Doanh nghiệp Dệt may kêu khổ, xin đừng thay đổi cách cho quota nữa

Lê Dân Chiều thứ Tư tuần qua vừa qua, hơn 150 doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam họp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải kêu với bộ Thương mại rằng "doanh nghiệp khổ lắm rồi, xin đừng thay đổi nữa". Đã khổ đến đâu và thay đổi cách cấp quota xuất hàng sang Mỹ có giúp ích hay làm hại thêm cho họ.

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Hầu như hội nghị không có đủ thời gian cho tất cả mọi doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam được trình bày các bức xúc của họ. Ai cũng bày tỏ sự thắc mắc, lo ngại trước phương án tập trung quota cho các doanh nghiệp lớn mà bộ trưởng Trương Đình Tuyển đưa ra, nói là để thăm dò ý kiến doanh nghiệp.

Trước nay, chuyện phân bổ hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đã là một câu chuyện dài. Độc giả Lê Mạnh Toàn của tờ báo mạng VnExpress hôm thứ bảy vừa qua đã gởi thơ và được tờ này đăng có đoạn viết rằng "cách thức phân bổ hạn ngạch của bộ Thương mại còn gây trở ngại nhiều hơn cho doanh nghiệp và theo như tôi được biết thì nhờ những trở ngại đó mà có nhiều cán bộ của bộ Thương mại mới kiếm được tiền của doanh nghiệp".

Một vị lãnh đạo doanh nghiệp dệt tư nhân cũng than phiền là dù có phân bổ quota nhưng bộ cũng chẳng áp dụng triệt để, mà vẫn có thể "linh động" được: "Bộ Thương mại cũng không phân theo đúng cái hệ số mà đã nói. Dạ chắc chắn là như thế. Có đưa ra cái hệ số đó nhưng mà không tuân theo, Khi mà phân cũng không tuân theo..."

Tại hội nghị góp ý về đề nghị của bộ trưởng Trương Đình Tuyển tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều thứ Tư vừa qua, giám đốc công ty cổ phần May Xuất khẩu Long An đã nói thay tâm tư của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Xí nghiệp may Vitexco cho biết rất ngạc nhiên trước đề xuất phương án 2 đó.

Doanh nghiệp này bực bội cho biết chính nhờ họ xuất vào thị trường Hoa Kỳ nên mới lập được thành tích hạn ngạch trong Hiệp định Dệt may Việt-Mỹ, bây giờ bộ đề xuất phương án 2 chính là tước đoạt thành tích của doanh nghiệp Vitexco.

Trong thơ gởi Hiệp hội Dệt May và các doanh nghiệp, bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra hai cách phân phối quota dệt may vào thị trường Mỹ. Cách thứ nhất là giữ nguyên cách phân phối hạn ngạch như hiện nay, đồng thời điều chỉnh các hệ số nếu cần thiết. Theo ông thì cách này sẽ khiến việc giao quota bị phân tán, dẫn đến việc các doanh nghiệp không tìm được khác hàng, không có lợi cho ngành dệt may Việt Nam.

Cách thứ hai là tập trung quota cho những đơn vị có khả năng xuất khẩu lớn, đó là các nhà phân phối của Mỹ. Đi đôi với phương án này sẽ thiết lập mối quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp với nhau trong vùng. Mỗi khu vực sẽ có một số doanh nghiệp lớn làm trung tâm, những doanh nghiệp khác làm vệ tinh và các bên cùng chia sẻ lợi ích.

Thế nhưng tại hội nghị góp ý tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp được coi là lớn cũng rất lo lắng. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Sàigòn 3 cho biết nếu giao như phương án 2 thì Sàigòn 3 cũng vì "bội thực" mà phá sản. Lý do là khách đặt hàng đòi hỏi điều kiện nhà xưởng sản xuất gắt gao, nên không biết doanh nghiệp vừa và nhỏ nào có điều kiện nhà xưởng và phương thức quản lý đáp ứng được nhu cầu khách hàng để mà làm.

Đến khi biểu quyết, có đến 100% các doanh nghiệp dệt may phía Nam không đồng tình với phương án 2 mà kiến nghị 2 điểm thay đổi xin bộ trưởng bộ Thương mại xem xét. Hiệp hội Công thương Hà Nội chiều thứ Sáu cũng đúc kết một kiến nghị hoàn chỉnh để gửi lên Bộ Thương mại sau khi đã lấy ý kiến bổ sung của các thành viên hiệp hội đề nghị tiếp tục thực hiện phân bổ hạn ngạch theo cách đang làm kết hợp với “liên kết lỏng” giữa các doanh nghiệp.

Thừa nhận việc phân bổ hạn ngạch trong những năm qua chưa hẳn đã công bằng, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội Vũ Duy Thái vẫn cho rằng việc thực hiện cách phân bổ như vậy đã vào nền nếp, nếu thay đổi gấp như phương án mà Bộ Thương mại đang đề nghị thì sẽ đặt các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhỏ và vừa vào khó khăn.

Cuối tuần qua, sau khi nhận được những phản hồi từ Bắc đến Nam, không đồng tình với phương án 2, bộ trưởng Trương Đình Tuyển tiếp tục gởi lá thơ thứ ba đề nghị Hiệp hội Dệt May và các doanh nghiệp cân nhắc lại.

Bảo vệ quan điểm của mình, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng việc hình thành các chuỗi liên kết ngay từ bây giờ là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phải tính đến bối cảnh của năm 2005, khi mà bản đồ và dòng thương mại dệt may sẽ thay đổi, giá xuất khẩu giảm, như trường hợp các cat. hàng của Trung Quốc đã giảm giá 48% sau khi được bỏ hạn ngạch, trong khi sức ép về giá nhân công sẽ cao lên. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp không nên dựa vào thực tế xuất khẩu từ năm 2004 trở về trước.