Mối nguy Lạm phát
2008.01.30
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long, RFA
Tổng cục Thống kê tại Việt Nam vừa cho biết là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 2,4% so với tháng 12. Và nếu so với tháng Giêng năm ngoái, lạm phát tại Việt Nam đã vượt quá 14%, một trường hợp chưa từng thấy trong cả chục năm nay và cũng chưa từng thấy trong cả khu vực Đông Á.

Trong chương trình chuyên đề tuần này của Diễn đàn Kinh tế, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khả năng ổn định giá cả của Việt Nam qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm 29 vừa qua, Tổng cục Thống kê của Việt Nam đã mới công bố một số dữ kiện về kinh tế trong đó đáng chú ý nhất là việc lạm phát trong năm qua đã vượt 14% và riêng trong tháng này thì gần lên tới 2,4%.
Mối lo về vật giá gia tăng đang ám ảnh nhiều người, nhất là trong dịp giáp Tết. Vì vậy, chúng tôi đề nghị là trong chương trình kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguyên nhân của lạm phát và về khả năng ổn định giá cả của Việt Nam qua phương cách quản lý kinh tế.
Sự khả tín của các thống kê
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói ngay về phương cách quản lý kinh tế ấy qua việc Tổng cục Thống kê loan báo những dữ kiện quan trọng về kinh tế. Chúng ta hãy tạm gác qua một bên mức độ chính xác của các thống kê, là điều mình vẫn còn phải trừ hao, mà chỉ nói đến những thông tin quá giản lược và không giúp gì cho nhà sản xuất hay người tiêu dùng.
Và tất cả đều được tráng bên ngoài một lớp men lạc quan. Thí dụ như ở tiêu đề bản tin: "kinh tế tháng 1 tiếp tục tăng trưởng nhiều mặt". Nếu đọc kỹ ta mới thấy là dù xuất khẩu có tăng gần 20% so với cùng kỳ của năm ngoái thì nhập khẩu lại tăng đến 27%, khiến Việt Nam bị nhập siêu, là nhập hơn xuất khẩu, tròn một tỷ Mỹ kim, gần một phần tư số xuất khẩu.
Đáng chú ý không kém về khả năng quản lý, ta thấy vật giá tại Hà Nội đã tăng gần gấp ba vật giá tại Sàigòn và lương thực, vốn là nhu yếu phẩm cho dân chúng thực ra tăng giá tới hơn 20%. Nếu có một cơ sở khảo sát độc lập có lẽ ta còn có nhiều thống kê chính xác hơn về một tình hình thật ra rất đáng lo ngại.
Chỉ trên bề mặt như vậy, ta thấy ra tàn dư của tình trạng "làm láo báo cáo hay" tưởng như phải chấm dứt từ lâu. Kinh tế thị trường khó phát triển trong tinh thần tô hồng thực tế như thế, nhất là khi nhà nhà đều lo ngại là vật giá và nhất là lương thực đã vượt khỏi tầm tay của nhiều người - dù có Tết hay không.
Đáng chú ý không kém về khả năng quản lý, ta thấy vật giá tại Hà Nội đã tăng gần gấp ba vật giá tại Sàigòn và lương thực, vốn là nhu yếu phẩm cho dân chúng thực ra tăng giá tới hơn 20%. Nếu có một cơ sở khảo sát độc lập có lẽ ta còn có nhiều thống kê chính xác hơn về một tình hình thật ra rất đáng lo ngại.
Việt Long: Ông cho rằng các thống kê này chưa đáng tin hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về sự khả tín của các thống kê do nhà nước thu thập và công bố trong một xã hội chưa thực sự có tự do thông tin, tôi chỉ xin nhắc tới một thành ngữ của giới kinh tế. Là "con số không biết nói dối, nhưng người nói láo cũng có thể tạo ra con số".
Cho nên mình cũng phải trừ hao, là điều mà giới đầu tư nước ngoài vẫn nói về tình trạng thống kê của Việt Nam và Trung Quốc, ngẫu nhiên sao cũng lại là hai quốc gia đang có mức lạm phát cao nhất trong khu vực, và cao nhất từ mươi năm nay. Chúng ta có thể thấy ngay trong đó một nguyên nhân chính, là khả năng quản lý vĩ mô rất kém của nhà cầm quyền.
Hiện tượng chung?
Việt Long: Nhưng xin hỏi ông ngay tại đây, với giá dầu thô tăng vọt và kéo theo nhiều mặt hàng khác thì nhiều nước trong khu vực cũng đang phải đối phó với nạn lạm phát, thí dụ như chỉ số giá cả tại Nhật đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đây có phải là một hiện tượng chung của các nước hay chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tại Nhật, chỉ số vật giá loại tiêu dùng - mà không kể thực phẩm tươi - có tăng thật vì dầu thô lên giá, nhưng không tăng tới mức đáng ngại như tại Việt Nam hay Trung Quốc. Người ta còn cho rằng Nhật đang thoát khỏi tình trạng giảm phát, và thật ra Chính quyền xứ này có khả năng quản lý vĩ mô tinh vi hơn người ta có thể nghĩ tại Hà Nội.
