Món nợ của Hoa Kỳ


2004.09.01
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Tại Đại hội đảng Cộng hoà vừa khai mạc hôm qua tại New York, một vấn đề có khi sẽ bị khoả lấp trong không khí sôi nổi của cuộc tranh cử, đó là món nợ mà các thế hệ của ngày mai sẽ phải thanh toán cho mức sống sung túc ngày hôm nay. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tách vấn đề và hậu quả của nó với kinh tế thế giới, qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyền đề hàng tuần do Thy Nga thực hiện sau đây:

Hỏi: Thưa ông, sau Đại hội đảng Dân chủ tại Boston, hôm qua, đảng Cộng hoà đã khai mạc Đại hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 này. Theo nhận xét của ông, đâu là vấn đề kinh tế quan trọng nhất trong hai đại hội này?

Đó là vấn đề mà cả hai đảng đều rón rén bước qua nhưng tránh đề cập tới. Nói chung, một vấn đề mà giới chính trị đều ngần ngại nói đến trong một mùa tranh cử. Đó là sự khủng hoảng tất yếu của chế độ an sinh xã hội hiện tại, hoặc nói cách khác, là tình trạng thâm hụt khó tránh khỏi của quỹ hưu bổng, nếu giới chính trị không có can đảm xử lý bằng những biện pháp có thể là thất nhân tâm. Hôm Thứ Sáu vừa rồi, Thống đốc hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, tức là Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Alan Greenspan đã nhân một hội nghị định kỳ với giới lãnh đạo ngân hàng trung uơng của thế giới tại Jackson Hole ở tiểu bang Wyoming nhắc nhở tới vấn đề ấy.

Hỏi: Xin ông trước hết trình bày nội dung vấn đề, trước khi phân tách vì sao Chủ tịch Greenspan đã đề cập đến vấn đề này với giới lãnh đạo ngân hàng trung ương quốc tế.

Nôm na thì những người đi làm ngày hôm nay thường xuyên để dành một khoản tiền cho ngày sau, khi về già thì còn có lợi tức cho tuổi hưu trí. Vì một động lực khách quan của dân số, của nhân khẩu, trong các xã hội công nghiệp từ Tây qua Đông, tỷ lệ của thành phần lao động sẽ càng ngày càng thấp so với thành phần về hưu, cho nên tiền ký thác vào quỹ hưu bổng đó sẽ không đủ thanh toán cho người đến tuổi về hưu sau này. Nói cho dễ hiểu là các xã hội công nghiệp sinh đẻ ít hơn nên tỷ lệ dân số lao động tất nhiên giảm dần, nhưng nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuổi thọ trung bình lại kéo dài lâu hơn, số người hết tuổi lao động và sống nhờ hưu bổng sẽ tăng trong tỷ lệ dân số. Chế độ hưu bổng vì vậy có thể phá sản. Các xứ Tây Âu và Nhật đều gặp vấn đề này. Hoa Kỳ đón nhận nhiều di dân nên đẩy lui được hiện tượng lão hoá dân số ấy, nhưng không chóng thì chầy tất cũng gặp vấn đề này khi thế hệ sinh đẻ sau Thế chiến Hai, từ 1946 đến 1964, sẽ ồ ạt đến tuổi về hưu vào thập niên tới.

Hỏi: Nhưng vì sao mà vấn đề có tính chất toàn quốc như vậy lại được một thống đốc ngân hàng trung ương nêu lên, và nêu lên trước thống đốc của các nước khác?

Như tại nhiều quốc gia tiên tiến khác, ngân hàng trung ương tại Hoa Kỳ là định chế độc lập, Thống đốc không bị chi phối bởi các tính toán chính trị mà phải khách quan nhìn ra quyền lợi lâu dài của công chúng nên có thẩm quyền nêu vấn đề khi thấy trước hậu quả bất lợi cho người dân. Alan Greenspan lại nổi tiếng có tinh thần độc lập và rất nhiều lần khuyến cáo Quốc hội Mỹ phải giải quyết vấn đề. Cụ thể là ban hành những luật lệ có mục tiêu giảm thiểu phúc lợi về hưu trí cho giới cao niên để mọi người cùng ý thức mà chuẩn bị trước việc chi thu và đầu tư của mình, hầu mức sống về sau này khỏi bị đánh sụt.

