Liên bộ Tài Chính Thương Mại Việt Nam hôm 19/8 phủ nhận các tin đồn ở Hà Nội cho rằng, nhà nước sắp điều chỉnh giá xăng dầu vì giá quốc tế leo thang. Giá dầu thế giới duy trì ở mức cao, hôm 18/8 một thùng dầu thô lên tới 47 đô la 37 tại thị trường New York. Do giá nhập khẩu tăng, nên các công ty đầu mối xăng dầu hơn một lần kiến nghị chính phủ cho phép tăng 10% giá xăng và 5% với giá dầu bán lẻ trên thị trường.
Các công ty nhập cảng xăng dầu cho biết, xăng nhập từ Singapore khi về tới cảng Saigon hiện nay có giá là 6 ngàn 850 đồng một lít, cộng thêm chi phí vận chuyển phân phối, hoa hồng cho đại lý, thì giá lẻ phải ở mức 7.100 đồng mới hòa vốn chưa có lời. Trong tình hình giá cả quốc tế hiện nay, các công ty đầu mối đang chịu lỗ một trăm đồng mỗi lít xăng. Còn dầu hỏa thì lỗ gần hai ngàn đồng , Diesel hơn một ngàn mỗi lít.
Ngày 19/8, Ông Nguyễn Tiến Thỏa Cục Phó Cục Quản Lý Giá Bộ Tài Chánh nói với báo chí ở thủ đô rằng, tin sắp tăng giá là tin đồn thất thiệt. Ông cho biết Bộ Tài Chánh đề nghị chính phủ giữ nguyên giá bán xăng dầu hiện nay, và chỉ khi nào giá dầu thô thế giới vượt ngưỡng 50 đô la một thùng và duy trì mức giá cao lâu dài, thời Bộ Tài Chính mới xem xét việc điều chỉnh giá.
Người dân ở Việt Nam nói rằng, vấn đề không chỉ là chuyện họ phải tiêu nhiều tiền hơn khi đổ xăng, nhưng là chuyện giá cả gia tăng dây chuyền nếu như chính phủ thả nổi giá xăng dầu: (audio clip)
Chính phủ Việt Nam đã hai lần tăng giá xăng trong năm nay, lần vừa rồi vào ngày 19/6 giá xăng bán lẻ tăng 16% từ 6 ngàn lên 7 ngàn một lít. Khi quyết định tăng giá, chính phủ nói là không thể duy trì bù lỗ mỗi ngày 26 tỷ đồng cho các công ty xăng dầu, để kềm giá thị trường. Trong khi đó một lượng lớn xăng dầu bị con buôn chuyển lậu qua biên giới để kiếm lời do chênh lệch giá. Ông Lê Đăng Doanh một chuyên gia kinh tế cao cấp ở Hà Nội xác nhận điều này: (audio clip)
Việc tăng giá xăng dầu hồi tháng 6 góp phần làm tăng vật giá nghiêm trọng dẫn tới lạm phát, vì thế chủ trương chấm dứt bù lỗ xăng dầu nhập khẩu, trên thực tế mới chỉ được chính phủ thực hiện một cách nửa vời. Hiện nay nhà nước vẫn còn trợ giá các mặt hàng dầu, duy có xăng là để thị trường định giá theo giá nhập khẩu, nhưng nói vậy mà chưa đúng như vậy, chính phủ vẫn còn can thiệp và ấn định giá bán.
Trong thời điểm hiện nay, các công ty xăng dầu cho rằng họ bắt đầu bị lỗ ngay cả với mặt hàng xăng, điều này có nghĩa chính phủ sẽ phải bù lỗ. Chính phủ ban hành Quyết Định 187 về cơ chế kinh doanh xăng dầu nhưng lại chỉ áp dụng một phần. Nội dung quan trọng nhất trong Quyết Định 187 hiện vẫn chưa được thực sự áp dụng. Đó là sự kiện chính phủ đưa ra giá định hướng đối với xăng dầu nhập khẩu, các doanh nghiệp được phép ấn định giá bán trong biên độ tăng 10% đối với xăng và 5% với các lọai dầu.
Các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu, hầu hết do nhà nước chi phối và cũng do nhà nước bù lỗ, nhưng trong cơ chế thị trường mọi doanh nghiệp đều muốn làm ăn có lời. Vì thế các doanh nghiệp mong muốn được áp dụng trọn vẹn Quyết Định 187. Về điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa Cục Phó Cục Quản Lý Giá Bộ Tài Chánh, cho báo chí biết, là nếu giá thế giới tăng cao hơn nữa thì mới xem xét điều ông gọi là áp dụng có liều lượng quyết định 187. Và ông Thỏa thêm rằng, Quyết Định 187 chỉ được áp dụng với mức độ thích hợp và chưa thể áp dụng ngay việc cộng thêm 10% giá bán lẻ đối với xăng.
Theo Vietnam Net ông Thỏa khẳng định là không tăng giá xăng dầu cho đến cuối năm 2004, theo ông nguyên nhân là để ổn định giá cả, ổn định nền kinh tế, ông Thỏa nhận định rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng rất có thể các mặt hàng khác sẽ tăng giá theo.
Các chuyên gia thị trường trong nước cho rằng, nhà nước hiện nay rất lúng túng trong việc thực hiện xóa bỏ chế độ bù lỗ giá xăng dầu. Vì hiện nay áp lực lạm phát đang đè nặng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà Nước phát hành tiền mới mệnh giá 100 ngàn, và chính phủ sắp phải tiêu khỏang 7 ngàn tỷ đồng để tăng lương công chức vào tháng 10 sắp tới.