Tranh chấp vì năng lượng


2004.11.30

Điều mà mấy năm trước dư luận chưa thấy là năng lượng đã thành đầu mối tranh chấp ngoài Đông hải và có khi là đầu mối xung đột trong tương lai dăm ba năm tới đây. Diễn đàn Kinh tế phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài nóng bỏng này.

By line: Nguyễn Xuân Nghĩa

Hỏi: Thưa ông, trong những ngày qua, Việt Nam chính thức phản đối việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu Kantan 3 vào vùng quần đảo Hoàng Sa, mà quốc tế gọi là quẩn đảo Paracels và Trung Quốc gọi là Nam Sa. Nhìn từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về biến cố này?

Đáp: Tôi nghĩ rằng đây là biến cố nghiêm trọng, với nguyên nhân là kinh tế nhưng hậu quả có thể là tranh chấp thậm chí xung đột trong vùng Đông hải. Nguyên nhân kinh tế vì từ mấy năm nay, các nước Đông Á đều có nhu cầu lớn về năng lượng, đặc biệt là dầu hỏa và khí đốt, mà họ tin là Đông hải có trữ lượng dồi dào nên xứ nào cũng muốn khai thác.

Vấn đề đáng cho dư luận Việt Nam chú ý vì khu vực này có hai quần đảo xưa kia lãnh thổ Việt Nam, từ ba chục năm nay lại bị Trung Quốc rồi một số quốc gia khác đòi giành chủ quyền hoặc từng phần hoặc toàn phần. Việt Nam càng chú ý đến việc ấy vì hôm 19 Bắc Kinh đưa một dàn khoan từ Thượng Hải xuống dự tính khai thác tại quần đảo Hoàng Sa mà họ cưỡng đoạt khi tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hoà năm 1974.

Từ đó đến nay, Việt Nam và Trung Quốc có thêm hai lần đụng độ, vào các năm 1988 rồi 1992, vì tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, còn cách xa hơn ranh giới của Trung Quốc rất nhiều ở phía Nam. Lần này, địa điểm Trung Quốc tính khai thác tại Hoàng Sa lại cách biên giới Việt Nam có khoảng 116 cây số và cách phía cực Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc có 123 cây số nên dư luận mới lo về nguy cơ đụng độ.

Hỏi: Ông tin rằng nguyên nhân của những tranh chấp này là vấn đề năng lượng sao?

Đáp: Ít ra, đấy là nguyên do chính. Từ năm 1999 sau khi ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á, các nước trong khu vực cần nhiều năng lượng cho sản xuất, bình quân tăng gấp hai, tức là trong năm năm liền, mỗi năm gia tăng tích lũy khoảng 14%.

Trường hợp Trung Quốc còn đáng kể hơn, từ năm 2001 đến nay, số cầu về năng lượng của họ tăng gấp bảy chứ không phải gấp đôi. Với những bất ổn tại Trung Đông và giá dầu thô đã mấp mé 50 đô la một thùng, thì dầu thô trở thành sinh tử cho kinh tế nên việc tìm dầu trở thành một ưu tiên trước đây chưa có hoặc chưa thấy. Từ mấy năm qua, Bắc Kinh trù tính ký kết với 27 quốc gia khác nhau trên thế giới để bảo đảm nguồn cung cấp dầu thô và khí đốt, kể cả với xứ Iran vào cuối tháng trước.

Hỏi: Trước đây, các nước liên hệ trong vùng Đông Nam Á đã có đụng độ vì tranh chấp chủ quyền nhưng sau đấy đã dàn xếp quy tắc xử lý ôn hoà theo tinh thần cùng khai thác về kinh tế, vì sao giờ này tình hình lại có vẻ căng thẳng hơn? Đáp: Đây là câu chuyện dài với diễn biến có thay đổi. Sau hai lần xung đột mà đều thua, Việt Nam thấy là phải có sức mạnh mới bảo vệ được chủ quyền nên năm 1994 đã mua chiến đấu cơ tầm xa loại Sukhoi 27 của Liên bang Nga để chống lại chiến đấu cơ cùng loại ấy mà Trung Quốc cũng mua của Liên xô từ năm 1991.

Nói chung, cả hai đều mua võ khí của Nga, kể cả loại hỏa tiễn SS-N-22 để chống chiến hạm, nhưng Bắc Kinh có phương tiện trang bị dồi dào hơn nên mua cả loại Sukhoi 30 và tầu ngầm và Việt Nam bị yếu thế dù đã đầu tư rất tốn kém so với khả năng. Đây là ta chưa nói đến nhiều thua thiệt khác trên đất liền và ngoài vịnh Bắc bộ qua hai Hiệp định tai tiếng đã lén lút ký kết với Bắc Kinh mà không muốn cho dân chúng biết.

