Trị giá gia tăng quốc gia và chủ quyền kinh tế


2004.08.10

Tuần qua, khi các yếu tố ngoại nhập liên tục tác động vào nền kinh tế Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế trong nước bắt đầu đề cập tới một khái niệm mới. Đó là phần trị giá gia tăng thuần túy Việt Nam trong các sản phẩm do Việt Nam sản xuất còn quá thấp. Diễn đàn Kinh tế xin góp ý vào cuộc thảo luận này với phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Thy Nga thực hiện.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Hỏi: Thưa ông, tuần qua, các chuyên gia kinh tế trong nước, như Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài chính và Thứ trưởng bộ Tài chính, đã có cuộc trao đổi với báo Đầu Tư về mức độ đóng góp còn thấp của người Việt Nam trong các sản phẩm do Việt Nam sản xuất ra. Trước hết, ông nghĩ sao về cuộc trao đổi này?

Đáp: Cảm tưởng chung là sự vui mừng, vì trước đây, những cuộc thảo luận như vậy không thể có khi tinh thần chủ quan duy ý chí còn thống trị, ngay trong giới chuyên môn về kinh tế tài chính. Nêu ra loại vấn đề như vậy tất sẽ gặp vấn đề chính trị. Thứ hai, cuộc trao đổi đó xác nhận một điều mà ai cũng thấy dù không dám nói ra, đó là việc hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn tráng men, ở ngoài da, cho nên thực lực và chủ quyền kinh tế vẫn nằm ngoài tầm quyết định của người Việt Nam. Cốt lõi của vấn đề nằm ở đó, bây giờ, chúng ta có đề cập tới thì cũng không là sớm.

Hỏi: Một cách cụ thể, nội dung vấn đề đó là gì?

Đáp: Trong tiến trình sản xuất, ta phải kết hợp một cách có lợi nhất các yếu tố sản xuất như đất đai, tiền bạc, thiết bị máy móc, kỹ thuật, nguyên vật liệu, nhân công, v.v… để tạo ra một sản phẩm có giá trị cao hơn tổng số phí tổn cho việc sản xuất. Sai biệt giữa giá trị của sản phẩm hoàn tất và phí tổn của các phương tiện sản xuất là khoản lời về kinh tế hay tài chính. Ta có thể gọi đó là "trị giá gia tăng" hay "trị giá đóng góp". Bây giờ, nói về xuất xứ của các yếu tố sản xuất đó, thì bao nhiêu phần trăm là của Việt Nam, bao nhiêu là của nước ngoài?

Các chuyên gia trong nước nêu vấn đề là tỷ lệ đóng góp của người Việt còn quá thấp. Nôm na, ta có đất đai và công nhân mà chỉ để làm gia công cho thiên hạ nên phần lời thực sự nằm trong tay người Việt vẫn còn quá nhỏ. Một thí dụ dễ hiểu là một năm, Việt Nam xuất khẩu ra ngoài 20 tỷ Mỹ kim, nhưng, phần đóng góp của Việt Nam vẫn chưa tới 7 tỷ. Trước đây, tôi thường góp ý là từ khi đổi mới Việt Nam bắt đầu có sản phẩm mang nhãn hiệu "chế tạo tại Việt Nam", mà chưa có nhiều sản phẩm thực sự là "của Việt Nam", "products of Vietnam".

Chế tạo tại Việt Nam do thiên hạ đem phương tiện sản xuất vào làm ở nước ta, họ mà đem qua xứ khác thì ta hết, hoặc chẳng còn gì nhiều. Trị giá đóng góp đích thực của quốc gia vẫn còn quá thấp. Thực tế thì chủ quyền kinh tế vẫn nằm ngoài tầm tay người Việt. Dân ta chỉ đi làm công và bị yếu tố ngoại nhập chi phối rất mạnh.

Hỏi: Từ 15 năm nay Việt Nam đã mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài và thấy là lợi cũng có mà hại cũng có, nếu vậy thì cốt lõi vấn đề này nằm ở đâu?

Đáp: Nằm ở một sự thật là ta không thể chủ quan đơn giản hóa vấn đề, và đi từ thái cực này qua thái cực khác. Sau khi tự hào là giành được độc lập, Việt Nam có lúc tưởng rằng mình sẽ thành cường quốc kinh tế theo đường lối kinh tế tập trung kế hoạch cho đến khi bị khủng hoảng mới giật mình.

