Thị trường Thương phẩm
2006.08.30
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
Tiếp tục loạt bài về những chuẩn bị của Việt Nam cho viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về một đề tài khá chuyên môn mà quan trọng cho lãnh vực nông nghiệp Việt Nam là Thị trường Thương phẩm. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Trong một kỳ trước, khi bàn đến viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, ông có nói đến tình trạng thiếu chuẩn bị khiến nông gia Việt Nam bị thất thâu hoặc bị lỗ khi giá nông phẩm bất ngờ lên hay xuống trên thế giới. Vì vậy, kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta sẽ cùng trao đổi về những giải pháp khắc phục vấn đề ấy. Ông có ý kiến ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mươi năm về trước, khi bắt đầu quan tâm đến việc huy động vốn đầu tư, Việt Nam đã cho thành lập thị trường chứng khoán, nơi giao dịch mua bán cổ phiếu hùn hạp trong các công ty. Đây là những bước chập chững ban đầu với rất nhiều chuyện vẫn chưa hoàn hảo vì thiếu sự tin tưởng và điều ấy cũng dễ hiểu.
Bây giờ, và trả lời cho yêu cầu của thính giả, chúng ta có thể nói đến một loại thị trường khác có khả năng đáp ứng yêu cầu của nông gia trong khung cảnh mới là việc giao dịch sẽ tiến hành trong khuôn khổ toàn cầu. Tôi muốn khởi sự từ một thị trường mà ai cũng có thể nghe nói đến và là nơi mà những bài toán giá cả của nông gia có thể được giải quyết một phần. Đó là Thị trường Thương phẩm, hay Commodities Market.
Việt Long: Câu hỏi đầu tiên, Thương phẩm là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đơn giản thì đó là hàng hoá, không là dịch vụ. Nhưng, từ “hàng hoá” đã bị Karl Marx và lý luận thô thiển của ông trình bày và diễn giải sai lệch, với nhiều hàm nghĩa lẩn thẩn bên trong. Vì vậy, ta nên thống nhất dùng từ ngữ được các nước Á châu áp dụng từ lâu là “thương phẩm”.
Thương phẩm là các loại nguyên nhiên vật liệu được giao dịch mua bán dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng theo cùng một quy cách là được tiêu chuẩn hoá về phẩm và về lượng. Đó là các loại nông sản hay lương thực, các nguyên vật liệu gốc khoáng sản hay kim loại, các loại sản phẩm được giao dịch dưới dạng gọi là “để xá”, cồng kềnh và khó vận trù gọn nhẹ, và cả các nhiên hoạt liệu cho công nghiệp. Nói cho vắn tắt thì đó là nguyên nhiên liệu được mua về để chế biến ra thành phẩm tiêu dụng cho mọi người.
Việt Long: Ông có thể đơn cử vài thí dụ về các loại thương phẩm đó không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Về lương thực, ta có thể nói đến ngũ cốc, như gạo, bột mì, ngô bắp; hay cà phê, đường, đậu nành và cả thịt. Nếu khéo tổ chức thì Việt Nam cũng còn có hạt điều, cao lương, nước cam, dầu đậu nành, đậu phọng…. Về nông sản, ta có bông vải, cao su, len… Về nhiên liệu, ta có dầu thô, xăng, dầu cặn. Về kim loại ta có quý kim như vàng, bạc, platinum hay bạch kim, kền hay nikel, hoặc các loại kim khí dùng trong công nghiệp, như đồng, chì, nhôm, hay các kim loại hiếm quý như titanium, magnesium, molybdenum.
Nếu xét vào danh mục ấy, được kể ra với tính cách gợi ý, ta thấy ra rất nhiều sản phẩm gọi là đệ nhất đẳng, loại sản phẩm không thể thiếu trong tiến trình chế biến ra các sản phẩm tiêu thụ thường nhật của con người. Trước khi nhân loại tiến vào công nghiệp hoá thì các thương phẩm đầu tiên được ngã giá mua bán với nhau chính là lương thực và nông sản, sau đấy mới thêm dần các thương phẩm khác và sẽ còn thêm nữa tùy theo tình hình sản xuất và sinh hoạt của loài người. Và nhìn từ Việt Nam, nhiều sản phẩm của ta thuộc loại thương phẩm khả dĩ giao dịch mua bán trên thị trường này.
Việt Long: Bây giờ, ông vui lòng đi qua vấn đề thị trường, là nơi buôn bán các thương phẩm ấy.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ thời thượng cổ, trước khi có kinh tế gia để nói đến quy luật kinh tế một cách có hệ thống thì ta đã có bài toán kinh tế giữa người sản xuất và người tiêu dụng. Người sản xuất muốn sản xuất tối đa nếu thấy có lợi, nhưng sản lượng ấy có thể làm sụt giá nếu vượt quá số cầu của giới tiêu thụ. Ngược lại, nhà tiêu thụ cũng muốn có sản phẩm với giá cả và số lượng phù hợp với nhu cầu của mình. Làm sao dung hoà hai nhu cầu trái ngược và không thể định trước được trong tương lai? Một vụ thiên tai hạn hán có thể đánh sụt sản lượng khiến giá tăng vọt và vượt khỏi tầm tay của nhà tiêu thụ.
