Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong khi các quốc gia cộng sản cũ như Liên Xô, Trung Quốc, nhiều nước Đông Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam, trên thực tế đang vứt bỏ chủ nghĩa xã hội để cải tổ kinh tế theo chiều hướng kinh tế thị trường toàn cầu hoá, thì tư tưởng xã hội chủ nghĩa lại có vẻ như đang sống dậy ở một phần rộng lớn tại châu Mỹ La Tinh.
Tuần qua, Cộng hòa Bolivia đột ngột ra lệnh quốc hữu hóa kỹ nghệ khí đốt và đòi các tập đoàn đầu tư nước ngoài phải thương thuyết lại hợp đồng liên doanh. Cùng với Cuba, Venezuela và vài nước khác trong khu vực, như Ecuador và Peru, quyết định của Bolivia khiến giới quan sát quốc tế nêu câu hỏi là châu Mỹ La tinh đang có xu hướng trở về xã hội chủ nghĩa không, và vì sao lại như vậy?
Diễn đàn Kinh tế sẽ đề cập tới vấn đề trên trong phần trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa để suy ngẫm về sự hấp dẫn của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời nói qua về trường hợp của Việt Nam. Tiết mục chuyên đề này do Việt Long thực hiện.
Hỏi: Trong khi thế giới đang ưu tư về việc giá dầu thô còn tăng và chưa có hướng giảm thì Bolivia lại ra lệnh quốc hữu hóa kỹ nghệ khí đốt của họ. Một số nhà quan sát nói đến sự hồi sinh của xã hội chủ nghĩa mà thế giới cho rằng đã phá sản sau khi khối Xô viết sụp đổ.
Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này ta sẽ cùng trao đổi về chuyện Bolivia và Mỹ châu La tinh để tìm hiểu về nội vụ và nhất là sự hấp dẫn của lý luận xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chúng ta sẽ nói về bối cảnh của vấn đề. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao lại có vụ Bolivia quốc hữu hóa ngành khí đốt?
Đáp: Câu trả lời ngắn gọn của tôi là sở dĩ Bolivia đi vào con đường bất ngờ này cũng vì tiến trình cải cách nửa vời theo kinh tế thị trường, với hệ quả đáng chú ý cho Việt Nam là sự sa đọa của hệ thống chính trị với nạn tham nhũng lan rộng trong tầng lớp lãnh đạo. Quần chúng bất mãn nên ngả theo giải pháp cực đoan và tai hại về dài, nhưng trước mắt lại có vẻ như hợp ý dân. Đây là bài học chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Hỏi: Trước khi nói đến một xu hướng chung của nhiều nước Mỹ châu La tinh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về trường hợp của xứ Bolivia này. Xin ông cho thính giả biết vài nét chính của Bolivia và vì sao họ lại có quyết định bất ngờ nói trên?
Đáp: Đây là một trong mấy nước nghèo nhất Mỹ châu La tinh, nằm kẹt trong lục địa giữa các nước - nếu kể theo vòng kim đồng hồ từ phía Tây lên - như Peru, Brazil, Paraguay, Argentina và Chile. Dù nghèo vậy, lợi tức đồng niên của họ tính theo tỷ giá hối đoái PPP cũng lên tới hơn ba ngàn Mỹ kim một năm một đầu người, tức là bằng với Việt Nam. Việt Nam xếp hạng thứ 123, Bolivia thứ 126, trong số gầ 200 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc.
Xứ này đã trải nhiều thập niên dưới chế độ độc tài và thực sự chỉ bắt đầu có dân chủ gần đây, như Việt Nam khi bắt đầu đổi mới. Nhưng việc giải tỏa chế độ quản lý kinh tế từ năm 1993 không đem lại lợi ích đồng đều cho các thành phần dân chúng và gây rất nhiều bất mãn xã hội. Một lãnh tụ của thổ dân thuộc sắc tộc Aymara là ông Juan Evo Morlaes Ayma thắng cử cuối năm ngoái với đảng có danh xưng là Phong trào Tiến lên Xã hội chủ nghĩa.
Nhậm chức tổng thống từ đầu năm nay, ông Evo Morales cuối cùng thi hành quyết định cực đoan nhất mà ban đầu chỉ nêu ra trong mục tiêu tranh cử, là quốc hữu hóa hệ thống khí đốt. Bolivia là mới tìm ra nguồn năng lượng ấy từ 10 năm nay và có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ nhì lục địa này. Khi lấy quyết định ấy, ông ta có thể đã ngả theo xu hướng cực đoan, hoặc chọn lựa giải pháp của Cuba và Venezuela sau khi gặp lãnh tụ của hai xứ này.