Nói đến khả năng quản lý vĩ mô, ta nghĩ sao về việc ngoại tệ, chủ yếu là đô la, đang tràn vào Việt Nam mà các ngân hàng không thu hút kịp? Và việc lãi suất ngân hàng vẫn được ấn định quá thấp nên tiền bạc vẫn dư dôi ngoài thị trường và góp phần thổi lên nạn lạm phát?
Chúng ta có nạn lạm phát tiền tệ, đi cùng với nạn lạm phát nhập khẩu vì giá cả thương phẩm hay dầu thô, nói chung là nguyên nhiên vật liệt đều tăng. Khi cả hai nền kinh tế có cùng một mô thức phát triển và cùng một cơ chế chính trị là Trung Quốc và Việt Nam đều bị lạm phát mạnh vào cùng lúc, chúng ta nên nhìn ra những bất toàn của mô hình đó.

Nguyên nhân
Việt Long: Nếu vậy, ta hãy đi lại từ đầu để cùng tìm hiểu về nguyên nhân trước khi mình nói đến việc quản lý. Vì sao lạm phát lại bùng nồ vào lúc này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta đều biết là giá lương thực và thực phẩm đã gia tăng mạnh trong năm qua trên thế giới, bình quân là 40% so với 16% của năm 2006. Nhưng Trung Quốc và Việt Nam cũng sản xuất nông phẩm và lương thực, vì sao nông dân tại hai xứ này lại bị thiệt hại nhiều nhất vì lạm phát?
Người ta có lý do trước mắt là dịch heo tai xanh khiến thịt thà lên giá và kéo theo giá tôm cá nhưng đấy chỉ là nguyên nhân ngắn hạn cho một số mặt hàng lương thực mà thôi. Nguyên nhân sâu xa nằm trong cơ cấu kinh tế là phương thức quản lý tập trung vào việc xuất khẩu với giá rẻ và tỷ giá rất thấp của đồng bạc. Chính là chiến lược ấy mới khiến tiền đồng được tháo ra như nước và gây ra lạm phát tiền tệ.
Trung Quốc còn biết sợ nên nâng lãi suất chín lần và tăng mức dự trữ pháp định để phần nào kềm hãm lạm phát, Việt Nam chưa đi tới chỗ đó mà chỉ tự hào là đạt tốc độ tăng trưởng trên 8%. So với giá lương thực đã tăng 22% thì con số trên không còn ý nghĩa gì, nhất là khi thực phẩm chiếm một tỷ trọng rất lớn, tới gần 40% ngân sách chi tiêu của các gia đình.
Khi một ông Bộ trưởng của Hà Nội phát biểu rằng "để kềm chế tốc độ lạm phát trong năm 2008, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng" - đó là tôi trích dẫn nguyên văn - thì mình phải tự hỏi là ông ta có hô khẩu hiệu để nói đùa hay chăng.
Việt Long: Dường như ông giải thích nguyên nhân chính của lạm phát là cơ chế quản lý và chiến lược kinh tế của Việt Nam, chứ không hẳn là một thất quân bình nhất thời của cung và cầu về hàng hoá hay tiền tệ. Nhưng vì sao điều ấy lại xảy ra vào lúc này, hai chục năm sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì một lý do đầy nghịch lý là Việt Nam đã quá thành công trong việc đổi mới nửa vời, đổi mới ở ngoài da, tại các đô thị mở cửa ra ngoài. Một năm sau khi bắt đầu hội nhập vào thị trường quốc tế với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì bắt đầu thấy ra những chênh lệch quá lớn ở bên trong cơ cấu xã hội. Nôm na là nhập khẩu cả lạm phát và đẩy lạm phát xuống thôn quê và các tỉnh nghèo đói.
Đẩy lạm phát xuống thôn quê
Nhưng đa số người dân vẫn chưa tiến tới tình trạng ăn ngon và bổ như vậy và vẫn cần tới loại lương thực cơ bản, nay đã trở thành đắt giá hơn. Vì khả năng quản lý kinh tế rất kém, hay rất chậm so với những bài toán quá mới, nên khi thất quân bình xảy ra, thành phần nghèo túng lại là nạn nhân đầu tiên.
Việt Long: Ông có thể giải thích điều này cho rõ hơn được không? Thế nào là đẩy lạm phát xuống thôn quê?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Việc đổi mới kinh tế có cải thiện mức sống của nhiều người, và vì vậy cũng cải thiện bữa ăn của nhiều gia đình khiến một số người tập trung ở thành phố có thể ăn ngon và bổ hơn. Vì vậy, nhu cầu về ngũ cốc hay ngô khoai để nuôi gia súc cũng tăng với tốc độ cao hơn dân số, nó tăng với đà tăng trưởng kinh tế.
Nhưng đa số người dân vẫn chưa tiến tới tình trạng ăn ngon và bổ như vậy và vẫn cần tới loại lương thực cơ bản, nay đã trở thành đắt giá hơn. Vì khả năng quản lý kinh tế rất kém, hay rất chậm so với những bài toán quá mới, nên khi thất quân bình xảy ra, thành phần nghèo túng lại là nạn nhân đầu tiên.