Theo dõi kỹ nhận định của ông Greenspan từ nhiều năm nay, người ta phải thấy tiềm ẩn bên dưới là lời báo động rằng nước Mỹ đang vung tay quá trán, tiêu xài quá rộng và sẽ có ngày phải “tính sổ”, nói theo thuật ngữ kinh tế. Nói cho nôm na thì sẽ có ngày phá sản, bị khủng hoảng. Vì kinh tế các nước đang lệ thuộc quá nhiều vào sự thịnh suy của kinh tế Hoa Kỳ, một vụ phá sản như thế tất gây vấn đề cho toàn cầu. Do đó, ông Greenspan một lúc báo động trước cả hai thành phần là giới chính trị và giới ngân hàng nhà nước, và báo động ngay trước Đại hội đảng Cộng hòa.

Hỏi: Xin ông nói rõ hơn vì sao vấn đề hưu trí này lại liên hệ đến giới chính trị?

Thưa vâng, đối với thính giả ở xa, vấn đề có thể là hơi lạ. Hoa Kỳ có chế độ An sinh Xã hội, với tiền thu từ người lao động ngày nay để chi ra cho người về hưu ngày sau. Giới chính trị, trước hết là trong Quốc hội, có thể vì mục tiêu tranh cử mà có những đề nghị mị dân nhằm hốt phiếu của người cao niên đến tuổi về hưu nên hứa hẹn những khoản phúc lợi vượt quá khả năng thanh toán của quỹ an sinh. Nếu chuyện đó xảy ra thì sao? Thì khi ấy chính quyền sẽ phải đi vay bằng cách phát hành công trái trên các thị trường tài chính.

Trong năm mười năm nữa, khi thế hệ sinh đẻ sau Thế chiến II ồ ạt về hưu, công quỹ bị thâm hụt và việc phát hành công trái như vậy sẽ nâng cao lãi suất trên thị trường và lúc đó tiền tài cần thiết cho việc đầu tư và phát triển sẽ trở thành đắt hơn, khan hiếm hơn, nghĩa là kinh tế có thể bị khủng hoảng. Lúc đó thế hệ tương lai sẽ phải thanh toán cho sự hào phóng của ngày nay. Ông Greenspan nay đã 77 tuổi, sau năm nhiệm kỳ làm Thống đốc, ông báo động trước cái giá phải trả cho sau này để giới dân cử và chính người dân phải quan tâm mà nhìn thẳng vào vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên mà tuần qua, công ty hàng không United Airlines của Hoa Kỳ đã hăm dọa sẽ kết thúc các kế hoạch phúc lợi hưu bổng đã hứa và sẽ không đóng thêm 500 triệu đô la vào các quỹ hưu bổng pháp định của họ. Vấn đề phức tạp này liên hệ tới chuyện kinh doanh và thuế khoá của cả nước nên cần được giới chính trị giải quyết.

Hỏi: Và theo ông, vấn đề ấy cũng liên hệ đến các nước khác nữa?

Vâng, đó là lý do vì sao ta đề cập đến chuyện này trong mục chuyên đề hàng tuần. Chúng ta phải đứng lùi lại một chút thì mới nhìn ra toàn cảnh. Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế có mức tiết kiệm rất thấp và sức tiêu thụ rất cao. Các nước trên thế giới đều mong bán hàng cho Mỹ để làm giầu. Nhưng, khi việc chi thu của Mỹ gặp vấn đề như thế thì các nước sẽ ra sao, nhất là các nước Đông Á cho đến nay vẫn cứ coi xuất khẩu vào Mỹ là nguồn sống?

Nói cho dễ hiểu, dân Đông Á tiết kiệm trung bình gần một phần ba lợi tức, trong khi Hoa Kỳ hiện nay chỉ tiết kiệm khoảng 2%, một sự sa sút đáng ngại so với tỷ lệ 10% vào các thập kỷ 60-70, hoặc 5% vào các thập niên 80-90. Hậu quả của tình trạng đó là cả ngân sách quốc gia lẫn các trương mục vãng lai, hoặc nói theo ngày xưa, cán cân chi phó Mỹ bị khiếm hụt và được tài trợ bằng tiền để dành và ký thác của các xứ khác. Nhiều trung tâm nghiên cứu đã ước lượng là nước Mỹ hiện đang thu hút đến gần 80% tổng số tiết kiệm dư dôi của thế giới.