Đi vào chi tiết thì ta còn phải nói tới rất nhiều lý do, vừa nhân vừa duyên, để giải thích quyết định ấy, trong đó có cả lý do là tinh thần chống Mỹ, một lý do rất đáng kể tại Mỹ châu La tinh. Dù sao, dư luận thế giới có quan tâm vì Bolivia không là trường hợp duy nhất…
Hỏi: Chúng ta nói rộng ra ngoài khuôn khổ của Bolivia, đến những trường hợp khác, mà ông có thể liệt kê cho thính giả cùng rõ?
Đáp: Tại Mỹ châu La tinh, chúng ta có Cuba cho đến nay vẫn là một quốc gia cộng sản và khác với Việt Nam, xứ này từ chối cải tổ kinh tế và vẫn nắm chắc lá cờ chống Mỹ, chống tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường.
Bình thường ra, sau khi Liên xô sụp đổ làm Cuba mất hậu phương yểm trợ kinh tế, xứ này phải bị khủng hoảng. Nhưng trình độ dân trí và nhất là tinh thần chống Mỹ khiến chế độ Fidel Castro vẫn tồn tại. Sau đó lại có sự yểm trợ của Venezuela, một nước có trữ lượng dầu khí rất cao và đang do Tổng thống Hugo Chavez lãnh đạo.
Cả hai quốc gia này, và có thể kể thêm Bolivia kể từ đầu năm nay, đều có lãnh đạo cai trị dân theo xu hướng ta gọi là “đại chúng”, populist, thực chất là mị dân, tức là gây ra ấn tượng anh hùng hoàn toàn biểu kiến, rất hình thức, mà vẫn có tác dụng.
Việc Tổng thống Bolivia ồn ào cho quân đội đi vào chiếm đóng các giếng khí đốt và ban hành sắc lệnh quốc hữu hóa vào ngày Lao động Quốc tế mùng một Tháng Năm vừa rồi là một điển hình.
Tuy nhiên, ngoài ba nước ấy, nhiều quốc gia Mỹ châu La tinh đã bầu lên những lãnh tụ cánh tả, theo xu hướng xã hội chủ nghĩa cải lương, thực chất là bao cấp, như trường hợp của Argentina, Brazil, Chile, Ecuador hay cả xứ Peru. Một cách cụ thể thì Ecuador có thể sẽ theo hướng của Bolivia và ứng cử viên tổng thống tại Peru là Ollanta Humala cũng hứa hẹn điều ấy nếu đắc cử. Cho nên dư luận có quan tâm mới nói đến sự hồi sinh của xã hội chủ nghĩa.
Hỏi: Sau khi Liên xô sụp đổ, thế giới đã tưởng loài người thấy ra thực chất của ý hệ xã hội chủ nghĩa và nhiều người còn nói đến sự thắng thế tất yếu của tư bản chủ nghĩa, hoặc ít ra của kinh tế thị trường. Vì sao tại Mỹ châu La tinh lại còn có sự hồi sinh bất ngờ này?
Đáp: Tôi thiển nghĩ là như mọi khi, thế giới đã lạc quan thái quá. Thuần về lý trí thì xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản chủ nghĩa không thể giải quyết được bài toán kinh tế của nhân loại, dù Marx tự cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa của mình khoa học hơn lý luận xã hội chủ nghĩa không tưởng của nhiều người đi trước. Yếu tố gọi là khoa học trong tư tưởng của Marx là một huyền thoại, chuyện không có, như chúng ta đều biết. Kết quả là một sự không tưởng sắt máu.
Nhưng, hứa hẹn xã hội chủ nghĩa vẫn là một sự huyền diệu, như một thứ ma túy hơn là một tôn giáo, có khả năng quyến rũ những người cùng khốn hoặc yếu đuối. Cái nhân của vấn đề nằm ở tâm lý ấy vì người ta dễ mơ ước một thế giới đại đồng, mình cứ làm theo năng lực là tất nhiên sẽ được hưởng theo nhu cầu do nhà nước ban phát cho. Cái duyên là khi các chính quyền tiến hành cải cách kinh tế theo xu hướng tự do lại coi thường người dân và không quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Quần chúng bất mãn khi ấy dễ ngả theo xu hướng mị dân hay đại chúng, quy chụp mọi tội cho ai khác và lại đưa xứ sở vào khủng hoảng, là chuyện sẽ xảy ra cho Bolivia trong tương lai. Và lịch sử sẽ lại tái diễn… Mỹ châu La tinh sở dĩ gặp cảnh ngộ ấy cũng do sự bất lực của các chế độ tham ô thối nát đã đẩy dân vào con đường dại dột.
Hỏi: Nói thẳng vào trường hợp Bolivia, vì sao ông cho rằng cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa ngày nay sẽ dẫn tới khủng hoảng?