Vì vậy, từ trước khi có các kinh tế gia để dẫn giải dông dài về chuyện cung cầu và giá cả thì đã có thị trường thương phẩm, là nơi người mua và bán, nhà tiêu thụ và sản xuất, ngã giá trước với nhau về những gì sẽ mua sẽ bán, theo những điều kiện được tiêu chuẩn hoá. Thí dụ như bao nhiêu tạ gạo, loại gì, với giá bao nhiêu. Một thí dụ có thể hiểu ngay tại Việt Nam - mà với ý tiêu cực - là mua lúa non, nghĩa là đặt giá mua trước một số lượng lúa nào đó trước khi tới mùa gặt, trước khi có lúa…
Việt Long: Xin hỏi ngay ông một câu, là từ khi cam kết đến kỳ giao lúa biết bao chuyện bất trắc có thể xảy ra, làm sao người ta lường trước được?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì vậy mới có “thị trường thương phẩm” và có một thành phần trung gian ở giữa. Họ là gạch nối giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, để bảo đảm cho nhà sản xuất một giá mua đã biết trước và nhà tiêu thụ một giá bán đã định trước. Hai thành phần bán và mua có thể yên tâm lo việc canh tác hay sản xuất và chế biến vì đến kỳ hạn sẽ được cung cấp sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của mình. Nhà trung gian ở giữa gánh chịu những rủi ro bất trắc và có thể kiếm lời lớn hoặc lỗ nặng, nhưng nhà sản xuất và tiêu thụ thì tránh được những giao động ấy. Thị trường thương phẩm là nơi mà tính toán vì lý do trục lợi có thể đem lại sự ổn định trong giao dịch.

Ngày xưa, khi nông gia được mùa thì triều đình và nhà nước có thể thu mua nông sản với giá phải chăng để nông dân khỏi lỗ, và sau đấy phân phối nông sản này khi mất mùa để người tiêu thụ khỏi đói. Ngày nay, chính quyền hay nhà nước không làm việc thu mua, tồn trữ và tái phân phối ấy mà là tư nhân tự phát đảm nhiệm việc đó để kiếm lời ở giữa, và có khi bị lỗ! Nhật đã có thị trường ấy từ vài thế kỷ, Hoa Kỳ có lối làm ăn đó từ thời Tự Đức ở nước ta.
Việt Long: Chuyện này có vẻ thú vị, vì vừa cũ vừa mới, nhưng cũng hơi khó hiểu nếu ông không giải thích thêm một số điều...!
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa tôi biết vậy nên cũng xin có ngay một ý kiến là trong các kế hoạch viện trợ kỹ thuật muốn vận động nước ngoài hay các tổ chức quốc tế, Việt Nam nên đề nghị họ giúp mình hiểu được sự vận hành, cách tổ chức và nhất là hệ thống luật lệ điều tiết thị trường ấy. Người dân vốn rất bén nhạy trong tính toán kinh doanh có thể đã tự động nghĩ ra giải pháp giảm thiểu rủi ro hoặc gia tăng lợi nhuận của họ. Chính quyền sáng suốt là chính quyền không quá chậm hiểu ra sự vận hành của thị trường và yểm trợ chứ đừng bóp chất thị trường ấy bằng luật lệ.
Việt Long: Ông có thể diễn giải thêm chuyện này bằng một vài thí dụ được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, ta cần hiểu ra vài đặc tính của thị trường thương phẩm. Đầu tiên là khái niện “tiêu chuẩn hoá”: mọi việc giao dịch phải có cơ sở minh bạch là một khối lượng thương phẩm đồng hạng và đồng dạng về lượng và về phẩm. Thí dụ, một tạ hạt điều hay một tấn cà phê loại này loại khác, được minh định rõ ràng. Kế tiếp là khái niệm “hợp đồng” giao dịch, như tôi hứa mua hay bán một tạ hay một tấn hạt điều với giá định trước, hoặc sẽ được giao vào một thời hạn định trước. Các “hợp đồng” vì vậy là lời cam kết mua bán một số thương phẩm được tiêu chuẩn hoá về số lượng và chất lượng. Bây giờ, ta đi vào chuyện rắc rối hơn…
Từ bên Mỹ này, tôi có thể liên hệ với một hay nhiều hãng làm kẹo hột điều và đề nghị họ mua một số lượng hột điều của Việt Nam được tiêu chuẩn hoá. Với các hợp đồng mua ấy, tôi biết trước được giá sẽ bán và tìm đến nhà sản xuất tại Việt Nam để đề nghị mua, cũng qua các hợp đồng được tiêu chuẩn hoá. Đến kỳ hạn, tôi có thể lời hay lỗ nếu giá cả thăng trầm ngược với những tính toán của tôi, chứ hãng kẹo và nông gia bán hột điều thì đã có cơ sở tính toán việc sản xuất hay canh tác của họ là số hợp đồng giao dịch này. Thế rồi, trước kỳ hạn nhận hàng của nông gia trồng điều hay giao hàng cho hãng kẹo, tôi vẫn có thể mua hay bán lại các hợp đồng ấy, tức là mua hay bán các lời hứa, để kiếm lời thêm hoặc để tránh bị lỗ.