Nhìn một cách khác, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, và của cả Trung Quốc, là đi làm gia công cho thiên hạ để xuất khẩu tối đa. Những gì không có lợi cho việc đó thì bị lãng quên. Hạ tầng vận chuyển và phân phối không nhắm vào việc phục vụ thị trường nội địa và các địa phương mà nhắm ra nước ngoài nên vẫn còn quá thô sơ để có thể kịp thời giải quyết bài toán phân phối cho các vùng kém phát triển.
Việt Long: Nhưng từ nhiều năm nay, thế giới vẫn ngợi ca thành quả kinh tế của Việt Nam, và còn dự đoán Việt Nam có thể là một con rồng kinh tế mới. Ông nghĩ là thế giới lầm lẫn hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy là thế giới của các nhà đầu tư hay những ai tiếp cận với các nhà đầu tư, và nhìn vào Việt Nam từ mặt nổi đầy hào nhoáng ở thành phố. Ta có thể thấy nghịch lý ấy ở những trái bóng đầu tư đang căng phồng và sắp bể ở thành phố với những tỷ phú triệu phú sống như người Đài Loan hay Thái Lan, trong khi vật giá cũng căng phồng trong một địa hạt thiết yếu cho quần chúng bình dân, là lương thực.
Nhược điểm bất công của đường lối đổi mới nửa vời đó đang hiển hiện thành nạn lạm phát phi mã đối với mặt hàng nhu yếu cho quảng đại quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà cả hai quốc gia có cùng một mô thức phát triển là Trung Quốc và Việt Nam cũng có tỷ lệ bất công xã hội cao nhất Đông Á, nếu đo lường ở hệ số Gini hay lợi tức của nhóm dân số giàu nhất so với nhóm nghèo nhất. Mức chênh lệch giàu nghèo này đang gia tăng cùng tốc độ mở cửa mà đấy cũng lại là hai quốc gia tự xưng là xã hội chủ nghĩa.
Những lo ngại
Kinh tế Mỹ khó tránh nổi nạn suy trầm vì dư luận Mỹ đã hốt hoảng do hàng loại tin xấu được loan truyền làm lượng hàng bán lẻ sa sút nặng trong tháng 12 và sẽ còn sa sút trong tháng Giêng này. Mà tiêu thụ lại chiếm gần 70% tổng sản lượng Mỹ, khi dân Mỹ bi quan và bớt chi tiêu thì suy trầm càng dễ xảy ra. Khi suy trầm xảy ra, tiêu thụ tại Mỹ sẽ giảm, nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm theo.
Việt Long: Nếu như không có cải tiến thì tình trạng này có thể kéo dài được bao lâu? Và những gì có thể xảy ra sau đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu nhìn vào lịch sử Á châu trong trường kỳ với nhãn quan kinh tế thì nhiều biến động lớn có thể đã xảy ra vì khủng hoảng kinh tế và vì nạn lạm phát, trước khi từ ngữ này được phát minh. Nhà Minh sụp đổ năm 1644 cũng vì lạm phát khiến nông dân nổi dậy.
Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch cũng bị thua trận vào năm 1949 trước tiên cũng vì nạn lạm phát. Và vụ khủng hoảng Thiên An Môn khiến mấy ngàn người Trung Hoa bị tàn sát vào tháng Sáu năm 1989 cũng do nạn lạm phát châm ngòi. Vì vậy mà chính quyền Bắc Kinh đang coi lạm phát là vấn đề sinh tử và ráo riết đề phòng để khỏi bùng nổ thành động loạn sau Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng Tám này.
Lạm phát tại Việt Nam cũng thế, nó đang phơi bày nhiều nhược điểm của cơ chế chính trị và hệ thống quản lý kinh tế của xứ này. Ở một quốc gia có dân chủ, nếu chính quyền bất lực để dân đói khồ thì chính quyền đổ và người dân bầu ra một nội các mới để cải thiện tình hình. Tại Việt Nam và Trung Quốc, vì cơ chế chính trị hiện hành, khủng hoảng kinh tế sẽ biến thành động loạn xã hội và tất yếu trở thành khủng hoảng chính trị vì không thể thay thế chính quyền được.
Nếu không sớm giải trừ được lạm phát thì chẳng những uy tín của đảng và nhà nước bị sa sút mà cả đường lối gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" cũng bị người dân chối bỏ. Cho nên, chuyện vật giá lao thang tại Việt Nam không chỉ là một vấn đề kinh tế nhất thời. Nó là chuyện rất đáng lo, nhất là trong khung cảnh có nhiều bất trắc của kinh tế thế giới trong năm nay
Các tin, bài liên quan
- Hốt hoảng vì Khủng hoảng
- Tác động của việc Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất đối với kinh tế thế giới
- Việt Nam bán trái phiếu, tín phiếu để ngăn chận lạm phát
- Viện Nghiên Cứu Chính Sách
- Tẩu tán tư bản
- Yếu tố Kinh tế tại Đông Hải
- Viễn ảnh Kinh tế 2008
- Đầu tư Nước ngoài và Công đoàn Quốc doanh
- Suy trầm sắp tới