Đáp: Về mặt xã hội, quốc gia có chín triệu dân này chỉ có hơn hai triệu là thuộc sắc tộc Aymara là thành phần nòng cốt đã đưa ông Evo Morales lên, trên cao trào của những bất mãn xã hội. Cũng xin nói thêm là sắc tộc này sống nhờ một nghề đặc biệt là trồng cây coca, là loại cây có thể dùng để chế biến thành cocain, là một thứ ma tuý. Vì vậy Hoa Kỳ có gây áp lực để Bolivia giải trừ việc trồng coca.
Việc đó cũng gây phản ứng mạnh từ phía dân Aymara. Nhưng, nhiều sắc dân khác, nhất là tại tỉnh Santa Cruz sung túc nhất nước, lại không đồng ý với quyết định quốc hữu hóa ấy và còn đang đòi tự trị. Chưa hết nhiệm kỳ năm năm làm tổng thống, ông Morales có khi đã gặp khủng hoảng và xứ Bolivia có thể bị nội chiến.
Về kinh tế, như rất nhiều người ngả theo lý luận xã hội chủ nghĩa, ông Morales chỉ gặt hái thành quả ngắn hạn mà không nhìn ra tổn thất dài hạn, không chỉ cho mình mà cho cả xã hội. Bolivia nằm trong đất liền và cần tới sức đầu tư của các xứ khác để khai thác kỹ nghệ khí đốt, đứng đầu là xứ Brazil lân cận.
Khi quyết định quốc hữu hóa và sẽ bồi thường với giá tượng trưng, Bolivia gây vấn đề cho các lân bang, như Brazil, Argentina, Chile hoặc cả Peru, nên họ sẽ duyệt lại chánh sách năng lượng để khỏi lệ thuộc vào khí đốt Bolivia. Trước mắt là sẽ hết đầu tư thêm để khai thác khí đốt. Y như trường hợp của Venezuela, quyết định của Bolivia sẽ khiến giới đầu tư lánh xa và nguồn tài nguyên then chốt sẽ sớm thành lạc hậu.
Người ta ưa nói Bolivia là con lừa ngồi trên kho vàng. Lãnh đạo của họ vừa giết con gà đẻ trứng vàng nên sẽ có một mẻ trứng, rồi thôi. Mà Venezula cũng sẽ chẳng giúp gì thêm cho xứ này ngoài khẩu hiệu khích lệ hay dịch vụ tư vấn kỹ thuật vì ở xa và vì kỹ nghệ dầu khí của họ cũng sẽ gặp cùng loại vấn đề lạc hậu tương tự khi xua đuổi giới đầu tư ra ngoài.
Sau cùng, cũng cần phải nói thêm là đang say đòn chiến thắng, ba xứ Cuba, Venezuela và Bolivia còn đòi xây dựng một khu vực trao đổi mậu dịch riêng, gọi là “Thỏa ước Mậu dịch Nhân dân” để phá vỡ thế liên kết mậu dịch trong toàn vùng của các lân bang. Kết quả là sẽ thu hẹp khả năng trao đổi của mình và rốt cuộc thì người dân nghèo sẽ lại bị thiệt hại hơn cả.
Hỏi: Câu hỏi cuối, Việt Nam có thể rút tỉa được bài học gì từ những chuyện đang xảy ra tại Mỹ châu La tinh?
Đáp: Thứ nhất là đừng tưởng bở. Đừng tưởng rằng xã hội chủ nghĩa đang thắng thế tại Mỹ châu la tinh, hoặc Cuba đang sách động Venezuela và Bolivia mà chủ nghĩa Mác-Lenin đã có lý. Nó chỉ có lý cho thiểu số mị dân muốn nhân danh quần chúng bần cùng mà làm điều dại dột. Họ có thể làm giàu cho mình nhưng chắc chắn sẽ gây khủng hoảng cho xã hội.
Thứ hai, trong tiến trình đổi mới, kinh tế thị trường mà không quan tâm đến xã hội thì vẫn là mầm loạn. Xa là chuyện Mỹ châu La tinh, gần là tấm gương tầy trời của Trung Quốc.
Thứ ba, sâu xa hơn, ta cần chú ý đến một vấn đề rất nhạy cảm, là trình độ dân trí. Dù đã thấy sự độc hại của một tư tưởng, và thực tế thì Việt Nam đã trả giá quá đắt cho tư tưởng ấy, người ta vẫn có thể bị quyến rũ bởi những khẩu hiệu mị dân. Xu hướng mị dân sở dĩ vẫn có thể lên cầm quyền chỉ vì chính sách ngu dân trước đó. Xứ nào lầm lẫn thì xứ đó ráng chịu, nhưng dân Việt Nam đã bị thiệt thòi quá nhiều nên đừng để tái diễn chuyện ấy.
Ngần ấy bài học đều vẫn có tính cách thời sự tại Việt Nam nếu ta nhìn ra kết quả rất đáng thất vọng của Đại hội X vừa qua.