Vì Việt Nam yếu thế và mất đứt Hoàng Sa, bốn xứ khác cũng đòi chủ quyền hoặc toàn phần hoặc từng phần trên quần đảo Trường Sa. Đó là Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia. Nhưng, dù đòi như vậy, họ không trực diện tranh chấp với Trung Quốc và ngược lại còn bị khuyến dụ là hợp tác tay đôi để khai thác quần đảo một cách ôn hoà và cùng có lợi. Giải pháp ấy là do Trung Quốc đưa ra theo tinh thần hoãn binh để bẻ đũa từng chiếc vì họ đề nghị là 50 năm nữa mới bàn về chuyện chủ quyền, chứ trước mắt thì hãy cùng nhau hợp tác. Năm mươi năm nữa thì nước nào còn đủ sức đòi?

Hỏi: Và dần đây, hình như Philippines đã bọc xuôi theo đề nghị ấy phải không? Đáp: Thưa vâng, ta cần nhớ là đầu năm 1999, Manila có yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp trong vụ tranh chấp Trường Sa với Bắc Kinh, nhưng chính quyền của Tổng thống Bill Clinton khi ấy chỉ đồng ý tham dự một hội nghị quốc tế về Trường Sa nếu có, chứ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc.

Ngày nay, ưu tiên của Hoa Kỳ còn đổi thay mãnh liệt hơn vì cuộc chiến chống khủng bố, cho nên, đầu tháng Chín vừa rồi, Tổng thống Philippines là bà Gloria Macapagal-Arroyo đã ký kết với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào một loạt thỏa ước cùng tìm kiếm và khai thác dầu khí tại Trường Sa. Đây là một thắng lợi ngoại giao của Bắc Kinh vì lần đầu tiên đạt thỏa thuận với một nước Đông Nam Á có tranh chấp về Trường Sa và vô hình chung cô lập Việt Nam trong khu vực này.

Hỏi: Nhưng nếu các nước nhỏ không thể đương đầu khi gặp tranh chấp với Trung Quốc thì vẫn có thể hợp tác với các nước lớn khác để cân bằng thế lực nữa chứ?

Đáp: Thưa vâng, chẳng hạn như việc nhiều doanh nghiệp dầu khí Nhật Bản đã liên doanh với Petrovietnam làm Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, nói đến hợp tác với các nước khác thì có lẽ Trung Quốc già đòn hơn Việt Nam và Hà Nội có khi vừa bị hố nặng trong hội nghị thượng đỉnh ASEM vừa rồi mà dư luận lại không biết.

Hỏi: Xin ông cho biết sự thể này ra sao?

Đáp: Vừa rồi, giới lãnh đạo Việt Nam biểu dương thành tích ngoại giao khi mỹ mãn tổ chức Thượng đỉnh ASEM kỳ bốn tại Hà Nội vào đầu tháng 10. Thực ra đấy là thành quả biểu kiến khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac tham dự và nói chuyện với lãnh đạo Bắc Kinh. Chứ ngay tại Hà Nội, phái đoàn Chirac đã đạt nhiều hợp đồng lên tới hơn bốn tỷ đô la với Trung Quốc trước khi ông Chirac đến Bắc Kinh rồi đi Thượng Hải và nhiều tỉnh khác của Hoa Lục.

Ngoài các hợp đồng mua máy bay hay xe lửa, còn có các dự án năng lượng, kể cả năng lượng nguyên tử với 32 lò hạch tâm sẽ thiết kế trong 15 năm tới. Đáng chú ý là các tập đoàn dầu khí Pháp, nhất là tổ hợp TotalFinaElf, sẽ giúp Trung Quốc công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi. Vì vậy, khi ông Chirac mượn chuyện văn hoá để gián tiếp đả kích Hoa Kỳ thì Hà Nội lại tạo điều kiện cho Pháp và Trung Quốc đạt một số mục tiêu kinh tế. Nếu có ngày Pháp giúp Bắc Kinh khai thác kỹ nghệ dầu khí ngoài Đông hải thì Việt Nam càng gặp bất lợi hơn.

Nếu trong hợp tác với các tập đoàn quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị tham nhũng đục khoét làm dự án đầu tư kém hiệu năng thì các nước khác càng thấy làm ăn với Trung Quốc là có lợi hơn và an toàn hơn. Mối lợi biểu kiến hay cục bộ lại gây thiệt hại lớn lao và lâu dài là điều mà dư luận có khi không biết, và những người trong cuộc có khi bất cần.

Hỏi: Trở lại chuyện khai thác dầu khí tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo ông dự đoán thì tình hình sẽ biến chuyển ra sao?