Nếu sau này, để bảo đảm chi trả đầy đủ các khoản phúc lợi được hứa hẹn ngày nay, Hoa Kỳ phải vay mượn thêm của thế giới, lãi suất toàn cầu tất nhiên sẽ gia tăng. Khi đó, giới đầu tư tại Việt Nam có thể phải trả tiền lời rất đắt và nếu khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ vì chuyện chi thu bấp bênh đó, tài sản lưu trữ bằng Mỹ kim sẽ ra cái gì, còn bao nhiêu?

Hỏi: Nếu vấn đề có thể nguy ngập như vậy thì tại sao lại không thấy dư luận chú ý?

Tôi thiển nghĩ là mình có nhiều cách giải thích. Thứ nhất là vì nó quá phức tạp nên quảng đại công chúng không am hiểu. Thứ hai, giới chính trị vốn dĩ chỉ hay quan tâm đến chuyện trước mắt và quyền lợi của thành phần ủng hộ mình nên dễ có xu hướng khoả lấp vấn đề bên dưới những biện pháp đắc nhân tâm mà có hại về dài. Về dài thì họ đâu còn cầm quyền nữa mà lo? Thứ ba, trên toàn cầu, giới đầu tư nhìn quanh thì vẫn thấy là dù sao thị trường Mỹ vẫn là nơi an toàn nhất và có lời nhất nên khi có tiền vẫn nghĩ đến việc đầu tư vào Mỹ.

Ngày nào tiền còn chẩy vào thị trường Mỹ như vậy thì ngày đó mọi việc còn lạc quan tốt đẹp, cho tới kỳ “tính sổ”, như đã từng xảy ra trong lịch sử của rất nhiều quốc gia. Nhật Bản đã gặp vấn đề này vì chế độ phúc lợi của họ và cho đến nay vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng. Hãy tưởng tượng là khi cả Nhật Bản, Âu châu lẫn Hoa Kỳ đều cùng gặp nhu cầu vay tiền thanh toán các khoản hưu bổng cho người cao niên quá đông thì kinh tế thế giới, nhất là Đông Á, sẽ ra sao?

Hỏi: Tại Hoa Kỳ, người ta có những giải pháp gì đối với vấn đề ấy? Về dài, và như mọi vấn đề có tính trường kỳ, ta đề cập đến khía cạnh văn hoá, thì xã hội Mỹ phải đề cao truyền thống tiết kiệm đã từng giúp quốc gia này trở thành cường quốc kinh tế trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ngay trước mắt, giới lãnh đạo chính trị phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn mà nhìn ra các khoản cam kết tốn kém về an ninh và kinh tế trong nước và trên thế giới để giảm bớt những hứa hẹn mà kinh tế Mỹ không thể tôn trọng được trong tương lai.

Đồng thời, phải tìm ra giải pháp sinh lời cho quỹ an sinh xã hội và kéo dài hạn kỳ về hưu pháp định, nghĩa là tuổi sẽ lãnh toàn phần hưu bổng của mình, thí dụ như từ 65 lên 67 tuổi, như ông Greenspan đề nghị. Theo đà này thì dân số trên 65 tuổi tại Mỹ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035 nhưng đến năm 2018 thì quỹ an sinh, được tài trợ bởi khoản thuế an sinh bằng 12,5% mức lương công nhân viên đã không thể thanh toán nổi những cam kết đang được ban hành ngày nay.

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, các nước khác phải làm gì đối với vấn đề ấy?

Trước hết là quan niệm lại sách lược phát triển trường kỳ của mình để giảm dần sự lệ thuộc vào việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hoặc tính toán mọi chuyện căn cứ trên những quyết định xuất phát từ Hoa Kỳ. Đây không phải là một vấn đề trừu tượng nếu ta nghĩ đến phát triển thị trường nội địa, nhất là của một quốc gia như Việt Nam sau này. Và trước mắt thì nên tìm hiểu bài học về tranh luận kinh tế chính trị trong một xã hội dân chủ. Ngay trước một Đại hội đảng mà Thống đốc ngân hàng trung ương lại nêu vấn đề nhức nhối như vậy ở Hà Nội chẳng hạn, ông ta sẽ bay chức, dù vấn đề đó chỉ xảy ra sau này, khi ông ta đã về hưu...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.