Từ đó, Việt Nam học theo các xứ Đông Á và nhoài mình ra ngoài để xây dựng một nền kinh tế thị trường trên hình thức, chủ yếu là hướng vào xuất khẩu với kết quả là nhập khẩu các phương tiện sản xuất, đóng góp thêm một số giá trị gia tăng và bán ra ngoài. Khi nhập và khi xuất đều bị thị trường quốc tế chi phối là chuyện đang gặp ngày nay với nguy cơ lạm phát. Tệ hơn vậy, xã hội và kinh tế Việt Nam đang tách đôi, với khu vực hướng ngoại có vẻ thịnh vượng hơn trên bề mặt và khu vực nội địa thì vẫn nghèo túng trong thực tế. Ta có nền kinh tế tăng trưởng theo hai tốc độ, khủng hoảng xã hội hay chính trị vì vậy vẫn có thể xảy ra, và sẽ xảy ra.

Hỏi: Ông tỏ vẻ hoài nghi về mô thức phát triển kinh tế Đông Á, dù các nước đi truớd đã đạt nhiều thành quả rõ rệt. Vì sao vậy?

Đáp: Mô thức đó do Nhật Bản đề xướng và có giá trị cao nhất cho Nhật, vì dù sao xứ này vẫn là nước công nghiệp hóa ngang hàng các nước Tây phương, và giá trị đó vẫn bị thách đố như đã thấy trong vụ khủng hoảng xảy ra cho Nhật từ 1990 đến nay mới ngớt. Mô thức đó cũng có giá trị cho hai nền kinh tế rất tự do ở hai xứ rất nhỏ bé, là Hong Kong và Singapore. Hoàn cảnh đặc biệt ấy khiến họ có thể và chỉ là thương nhân quốc tế, không phải ưu tư về đa số dân chúng còn sống bằng nông nghiệp như các nước còn lại.

Trường hợp thứ ba, tốt nhiều hơn xấu là của Nam Hàn và Đài Loan, với kết quả ra sao chính quyền của các xứ đó nay đang cân nhắc lại. Sau cùng, có các nước lớn của Đông Nam Á, sau vài thập niên tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược kinh tế đó, họ đều gặp động loạn chính trị bùng nổ từ vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 và nay đang xét lại. Sáng suốt và đi sớm nhất trong số đó là Thái Lan, bên cạnh, may lắm có Malaysia.

Hỏi: Nguyên nhân vì sao lại như vậy?

Đáp: Tôi xin lấy một thí dụ cụ thể và gần gũi là các "Khu chế xuất". Mươi năm trước, vài xứ Đông Á có thiết bị lỗi thời đã gõ cửa bán cho Việt Nam qua mô thức gọi là Khu chế xuất, là những đặc khu kỹ nghệ chuyên về xuất khẩu, với thiết bị, nguyên vật liệu và công nghệ sản xuất chủ yếu nhập cảng từ ngoài. Phần đóng góp của Việt Nam chỉ có đất đai và nhân công. Khái niệm lỗi thời đó của Đông Á lại được Việt nam coi là hiện đại.

Lãnh đạo thì thích thành tích công nghiệp hóa trên bề mặt, đảng viên cán bộ thì thích vì lý do cụ thể hơn, nhờ có quyền quyết định về đất đai, vốn là "quyền sở hữu toàn dân" nhưng vẫn do nhà nước và tay chân nhà nước "thống nhất quản lý" và làm giàu to. Kết quả về kinh tế là gì? Chiến lược đó không chuyển giao công nghệ và không nâng cao trình độ tổ chức và kỹ thuật của người Việt ở bên ngoài các đặc khu ấy. Chúng chỉ huy động người dân vào làm công cho việc xuất khẩu, trở về vẫn tay trắng, không thể tự mình làm lấy được.

Trong khi đó, các xứ Đông Á kia đã leo thang lên trình độ sản xuất cao hơn, và giao động thị trường quốc tế thì mình lãnh hết. Chúng ta muốn học theo Tây phương ở cái ngọn và trước mắt thì học theo các nước đang học theo Tây phương, cũng ở tiến trình hiện đại hóa ngoài da.

Hỏi: Nhưng, nếu không có gì để xuất khẩu thì nhập khẩu nguyên vật liệu hay bán chế phẩm rồi chế biến thêm và bán ra ngoài tất cũng còn có lợi hơn là không làm gì chứ?