Đáp: Tôi thiển nghĩ là có một số yếu tố khiến khu vực Đông hải và toàn vùng Đông Nam Á sẽ gặp bất ổn trong mấy năm tới, thậm chí nguy cơ đụng độ có thể xảy ra. Thứ nhất, Trung Quốc đang có xu hướng trở thành cường quốc đại dương thay vì chỉ là cường quốc đại lục như suốt sáu trăm năm qua. Giờ đây, nhu cầu năng lượng rất lớn càng đẩy mạnh việc Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng để bảo vệ quyền lợi sinh tử của mình.

Thứ hai, qua năm tới và mấy năm kế tiếp, Trung Quốc có thể gặp khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị, và đó là rủi ro lớn cho các lân bang. Thứ ba, vì vậy các nước Đông Nam Á đều tăng cường binh bị để phòng ngừa và toàn vùng có thể sẽ thấy tái xuất hiện một cuộc thi đua võ trang.

Thứ tư, trong lúc đó, Hoa Kỳ tập trung giải quyết vấn đề ưu tiên là cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo quá khích ngụy danh Thánh chiến nên toàn vùng có thể nhất thời thiếu mất một sức mạnh gián chỉ, một sức mạnh can ngăn, cho nên rủi ro xung đột vì Trường Sa và Hoàng Sa càng dễ xảy ra.

Hỏi: Dù sao, trong vùng Đông Á, ta còn phải kể đến một đại cường khác là Nhật Bản nữa, ông nghĩ sao về vai trò của cường quốc này?

Đáp: Nhật Bản cũng cần năng lượng, không kém gì Trung Quốc, và từ vài năm nay đã bày tỏ ý chí đảm đương một vai trò quốc tế ngày một chủ động hơn, trong đó có cả việc can thiệp về quân sự nằm ngoài lãnh thổ.

Tại Thượng đỉnh APEC 10 ngày trước của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đặc biệt có thái độ rất cứng rắn với Liên bang Nga về tranh chấp chủ quyền trên dãy đảo Kurile vùng cực Bắc mà Liên xô đã cưỡng đoạt nhân cái đà bại trận của Nhật vào tháng Tám năm 1945. Ông Koizumi cũng không giấu diếm sự bực bội với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc tầu ngầm Trung Quốc đã xâm nhập hải phận Nhật hồi đầu tháng.

Dư luận để ý thấy một điều là lãnh đạo Bắc Kinh rất ôn hoà nhã nhặn với Nhật. Cách đây đúng hai tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh chính thức bày tỏ sự ân hận là đã để xảy ra vụ tầu ngầm đi lạc vào hải phận Nhật vì bị trục trặc kỹ thuật! Bắc Kinh có thái độ rất khéo là mềm nắn rắn buông, vì cùng lúc ấy lại rất cương quyết và cứng rắn với các nước nhỏ yếu.

Do đó, nếu hữu sự thì các đại cường có khi sẽ tránh đối đầu trực tiếp và các nước nhỏ có thể bị hy sinh, như người ta đã từng thấy tại Á châu từ sau Thế chiến II. Lầm lẫn của quá khứ có khi sẽ lại tái diễn trong vòng năm năm tới.

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh ấy?

Đáp: Thật khó trả lời ngắn gọn, nhưng tôi thiển nghĩ là trước nhất, Việt Nam phải ý thức được một thực tế phũ phàng mà lãnh đạo Pháp là tướng de Gaulle đã nói năm xưa, rằng các quốc gia là những quái vật lạnh lùng, chỉ vận hành vì quyền lợi. Nghĩa là lãnh đạo Việt Nam phải coi quyền lợi quốc gia là tối thượng, thay vì chỉ ưu lo cho sự tồn tại của chính mình, hoặc của đảng cầm quyền.

Thứ hai, phải mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, kể cả các cường quốc trong vùng, mà đừng nghĩ đến chuyện kiếm lời cục bộ. Thứ ba, dù có khó khăn thì cũng nên tăng cường hợp tác với các nước ASEAN tại Đông Nam Á để có một thế phối hợp chung đối với Trung Quốc thay vì để bị bẻ đũa từng chiếc.

Thứ tư, cần thấy Hoa Kỳ vẫn là siêu cường Á châu và Việt Nam nên cải thiện quan hệ cho tốt đẹp hơn, kể cả về mặt kinh tế hầu vì quyền lợi của họ, Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói thuận tiện hơn cho phía mình. Nói vậy không có nghĩa là dựa vào Hoa Kỳ như một đồng minh để chống lại Trung Quốc.

Sau cùng, phải nhấn mạnh đến việc xây dựng thế đoàn kết quốc gia vì quyền lợi quốc gia, thay vì chỉ nghĩ đến việc lợi dụng sự đoàn kết hình thức, biểu kiến, để củng cố sức mạnh của một đảng độc tài. Lịch sử cho thấy là các chế độ độc tài đều bất lực khi gặp thách đố từ bên ngoài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.