3 tỷ rưỡi đôla kiều hối gởi về Việt Nam trong năm 2004


2004.08.27
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Lượng kiều hối từ hải ngọai gởi về Việt Nam gia tăng tới mức không ngờ có thể đạt 3 tỷ rưỡi đô la trong năm 2004. Chúng tôi ghi nhận ý kiến báo chí trong nước và người Việt hải ngọai chung quanh sự quan trọng của nguồn lực này.

Từ thời kỳ ông Tố Hữu, nhà thơ làm kinh tế những năm đất nước mới thống nhất, đến nay nhà nước Việt Nam đã thay đổi 180 độ từ những góc nhìn quá hạn hẹp của ông. Nếu đầu những năm 80, Phó Thủ Tướng Đặc Trách Kinh Tế Tố Hữu ra quyết định cấm người trong nước nhận quá 3 thùng quà mỗi năm do thân nhân từ nước ngòai gởi về, thì những tỷ đô la kiều hối ngày nay có thể xem là một phép lạ.

Qua thời kỳ đổi mới đến nay nhà nước Việt Nam dần dần nhận thức ra giá trị của những đồng đô la, mà việt kiều hải ngọai đổ mồ hôi thu vén gởi về giúp gia đình. Từ 1 tỷ đô la trong những năm 90, tăng lên 2 tỷ năm 2000 rồi 2 tỷ 600 triệu vào năm ngóai, dự kiến 3 tỷ trong năm nay và 3 tỷ rưỡi sang năm 2005.

Chúng tôi trao đổi với Luật Sư Nguyễn Tâm ở San Jose California Hoa Kỳ, ông đã đưa ra nhận định của mình về ý nghĩa của lượng tiền lớn lao do người Việt hải ngọai gởi về: "Nó mang rất nhiều ý nghĩa ảnh hưởng tới nhiều phương diện cả ở Việt Nam lẫn hải ngọai. Cụ thể nhất về kinh tế nó là một nguồn lực lớn mà tôi nghĩ Việt Nam nhờ thế đã tồn tại sống trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục nhờ vào đó.

Thứ hai nữa nó chứng minh rằng lực lượng hải ngọai ngòai lòng thương yêu dân tộc, còn có một khả năng kinh tế rất là dồi dào và trong tương lai sẽ có một vai trò lớn đóng góp cho xứ sở trên các phương diện kinh tế văn hóa xã hội và cả chính trị nữa. Người Việt hải ngọai có thể tạo ảnh hưởng cho người dân trong nước có sức mạnh kinh tế để vươn lên, đồng thời nhà cầm quyền cũng nhìn đó là cái nguồn lợi tức, để đánh giá lực lượng tương lai của việt kiều hải ngọai là một tiềm năng quan trọng trong kế họach chính trị của họ."

Hỏi: Ông có xem kiều hối chuyển về mang tính cách một thứ viện trợ không hòan lại.

Đáp: Thưa đúng thế, chính nhà nước cộng sản xác nhận đó là nguồn lực vô biên, một sự đầu tư miễn phí vô điều kiện mà đã nuôi sống đất nước và đã cứu sống chính họ trong thập niên 80 và cả tương lai nữa. Không có những lượng tiền đó có lẽ họ dã sụp đổ từ lâu.”

Bên cạnh nhận định của Luật sư Nguyễn Tâm một người việt hải ngọai, báo chí trong nước gần đây đánh giá cao về lượng kiều hối mà họ mô tả theo nguyên văn ‘Việt Nam không tốn đồng nào để có được vài tỷ đô la hàng năm’. Vietnam Net có sự ví von ‘ kiều hối thách thức cả ngành xuất khẩu.

Tờ báo dẫn chứng, năm 2003 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 20 tỷ đô la, nhưng lợi nhuận thực sự của các nhà xuất khẩu Việt Nam được bao nhiêu, sau khi đã trừ đi mọi chi phí sản xuất phân phối và xúc tiến thương mại. Vẫn theo tờ báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 3,6 tỷ đô la, để tạo ra doanh số này tòan ngành dệt may cả quốc doanh lẫn tư doanh phải huy động nhiều nguồn lực từ vốn, lao động và công nghệ. Vốn đầu tư tòan ngành dệt may lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng với hàng triệu công nhân lao động. Còn kiều hối không đòi hỏi những khỏan đầu tư như thế, và có thể vận dụng phương tiện có sẵn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, bưu điện, trung tâm thương mại.

Tuy vậy có những ý kiến cho rằng chính phủ cần khơi thêm dòng chảy kiều hối để thu hút ngọai tệ nhiều hơn nữa. Vì trên thực tế chính phủ dành nhiều ưu đãi cho ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các tổ chức phi tín dụng hay công ty kiều hối thì còn bị nhiều hạn chế trong họat động.

Ông Nguyễn Tuyên, Phó Giám Đốc Công Ty Thương Mại Eden, trực thuộc Tổng Công Ty Du Lịch Saigon phát biểu với Vietnam Net rằng, nên xóa bỏ sự bất hợp lý, đang hạn chế và cản trở sự phát triển họat động kiều hối. Ông cho rằng, công ty kiều hối cần được chủ động mở các điểm chi trả tại các nơi công cộng, như trung tâm thương mại, nhà ga, phi cảng. Thay vì phải liên kết với tổ chức tín dụng tạo thêm nhiều chi phí không cần thiết.

Được biết TP.HCM là nơi nhận kiều hối nhiều nhất trên cả nước, 8 tháng vừa qua, thành phố nhận tới 1 tỷ đô la từ người Việt hải ngọai. Đa số người nhận tiền đều bán ngọai tệ cho ngân hàng và tổ chức tín dụng để lấy tiền đồng. Chỉ quan sát riêng ở TP.HCM cũng sẽ thấy kiều hối ngày nay quan trọng như thế nào, đối với nền kinh tế nước nhà. 7 tháng đầu năm 2004, TP.HCM tổng thanh tóan nhập khẩu hơn 4 tỷ đô la, trong khi tổng thanh tóan hàng xuất khẩu chỉ đạt 2 tỷ 760 triệu đô la. Mức bội chi trong thanh tóan mậu dịch lên tới 1 tỷ 360 triệu đô la, lượng kiều hối nhận được ở thành phố gần như bù đắp hết khỏan chênh lệch vừa nói.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.