Đáp: Đấy là cái bẫy mà các nước nghèo ở Đông Á đã mắc ba chục năm về trước khi nêu câu hỏi là ta sản xuất lấy hay nhập khẩu và tái xuất khẩu? Cũng từ câu hỏi đó mới nảy sinh ra sách lược gọi là "thay thế nhập cảng", mua thiết bị và nguyên vật liệu vào chế biến sơ sài để cung ứng thị trường trong nước hoặc để bán ra ngoài, với trị giá đóng góp rất thấp, rồi vì đã đầu tư mua thiết bị thì tiếp tục mua nguyên vật liệu để nhân công khỏi thất nghiệp. Vấn đề là ta phải bước bằng hai chân, phải chú ý đến cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Nhưng, thói quen của các xứ nghèo là muốn hướng về xuất khẩu để mau đứng ngang tầm thế giới, và quên luôn đa số bên trong.

Hỏi: Ngoài nguyên nhân bắt chước ở ngọn, ông còn thấy những lý do gì khác nữa?

Đáp: Có lý do… văn hóa. Văn hóa là tập quán bất thành văn, không như luật lệ, mà khiến đa số đều hành xử theo một cách, dù chẳng bị ép buộc. Đa số các xứ Á châu đều bị nạn thực dân rồi chiến tranh rồi cách mạng nên quen nếp sống khổ cực và bất trắc, có phản ứng thắt lưng buộc bụng, có sức tiết kiệm cao và chịu đựng nhiều để thu nhặt lợi tức.

Khi mở cửa giao tiếp với bên ngoài, tập quán đó đi cùng chiến lược phát triển xuất khẩu dẫn đến tình trạng ngày nay, là nông thôn nhịn ăn để làm giàu cho thành thị, thành thị nhịn tiêu pha để chuyển tiền qua các nước giàu. Nhịn ăn và nhịn tiêu pha vì chiến lược phát triển nhờ xuất khẩu khiến người ta trợ cấp xuất khẩu bằng chính sách thuế khóa và bằng chế độ hối đoái, cụ thể là giữ hối suất đồng bạc cho thấp.

Thực tế thì mức tiêu thụ nội địa bị đánh sụt cho nhu cầu xuất cảng và càng làm nền kinh tế bị lệ thuộc nặng vào thị trường quốc tế. Chế độ tư bản thân tộc và nạn tham nhũng trong các xứ độc tài càng đẩy mạnh hiện tượng đó mà ngày nay ta mới chỉ thấy mặt nổi là chủ quyền kinh tế không có, phần đóng góp của quốc gia còn rất mỏng.

Hỏi: Trong phạm vi một chương trình chuyên đề hàng tuần, ta chưa thể nói ngay đến giải pháp, nhưng ông nghĩ sao về những bước sơ khởi để chấn chỉnh tình trạng này?

Đáp: Tôi thiển nghĩ là vấn đề rộng lớn này phải khởi sự từ cái đầu, từ giới lãnh đạo của nhiều địa hạt, chính trị, kinh tế và giáo dục. Từ ý thức trọng thực chất hơn là hình thức. Thực chất là Việt Nam có độc lập về hình thức mà không có chủ quyền về thực tế. Mà nói về chủ quyền, ta không nên trở lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hoặc đề cao cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc như giới lãnh đạo Việt Nam đang nói. Phải thắt lưng buộc bụng để mua lấy sự hiểu biết và phân phối sự hiểu biết đó một cách đồng đều, tức là cải tổ lại chế độ giáo dục đang chỉ muốn đào tạo người làm công, kẻ làm tớ.

Thứ hai, phải từ bỏ tinh thần chủ đất, chủ nô, tinh thần cho thuê đất thuê thợ kiếm lời, mà tìm cách kiếm lời ở phương thức khác. Cụ thể là chấm dứt nạn độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước để tư nhân được phát triển, và trước tiên phát triển cho thị trường tiêu thụ nội địa. Thị trường đó không có thành quả hào nhoáng nhưng bảo đảm cho sự ổn định xã hội. Và nhà nước nên chú ý đến người nghèo hơn là tìm cách bòn rút tài sản của người giàu. Qua khỏi bước đột phá về tư duy ấy ta mới có thể nói đến chiến lược hay chính sách để người Việt thực sự làm chủ nền kinh tế của mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.