HCM nguyên là một phó chủ tịch của thành phố cũng phải nhìn nhận rằng đồng lương công chức dù sau khi tăng cũng sẽ không đủ nuôi gia đình.
Còn ông Tào Hữu Phùng phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế ngân sách quốc hội thì e ngại rằng, đợt tăng lương tháng 10 sẽ chẳng còn mang ý nghĩa thiết thực nếu như vật giá tiếp tục leo thang như hiện nay. Công chức nhà nước cũng tỏ ra có nhiều bức xúc về vấn đề này như phát biểu của một người làm việc ăn lương ở Hà Nội, liên quan đến chuyện cải cách tiền lương: (audio clip)
Một bạn trẻ ở TP.HCM thì đi vào vấn đề một cách cụ thể hơn khi cho rằng tăng lương kiểu nào cũng không đủ bù phần tăng giá, khi mà tất cả các thứ hàng hóa thiết yếu và dịch vụ tiện ích đều tăng giá: (audio clip)
Ngày 27/6 trong chuyến thăm Hà Nội, tân Tổng Giám Đốc Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế ông Rodrigo de Rato tuyên bố trên báo chí rằng, Việt Nam nên kiềm chế lạm phát trứơc khi quá muộn, trước câu hỏi của Tin Nhanh Việt Nam là mức tăng giá tiêu dùng ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có thực sự là một vấn đề nguy hiểm hay chưa.
Người đứng đầu Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế nhận định rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao như hiện nay cần đặc biệt cảnh giác với lạm phát bởi nếu không chuẩn bị, đến khi lạm phát đạt đến một mức độ nào đó, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế gây nguy hại cho cả quốc gia, đồng thời tạo cho các nhà đầu tư ở nứơc ngòai có cái nhìn không tốt về Việt Nam.
Theo ông Rodrigo De Rato, Ngân Hàng Nhà Nứơc Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm chính khi đưa ra các biện pháp đối phó với lạm phát, trong đó là giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng. Ngòai ra cần có các chính sách hỗ trợ khác như tài khóa tốt, cải cách kinh tế cải cách hành chánh, cân đối cung cầu, tuy nhiên ông Rodrigo De Rato nhấn mạnh là chính sách tiền tệ là then chốt.
Nhã lãnh đạo IMF khuyến cáo như vậy, còn các giới chức Việt Nam nhìn nhận vấn đề của nước mình như thế nào. Ngày 28/6 thống đốc Ngân Hàng Nhà Nứơc Lê Đức Thúy tuyên bố trên Việt Nam Express rằng, tăng giá tiêu thụ không đồng nghĩa với lạm phát. Ông cho rằng chưa cần thiết để điều chỉnh lãi suất, còn các tổ chức tín dụng thì tùy theo điều kiện thực tế để đưa ra mức lãi suất thích hợp. Ông Thúy thêm rằng cần kiểm sóat mức tăng trưởng tín dụng để tránh tình trạng tín dụng quá nóng.
Trong khi đó tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn bộ kế họach và đầu tư thì nhận định rằng chỉ số giá cả là thứơc đo lạm phát, nhưng giá cả tăng lại do rất nhiều nguyên nhân hình thành. Ông Lê Đăng Doanh tuyên bố rất dí dỏm đối với liệu pháp thắt chặt tiền tệ hoặc tăng lãi suất, ông nói không ai có thể tin được rằng thắt chặt tiền tệ lại có thể hạ giá thịt bò xúông 50 ngàn đồng một kí như trứơc, hay có thể làm giá xăng dầu, giá phôi thép, giá vàng hạ xuống.
Trở lại thực tế ở Việt Nam, thời gian tới được xem là hết sức khó khăn như nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa một cộng tác viên của ban Việt Ngữ: (audio clip)
Với tình hình hiện tại , khi việc tăng giá xăng dầu thật sự thấm vào mọi ngành sản xuất và dịch vụ, cùng với đợt tăng lương tháng 10 sắp tới, giá sinh họat ở Việt Nam sẽ còn nhiều biến động khó lòng dự báo, Đời sống người dân sẽ thập phần khó khăn.