Trên thị trường thương phẩm, người ta không thực sự cầm lấy một tạ hạt điều hay một tấn cà phê mà là tờ hợp đồng và mua đi bán lại các hợp đồng ấy theo những thăng trầm của giá cả.
Việt Long: Thế trên thế giới, người ta giao dịch mua bán thương phẩm theo cách ấy hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không, người ta giao dịch mua bán còn tinh vi và phức tạp hơn nhiều. Trên thị trường thương phẩm, ta có loại giao dịch xin tạm gọi là “hữu kỳ”, tức là có kỳ hạn nhất định trong tương lai, gọi là Futures Market, theo đó người ta mua hay bán lời hứa hay “hợp đồng hữu kỳ” là tới kỳ hạn thì sẽ giao hàng và thanh toán. Gần tới kỳ hạn, thấy giá cả biến dịch ngược với dự đoá và mình có thể lỗ thì phải đóng chốt thủ thế bằng cách mua một hợp đồng ngược để lời chỗ này sẽ bù lỗ cho chỗ khác. Ở hai đầu thì nhà sản xuất hạt điều hay nhà chế biến hạt điều thành kẹo vẫn yên tâm tiến hành kế hoạch của mình mà khỏi lo sợ bị lỗ.
Việt Long: Nếu chúng tôi hiểu không lầm, ông muốn đề nghị thành lập một thị trường giao dịch thương phẩm để những người có tiền đầu tư tài chính tham gia vào việc mua bán ở giữa hầu bảo đảm cho người sản xuất và nhà tiêu thụ sự ổn định về giá cả. Thành phần đầu tư ở giữa sẽ lời ăn lỗ chịu nhưng ở hai đầu kia, liệu người bán đầu tiên và người mua sau cùng vẫn bình an hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy, nhưng thực tế hơn một chút thì thị trường tự nhiên sẽ tạo ra loại người kinh doanh theo lối môi giới như ông vừa nói. Họ là nhà đầu tư hay đầu cơ tùy cách ta gọi – mà theo định nghĩa kinh tế, đầu cơ là người đầu tư muốn có lời mau nhưng có thể bị lỗ nặng – và lãnh rủi ro ở giữa. Họ chuyển dịch rủi ro từ cả hai đầu mua và bán về phía họ để kiếm lời, và có khi bị lỗ. Vấn đề ở đây là chúng ta sắp mở cửa giao dịch với thế giới và thế giới đã có thị trường kinh doanh như vậy rồi mà mình chưa chuẩn bị, chưa có luật lệ điều tiết hay kiểm soát thì không lợi dụng được ưu thế của thị trường này, khiến nông gia của mình bị thiệt.
Các tin, bài liên quan
- Di chúc Doha
- Bảo hộ Nông nghiệp
- Vòng đàm phán Doha tan vỡ
- Tăng trưởng bằng mọi giá: nguy cơ của Trung Quốc
- Ðồng mỹ kim tại Việt Nam ngày càng trở nên thông dụng
- Chiến tranh và Kinh tế
- Cảm nhận của một số người dân về cuộc sống hiện nay
- Hiệu ứng Bắc Hàn
- Những tiệm Nail Shop ở Hà Nội
- Trâu chậm và Nước đục
- Khi kinh tế suy trầm
- Suy trầm Toàn cầu 2007 ?
- 50 thương hiệu sản phẩm và dịch vụ được bầu chọn danh hiệu Tin Và Dùng Việt Nam 2006
- Bảng tường trình sắp hạng các tỉnh tại Việt Nam trên lãnh vực doanh nghiệp
- Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ
- Doanh nghiệp nhà nước trước ngưỡng cửa hội nhập WTO
- Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về những thách thức khi Việt Nam hội nhập WTO
- Nhập cảng xe cũ: vấn đề gây nhức đầu cho các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như cho hải quan Việt Nam
- Việt Nam và APEC
- Mỹ kim sụt giá
- Những thuận lợi và thiệt hại của ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập WTO
- Phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về việc Việt Nam gia nhập WTO
- Việt Nam vào WTO
- Xã hội Chủ nghĩa Mỹ châu La tinh?
- Nguyên nhân và hậu quả của thị trường chứng khoán Hà Nội đột nhiên tăng giá mạnh