Nhà văn Hoàng Lại Giang: "Việt Nam đang lo lắng về Công ước Berne"


2004.08.26
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Trong chương trình hôm nay, mời quí vị theo dõi cuộc nói chuyện giữa Gia Minh và nhà văn Hoàng Lại Giang, cựu giám đốc nhà xuất bản Văn Học tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước hết ông Hoàng Lại Giang cho biết ý kiến về việc tham gia công ước Berne: "Về chuyện này theo tôi là điều tất yếu phải làm và nên làm. Ở Việt Nam tất cả mọi lộn xộn đều bắt đầu từ chỗ là muốn lấy gì của ai thì lấy, tự do vô tổ chức. Việt Nam đang gấp rút làm việc này."

Gia Minh: Việc gấp rút đó được thể hiện như thế nào?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Tất cả các nhà xuất bản nháo nhác và lo lắng.

Gia Minh: Vì sao lo lắng?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Lý do là trước đây muốn in của ai thì cứ lấy mà in còn nay thì không được phép. Sắp tới thì các ấn phẩm sẽ ít đi.

Gia Minh: Theo ông thì các nhà xuất bản có lối ra nào chưa?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Nói chung họ cũng có tìm đối tác từ mấy năm nay rồi.

Gia Minh: Là một người họat động trong lĩnh vực văn học, thì ông thấy nhận thức của người trong ngành và công chúng nói chung về vấn đề bảo vệ tác quyền ra sao?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Nói chung hầu hết những người Việt chân chính đều ủng hộ việc này, đặc biệt những nhà văn thật, còn những nhà văn giả và nhạc sĩ giả, thì họ có con đường đi riêng của họ, tôi không biết. Tôi cho rằng ý thức của người Việt Nam tốt lắm nhưng người làm công quyền không nghiêm minh nên mới có những hiện tượng như vậy.

Gia Minh: Còn những người chân chính thì họ lên tiếng thế nàosao?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Hiện tại họ đang chờ đến ngày đó, nếu bị vi phạm thì họ yêu cầu được nhà nước can thiệp. Chắc chắn số này sẽ giảm.

Gia Minh: Vừa có nhiều người vi phạm nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn, vậy sắp đến đây thì mức độ hữu hiệu thế nào?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Theo tôi lần này khác những lần trước vì đã đi vào công ước quốc tế rồi. Lâu nay tôi hay làm việc với các dịch giả, các tác giả thì người Việt Nam vốn dĩ hoà vi quí, nên khi người vi phạm đến năn nỉ, than van xin thì miễn.

Gia Minh: Luật vi phạm bản quyền được cũ thể hóa và văn bản hóa ra sao?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Tất cả đều có nhưng tuyên truyền ít quá, nên người dân, bản thân tác giả không hiểu bao nhiêu. Tuy hiểu cơ bản là quyền của họ thì không được vi phạm, nhưng những người làm ăn không chân chính vẫn vi phạm, thậm chí nhiều giám đốc, kế cả Cục xuất bản cũng cấp giấp phép dù biết là tác giả không đồng ý.

Gia Minh: Hiện tượng đó được lên án thế nào?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Báo chí có lên án, có đóng vai trò lớn, lên công luận, và những nhà cầm quyền cao cấp có biết việc đó. Khi công ước có hiệu lực thì không thể nhập nhằng nữa đâu.

Gia Minh: Họat động này có hai chiều, là trong trường hợp tác phẩm trong nước bị bên ngoài in ấn không phép thì làm sao kiểm sóat?

Hoàng Lại Giang: (tóm lược) Ngay bản thân tác phẩm của tôi bị in ở bên Mỹ, Pháp thì tôi cũng không biết nhờ ai can thiệp. Tôi thì tôi nghĩ rằng tác phẩm của mình không lớn lắm, nếu được công bố rộng rãi thì tốt. Nếu anh em họ biết điều thì hay, nhưng đối với tôi thì tiền nong không quan trọng.

Gia Minh: Xin cám ơn.

Trên đây là ý kiến của nhà văn Hoàng Lại Giang về vấn đề bảo vệ quyền tác giả tại Việt Nam và việc tham gia công ước Berne. Nhà văn Hoàng Lại Giang là tác giả hai tác phẩm ‘Tình Yêu và Tội Lỗi’ và ‘Nỗi bất hạnh Tình Yêu’. Tác phẩm đầu đề cập đến vấn đề người tài mà không được bảo vệ; còn tác phẩm sau nói đến chuyện Cải cách ruộng đất ở Việt Nam trước đây. Trong một chương trình sau, mời quí vị nghe ý kiến của giám đốc một nhà xuất bản trong nước cũng bàn về vấn đề tác quyền khi Vịệt Nam tham gia công ước Berne. Mời quí vị đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.